Một con cá bằng 5 tạ thóc

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/8/2011 | 10:24:20 AM

YBĐT - Tại sao ta lại không nghiên cứu để nuôi trong ao hồ như người dân ở xã Tân Hợp (Văn Yên) đã từng nuôi thành công cá quất cùng một số giống cá da trơn khác để mang lại hiệu quả kinh tế cao?

Các hộ nuôi cá quất ở xã Tân Hợp đang trao đổi kinh nghiệm.
Các hộ nuôi cá quất ở xã Tân Hợp đang trao đổi kinh nghiệm.

Hiện tại, cá quất (cá lăng) từ 3 kg trở lên bán tại chỗ có giá là 500.000 đồng/kg nhưng một số chủ quán cá ở thành phố Yên Bái cho biết họ phải mua lại với giá từ 700 đến 800.000 đồng. Như vậy, một con cá quất nuôi khoảng 3 đến 3 năm rưỡi với trọng lượng bình quân 6,5 đến 7 kg có giá tương đương với giá 5 tạ thóc. Tuy nhiên, các nhà hàng không phải khi nào cũng mua được vì loại cá này rất hiếm.

Sự tình cờ thú vị

Cá quất là cá da trơn thuộc họ cá chiên. Theo các nghiên cứu về cá này, nó chỉ sống ở một số dòng sông: sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Gâm, sông Chảy nhưng bác Tạ Văn Tân ở thôn 5 xã Yên Hợp (Văn Yên) cho biết hạ lưu của ngòi Thia cũng là nơi trước đây có rất nhiều cá quất.

Được biết, hiện chưa có tài liệu nào nói về nuôi cá này trong ao hồ nhưng vùng ven sông Hồng thuộc khu vực thượng huyện Văn Yên đã nuôi gần chục năm nay và xã Tân Hợp có thể coi là địa phương đầu tiên nuôi cá quất. Những người nuôi cá quất ở đây cho biết, việc nuôi cá cũng rất tình cờ khi một số thợ câu đi thả câu chùm dọc sông Hồng bắt được những con cá quất nhỏ bằng ngón tay cái đến cỡ nửa cổ tay. Thấy cá bé chưa ăn được, họ mang thả xuống ao nhà.

Một thời gian sau, khi tháo ao họ vô cùng ngạc nhiên thấy cá không chết mà còn lớn rất nhanh, thịt rất ngon. Một số người nhạy bén trong làm ăn đã chớp thời cơ hợp tác với những thợ câu không có ao để mua lại những con cá quất nhỏ về nuôi. Giá một con cá giống cỡ ngón tay cái từ 20 đến 30.000 đồng vì cá hiếm. Thế nhưng, cũng có những người như bà Từ Thị Bình ở thôn 5 mua được trên 200 con, ông Nguyễn Trọng Thực cùng thôn cũng mua được khoảng 200 con về nuôi.

Qua vài năm nuôi cá quất, bà con đều chung nhận xét là nuôi loài cá này rất thích bởi nó rất phù hợp với môi trường ao hồ. Nhiều năm nuôi cá nhưng chưa khi nào thấy loại cá này mắc bệnh, cá tăng trọng nhanh, số cá thả vào và khi thu hoạch không bị hao hụt.

Là loài cá ăn tạp nhưng ăn rất ít. Thức ăn của chúng chủ yếu là cá rô phi con, đòng đong, cân cấn và các loại côn trùng, phù du trôi từ ven đồi, khe nước xuống ao hồ khi có mưa to. Vì lượng cá giống rất hiếm nên mỗi sào ao chỉ thả vài chục con cá quất nên không bao giờ phải lo thiếu thức ăn cho cá và nó cũng không làm ảnh hưởng gì đến các loại cá khác như: trôi, mè, trắm, chép.

Từ việc nuôi được quất trong ao, ông Nguyễn Trọng Thực, ông Triệu Đình Lý cùng chung suy nghĩ chắc chắn sẽ nuôi được các loại cá khác cùng họ như cá chiên, cá nheo, cá ngạnh. Quả thực khi cùng nuôi những loại cá này với cá quất thì chúng đều phát triển tốt.

Riêng ông Lý còn phát hiện được một điều lạ là cá quất ăn tất cả các loại cá con nhưng chúng không gây hại đến cá quả sinh sản. Có thể nói, sự tình cờ thú vị trong việc nuôi được cá Quất ở ao hồ tại xã Tân Hợp đã hé mở một triển vọng kinh tế đối với loài cá đặc sản này.

Giải pháp ao nuôi?

Điều rất lạ là việc nuôi cá ở Tân Hợp (Văn Yên) đã diễn ra khá lâu nhưng khi những nhà nuôi sớm nhất, nhiều nhất được hỏi đã có cơ quan chuyên môn nào đến tìm hiểu hay hợp tác nghiên cứu loài cá này nuôi trong ao hồ hay không thì tất cả đều trả lời rằng chưa có.

Theo họ thì có vẻ như ngành nông nghiệp chưa biết là vùng này đã nuôi được cá quất trong ao hồ. Vì vậy, bà con thiếu thông tin về chuyên môn nên cứ tự nuôi cá quất như các loại cá khác nên có nhà đã gặp phải rủi ro, như trường hợp của gia đình bà Từ Thị Bình.

Khi thấy cá đã đạt trọng lượng khoảng 7 kg/con, gia đình bà Bình nghĩ rằng cứ để càng lâu thì cá càng lớn. Không ngờ vào một dịp giữa hè cách đây không lâu tự dưng cá bị chết gần một tạ lại toàn là cá cái bụng đầy trứng. Sau này gặp được người có chuyên môn hỏi ra mới vỡ lẽ là cá cái khi có trứng và khi trứng già mà không đẻ được thì cá rực trứng mà chết.

Theo đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết thì chưa có nơi nào nghiên cứu cho đẻ loài cá này nhưng Trại Cá giống Nghĩa Lộ sau khi cho đẻ thành công giống cá Bỗng nay đang tiếp tục phối hợp nghiên cứu cho đẻ thử cá chiên và đã có kết quả tốt. Chỉ có điều cá con lại bị chết dần nhưng dù sao nó cũng loé lên những tín hiệu đáng mừng vì phần còn lại chỉ tập trung vào việc nghiên cứu nguyên nhân vì sao cá chiên con bị chết dần. Hơn nữa, ở Trung Quốc người ta cũng đã cho đẻ thành công loại cá này thì ta cũng có thể làm được.

Việc cho cá chiên đẻ nhân tạo cũng gợi mở khả năng cho cá Quất đẻ được bằng phương pháp nhân tạo vì hai loại cá này không chỉ giống nhau về hình thức mà nó còn cùng là giống cá da trơn nước ngọt có trọng lượng lớn nhất trong cùng họ. Về cá quất bố mẹ, có thể liên hệ ngay với bà con ở Tân Hợp vì cá đã được thuần dưỡng trong môi trường ao hồ.

Dẫu vậy, trong lúc chờ các nhà chuyên môn nghiên cứu sản xuất thành công con giống của những loài cá quý hiếm này thì ngành nông nghiệp Yên Bái cần chủ động điều tra khu vực có cá quất sinh sống trên sông Hồng, sông Chảy, ngòi Thia để xây dựng phương án bảo vệ tạo nguồn con giống và hạn chế ô nhiễm môi trường nước.

Đi đôi với việc bảo vệ, ngành nông nghiệp cũng cần tập trung nghiên cứu nuôi cá Quất cũng như một số giống cá da trơn khác trong ao hồ để ổn định cơ sở khoa học kĩ thuật về chăn nuôi.

Vừa qua, ông Nguyễn Hữu Huỳnh - một người lái ca nô chở khách lâu năm tại cảng Hương Lý, thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình) cho biết, hiện đang có nhiều người dân lặn bắt cá hương của giống cá ngạnh trên hồ Thác Bà bán cho thương lái Trung Quốc với giá từ 4 - 5.000đồng/con. Như vậy là rất lãng phí và có nguy cơ dẫn đến tuyệt chủng loài cá này.

Ông Huỳnh cũng cho biết thêm, trên hồ Thác Bà đã có một số người đang làm lồng để nuôi cá ngạnh và Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản cũng xác nhận thông tin này. Thiển nghĩ, nếu nuôi lồng sẽ rất tốn kém về chi phí đầu tư đóng lồng, thức ăn, công bảo vệ và thậm chí là nguy cơ rủi ro cao. Vậy, tại sao ta lại không nghiên cứu để nuôi trong ao hồ như người dân ở xã Tân Hợp (Văn Yên) đã từng nuôi thành công cá quất cùng một số giống cá da trơn khác để mang lại hiệu quả kinh tế cao?

H.N

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục