Gà đông lạnh từ đâu đến?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/8/2011 | 3:08:40 PM

YBĐT - 2 tháng trở lại đây, trên thị trường thực phẩm thành phố Yên Bái xuất hiện loại thịt gà đông lạnh. Loại gà này rẻ hơn rất nhiều so với loại gà thông thường khác. Điều đáng lo ngại là khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ thì các chủ cửa hàng đều có câu trả lời chung: “Đây là gà công nghiệp đông lạnh”.

Sản phẩm gà đông lạnh không rõ nguồn gốc được bày bán ở nhiều chợ trên địa bàn thành phố Yên Bái.
Sản phẩm gà đông lạnh không rõ nguồn gốc được bày bán ở nhiều chợ trên địa bàn thành phố Yên Bái.

Gà đông lạnh… siêu rẻ

6h30 sáng, trong vai người mua hàng, chúng tôi có mặt tại chợ Yên Ninh hay còn gọi là chợ Bến Đò thuộc địa phận phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Xen lẫn những hàng cá tôm, hàng rau củ quả tươi rói là 5 - 6 hàng thịt gà đông lạnh, hàng nào cũng thùng to thùng nhỏ đựng đầy những chiếc đùi gà từ 400 gam đến 700 gam.

Đang “ngắm” những chiếc đùi gà to có phần da bao ngoài trắng bệch một cách đáng nghi, phần thịt bên trong cũng tím ngắt thì chị chủ hàng mời chào: “Mua đi em, gà ngon lắm đấy!”

- Gà gì đó chị?

- Gà công nghiệp, em ạ!

- Gà này từ đâu ra, chị nhỉ?

- Gà Hàn Quốc, em ạ!

- Có nhiều người ăn loại gà này không ạ?

-Nhiều chứ! Từ sáng tới giờ chị bán được mấy thùng rồi.

Không nhãn mác bao bì, những chiếc đùi gà được bảo quản trong các thùng xốp hoặc đựng chung vào một túi nilon to. Hạn sử dụng thì không ai có thể biết được, hay chính xác hơn hạn sử dụng là vô thời hạn.

Khi tôi tỏ ra e ngại về hạn dùng thì chị chủ hàng thuyết phục ngay: “Hàng của nhà chị lên đến đâu hết đến đó luôn, toàn gà mới”. Đúng là gà ở quầy này của chị đến đâu hết đến đó thật nhưng gà được giết mổ và để đông lạnh từ lúc nào cho tới khi nhập về bán ở quầy hàng của chị thì chị cũng không biết và gà có xuất xứ từ đâu cũng chẳng ai hay.

Mấy chiếc đùi gà bày ra để làm mẫu trên mâm đã bắt đầu quá trình rã đông. Lớp da trắng bệch giờ lại nhầy nhầy để lộ rõ lớp thịt bên trong thâm thâm màu tía. ấn ngón tay lên miếng thịt không thấy có độ dẻo của các loại thịt thông thường mà chỉ thấy cứng ở những phần còn đang đông đá và nhũn nhẽo ở những phần đá bắt đầu tan.

Loại gà công nghiệp đông lạnh này có giá bán lẻ từ 45 nghìn đồng đến 55 nghìn đồng/ kg, trong khi đó gà ta nguyên con cả lông có giá trên thị trường từ 110 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng/kg.

Đông “thượng đế” tìm mua

Sang một hàng gà đông lạnh khác đang tấp nập người mua, tôi hỏi một chị trung tuổi đang lựa những chiếc đùi gà lăn lộc cộc trên mặt kính của tủ đông lạnh: “Chị mua nhiều vậy à?”

- Ừ, về chiên với bột ngon lắm.

- Gà này ở đâu ra, chị nhỉ?

- Cũng chẳng biết đâu nhưng thấy rẻ mà ăn cũng được nên tôi hay mua lắm!

- Nhỡ là gà Trung Quốc?

- Gà Trung Quốc thì sao?

- Biết được người ta ướp cái gì?

Đến đây chị mua hàng tỏ ra khó chịu nói: “Nó ướp cái gì thì ướp”. Tôi bắt đầu thấy rùng mình về sự lơ mơ một cách vô trách nhiệm với chính sức khỏe bản thân của người mua hàng và cả những người thân của gia đình chị.

Ngay tại một chợ xép nhỏ tại phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái), chị H. chủ một hàng thực phẩm cho biết: “Một ngày cũng bán được hơn chục chiếc đùi gà tương đương gần 20 kg gà đông lạnh, chủ yếu cho công nhân và sinh viên”.

Anh T. ở phố Hoà Bình, phường Nguyễn Thái Học vừa mua gà vừa tâm sự: “Hai cái đùi gà mua hết 55 nghìn, trong khi ra quán cháo đêm một cái đùi gà những 50 nghìn, đắt gấp đôi. Mà cũng là gà này chứ gà gì, làm gì có gà ta”.

Em H. sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái cho biết: “Em cũng thấy đáng nghi về loại gà này, nhưng sinh viên ít tiền, thịt gà này rẻ hơn thịt lợn rất nhiều”.

Nhiều người dân vẫn thản nhiên mua gà đông lạnh siêu rẻ không rõ nguồn gốc.

Thật giả… lẫn lộn

Chị Nguyễn Thị Hiền ở phố Hòa Bình, phường Nguyễn Thái Học cho biết: “Thịt gà đông lạnh cho thêm tiền tôi cũng không dám ăn. Không biết nó từ đâu ra và biết nó ướp cái gì vào mà để được lâu như thế chứ?”.

Chị Vân ở phố Đoàn Kết, phường Yên Ninh còn thận trọng hơn: “Từ ngày nhìn thấy gà đông lạnh bán ở chợ, đi ăn quán, nhà hàng tôi không dám gọi món gà nữa vì không biết đâu thật, đâu giả. Thận trọng vẫn hơn”.

Đúng vậy! nhiều người có kinh nghiệm chế biến thực phẩm cho hay, luộc gà thịt bở chỉ cần cho một chút xíu phèn chua vào thịt gà sẽ trở nên dai và da gà sẽ giòn hơn. Hay khi chế biến món gà rán thì chỉ cần rán ngập dầu chiên vàng giòn, tẩm mật ong, gia vị khi ăn khó có thể phát hiện ra gà đông lạnh.

Nhiều người còn cho biết nếu sử dụng gà đông lạnh làm ruốc xao “xém cạnh” rồi cho vào cháo, bánh cuốn thì khó có thể phân biệt được... Trong khi giá thịt lợn đang ngày càng tăng thì việc các nhà hàng lựa chọn gà đông lạnh làm nguyên liệu chế biến bởi hai yếu tố rẻ và để được lâu là điều đương nhiên. Còn việc gà được giết mổ từ khi nào, chất lượng thực sự ra sao còn là bài toán chưa có lời giải!

Lân la sang các hàng rau củ quả tại chợ Yên Ninh thành phố Yên Bái, nhiều người “tố cáo”: “Gà này nhập từ Trung Quốc đấy!”. Nhiều chủ cửa hàng thực phẩm tại các chợ trên địa bàn thành phố cho hay: “Tàu từ Lào Cai về, đùi gà đông lạnh lăn lông lốc như đá trên sân ga”...

Sự thật về gà đông lạnh và sản phẩm này đến từ đâu vẫn đang là một câu hỏi chưa có lời giải đang rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Thanh Ba

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục