Xa lắm Làng Lao!
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/9/2011 | 9:26:00 AM
YBĐT - Cách trung tâm xã Cát Thịnh (Văn Chấn) 35 km, Làng Lao nằm giáp ranh giữa huyện Phù Yên (Sơn La) và xã Làng Nhì huyện Trạm Tấu. Đường đi đến rất khó khăn, nhiều đoạn phải vượt qua lớp đá tai mèo sắc nhọn, đoạn thì mò mẫm đi trên thân cây bắc qua khe núi… Vì vậy, cuộc sống người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn.
Một góc Làng Lao.
|
Cả thôn nêu cao tinh thần “tự cung tự cấp”, không có lấy một mét vuông xây dựng hay một mét kênh mương nào. Ở những chỗ sử dụng nước người dân dùng gỗ rừng để lát, phi đựng nước cũng làm bằng gỗ. Nước sinh hoạt được lấy về từ các con suối, dẫn bằng những cây nứa bổ đôi, phía trên từng đàn trâu thi nhau đằm, và “bậy” ra luôn đó, cả bản không có lấy một nhà tiêu hợp vệ sinh... Nghĩa là tất cả mọi thứ ở đây đều hoàn toàn tự nhiên!
Cách trung tâm xã Cát Thịnh (Văn Chấn) 35 km, Làng Lao nằm giáp ranh giữa huyện Phù Yên (Sơn La) và xã Làng Nhì huyện Trạm Tấu. Đường đi đến rất khó khăn, nhiều đoạn phải vượt qua lớp đá tai mèo sắc nhọn, đoạn thì mò mẫm đi trên thân cây bắc qua khe núi… Vì vậy, cuộc sống người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn.
Làng Lao và những cái khó
Gửi xe tại khu nhà điều hành Thủy điện Vực Tuần, thôn Đồng Hẻo, xã Cát Thịnh. Hỏi thăm đường đến Làng Lao, ai cũng lắc đầu: “Cứ theo đường mòn mà đi, khắc đến. Mấy anh mà đến được thì quá giỏi”. Vậy là sau hơn 8 tiếng vượt qua lớp đá tai mèo cùng nhiều thác cao, vực sâu… chúng tôi tới được Làng Lao - ngôi làng nhỏ nằm dưới thung sâu.
Đầu thôn, thấp lè tè vài nóc nhà mái lợp gỗ pơ mu đen sạm. Càng vào sâu, không gian càng có vẻ u tối hơn bởi trời mưa lâm thâm, nhà trong thôn bao bọc bởi núi rừng. Người dân nơi đây nhìn chúng tôi với ánh mắt lạ lẫm, đầy thắc mắc, những đứa bé thì e dè nấp sau cánh cửa, ngó đầu ra nhìn. Trưởng thôn Sùng A Trang liệt kê:
“Thôn Làng Lao có 58 hộ với 390 nhân khẩu thì cả 58 hộ thuộc diện nghèo, trong đó chừng trên 20 hộ đói. Chỉ số ít người tự khai hoang ruộng nước, còn đa phần trồng lúa nương và sống dựa vào rừng”. Được biết, khó khăn nhất với bà con Làng Lao là không có đường vì đường từ xã đến thôn chủ yếu là đường mòn cheo leo trên vách núi nên ngựa cũng không đi được. Do vậy, để mang về các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ sinh hoạt không còn cách nào khác là gùi trên lưng.
Các thanh niên trong làng phải thay nhau khiêng em Hờ Thị Tồng xuống bệnh viện.
Hôm chúng tôi lên Làng Lao, giữa đường gặp hơn 10 thanh niên trong làng thay nhau khiêng em Hờ Thị Tồng - 15 tuổi xuống bệnh viện vì đau bụng, sốt rét, đi ngoài. Theo Sùng A Cớ cho biết thì em Tồng đã bị bệnh hơn một tuần rồi nhưng người thân để ở nhà chữa bằng thuốc nam và cúng rồi nhưng không khỏi. |
Cũng vì đường khó đi nên hơn 3 ha lúa nước của người dân Làng Lao từ hồi khai hoang tới giờ chưa biết đến hạt phân hoá học hay thuốc phòng trừ sâu bệnh, năng suất lúa rất thấp, năm nào được mùa cũng chỉ 2 tấn/ha. Vì vậy, những thửa ruộng lúa của người dân trên đường vào thôn đã gieo trồng được gần hai tháng nhưng cứ vàng vọt, còi cọc không thể lớn được. Cũng do đường xa nên cán bộ khuyến nông cũng không thường xuyên lên vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được. Gia súc có nhiều nhưng dân vẫn chăn nuôi theo phương pháp thả rông nên không tận dụng được nguồn phân chuồng cho sản xuất…
Không có điện, đồng nghĩa với việc không có thông tin liên lạc, người dân chẳng hay biết gì về thế giới bên ngoài. “Quả thực xã hội bây giờ phát triển ra sao, chúng tôi cũng chịu”, ông Trang phân trần. Cả thôn nêu cao tinh thần “tự cung tự cấp”, không có lấy một mét vuông xây dựng hay một mét kênh mương nào. Ở những chỗ sử dụng nước người dân dùng gỗ rừng để lát, phi đựng nước cũng làm bằng gỗ. Nước sinh hoạt được lấy về từ các con suối, dẫn bằng những cây nứa bổ đôi, phía trên từng đàn trâu thi nhau đằm, và “bậy” ra luôn đó, cả bản không có lấy một nhà tiêu hợp vệ sinh... Nghĩa là tất cả mọi thứ ở đây đều hoàn toàn tự nhiên!
Anh Hờ A Hành, Bí thư Chi đoàn thôn Làng Lao cho biết cả thôn có hơn 60 thanh niên nam nữ nhưng chẳng ai có nghề nghiệp gì để có thu nhập thường xuyên. Cũng có vài người đi xin việc làm nhưng đi được vài ngày lại trở về vì không đâu chịu nhận do trình độ quá thấp. Hành thổ lộ: “Chẳng nhẽ cứ bó gối ngồi nhà, thế là rủ nhau ba bốn người thành một nhóm, lên rừng chặt gỗ tạp xuôi theo dòng ngòi Lao về bán cho mấy cơ sở gỗ ván bóc ở ngoài ngã ba. Mỗi chuyến đi khoảng 3 - 5 ngày được 4-5 khối gỗ, trung bình kiếm được hơn 100 nghìn đồng/ngày”. |
Chuyện học ở Làng Lao mới cực kỳ hiếm thấy. Cả thôn chỉ có hai phòng học khoảng 20 m2 được dựng chênh vênh bên sườn núi, tả tơi và xiêu vẹo không đâu bằng. Theo ông Sùng A Vàng- nhà gần trường học thì điểm trường này mỗi năm ngành giáo dục tăng cường lên đây 2 giáo viên, một giáo viên dạy lớp 1 và một giáo viên dạy lớp ghép 2+3.
Hôm chúng tôi lên, học sinh các nơi khác đã đi học được nửa tháng rồi nhưng ở đây vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Trong phòng học, gà, lợn của người dân vào bới tung tóe. Được biết do chỉ có đến lớp 3 nên học sinh muốn học lớp 4 phải xuống học ở trung tâm xã cách nhà 30 km đường rừng nên phần lớn các em học xong lớp ghép này đều bỏ học với lý do “đường sá xa xôi cách trở, dân lại nghèo, cái ăn còn không có, lấy gì để mua sách vở, áo quần?”.
Đói nghèo và lạc hậu đeo bám cuộc sống người dân Làng Lao.
Lớp học ở Làng Lao.
Mong ước của dân
Được biết, ở cuối thôn Làng Lao, UBND xã Cát Thịnh đã bố trí một khu dân cư mới để bà con di dời xuống nhưng người dân vẫn chưa thể hạ sơn vì không có đất sản xuất nên tại khu định cư mới này hiện mới chỉ có vài ba ngôi nhà dựng xong phần khung để đấy, cách đó không xa cũng có năm bẩy hộ san gạt nền nhà xong cũng bỏ đấy.
Ông Vàng A Tếnh - Bí thư Chi bộ thôn cho biết: “Hạ sơn thì ai cũng muốn nhưng xuống rồi chẳng biết làm gì để sống. Đất sản xuất nông nghiệp không có, đất rừng chung quanh thì nhiều nhưng đã có chủ. Những cánh rừng gần khu vực hạ sơn đa số là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, có gần 600 ha là rừng tự nhiên sản xuất thì chính quyền địa phương đã giao cho Công ty Minh Tiến (Phú Thọ)”.
Mong ước lớn nhất của người dân Làng Lao hạ sơn là có đất để sản xuất, có điện thắp sáng, còn những cái khác thì từ từ có cũng được”. Ông Sa Quang Huy cho biết thêm, hiện nay, xã đang vận động 45 hộ dân xa nhất của Làng Lao hạ sơn nhưng cũng rất khó khăn mặc dù UBND huyện Văn Chấn hỗ trợ mỗi hộ san tạo nền nhà được 4 triệu đồng và 70 tấm lợp phi brô xi măng.
Rời Làng Lao, trong tôi vẫn ám ảnh hình ảnh 5 đứa trẻ nhà chị Sùng Thị Chu ngồi quây quần bên mâm cơm dưới ánh sáng yếu ớt của buổi chiều mưa bởi “đèn dầu thì phải chờ đến tối hẳn mới thắp”, trên bàn chỉ có mỗi nồi cơm và bát măng ớt đỏ ối. Mẹ chúng còn bận đi nương, bố đi rừng đã mấy ngày nay chưa về…
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Đã có lúc Đoàn Luật sư (LS) của tỉnh Yên Bái lên tới 14 thành viên. Tuy nhiên, do đặc thù của địa phương rất ít LS có thể sống được bằng nghề. Phần lớn những LS trẻ mới gia nhập đoàn được một hai năm đã vội vã “chia tay”.
YBĐT - Những cực khổ, tủi hờn họ đã nếm trải qua. Còn đọng lại tình người nồng ấm mà những y, bác sỹ nơi đây giúp họ gắng gượng chống chọi lại bệnh tật, số phận với niềm tin về tương lai tươi sáng.
YBĐT - Nhìn những cánh rừng, những vạt sắn xanh biếc khắp đất Yên Thành, tôi mừng thấy có một Yên Thành xanh thật xứng đáng.
YBĐT - Xã Xuân Long, huyện Yên Bình (Yên Bái) là xã đặc biệt khó khăn, trong đó thôn 11 là cái “rốn” của sự đói nghèo và thiếu thốn. Không điện, không đường, không trường, không nước sạch…, đời sống của người dân nơi đây vô cùng khốn khó.