Ánh sáng của tình thương

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/9/2011 | 9:15:33 AM

YBĐT - Những cực khổ, tủi hờn họ đã nếm trải qua. Còn đọng lại tình người nồng ấm mà những y, bác sỹ nơi đây giúp họ gắng gượng chống chọi lại bệnh tật, số phận với niềm tin về tương lai tươi sáng.

Cán bộ y, bác sĩ khám chữa bệnh cho các bệnh nhân tại Trại phong.
Cán bộ y, bác sĩ khám chữa bệnh cho các bệnh nhân tại Trại phong.

Năm 1966, từ nơi thâm sơn cùng cốc của xã Chấn Thịnh huyện Văn Chấn đã có một trại phong được xây dựng. Chủ nhân ở đó là những con người bị giày vò, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần được Nhà nước tập trung về hỗ trợ chữa bệnh. Họ là những người không may mắn bị mắc chứng bệnh phong quái ác (còn gọi là cùi, hủi, Hansen…) đã nương tựa vào nhau mà sinh sống. Những tưởng khó có thể vượt qua được những khốn khó của cuộc sống và nỗi đau bệnh tật nhưng gần 50 năm trôi qua, cuộc sống của những bệnh nhân phong nơi đây đã thực sự hồi sinh…

Chiều cuối thu, nắng vàng trải rộng trên các vạt chè, con đường bê tông mới xây dựng uốn lượn bên các triền đồi dài chừng 500 m đưa chúng tôi đến với Trại phong, nơi có gần 20 chục người bệnh đang được điều trị. Trại phong hiện ra khá khang trang với gần chục ngôi nhà cấp 4 kiên cố có phòng khám, bếp nấu ăn tập thể, sân chơi xi măng láng bóng…

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Trưởng khoa Điều trị phong thuộc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh phấn khởi: “Không những nhà cửa kiên cố, những người bệnh đang điều trị tại đây còn có thêm cả đất gieo cấy lúa, trồng màu, ao thả cá. Họ đã tự tin và hoà đồng hơn trong cuộc sống. Chứ trước đây thì…”.

Một thuở cơ hàn

“Tuy nằm cách trục đường chính từ Đại Lịch đi Chấn Thịnh (Văn Chấn) hơn 500 m nhưng để đến được với Trại phong Chấn Thịnh thật khó khăn vất vả. Phải trèo lên đỉnh đồi rồi men theo khe lạch, chè vè lau lách rậm rạp nên chuyện ngã và bị sứt tay chảy máu là bình thường. Ngày nắng đã khó rồi còn ngày mưa, thì quả nan giải.

Làng phong trở thành khu biệt lập với bên ngoài”, bác sỹ Đỗ Văn Việt - Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh bồi hồi nhớ lại. Lúc bấy giờ, nhà ở cho gần 30 bệnh nhân phong chỉ là tre, nứa dựng lên, mọi thứ thiếu thốn, ngoài tiền hỗ trợ thuốc men hàng tháng thì mọi chi phí khác đều không có. Khốn khó về vật chất đã đành, bệnh nhân phong còn bị những cơn đau hành hạ khiến cho các ngón tay teo lại, bàn chân cụt dần, mắt mờ, răng rụng, lở loét, bốc mùi… Không dám tiếp xúc với bên ngoài làm họ thấy mặc cảm với người đời và với chính bản thân mình. Họ trở nên cô độc, tự than thân trách phận, kêu trời.

“Những hôm trái nắng trở trời, các khớp ở chân tay đau và nhức buốt, có người không chịu nổi đã dùng những thanh tre, nứa để cạo và lấy nước sôi dội vào vết thương thật nhiều miễn sao hạ cơn đau…”, bà Lò Thị Toi hơn 80 tuổi ở Lào Cai tâm sự. Bà Toi cũng không biết mình đã vào đây từ năm nào, chỉ biết bà là một trong những người đầu tiên đến với trại phong này khi tuổi chừng 34 hay 35 gì đấy. Bà đau đớn tột cùng khi phát hiện trong người có bệnh, bỏ nhà, bỏ cửa lang thang, rồi một ngày bà đến với trại phong nơi đây.

Hay như ông Lương Văn Trung 52 tuổi ở xã Vó Lào, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, khi tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, yêu quê hương, yêu cách mạng tình nguyện đi khám sức khoẻ để tham gia chiến trường thì cũng mới hay mình mắc bệnh phong và đến đây điều trị từ tháng 2/1981; ông Hà Văn Nọi 55 tuổi ở huyện Văn Chấn (Yên Bái) cũng không ngoại lệ… và nhiều cảnh đời khác như vậy. Những cực khổ, tủi hờn họ đã nếm trải qua, duy có tình người nồng ấm và những y, bác sỹ nơi đây giúp họ gắng gượng chống chọi lại bệnh tật, số phận với niềm tin về tương lai tươi sáng.

 

Niềm vui của bà Lò Thị Toi khi được kiểm tra mắt.

Xóa sạch nỗi đau

Quả là một món quà lớn mà thượng đế nhân từ đã ban tặng những  người bệnh nơi đây. Khi sự giày vò, nhức nhối của những cơn đau thể xác lên đến đỉnh điểm làm cho sức khoẻ cạn kiệt, chân tay teo tóp, cụt dần và mất hẳn đi, họ hầu như mất hết niềm tin vào cuộc sống thì một điều kỳ diệu trong y học xuất hiện. Đó là việc bác sỹ Hansen người Na Uy đã nghiên cứu tìm ra loại vi khuẩn gây bệnh phong. Loài trực khuẩn này có tên là Mycobacterium Laprae (còn gọi là trực khuẩn Hansen) thì bệnh phong đã có thuốc điều trị. Có thuốc đặc trị do Nhà nước cấp, người bệnh được hồi sinh, bệnh phong được kiểm soát. Tuy nhiên, cũng phải đến năm 2000, tỉnh Yên Bái mới thanh toán hết bệnh phong.

Bệnh phong bị đẩy lùi nhưng những biến chứng của nó để lại quả ghê gớm. Nếu như người bệnh vẫn chủ quan, mặc cảm với những phần da thịt bị tổn thương, thay bằng cách điều trị thuốc thường xuyên và để vết thương nơi khô thoáng thì họ lại ngại ngần, dùng giầy, ủng tự chế, lấy vải che giấu. Những vết thương chưa lành đã gây ra những hố ổ gà, ổ bọc nhiễm khuẩn, rất khó khăn cho các y bác, sỹ trong quá trình nạo vét và điều trị.

 

Ông Lương Văn Trung với đôi bàn tay bi co, rụt.

Ông Lương Văn Trung phấn khởi: “ngoài tiền thuốc hàng tháng dành cho mỗi người là 500 nghìn đồng, toàn bộ tiền ăn uống miễn phí trên 800 nghìn đồng/người, khu điều trị, nhà cửa được sửa sang. Cảm ơn Đảng và Nhà nước nhiều! Hiện giờ, tôi đã đưa vợ và các con vào đây sinh sống. Vợ con lành lặn có việc làm và được học hành. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả… song, có được như hôm nay đời tôi chưa bao giờ dám mơ tới”.

 “Những người điều trị tại đây 70% đã bị tàn phế và chân tay co, rụt nên ngoài việc kiểm tra sức khoẻ định kỳ, dùng thuốc điều trị thì chúng tôi đều hướng dẫn các bệnh nhân cách ngăn ngừa di chứng sau phong”, đồng chí Trưởng khoa Điều trị phong cho biết thêm. Bên cạnh đó, các chế độ chính sách, sự đóng góp ủng hộ của các tổ chức trong và ngoài nước, của các nhà hảo tâm… cuộc sống của những bệnh nhân nơi đây ngày một cải thiện…

Đến cuối năm 2009, tấm rào cản của Trại phong với thế giới bên ngoài đã được xoá bỏ, khi Nhà nước ủng hộ trên 2 tỷ đồng cho việc xây dựng đường bê tông dài 500 m, nhà ở cho các bệnh nhân, phòng khám, điều trị, sân chơi và kênh mương phục vụ gieo cấy lúa…

Ông Hà Văn Nọi rơm rớm nước mắt: “Với 2 ao thả cá rộng 500 m2, 1000 m2 ruộng cấy lúa và trồng màu, những người bệnh như chúng tôi lại có điều kiện tăng gia sản xuất. Những việc làm hết sức ý nghĩa này đã góp phần động viên chúng tôi vượt qua bệnh tật, tự tin hơn trong cuộc sống”.

Theo như lời đồng chí Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh, thời gian tới UBND tỉnh sẽ tăng thêm chế độ và cấp toàn bộ tiền ăn uống, hỗ trợ hơn nữa kinh phí mua thuốc điều trị cho các bệnh nhân nơi đây…

Vĩ thanh

Gần 20 con người và 3 gia đình sinh sống tại Trại phong Chấn Thịnh đã được hưởng thứ ánh sáng chan hoà của tình thương cộng đồng, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ấm nồng hạnh phúc bên gia đình con cái, được lao động… mà bấy lâu hằng ao ước. Hình ảnh bà Toi ngồi trước hiên nhà, đôi bàn tay co quắp, hai chân đã bị ăn mòn chỉ còn một nửa dõi ánh mắt hiền từ nhìn đám trẻ con nô đùa ngoài sân mà trào dâng dòng xúc cảm. Bà nói: “Bà sẽ không đi đâu cả, chỉ ở lại đây thôi. Nơi này đã cho bà quá nhiều thứ! Giá như những người vào cùng bà bây giờ còn sống, chắc họ vui và hạnh phúc lắm! Bà thấy mãn nguyện rồi, chỉ muốn được sống và trút hơi thở cuối cùng bên họ”.

Mặt trời đã nhô lên khỏi rặng tre, tiếng mõ trâu lóc cóc, tiếng trẻ con í ới gọi nhau đến trường khiến chúng tôi thấy lòng chộn rộn một niềm vui khó tả! Một ngày mới lại về cùng bao nhiêu ước mơ và hy vọng của những con người đã dốc lòng, dốc sức vì cuộc sống ấm no ở trại phong nơi vùng sâu Chấn Thịnh.

Ngọc Sơn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục