Có một xã xanh, sạch ở Đông Hồ

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/9/2011 | 3:02:23 PM

YBĐT - Nhìn những cánh rừng, những vạt sắn xanh biếc khắp đất Yên Thành, tôi mừng thấy có một Yên Thành xanh thật xứng đáng.

Rừng trồng của nông dân Yên Bình.
(Ảnh: Lê Bác Đạt)
Rừng trồng của nông dân Yên Bình. (Ảnh: Lê Bác Đạt)

Từ thuở còn quàng khăn đỏ, gần sáng thức dậy ôn lại bài tôi đã nghe tiếng vọng: “Phụp lung cung… Pụp lung lung” giã gạo của người Dao quần trắng trong động Cối Máy, Cầu Mai từ bờ sông Chảy vọng lại. Người Dao lúc đó giỏi trồng lúa nương. Những cum lúa nương phơi kín bãi, kín sàn vào lúc gần sáng, từng đôi vợ chồng trẻ đem lúa cum vào loỏng giã. Tiếng chày gõ vào miệng luống “Phụp lung cung”… “phụp lung cung” bây giờ còn vọng mãi trong tôi. Lớn lên cùng làng bản, nhường quê cũ để làm nên hồ thủy điện Thác Bà, các xã ven hồ được vén lên. Ruộng canh tác ít đi, nhưng nhờ có cách làm ăn mới nên cuộc sống nơi đây vẫn đầy đủ. Xã Yên Thành thuộc vùng Đông Hồ của huyện Yên Bình là một trong những địa phương thư thế.

Anh Bàn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã cho tôi biết số liệu chính xác đến chi tiết: diện tích tự nhiên: 4.812,58ha, rừng: 2.879,2ha, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và sắn: 150ha, dân số: 4.448 khẩu, trong đó: người Dao quần trắng 4.197 khẩu, còn lại là dân tộc Kinh và Nùng; cả xã có 812 hộ sống rải rác ở các khu như Máy Đựng, Khe Ngang, Đèo Củm, Ngòi Di…

Gọi Yên Thành là xã xanh cũng đúng vì đến đây chỉ thấy ngút mắt màu xanh của rừng. Rừng ở đây chủ yếu là keo, bồ đề, bạch đàn. Người dân biết kết hợp trồng rừng xen sắn. Nghĩa là khai thác rừng xong là họ trồng sắn rồi trồng rừng luôn, hai năm sau cây rừng lớn họ thôi trồng sắn và chuyển sang khai thác gỗ ở mảnh rừng khác và lại trồng sắn. Cứ thế vừa cải tạo được đất vừa có rừng lúc nào cũng xanh, năm nào cũng có sắn bán. Sắn mấy năm nay được giá nên bà con có được thu nhập đáng kể từ rừng, từ sắn.
Tuy ruộng ít nhưng cả xã vẫn có hơn 800 con trâu, hơn 300 con bò, đàn lợn gần 2 ngàn con, trên 300 con dê. Nhờ có tiền thu từ rừng, từ sắn, từ phát triển chăn nuôi mà đến nay có hơn 100 hộ làm lại nhà sàn cột, kèo, xà bằng xi măng cốt thép, có nhà còn phun sơn vào trông bộ cột xà như táu, lý. Có tiền thu từ rừng, từ sắn mà bà con mua sắm máy xay xát, máy cày, máy vừa cùng các tiện nghi sinh hoạt khác.

Tôi may mắn được dự các đám cưới của dân tộc Dao của xã Yên Thành. Cách đây ba chục năm đã vậy và ngày nay cũng thế. Nam nữ yêu nhau nhờ ông mối đến dạm hỏi rồi tổ chức lễ cưới vẫn mặc đúng trang phục của dân tộc mình. Quần trắng, áo dài đen của bầu đoàn dù nam hay nữ. Ông mối (Áy tả) vai đeo chiếc túi “càn khôn” nhỏ màu đỏ, ô đen cắp nách, ông niệm thần chú để cả bầu đoàn qua bản đi đón dâu, chó chỉ cúp đuôi chạy không dám sủa lấy một tiếng. Cũng lạ. Mấy người “Bạn tùng” tôi nói: “Làm “Áy tả” (ông mối) đi đón dâu mà để chó làng sủa là không cao tay rồi”.

 Đến chân cầu thang nhà gái họ hát đối trước khau rượu thật vui nhộn để thử tài nhau. Nhờ có mấy ông “Bạn tùng” mà tôi biết họ đang hát đối nhau: “Cái gì nướng được không gắp được/Cái gì gắp được không nướng được?”. Bên trai trả lời: “Hòn đá làm kiềng nướng được không gắp được/Lá cọ lợp nhà gắp được không nướng được!” Chưa hết. Bên trai hát hỏi lại: “Con gì đẻ ra không thấy mẹ/Con gì đẻ ra không ăn bú”.

Các cô gái trong trang phục dân tộc, chiếc mũ trên đầu như chiếc bồ đài có nhiều tua hồng tua xanh rủ xuống như các cô tiên từ trong động bước ra, lên giọng hát: “Con vịt đẻ ra không thấy mẹ/Con gà đẻ ra không ăn bú”. Hát xong lại hát: “Con gì đánh sắt trên đầu đá/Con gì mặc váy đợi người yêu”. Bên trai cất tiếng: “Con cua đánh sắt trên đầu đá/Con tôm mặc váy đón người yêu”... Cứ thế họ hát đối nhau dài dài hàng tiếng đồng hồ ở chân cầu thang.

Lên nhà lại hát. Người lớn hát đối cùng người lớn. Đó là: “Lại coỏng” (ông phó quan làng), hát đối cùng “Nam mẻng” (người đại diện họ nhà gái dẫn dâu rể vào lễ tổ, lễ cha mẹ họ hàng), rồi thầy đến cải sát. Bên dưới sáu chàng rể bạn cũng hát với bạn dâu cùng các thiếu nữ trong nhà gái. Họ hát đến say mê, khiến mọi người đến dự đám cưới ồ lên tán thưởng.

Người Dao xưa ở rể đúng 3 năm rồi thách cưới đến vài đồng bạc trắng. Còn nay chỉ ở rể cho có lệ từ vài tháng đến một năm, bạc trắng chẳng có cũng chẳng sao, miễn là có chút cho đủ lễ. Và họ hát chúc cho đôi trẻ ăn lên làm ra, sinh nam đậu nam, sinh nữ đắc nữ, làm ra của cải nhiều như núi như sông. Còn cánh trẻ họ hát về Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài về mối tình chung thủy của họ.

Được ở lâu bên cạnh người Dao tôi được biết: những người đứt gánh giữa đường họ đến với nhau là lẽ đương nhiên, nhưng họ không bao giờ có vợ lẽ như các dân tộc khác. Còn một tục nữa nay vẫn duy trì trong cộng đồng người Dao đó là lễ Cấp sắc. Con trai lớn từ 10 tuổi trở lên là người biết lao động chăm ngoan, kính trên nhường dưới, nết na thì được gia đình đón thầy về Cấp sắc. Ông thầy kính báo với tổ tiên về con người này, họ tên như thế này đã đủ điều kiện để là một con người giữa muôn người của dòng họ, của thiên hạ. Cấp sắc rồi người con trai này được học làm thầy nếu muốn, được chính thức trở thành người lớn.

Nông dân Yên Bình thu hái chè. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Sải bước cùng anh Nguyễn Văn Yên - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã trên con đường bê tông uốn lượn theo chân những đồi keo, đồi bồ đề, xuyên qua rừng cọ ở khu Máy Đựng, nhìn những công trình xây kiên cố khang trang như trường lớp cả ba cấp học, trụ sở, trạm y tế xã, tôi càng cảm phục các anh lãnh đạo của xã đã biết tranh thủ mời gọi các nhà đầu tư đưa vốn vào để cho quê hương mình đổi mới. Chưa hết, Chủ tịch xã Bàn Văn Thắng cho biết thêm, xã đang thi công một cầu và 2 cây số đường nữa cũng bê tông hóa.

- Bao nhiêu? - Tôi hỏi.

- Ba tỷ sáu anh ạ!

- Còn điện thì sao anh?

- Gần 100% số hộ có điện dùng, nhưng…

- Nhưng là sao anh?

- Vì đường dây tải quá xa nên một số hộ “Trên điện dưới đèn dầu” anh ạ!

Dọc đường tôi thấy những bộ quần áo nhuộm chàm của dân tộc trên dây phơi. Từ trẻ con người lớn họ chào Chủ tịch xã bằng tiếng Dao. Các cháu chào tôi bằng tiếng phổ thông. Mừng quá, thảo nào tại kỳ sơ khảo các tiết mục văn nghệ và biểu diễn trang phục tại cụm cả 4 tiết mục của xã đều được đi kết hội diễn tại huyện.

Đoàn viên thanh niên các xã Đông Hồ tham gia vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp. (Ảnh: Vương Trọng Phục)

Phải chăng từ những mái nhà sàn ấm cúng kia, từ những chỉ bảo của các thế hệ trong từng gia đình truyền thống đó đã làm nên cốt cách cho các thế hệ nối tiếp biết trân trọng giữ gìn.

Tôi mạnh dạn hỏi đến cặn kẽ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã - Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội Phụ xã Nguyễn Thị Ân rồi Trưởng Công an xã Đặng Văn Nanh: xã có người nghiện ma túy, mại dâm không? Hai anh chị đều quả quyết là không có. Đồng chí công an huyện phụ trách địa bàn cũng khẳng định điều đó. Thế thì tốt quá rồi. Càng về phố phường đô thị, nơi có những nhà cao cửa rộng tệ nạn xã hội sao mà lắm thế. Còn ở đây hơn 4 ngàn dân mới có 32 ha ruộng nước, cuộc sống chủ yếu nhờ bằng nghề rừng, bằng trồng sắn, bằng đánh bắt tôm cá trên hồ, bằng đan rọ tôm để có đồng tiền trang trải cho cuộc sống của mình.

Các cụ xưa đã có câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Nhìn những cánh rừng, những vạt sắn xanh biếc khắp đất Yên Thành, tôi mừng thấy có một Yên Thành xanh thật xứng đáng. Còn Yên Thành không có ma túy, mại dâm càng đúng có thể gọi là một xã  xanh, sạch ở vùng Đông Hồ của huyện Yên Bình.

Hoàng Tương Lai

Các tin khác
Đường vào trong làng bắt buộc phải qua con suối lớn này.

YBĐT - Xã Xuân Long, huyện Yên Bình (Yên Bái) là xã đặc biệt khó khăn, trong đó thôn 11 là cái “rốn” của sự đói nghèo và thiếu thốn. Không điện, không đường, không trường, không nước sạch…, đời sống của người dân nơi đây vô cùng khốn khó.

Hàng chục hộ dân thôn Chiềng Pằn tranh chấp gay gắt với cán bộ kiểm lâm Văn Yên tại phần đất họ đang canh tác.

YBĐT - Những ngày này, cuộc sống của người dân thôn Chiềng Pằn 1 và 2 xã Gia Hội (Văn Chấn) giáp ranh với xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên) đang bị xáo trộn bởi sự tranh chấp đất đai giữa hai xã.

Trưởng bản đồng ruộng - Giàng A Thênh (thứ 2 từ trái sang) thu mua măng tre Bát Độ cho nhân dân trong bản.

YBĐT - Đến nhà bí thư chi bộ, trưởng bản đều không có ai ở nhà vì đang mùa thu hoạch tre măng Bát Độ nên các anh bận rộn đi hướng dẫn đồng bào bóc, luộc măng... thu mua măng cho đồng bào.

Lãnh đạo huyện Yên Bình và xã Cảm Nhân kiểm tra công trình thuỷ lợi Đát Hùng.

YBĐT - Từ những năm 60 của thế kỷ trước, suối Hùng chảy ngang xã Cảm Nhân được chặn dòng ở Đát Hùng, dâng nguồn nước mát cho diện tích rau màu của người dân trong xã. Đời sống kinh tế - xã hội của người Tày, Dao, Kinh và các dân tộc thiểu số ở dưới nguồn nước này tuy còn không ít khó khăn nhưng đang ấp ủ nhiều tín hiệu của sự trù phú.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục