Luật sư tỉnh lẻ

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/9/2011 | 3:06:36 PM

YBĐT - Đã có lúc Đoàn Luật sư (LS) của tỉnh Yên Bái lên tới 14 thành viên. Tuy nhiên, do đặc thù của địa phương rất ít LS có thể sống được bằng nghề. Phần lớn những LS trẻ mới gia nhập đoàn được một hai năm đã vội vã “chia tay”.

68 tuổi, Luật sư Quyền vẫn miệt mài với công việc nghiên cứu hồ sơ được thụ lý.
68 tuổi, Luật sư Quyền vẫn miệt mài với công việc nghiên cứu hồ sơ được thụ lý.

Do đó, nhiều năm qua Yên Bái không có nguồn LS trẻ để bổ sung cho Đoàn LS của tỉnh, trong khi những LS giàu kinh nghiệm đã dần xin nghỉ do tuổi cao và khó cập trước yêu cầu đổi mới hiện nay…

Cận cảnh hoạt động luật sư

Hỏi thăm ba bốn lượt, lòng vòng hết đường nhựa, đường bê tông, qua vài trăm mét đường đất trơn trượt chúng tôi mới tìm thấy nhà LS Nguyễn Xuân Quyền- Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Yên Bái và cũng là nơi “đặt nhờ” trụ sở của Đoàn LS tỉnh ở thôn 13, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

LS Quyền đã vào tuổi 68 nhưng còn rất nhanh nhẹn, hồ hởi đón tiếp chúng tôi. Ông cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kế hoạch 08 ngày 14/4/2006 của Tỉnh ủy Yên Bái về việc củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ LS, Đoàn LS tỉnh Yên Bái đã tăng cường vận động, tìm nguồn, phát triển đội ngũ LS. Song, hiện giờ chỉ còn 6 LS đang hoạt động tại 4 văn phòng LS, trong đó 3 văn phòng tại Yên Bái, 1 văn phòng tại huyện Trấn Yên và 1 chi nhánh ở thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi Luật LS có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2007, căn cứ vào vào điều 22 của Luật LS và khả năng chuyên môn nghiệp vụ, Đoàn LS tỉnh đã chỉ đạo các LS thành viên tổ chức thực hiện tốt các hoạt động nằm trong phạm vi hành nghề LS. Các LS trong quá trình hoạt động đều tuân thủ đúng qui định của pháp luật về hoạt động nghề nghiệp LS. Vì vậy trong những năm qua không có LS nào trong đoàn phải xem xét kỷ luật”.

Trung bình mỗi năm, các văn phòng LS đã thụ lý và tham gia bào chữa, tranh tụng khoảng 100 vụ án hình sự, 20 vụ việc dân sự, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số án được xét xử. Phần lớn các vụ án hình sự LS tham gia tranh tụng bào chữa là theo luật định (được cơ quan tố tụng mời) chiếm tỷ lệ 90%. Số vụ do khách hàng ký hợp đồng mời luật sư bào chữa chỉ có tỷ lệ 10%.

Trong nội dung bào chữa, tranh tụng, các LS đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiên cứu hồ sơ tỷ mỷ nên hầu hết các đề xuất của LS đều có cơ sở pháp luật, đúng người, đúng tội, đúng Luật tố tụng, được Hội đồng xét xử chấp thuận và quần chúng đồng tình.

Do đặc thù ở địa phương chưa phát sinh nhiều vụ án kinh tế, hành chính, lao động mà phần lớn là án dân sự tranh chấp tài sản và hôn nhân do khách hàng mời hoặc do Trung tâm Trợ giúp pháp lý của tỉnh yêu cầu LS tham gia. So với án hình sự, án dân sự ít có LS tham gia tranh tụng bảo vệ quyền lợi do luật pháp không qui định các trường hợp LS phải tham gia tranh tụng. Mặt khác, nhận thức của đương sự về vai trò vị trí của LS tham gia bảo vệ quyền lợi cho mình chưa cao. Do điều kiện kinh tế của phần lớn nhân dân trên địa bàn còn khó khăn, không có khả năng để mời LS hoặc trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên không biết mời LS tham gia bảo vệ quyền lợi cho mình.

Thực tế cho thấy, ngoài những đối tượng chính sách thì thường chỉ có đương sự ở thành phố, thị xã mới nhờ đến LS. Hoạt động tư vấn pháp luật của các văn phòng LS đã mang tính thường xuyên về hôn nhân gia đình, quyền sở hữu tài sản, tranh chấp đất đai và hợp đồng dân sự…

Gần đây, các văn phòng LS cũng đã thực hiện việc tư vấn về đăng ký kinh doanh và các chính sách thuế cho doanh nghiệp. Việc tư vấn pháp luật của các LS hầu như được thực hiện miễn phí cho đối tượng công dân, còn đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp - đối tượng có thể thu phí thì lại ít khi cần đến LS tư vấn.

Luật sư còn gặp khó?

Những đóng góp của Đoàn LS tỉnh là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, hoạt động của Đoàn LS còn một số hạn chế và nảy sinh những vấn đề cần được tháo gỡ.

Thực tế cho thấy, sau khi Liên đoàn LS Việt Nam được thành lập (tháng 5/2009), Ban chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh đã chủ trương  rà soát, củng cố tổ chức, đi sâu vào nâng cao chất lượng đội ngũ LS để bảo đảm hoạt động của đoàn và đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Theo đó, một số LS tuổi cao, sức yếu đã tự nguyện xin rút khỏi danh sách đoàn. Nhiều LS trẻ mới tham gia đoàn nhưng không yên tâm hoạt động trên địa bàn với quan điểm “không bảo đảm đời sống bằng nghề”. Chính vì vậy, họ đã xin chuyển vùng về các tỉnh miền xuôi và thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng…

Thời gian trước, đội ngũ LS trẻ mới ra trường tham gia Đoàn LS tỉnh rất đông, từ 9 rồi lên 14 thành viên (năm 2008). Đến nay, Đoàn LS tỉnh chỉ còn 6 thành viên, điều đó cũng cho thấy thực trạng hoạt động hành nghề LS trên địa bàn tỉnh còn gặp khó và không còn mấy hấp dẫn. Do đặc thù địa phương, cộng với chính sách đãi ngộ thấp, anh em xin chuyển về xuôi hết và họ có môi trường phát triển tốt, kinh tế lại sung túc hơn. Cũng có người cho rằng cần phải có chế định “giữ chân” khi tuyển dụng nhưng như thế lại  hóa vi phạm luật!”

Hầu hết đội ngũ LS của Đoàn LS tỉnh hiện có độ tuổi cao, trung bình trên 52 tuổi. Tuy có kinh nghiệm công tác nhưng lại hạn chế về sức khỏe, sự năng động và khả năng sử dụng, tiếp cận các phương tiện làm việc hiện đại để phục vụ công việc. Trong Đoàn LS chỉ có 1 người tiếp cận được với công nghệ thông tin. Đoàn LS tỉnh thành lập đã được 20 năm nhưng hiện nay vẫn chưa có trụ sở làm việc chính thức làm nơi hội họp, tiếp khách đến giao dịch, lưu trữ tài liệu… - LS Trần Ngọc tâm sự.

 Không có trụ sở làm việc nên mọi công văn giấy tờ gửi cho Đoàn đều phải thông qua Sở Tư pháp, việc giao dịch với đoàn phải thông qua số máy điện thoại di động của Chủ nhiệm đoàn và tất nhiên, hồ sơ con dấu, tài liệu của Đoàn đều phải “để nhờ ở” nhà Chủ nhiệm đoàn (cách trung tâm tỉnh tới gần ba chục cây số). Hiện tất cả các chi phí duy trì hoạt động tối thiểu của Đoàn đều do các LS tự trang trải.

Nói về khó khăn, LS Nguyễn Xuân Quyền bày tỏ: “Quả thật vì mối quan hệ và cũng tâm huyết lắm chúng tôi mới hoàn thành được nhiệm vụ. Chỉ có 6 thành viên mà công việc thì bộn bề, thù lao chẳng đáng là bao, đôi khi còn bị tai nạn nghề nghiệp như chơi. Chính tôi đã có lần bị thân chủ kiện ngược khi cho rằng họ đã hợp đồng với LS rồi thì LS nhất quyết phải bào chữa cho thân chủ không có tội.

Văn phòng Luật sư Nguyễn Xuân Quyền được coi như trụ sở của đoàn Luật sư tỉnh.

Cần cơ chế khuyến khích, thu hút luật sư

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó giám đốc Sở Tư pháp cho biết: “Trên thực tế, nhiều thẩm phán có thể đảm nhiệm vai trò hành nghề LS nhưng muốn chuyển đổi là rất khó bởi Luật LS qui định, LS phải có bằng cử nhân Luật, trong khi nhiều thẩm phán không có điều kiện để đi học đổi bằng do nhu cầu đơn vị, tuổi tác...

Sở đã triển khai xây dựng dự thảo đề án phát triển đội ngũ LS trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 để trình UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức tham gia ý kiến vào dự thảo thông tư của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số qui định của Luật LS, nghị định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của luật này... góp phần cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh giải quyết các vụ việc được kịp thời, đúng luật, từng bước tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động nghề LS trên địa bàn”.

Những khó khăn trên ảnh hưởng rất lớn đến việc quản lý điều hành đội ngũ LS của Ban chủ nhiệm và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Đoàn LS tỉnh. Vấn đề này đã rất nhiều lần được Ban chủ nhiệm đoàn có báo cáo đề xuất lên trên nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Theo yêu cầu của công cuộc đổi mới hoạt động tư pháp, thực hiện Nhà nước pháp quyền mà Đảng, Nhà nước ta đang tiến hành thì việc củng cố tổ chức, tạo điều kiện về tài chính, nâng cao chất lượng của đội ngũ LS là rất quan trọng. Tỉnh Yên Bái cũng cần tiếp tục kiện toàn lại tổ chức bộ máy của Đoàn LS, xây dựng và triển khai chương trình hoạt động phù hợp với đặc thù địa phương.

Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích, thu hút lực lượng LS trẻ về tham gia hoạt động tại tỉnh nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, vai trò của Đoàn LS tỉnh trong công tác cải cách và đổi mới hoạt động tư pháp theo yêu cầu Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 08 của Tỉnh ủy về việc củng cố và nâng cao số lượng, chất lượng của đội ngũ LS.

Trong điều kiện hầu hết các LS tại Yên Bái chưa sống được bằng nghề thì không thể đòi hỏi sự đóng góp cao hơn để tạo nguồn kinh phí và cơ sở vật chất cho hoạt động của đoàn (ngoài phí thành viên theo qui định). Trong những năm qua, công  tác đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ LS nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng hầu như chưa được tiến hành. Trong khi hành nghề, LS ít có cơ hội được đào tạo thêm về kỹ năng nghiệp vụ, hệ thống văn bản pháp luật mới và học tập những kinh nghiệm hành nghề ở thực tế. Về cơ chế hoạt động, LS Trần Ngọc bức xúc: “Trong qúa trình tác nghiệp LS cũng thường gặp khó. Luật qui định LS được phép gặp thân chủ (bị can, bị cáo) nhưng khi thực hiện không thể gặp vì trại giam yêu cầu LS phải có giấy tờ của cơ quan công an, kiểm sát thì mới được tiếp cận thân chủ. Đôi khi nghề LS cũng rất nguy hiểm, có khi vừa nhận hồ sơ bào chữa cho đương sự LS đã nhận được điện thoại đe dọa…”

Văn Trung

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục