Hộ nghèo khó "gỡ" cái "eo"
- Cập nhật: Thứ hai, 3/10/2011 | 10:38:22 AM
YBĐT - Ngân hàng có thể gỡ cho hộ nghèo? Lý lẽ ở đây là không thể tính khoản nợ của dân vào món rủi ro vì trâu bò bị bệnh hoặc chết do bệnh thì Công ty Thẩm Hường có trách nhiệm bồi hoàn lại cho dân, Ngân hàng không có nghĩa vụ làm thay, không thể tính vào rủi ro mà khoanh hay xóa nợ được. Chính quyền địa phương có gỡ được cho hộ nghèo?
Gia đình chị đinh Thị Xiêm - một hộ nghèo ở bản Nà Ban, xã Thạch Lương (Văn Chấn).
|
Một bộ phận nhỏ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở Văn Chấn sắp rơi vào cảnh khốn cùng vì cơ hội thoát nghèo đã tuột khỏi tay, không có khả năng trả nợ khi vay vốn ngân hàng mua trâu bò sinh sản để thoát nghèo. Giải quyết những tồn tại này để gỡ khó cho hộ nghèo là việc làm cấp thiết nhưng ai gỡ và gỡ như thế nào đang là bài toán chưa có lời giải.
Tuột tay cơ hội thoát nghèo
Bản Tạo, xã Đồng Khê; đàn ông, đàn bà hầu hết đều đi làm thuê, ở nhà có chăng chỉ vì ốm yếu hoặc con cái đang bệnh. Ngôi nhà - đúng ra là nơi ở của vợ chồng chị Vì Thị Lệnh na ná nơi ở của những hộ nghèo mà chúng tôi qua: vách đất, nền đất, cửa sổ chắn bằng những miếng nilon trắng loang lổ.
Bà Vì Thị Lệnh , bản Tạo, xã Đồng Khê:
|
“Ngôi nhà” chênh vênh, dưới chân núi nhộn nhịp lên vì hai con bò mới được nhận. Nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, ba ngày sau một con giở chứng, rõ là bệnh lở mồm long móng. Chồng chị dắt bò ra trụ sở xã trả lại. Con còn lại sống lay lắt, chữa không được, gia đình bán đi thu lại 3 triệu đồng, bằng hơn nửa số tiền mua một con bò của doanh nghiệp. Cơ hội đến rồi tuột đi rất nhanh, gia đình chị Lệnh lại trở về hiện thực dằng dẵng: ngôi nhà rách nát, đứa con còi cọc vì đau ốm và 1.000 m2 ruộng quá nửa cấy ăn chia. Khi chúng tôi tới thăm, chồng chị là Bùi Văn Đều đi làm thuê trên núi. Chị thấy vô vọng khi cán bộ tín dụng ngân hàng hỏi về khoản vay gốc 11,8 triệu đồng phải trả giữa tháng tới và gần 700.000 đồng tiền lãi nợ dài chưa trả.
Trong số những người đi làm thuê trên núi còn có anh Lò Văn Kiêm là chồng chị Đinh Thị Xiêm ở bản Nà Ban, xã Thạch Lương. Nông nhàn, làm thuê “tháng ba, ngày tám” kiếm thêm đồng tiền là việc thường nhưng giờ đây anh Kiêm muốn gục ngã vì món nợ cả gốc lẫn lãi trên 18,5 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội phải trả trong ngày 22/10 tới. Sự quan tâm của Nhà nước với những hộ nghèo như gia đình anh chị Kiêm - Xiêm là để nâng đỡ họ vươn lên thoát nghèo: ngôi nhà dột nát đã được Nhà nước cho vay vốn làm nhà “167”, Ngân hàng cũng tạo điều kiện cho gia đình vay vốn lãi suất thấp mua trâu sinh sản.
Trong giấc mơ về một ngày tươi sáng hơn, vợ chồng anh đã thấy con trâu nái nhà mình sinh sôi cả đàn trâu mộng. Không như mơ: nhận tiền ngân hàng - giao tiền cho doanh nghiệp - nhận trâu nái dắt về, chục ngày sau trâu bỏ ăn, không muốn đứng dậy. Vợ chồng chân thấp chân cao dắt trâu trả cho xã để giao lại cho Công ty TNHH Thẩm Hường, những mong sẽ được nhận bù con trâu khác như lời hứa. Ba năm đã qua, con trâu nái cùng lời hứa của doanh nghiệp có đi mà không thấy trở lại. Trong ngôi nhà “167”, ông Lò Văn Ả - bố đẻ Lò Văn Kiêm vò đầu bứt tai, lầm bầm câu gì không rõ; chị Xiêm thì mê man trong chuyện nợ nần, thật cám cảnh! Đau lòng hơn khi chúng tôi tới nhà chị Hoàng Thị Khoái ở bản Tạo, xã Đồng Khê.
Cái nơi ở này có hai vợ chồng không nghề ngỗng gì với đứa con ốm đau tội nghiệp. Nhà không bàn ghế, giường chiếu, mấy thanh gỗ rừng mài bóng thay nền nhà và làm luôn giường - bàn - ghế. Thế mà họ là chủ món nợ trên 14 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội Văn Chấn khi vay mua trâu bò như nhà anh Kiêm, chị Lệnh. Sung sướng bao nhiêu khi được Nhà nước cho vay vốn mua hai con bò sinh sản với ước mong có cái “cần câu” để thoát nghèo thì nay chị Khoái đang rất cực khổ. “Lấy gì mà trả nợ ngân hàng bây giờ, nhà em làm thuê không đủ ăn, ruộng có 500m2 làm chẳng ra thóc, cháu lại đau ốm thế này!” - chị Khoái nghẹn ngào.
Chuyện “tay ba”
Hộ nghèo là chủ thể của câu chuyện sự thể ra sao thì đã rõ. Vài tuần nữa là hết hạn vay phải trả gốc và lãi nợ cho Ngân hàng; trâu không, bò không; làm chẳng đủ ăn, đồng vốn lại eo hẹp những người nông dân nghèo giờ đây đang rơi vào cảnh bần cùng. Mọi chuyện đã chẳng xảy ra nếu như con trâu, con bò kia không bị bệnh; nếu như Công ty Thẩm Hường trả bù cho họ những con trâu, con bò khác đúng như cam kết…
Bà Trần Thị Hường - vợ giám đốc Công ty TNHH Thẩm Hường:
|
Chương trình tăng đàn gia súc, chủ yếu là trâu bò triển khai ở huyện Văn Chấn từ năm 2008. Nhìn tổng thể chương trình đã tạo ra sự tăng trưởng nhanh về số lượng đàn gia súc - chủ yếu là trâu bò, giúp người dân phát triển kinh tế, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Chưa bàn trên bình diện rộng như vậy, với những hộ nghèo vay vốn Ngân hàng mua trâu bò mà doanh nghiệp cung ứng do mắc bệnh trả lại cho doanh nghiệp và mấy năm qua đơn vị vẫn nợ họ trâu bò thì sao? Vợ giám đốc Nguyễn Hữu Thẩm kêu rằng doanh nghiệp nợ trâu bò của dân là có nhưng vẫn đứng ra trả lãi Ngân hàng cho dân nghèo, cấm có nợ.
Bằng chứng là Công ty vẫn lưu những giấy tờ liên quan tới việc trả lãi Ngân hàng cho dân. Những giấy tờ đó, cán bộ văn phòng Công ty tìm mãi chưa thấy và theo hẹn tới hôm nay doanh nghiệp vẫn chưa cung cấp được những biên lai trả nợ lãi này. Giúp chúng tôi có thông tin cụ thể, những cán bộ tín dụng ở Ngân hàng Chính sách Xã hội Văn Chấn đã cung cấp một vài số liệu: tính tới ngày 15/8/2011, tổng số còn 14 hộ ở xã Tú Lệ, Thạch Lương, Đồng Khê vay vốn của Ngân hàng mua trâu bò của Công ty Thẩm Hường với tổng dư nợ gốc 145,6 triệu đồng. Tiền lãi, nhiều hộ chỉ trả đến hết tháng 11/2009, một số hộ trả hết tháng 12/2010 như trường hợp hộ Vì Thị Lệnh, tiền lãi mới trả đến hết 30/12/2010, hộ Lò Văn Kiêm trả lãi đến hết tháng 8/2009...
Ngân hàng là bên cho vay, bên vay cụ thể là các hộ nghèo, trong tình cảnh bi đát của họ như hiện nay sẽ phải tính toán thế nào đây? Cán bộ tín dụng của Ngân hàng cho rằng chuyện trâu bò nhùng nhằng không thể tính vào rủi ro. Do vậy đến hạn hộ nghèo vẫn phải trả gốc và lãi cho Ngân hàng theo quy định. Hộ nghèo thì chẳng trông vào đâu, họ kêu những đồng vốn vay ưu đãi của Nhà nước cuối cùng họ chẳng được hưởng, tiền vay ưu đãi dân trả cho doanh nghiệp nhưng không có trâu có bò để nuôi hóa ra dân trắng tay mà còn mắc nợ Ngân hàng. Cái ưu đãi ấy thành ra Công ty Thẩm Hường hưởng cả, ngay cả việc Công ty này đứng ra trả lãi cho dân nghèo thì cũng là lãi suất như cho: 0,65 và 0,9%/tháng, trong khi lãi suất ngân hàng mấy năm qua sình sịch hai con số.
Đang lúc gay go, dân nghèo kêu lên UBND các xã, rất đúng “cửa” vì trong hợp đồng cung ứng trâu bò cho hộ nghèo, UBND các xã có vai trò là bên B. Chủ tịch UBND xã Đồng Khê cho biết, xã đã mời Công ty Thẩm Hường vào làm việc để tìm cách khắc phục hậu quả và giải quyết cấn cá cho dân nhưng trâu bò cũng không thấy bù trả cho dân. Lãi tiền vay chỉ trả từ năm 2008 tới hết năm 2010, những tháng qua tiền lãi Ngân hàng của dân không ai trả. Một lần làm việc đã đủ chưa, đã hết trách nhiệm với dân chưa?
Trả lời rằng đã tìm tới trụ sở Công ty nhưng giám đốc đều không có nhà, hẹn cũng không gặp được, rất khó khăn. Những câu trả lời như vậy, chúng tôi gặp lại ở Thạch Lương, Tú Lệ. Chuyện như vậy nhưng khi làm việc với tập thể lãnh đạo xã Đồng Khê, ông Chủ tịch UBND vẫn khuyến cáo chúng tôi, rằng: “Viết gì thì viết chứ viết cho tế nhị vì có nhiều chuyện tế nhị”. Không rõ tế nhị là sao khi những hộ nghèo được Nhà nước quan tâm cho vay vốn để phát triển sản xuất chỉ vì sự “tế nhị” ấy của những bên liên quan, có trách nhiệm với dân mà hôm nay đang phải dở khóc, dở cười. Đây chắc chắn sẽ không thể là chuyện “tế nhị” được.
Ai gỡ cho hộ nghèo?
Ngân hàng có thể gỡ cho hộ nghèo? Lý lẽ ở đây là không thể tính khoản nợ của dân vào món rủi ro vì trâu bò bị bệnh hoặc chết do bệnh thì Công ty Thẩm Hường có trách nhiệm bồi hoàn lại cho dân, Ngân hàng không có nghĩa vụ làm thay, không thể tính vào rủi ro mà khoanh hay xóa nợ được. Chính quyền địa phương có gỡ được cho hộ nghèo? Vai trò của chính quyền là chỉ đạo tổ chức thực hiện, đôn đốc, giám sát quá trình thực hiện, làm hết trách nhiệm sẽ gỡ được cái “eo” cho dân nghèo. Nhưng cụ thể hơn, rõ ràng trách nhiệm cuối cùng trong trường hợp này thuộc về Công ty TNHH Thẩm Hường. Mọi vấn đề sẽ được giải quyết khi Công ty này trả hết gốc và nợ lãi tiền vay của Ngân hàng cho dân. Câu trả lời sẽ có trong vòng một tháng nữa, tức là khi nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước giành cho hộ nghèo đến hạn tất toán!
Nhóm PV Nội chính
Các tin khác
YBĐT - Sự phát triển và gia tăng thái quá của các cơ sở sản xuất chế biến gỗ rừng trồng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong hơn một năm trở lại đây đang đẩy không ít gia đình đứng trước cảnh nợ nần, thậm chí là phá sản.
YBĐT - Đến tháng 5/2011, nhiều học sinh nghèo ở các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II của Văn Chấn vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của năm học 2009- 2010 và đến nay còn vẫn còn rất nhiều học sinh chưa nhận được tiền hỗ trợ đi học của năm học 2010 - 2011.
YBĐT - Tuy Lộc, xã vùng ven của thành phố Yên Bái từ lâu đã nổi tiếng với các loại rau màu. Không ai có thể nhớ rõ nhưng điều chắc chắn rằng thành phố Yên Bái từ khi được thành lập thì vùng rau Tuy Lộc cũng đã ra đời để phục vụ nhu cầu người dân thành thị.
YBĐT - Các cặp vợ chồng trẻ tuổi cưới nhau sau vài ngày, vài tháng đã xin ly hôn, các cặp trung tuổi cũng xin chia tay và có cả những cặp vợ chồng tuổi ngoài 70 cũng đưa nhau ra tòa.