Vì sao tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo ở Văn Chấn chậm?

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/9/2011 | 2:48:25 PM

YBĐT - Đến tháng 5/2011, nhiều học sinh nghèo ở các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II của Văn Chấn vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của năm học 2009- 2010 và đến nay còn vẫn còn rất nhiều học sinh chưa nhận được tiền hỗ trợ đi học của năm học 2010 - 2011.

Anh Sùng A Chống (người ngồi giữa) ở thôn Ba Cầu, xã Suối Bu là hộ nghèo có 4 con đang đi học nhưng gia đình anh vẫn chưa được hỗ trợ tiền làm nhà ở.
Anh Sùng A Chống (người ngồi giữa) ở thôn Ba Cầu, xã Suối Bu là hộ nghèo có 4 con đang đi học nhưng gia đình anh vẫn chưa được hỗ trợ tiền làm nhà ở.

Từ năm học 2007- 2008 đến năm học 2010- 2011 (tháng 5/2011), học sinh mẫu giáo và học sinh phổ thông là con em hộ nghèo thuộc 16 xã đặc biệt khó khăn và 8 xã, thị trấn vùng II có thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của huyện Văn Chấn được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đi học theo Quyết định số: 112/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 và Quyết định số: 101/2009/QĐ-TTg ngày 05/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Song, đến tháng 5/2011, nhiều học sinh nghèo ở các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II của Văn Chấn vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của năm học 2009- 2010 và đến nay còn vẫn còn rất nhiều học sinh chưa nhận được tiền hỗ trợ đi học của năm học 2010 - 2011.

Chính sách ưu việt cho học trò nghèo

Ngày 20/7/2007, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg, về Chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II.

Theo Quyết định số 101/2009/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, học sinh là con hộ nghèo đang sinh sống trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên được hỗ trợ tiền đi học thực hiện theo niên học đến hết tháng 5/2011. Mức hỗ trợ đối với con hộ nghèo đi học tại các lớp mẫu giáo thôn, bản cho một học sinh là 70.000 đồng/tháng x 9 tháng/năm; hỗ trợ học sinh là con các hộ nghèo đang theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông về tiền ăn, dụng cụ học tập và sinh hoạt với mức 140.000 đồng/tháng/học sinh x 9 tháng/năm.
Theo Quyết định này, học sinh là con hộ nghèo sinh sống trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn ở khu vực II thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II; các xã và thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II trong diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II được thực hiện theo niên học từ tháng 9 năm 2007 đến hết tháng 5 năm 2010.

Ngày 05/8/2009, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 101/2009/QĐ-TTg “Ban hành định mức đầu tư năm 2010 đối với một số dự án thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 112/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhân thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II.

Ông Phạm Nguyên Bình - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Văn Chấn cho biết: “Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh là con hộ nghèo thuộc 16 xã đặc biệt khó khăn và 8 xã, thị trấn vùng II có thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của huyện thường xuyên chậm. Thông thường, việc hỗ trợ chia làm 2 đợt vào dịp đầu năm học và cuối năm học theo danh sách hàng năm của huyện lập, thẩm định, báo cáo cấp trên. Nguyên nhân thực hiện chính sách hỗ trợ không đảm bảo kịp thời là do nguồn ngân sách cấp về chậm và không đủ theo dự toán”.

Tìm hiểu các văn bản của UBND huyện Văn Chấn mới hay việc thực hiện chính sách hỗ trợ này không chỉ chậm mà có một số trường và UBND xã còn thiếu trách nhiệm trong việc lập danh sách để sót khá nhiều học sinh thuộc đối tượng được hưởng chính sách của Chính phủ.

Ngày 15/01/2010, UBND huyện Văn Chấn ra Quyết định số 05/QĐ-UBND Về việc giao bổ sung dự toán thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh là con hộ nghèo đi học thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, học kỳ I và học kỳ II, năm học 2008 - 2009 và chuẩn bị cấp hỗ trợ kỳ I năm học 2009- 2010.

Theo Quyết định số 05 của UBND huyện: Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Suối Quyền và Cát Thịnh mới được cấp 4 tháng tiền hỗ trợ của học kỳ I và 3 tháng của học kỳ II  năm học 2008 - 2009, Trường Tiểu học và THCS Sùng Đô được cấp 4 tháng của học kỳ I năm học 2008 - 2009. Các trường mầm non xã: Nậm Mười, An Lương, Suối Bu, học sinh mới được cấp 2 tháng (tháng 9 và tháng 10), năm học 2009 - 2010. Còn Trường Mầm non Nghĩa Sơn mới được hỗ trợ tháng 9 là 113 cháu và tháng 10 là 93 cháu.

Các trường mầm non còn lại mới chỉ được cấp hỗ trợ 1 tháng (tháng 9), năm học 2009- 2010. Đối với các trường tiểu học trên địa bàn huyện thuộc các xã: Nậm Mười, An Lương, Suối Bu, Suối Giàng, Cát Thịnh, Phúc Sơn, Sùng Đô mới được cấp hỗ trợ 2 tháng (tháng 9 và tháng 10), năm học 2009- 2010. Trường Tiểu học Gia Hội được cấp tháng 9 là 399 học sinh, tháng 10 là 374 học sinh.

Các trường tiểu học còn lại mới được hỗ trợ 1 tháng (tháng 9)... Những năm học tiếp theo, việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh là con hộ nghèo đi học thuộc Chương trình 135 giai đoạn II cũng vẫn không kịp thời nên chưa khuyến khích được con em các dân tộc có điều kiện học tập.

Nguyên nhân chi trả chậm

Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn nợ hơn 10 tỷ tiền hỗ trợ cho học sinh là con hộ nghèo ở các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II. Trong đó: Văn Chấn nợ trên 4 tỷ, Văn Yên 2,7 tỷ, Lục Yên 2,6 tỷ và Yên Bình 700 triệu đồng. Được biết nguyên nhân là do ngân sách cấp từ Trung ương về chậm.
Thầy giáo Nguyễn Mạnh Hiền - Hiệu trưởng Trường THCS Suối Giàng cho biết: “Năm học 2010- 2011, nhà trường có 160 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, trong đó có 42 em học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ 140.000 đồng/tháng nhưng đến 16/8/2011, nhà trường mới nhận được 4 tháng hỗ trợ cho 42 học sinh (năm học 2010- 2011) là 23 triệu 520 ngàn đồng, còn 5 tháng nữa chưa được cấp. Sau khi nhận được tiền, nhà trường đã tổ chức cấp phát cho học sinh và phụ huynh học sinh để chuẩn bị cho năm học mới. Đối với những học sinh lớp 9 đã ra trường, nhà trường thông báo để gia đình đến nhận tiền hỗ trợ về cho các em”.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ không kịp thời không những không khuyến khích được tinh thần học tập của các em học sinh nghèo mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Điển hình như trường hợp của em Vàng A Của - học sinh lớp 9 khi được hỏi gia đình có mấy anh em, A Của ngập ngừng:

- Hình như 7 người..., à không phải 8 người cơ.

- Em út của em mấy tuổi rồi?

- Mới đẻ, hình như 1 hay là 2 tuổi, em không nhớ!

- Năm nay em bao nhiêu tuổi?

- Không biết là 14 hay là 15 tuổi gì đó...

Được biết, nhà em Của ở Bản Tập Lăng 2 cách trường học 10 km. Do nhà xa nên hàng ngày em không thể đi về được mà phải ở bán trú và tự nấu cơm ăn. Chiều thứ bẩy hàng tuần, Của về nhà xin bố mẹ gạo mang xuống trường ăn học. Có tuần bố mẹ cho 2 kg gạo và ít ngô hạt để ăn độn và cho từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng mua thức ăn. Lúc giáp hạt thì không có tiền cho, chỉ cho ít gạo và ngô mang đi ăn độn nên đã học lớp 9 mà nhìn Của giống như là học sinh lớp 6.  

Em Vàng A Của (ngồi thứ 2, phải sang) đang cùng các bạn lớp bán trú học bài.

Tơng tự như ở xã Suối Giàng, thầy Lương Văn Tuấn - Hiệu phó Trường Tiểu học - THCS xã Suối Bu phản ảnh: “Từ năm học 2007- 2008 đến năm học 2010- 2011, hầu như năm nào các em cũng không được cấp tiền hỗ trợ đi học kịp thời, do vậy việc sử dụng cũng kém hiệu quả. Đầu năm học nhiều khoản cần chi tiêu thì không được cấp, đến gần tết mới cấp, vì vậy một gia đình có nhiều con đi học được nhận trên 2 triệu đồng thì mang về ăn tết gần hết”.

Đến tháng 8/2011, nhà trường có 229 học sinh thuộc diện được hưởng tiền hỗ trợ tiền đi học ở xã Suối Bu mới nhận được 4 tháng tiền hỗ trợ đi học năm học 2010 - 2011. Trong đó, học sinh các lớp mẫu giáo là 72 em, học sinh tiểu học là 112 em và học sinh THCS là 44 em. Tổng số tiền hỗ trợ 4 tháng là 108 triệu 80 ngàn đồng, còn thiếu 5 tháng chưa được hỗ trợ. Do nguồn ngân sách hỗ trợ cấp về huyện chậm và không được cấp đều nên đã ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của các em, nhất là các em là con hộ nghèo đông con.

Chúng tôi cùng cán bộ xã và các thầy giáo Trường Tiểu học- THCS  Suối Bu đến thăm hộ gia đình anh Sùng A Chống ở thôn Ba Cầu, xã Suối Bu, tìm hiểu việc sử dụng tiền hỗ trợ đi học của các con anh. Ngồi trong căn nhà tuềnh toàng, rộng khoảng trên 30 m2, làm bằng cột tre chôn thẳng xuống đất anh Chống buồn rầu:

- Mình có 4  đứa con đang đi học vừa được xã cấp tiền hỗ trợ 1 triệu 400 ngàn đồng về trả nợ gần hết rồi.

- Anh có để dành tiền mua gạo, quần áo, sách, vở cho con đi học không?

- Có chứ. Nhưng chỉ mua cho mỗi đứa được một bộ thôi, còn thì phải trả nợ vay ăn trước chứ?

- Anh có mua gì nữa không?

- Có mua được ít gạo, ít thịt và cả rượu nữa.

Hộ gia đình anh Chống ở cách trụ sở UBND xã không xa nhưng không hiểu vì sao đến nay gia đình anh vẫn chưa được hỗ trợ làm nhà theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ? Hỏi về vấn đề này, anh Mùa A Khua - Phó chủ tịch UBND xã thản nhiên: “Chắc là dưới thôn thống kê danh sách để sót...”.

Quyền lợi cho học sinh vùng 135

Giờ học môn Tiếng Việt của học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học và THCS Suối Bu (Văn Chấn).

Đến nay, học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS, ở các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, huyện Văn Chấn  mới được hỗ trợ 4 tháng tiền đi học của năm học 2010- 2011 với số tiền trên 3 tỷ 462 triệu đồng. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đi học cho học sinh là con hộ nghèo thuộc các xã 135 giai đoạn II ở Văn Chấn không chỉ chậm trễ mà đã xảy ra tình trạng để sót, không thống kê, lập danh sách học sinh trong diện được hưởng chính sách như  xã Tú Lệ và xã Minh An.

Ông Phạm Nguyên Bình - Trưởng Phòng Dân tộc huyện cho hay: “Năm 2010, sau khi được thành lập, Phòng Dân tộc đã thực hiện rà soát phát hiện xã Tú Lệ để sót 38 học sinh, trong đó tiểu học là 24 em và THCS là 14 em, xã Minh An để sót 21 học sinh, trong đó học sinh mẫu giáo 4 em, tiểu học 5 em và THCS là 12 em. Phòng đã lập danh sách đề nghị cấp bổ sung cho 59 học sinh của 2 xã này trong đợt cấp hỗ trợ đầu năm 2011”.

Sau hơn 4 năm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đi học cho học sinh là con hộ nghèo ở các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II của huyện Văn Chấn cho thấy: số lượng học sinh ở các trường được hưởng chính sách hỗ trợ không quá nhiều nhưng một số xã và nhà trường lập danh sách thiếu trách nhiệm vẫn để sót. Câu hỏi được đặt ra là ở các huyện khác trong tỉnh, các xã thuộc diện 135 liệu có để sót học sinh diện được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đi học không? Câu trả lời này xin dành cho các ngành chức năng của các huyện, các xã, các trường học ở xã thuộc Chương trình 135 giai đoại II trong tỉnh!

Hy vọng, các ngành, các địa phương có liên quan có học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ này, sớm có đề xuất với Trung ương để học sinh là con hộ nghèo ở các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II trong tỉnh - đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ được hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ có điều kiện được học tập tốt hơn.

Minh Hằng

Các tin khác
Dự án rau thất bại, người dân lại trở về với kiểu sản xuất truyền thống.

YBĐT - Tuy Lộc, xã vùng ven của thành phố Yên Bái từ lâu đã nổi tiếng với các loại rau màu. Không ai có thể nhớ rõ nhưng điều chắc chắn rằng thành phố Yên Bái từ khi được thành lập thì vùng rau Tuy Lộc cũng đã ra đời để phục vụ nhu cầu người dân thành thị.

Sau phiên tòa, cặp vợ chồng trẻ này sẽ đường ai nấy đi.

YBĐT - Các cặp vợ chồng trẻ tuổi cưới nhau sau vài ngày, vài tháng đã xin ly hôn, các cặp trung tuổi cũng xin chia tay và có cả những cặp vợ chồng tuổi ngoài 70 cũng đưa nhau ra tòa.

Sùng A Sìa (người thứ nhất từ phải sang) kể về ly hương.

YBĐT - Hờ A Ly vẫn cứ ra đi những tưởng tìm được miền đất hứa và được đổi đời. Song, chỉ chưa đầy một năm, A Ly cùng vợ con lầm lũi trở về với hai bàn tay trắng, trở thành người vô gia cư, bởi cửa nhà, ruộng nương đã bán sạch và những đồng tiền cuối cùng cũng đã tiêu hết.

Một góc Làng Lao.

YBĐT - Cách trung tâm xã Cát Thịnh (Văn Chấn) 35 km, Làng Lao nằm giáp ranh giữa huyện Phù Yên (Sơn La) và xã Làng Nhì huyện Trạm Tấu. Đường đi đến rất khó khăn, nhiều đoạn phải vượt qua lớp đá tai mèo sắc nhọn, đoạn thì mò mẫm đi trên thân cây bắc qua khe núi… Vì vậy, cuộc sống người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục