Báo động nguy cơ cháy
- Cập nhật: Thứ hai, 3/10/2011 | 2:55:19 PM
YBĐT - Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hàng năm trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra từ 30 đến 50 vụ cháy, nổ các loại, thiệt hại hàng tỷ đồng. Trước thực trạng đó, công tác PCCC ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
Lực lượng PCCC diễn tập phương án chữa cháy.
|
Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện, xăng, dầu, khí ga, than và các loại vật liệu khác phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt ngày một tăng cao nên nguy cơ cháy nổ trong việc sử dụng nguồn nhiệt là rất lớn. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hàng năm trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra từ 30 đến 50 vụ cháy, nổ các loại, thiệt hại hàng tỷ đồng. Trước thực trạng đó, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
101 nguyên nhân gây cháy
Tại bộ phận tổng hợp của Phòng Cảnh sát PCCC - Cứu hộ cứu nạn (CHCN) Công an tỉnh vẫn còn lưu giữ hàng ngàn bộ hồ sơ về các vụ cháy được theo dõi qua các năm với nhiều nguyên nhân khác nhau như: chập điện, sử dụng bếp ga, bếp củi, thắp nến trên bàn thờ, hàn điện, các vụ cháy rừng bất cẩn khi đốt nương làm rẫy…
Chắc hẳn nhiều người vẫn nhớ vụ cháy thiêu rụi hàng trăm nhà dân ở khu tập thể Xí nghiệp Bánh kẹo những năm 1980 của thế kỷ trước. Hồi đó nhà dân chủ yếu được làm bằng gỗ, lợp mái cọ. Ngọn lửa từ khi được phát hiện đã nhanh chóng lan nhanh biến nơi này thành biển lửa. Lực lượng PCCC thời điểm đó chỉ có 2 xe cứu hỏa, vất vả sau hơn 4 giờ đồng hồ đám cháy mới cơ bản được dập tắt.
Vụ cháy xảy ra vào hồi 16 giờ 35 phút, ngày 17 tháng 6 năm 2009, tại Xưởng sơ chế dầu thải Quý Oanh ở thôn Cường Bắc, xã Nam Cường. Khi vụ cháy xảy ra, trong cơ sở này có 4 téc đựng dầu thải, ngọn lửa bùng phát cao tới 20m, sau 2 giờ đồng hồ đám cháy mới được lực lượng PCCC dập tắt. Nguyên nhân của vụ cháy này được xác định là do hệ thống điện không đảm bảo dẫn đến chập điện, gây cháy nổ.
Theo thống kê mới đây của lực lượng cảnh sát PCCC, 10 năm (2001-2011), trên địa bàn xảy ra 333 vụ cháy, trong đó, cháy rừng 181 vụ, thiệt hại 2.728 ha, còn lại là cháy nhà, cơ sở sản xuất, trường học, trụ sở làm việc của cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh… làm chết 8 người, bị thương 12 người, thiệt hại về tài sản 8 tỷ 808 triệu đồng. Riêng vụ cháy Siêu thị Hoàn Mỹ mới đây, ước thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng. |
Mới đây nhất, khoảng 3 giờ ngày 27/9, Phòng Cảnh sát PCCC - TKCN nhận được tin báo cháy ở Siêu thị Hoàn Mỹ, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, lực lượng PCCC đã điều động 6 xe chữa cháy, 2 máy bơm công suất lớn và 70 cán bộ, chiến sỹ cùng hàng trăm người dân trong khu vực kịp thời chữa cháy. Đến 4 giờ 45 phút cùng ngày đám cháy đã cơ bản được khống chế.
Về cháy rừng, phải kể đến các vụ cháy liên hoàn từ ngày 26 tháng 2 đến ngày 7/3/2010 trên địa bàn huyện Trạm Tấu với 24 điểm cháy lớn tại các thôn: Tà Đằng, Tà Cao (xã Tà Xi Láng), Tà Chử (xã Bản Công), Tà Xi (xã Bản Mù)… Lực lượng chức năng đã huy động trên 500 người tham gia chữa cháy với phương châm “4 tại chỗ” nhưng do thời tiết hanh khô, cộng với gió tây thổi mạnh, gần 100 ha rừng đã bị thiêu rụi.
Đại tá Lương Năng Thi, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC - CHCN Công an tỉnh cho biết: “Nói về nguyên nhân các vụ cháy, có tới cả ngàn nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu vẫn do con người không cẩn trọng trong sử dụng nguồn nhiệt, đặc biệt là lửa. Còn nguyên nhân cháy nữa là do sét đánh, nhưng tỷ lệ này đối với Yên Bái rất thấp”.
Tiếng nói người trong cuộc
Theo Đại tá Lương Năng Thi, những năm gần đây hỏa hoạn ngày càng có nhiều biểu hiện, diễn biến phức tạp, số vụ cháy năm sau cao hơn năm trước, mức độ thiệt hại ngày càng lớn.
Trong khi đó, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp hiện nay chỉ có 8 xe nhưng có tới 3 xe đã sử dụng từ năm 1990, 3 xe cũ của Nhật Bản viện trợ đã sử dụng từ năm 1996 -1997, 1 xe tiếp nước và 1 xe chỉ huy. Yên Bái chưa có xe thang phục vụ cho chữa cháy, trong khi trên địa bàn đã có 5 cơ sở nhà xây từ 9 đến 11 tầng. Lực lượng hiện tại đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, thường trực 24/24 giờ, đảm bảo ứng phó với các vụ cháy.
Tuy nhiên, theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam, bán kính phục vụ tối đa của một đội PCCC chỉ từ 3 đến 5 km là hiệu quả nhất nhưng trên thực tế nhiều khi cán bộ, chiến sỹ cảnh sát PCCC vẫn ứng phó đến các địa bàn thuộc địa phận huyện Yên Bình, Trấn Yên. Hậu quả của cháy khi đã xảy ra là vô cùng nghiêm trọng, không những thiệt hại về người, tài sản mà còn ảnh hưởng đến thể xác và tinh thần của nhiều người nơi xảy ra cháy.
Cảnh sát PCCC thường trực 24/24 giờ.
Đối với ngành kiểm lâm, đây là một ngành có nhiều đặc thù trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Đồng chí Nguyễn Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái cho biết: “Những năm gần đây, ngành Kiểm lâm Yên Bái đã không ngừng củng cố, tăng cường cán bộ xuống cơ sở, các địa bàn có nguy cơ cháy cao được bổ sung thêm 2 đến 3 cán bộ. Ngoài việc tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, PCCC rừng, lực lượng kiểm lâm còn phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể của địa phương củng cố, duy trì 192 Ban chỉ huy PCCC rừng từ huyện đến cơ sở với 3.017 thành viên. Ngoài ra, Ban chỉ huy các thôn, bản còn thành lập 3.664 tổ đội PCCC rừng với 40.984 người tham gia. Công tác tuyên truyền về PCCC được đặc biệt quan tâm, hàng năm tổ chức nhiều cuộc diễn tập về PCCC rừng cấp cơ sở, cung cấp các trang thiết bị phục vụ cho công tác PCCC, phát quang, làm mới các đường băng cản lửa, chòi canh và trên 400 bảng tin, biển báo cấp lửa đặt ở trung tâm các xã và khu vực nguy cơ cháy cao”.
Thực trạng và giải pháp
Thực tế hiện nay, rất nhiều các công sở, trường học, bệnh viện, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn… chưa quan tâm nhiều đến hệ thống nước và các phương tiện trang bị khác phục vụ công tác PCCC. Nếu có đầu tư thì việc kiểm tra tính năng của các thiết bị này gần như bị lãng quên. Ở nhiều cơ quan, đơn vị kinh doanh khi xảy ra cháy những thiết bị đã không thể sử dụng, gây thiệt hại về người và tài sản lên tới cả tỷ đồng.
Một yêu cầu cấp bách trong công tác PCCC được đặt ra hiện nay là: các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, cần xây dựng phương án PCCC và lực lượng chữa cháy tại chỗ. Cần thường xuyên huấn luyện nghiệp vụ và trang bị phương tiện chữa cháy theo tiêu chuẩn quy định của Nhà nước.
Phát hiện sớm và tổ chức chữa cháy kịp thời khi đám cháy mới phát sinh. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra theo các chuyên đề trọng điểm như: xăng dầu, khí gas, điện, vật liệu nổ công nghiệp, rừng, khu đông dân cư, chợ, trung tâm thương mại và các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời những vụ cháy. PCCC là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, bởi vậy, chúng ta cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật PCCC nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do hỏa hoạn.
Thạch Phong
Các tin khác
YBĐT - Ngân hàng có thể gỡ cho hộ nghèo? Lý lẽ ở đây là không thể tính khoản nợ của dân vào món rủi ro vì trâu bò bị bệnh hoặc chết do bệnh thì Công ty Thẩm Hường có trách nhiệm bồi hoàn lại cho dân, Ngân hàng không có nghĩa vụ làm thay, không thể tính vào rủi ro mà khoanh hay xóa nợ được. Chính quyền địa phương có gỡ được cho hộ nghèo?
YBĐT - Sự phát triển và gia tăng thái quá của các cơ sở sản xuất chế biến gỗ rừng trồng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong hơn một năm trở lại đây đang đẩy không ít gia đình đứng trước cảnh nợ nần, thậm chí là phá sản.
YBĐT - Đến tháng 5/2011, nhiều học sinh nghèo ở các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II của Văn Chấn vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của năm học 2009- 2010 và đến nay còn vẫn còn rất nhiều học sinh chưa nhận được tiền hỗ trợ đi học của năm học 2010 - 2011.
YBĐT - Tuy Lộc, xã vùng ven của thành phố Yên Bái từ lâu đã nổi tiếng với các loại rau màu. Không ai có thể nhớ rõ nhưng điều chắc chắn rằng thành phố Yên Bái từ khi được thành lập thì vùng rau Tuy Lộc cũng đã ra đời để phục vụ nhu cầu người dân thành thị.