Cần quy hoạch vùng sản xuất sắn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/10/2011 | 9:07:21 AM

YBĐT - Sắn trong vườn, ven đường, sắn lên đồi, sắn sang sông, lên núi, vào rừng nguyên liệu giấy, thậm chí vào cả diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn. Sắn lấn át cây chè, quế, cây nguyên liệu giấy, là những loại cây mà huyện đã xác định là cây trồng chủ lực một thời.

Diện tích sắn trồng tràn lan, ồ ạt phá vỡ quy hoạch.
Diện tích sắn trồng tràn lan, ồ ạt phá vỡ quy hoạch.

Từ bao đời nay, sắn là nguồn thức ăn phụ trong các gia đình lúc đói giáp hạt, thế nhưng vài năm trở lại đây, ngành chăn nuôi và công nghiệp chế biến phát triển đã đưa cây sắn trở thành một mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Không chỉ xoá đói, giảm nghèo, sắn còn giúp đời sống của bà con nông dân thay đổi từng ngày. Tuy nhiên, việc trồng sắn ồ ạt, tràn lan, phá vỡ quy hoạch, thậm chí còn phá rừng, chè và những cây trồng khác để trồng sắn quả là điều đáng báo động.

Ông Phạm Văn Lái - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Yên Bái quy hoạch vùng trồng sắn là 10 ngàn ha nhưng hiện nay diện tích sắn đạt trên 11 ngàn ha, như vậy mới vượt 15% so với quy hoạch”. Tuy nhiên, theo số liệu của ngành thống kê thì diện tích trồng sắn đã gần 15 ngàn ha. Sắn từ Yên Bình lên Lục Yên, sang Văn Yên về Trấn Yên rồi vào Văn Chấn, sắn lên cả vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải, bạt ngàn sắn.

Chỉ tính riêng huyện Văn Yên, diện tích sắn đã lên trên 7 ngàn ha (theo báo cáo của huyện), vượt 3 ngàn ha theo quy hoạch. Không trồng theo quy hoạch của 7 xã mà sắn đã có mặt ở hầu hết các xã từ vùng thấp đến vùng cao. Sắn trong vườn, ven đường, sắn lền đồi, sắn sang sông, lên núi, vào rừng nguyên liệu giấy, thậm chí vào cả diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn. Sắn lấn át cây chè, quế, cây nguyên liệu giấy, là những loại cây mà huyện đã xác định là cây trồng chủ lực một thời.

Đến nay, không ai có thể phủ nhận được tính hiệu quả của sắn, không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn làm cho đời sống của bà con thay đổi từng ngày. Người dân ai cũng vui vì trồng sắn không tốn nhiều chi phí, công sức mà lại có lãi cao.

Ông Biên, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình phấn khởi nói : “Giá sắn ngày một tăng cao, nhà máy, tư thương vào tận đồi tranh mua. Cuộc đời tôi đã có trên 50 năm gắn bó với đồi núi, ruộng vườn nhưng chưa bao giờ thấy trồng sắn lại hiệu quả như bây giờ. Năm ngoái gia đình tôi trồng gần 2 ha, bán thu lãi 40 triệu đồng, trồng keo hay bồ đề cũng phải mất 6-8 năm mới đến chu kỳ khai thác, trong khi sắn chỉ 8 tháng là cho thu hoạch, lại không mất nhiều công sức”.

Sắn đã nâng hồn quê, đất quê lên, nhà xây, xe máy, ti vi, tủ lạnh cũng nhờ sắn mà ra. Thế là nhà nhà trồng sắn, người người trồng sắn, ai cũng ôm giấc mơ đổi đời từ sắn. Và hệ quả tất yếu của việc nhà nhà đua nhau trồng sắn và phát triển xuất phát đơn thuần của người dân thì hệ quả tất yếu là sẽ vỡ quy hoạch, khủng hoảng thừa.

Hẳn mỗi người trồng sắn ở Văn Yên, Yên Bình còn nhớ năm 2008, đầu vụ giá sắn cao ngất ngưởng trên 700 đồng/kg nhiều hộ dân không muốn nhổ bán chờ giá lên cao hơn nữa, nhưng đến giữa vụ giá xuống còn 400 đồng/kg, rồi 300 đồng/kg vẫn không ai mua. Tiền bán sắn không đủ tiền công nhổ sắn chứ chưa nói đến đầu tư chăm sóc, vận chuyển đã khiến hàng ngàn hộ dân không muốn lên đồi nhổ sắn. Giá giảm, nhổ sắn không hết, bán không xong, nhiều hộ đã nghèo lại càng nghèo hơn bởi món nợ ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc phát triển sắn tràn lan tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn về quy hoạch cây trồng phục vụ cho các ngành kinh tế và chế biến khác. Mặc dù cây sắn đang mang lại nguồn thu cho khá nhiều hộ dân nông thôn nhưng có nhiều người cho rằng, đây chỉ là lợi ích trước mắt chứ không thể phát triển bền vững lâu dài bởi sản lượng sắn củ, sắn lát, tinh bột sắn đều tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, đến một lúc nào đó thị trường này đóng cửa thì người trồng sắn sẽ đi về đâu? Từ trước đến nay, chưa ai có thể dự đoán chính xác được thị trường Trung Quốc, vì nó luôn thất thường và đầy rủi ro. Nhu cầu của thị trường Trung Quốc có thể tăng đột biến nhưng ngay lập tức có thể giảm đột ngột khiến người trồng sắn và các nhà kinh doanh cùng khốn đốn.

Một lý do nữa chúng ta không nên quá mải mê với cây sắn bởi rủi ro về môi trường là rất lớn. Trên một vùng đất mầu mỡ nhưng chỉ trồng sắn, sau 4-5 năm trồng liên tiếp cây sắn sẽ cằn cỗi dần và năng suất rất thấp. Đặc biệt ở những vùng đồi núi, việc trồng sắn làm cho đất dễ bị rửa trôi và thoái hoá. Sau khi đã trồng sắn thì trồng các loại cây khác cũng không thể lên xanh tốt được dẫu đầu tư phân bón tốt đến mấy. Khoa học đã chứng minh rễ sắn ngoài lấy đi các chất hữu cơ trong đất còn thải ra một loại axít có hại cho cây trồng, đồng thời làm chai cứng nền đất và huỷ diệt các vi sinh vật có lợi trong đất.

Bên cạnh đó, việc các cơ sở, nhà máy sản xuất chế biến sắn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Người dân quanh Nhà máy sắn Văn Yên, Nhà máy sắn Vũ Linh - Yên Bình đã rất khốn khổ bởi ô nhiễm do chất thải, nước thải từ sắn gây ra. Đó là những lý do chúng ta không nên khuyến khích trồng phát triển cây sắn mà phải thực hiện nghiêm theo quy hoạch.

Dù cây sắn bị “lên án” mạnh mẽ nhưng chúng ta cũng không thể xoá bỏ vì nó gắn bó với rất nhiều hộ nghèo. Song song với đó, sắn cũng là một trong những nguyên liệu cung cấp cho chế biến thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu sinh học và xuất khẩu. Trước mắt, để cây sắn tìm đúng vị trí của mình thì tỉnh và các địa phương cần có chính sách khuyến khích nông dân trồng các loại cây trồng khác.

Sắn trồng ở mọi nơi, mọi địa hình đồi núi.

Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Văn Chấn nói: “Quan điểm của huyện là không khuyến khích trồng sắn, hiện nay diện tích sắn là 1.500 ha nhưng chắc chắn sẽ giảm. Bởi huyện có cơ chế, chính sách khuyến khích bà con nông dân chuyển dần diện tích sang trồng ngô, đầu tư tốt hiệu quả kinh tế cao hơn trồng sắn mà lại bảo vệ được môi trường”.

Quan trọng hơn là các địa phương cần quy hoạch và thực hiện quy hoạch vùng trồng sắn nghiêm túc gắn với các nhà máy chế biến. Cùng với đó là đưa các giống sắn mới trồng và đẩy mạnh việc đầu tư thâm canh tăng năng suất, áp dụng mở rộng các biện pháp canh tác sắn bền vững trên đất dốc mà các mô hình của khuyến nông đang thực hiện rất hiệu quả.

Thực tế cho thấy, trong sản xuất nông nghiệp, nếu chúng ta phát triển, làm theo phong trào thì phần thiệt thòi luôn thuộc về nông dân, bởi nông dân không được định giá bán sản phẩm của mình mà phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường. Do vậy, rất cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và các ngành chức năng để có định hướng phát triển, canh tác sắn sao cho bền vững, không để tác động xấu đến môi trường hay lại lặp lại bài học “chặt trồng, trồng chặt”.

T.P 

Các tin khác
Lực lượng PCCC diễn tập phương án chữa cháy.

YBĐT - Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hàng năm trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra từ 30 đến 50 vụ cháy, nổ các loại, thiệt hại hàng tỷ đồng. Trước thực trạng đó, công tác PCCC ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết.

Gia đình chị đinh Thị Xiêm - một hộ nghèo ở bản Nà Ban, xã Thạch Lương (Văn Chấn).

YBĐT - Ngân hàng có thể gỡ cho hộ nghèo? Lý lẽ ở đây là không thể tính khoản nợ của dân vào món rủi ro vì trâu bò bị bệnh hoặc chết do bệnh thì Công ty Thẩm Hường có trách nhiệm bồi hoàn lại cho dân, Ngân hàng không có nghĩa vụ làm thay, không thể tính vào rủi ro mà khoanh hay xóa nợ được. Chính quyền địa phương có gỡ được cho hộ nghèo?

Hiện ở Lương Thịnh chỉ có những cơ sở đủ mạnh về nội lực kinh tế mới đủ sức cạnh tranh và tồn tại.

YBĐT - Sự phát triển và gia tăng thái quá của các cơ sở sản xuất chế biến gỗ rừng trồng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong hơn một năm trở lại đây đang đẩy không ít gia đình đứng trước cảnh nợ nần, thậm chí là phá sản.

Anh Sùng A Chống (người ngồi giữa) ở thôn Ba Cầu, xã Suối Bu là hộ nghèo có 4 con đang đi học nhưng gia đình anh vẫn chưa được hỗ trợ tiền làm nhà ở.

YBĐT - Đến tháng 5/2011, nhiều học sinh nghèo ở các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II của Văn Chấn vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của năm học 2009- 2010 và đến nay còn vẫn còn rất nhiều học sinh chưa nhận được tiền hỗ trợ đi học của năm học 2010 - 2011.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục