Bật dậy Quy Mông

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/10/2011 | 3:01:19 PM

YBĐT - Ở xã Quy Mông (Trấn Yên), những tiềm năng, lợi thế của một địa phương vốn nhiều khó khăn đang được khơi dậy. Một không khí làm ăn nhộn nhịp đang diễn ra trên địa bàn, tạo bước chuyển để bứt phá trong những năm tới. Song nơi này như đang cần một cú hích nhằm tạo động lực để bật dậy đi lên bền vững.

Diện tích trồng đao riềng ở xã Quy Mông đã đạt tới 32 ha.
Diện tích trồng đao riềng ở xã Quy Mông đã đạt tới 32 ha.

Phát huy tiềm năng rừng

Sau nhiều năm kiên trì vào cuộc của các cấp, các ngành nhất là sự tiến công đưa KHKT vào nuôi trồng cùng với sự đầu tư vào xã thông qua Chương trình 135, đất đai ở Quy Mông đã phát huy hiệu quả. Đất rừng, đất ruộng giờ không ngừng nghỉ bởi bàn tay cần cù và sự thay đổi nếp nghĩ trong cách làm ăn của trên 1.300 hộ dân là người Mường, Dao, Nùng Kinh cùng chung sống.

Chúng tôi theo con đường mới nối từ trục đường trục chính vào các thôn 6, 7, 8. Con đường này được đầu tư từ vốn 135 khá êm thuận, thỉnh thoảng lại có chiếc ô tô chở gỗ cao ngất đi ngược chiều ra đường lớn. Đó là gỗ rừng trồng được khai thác làm nguyên liệu cho các xưởng bóc gỗ trên địa bàn xã. Được biết, toàn xã có trên 1.500 ha trong tổng số 2.024 ha đất lâm nghiệp.

Từ nhiều năm nay, người dân ở Quy Mông có được nguồn thu cao từ rừng trồng với các loại cây nguyên liệu như keo, bồ đề, quế. Trên địa bàn xã đã thành lập được một Công ty cổ phần phát triển chế biến gỗ, 1 dây chuyền chưng cất tinh dầu quế và 25 cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho trên 200 lao động. Những ngày trời nắng, gỗ được bóc phơi trắng khu vực quanh các xưởng, rải theo đường tỉnh lộ Quy Mông - Đông An. Thôn 8, 9, 11,12 là những thôn có nhiều diện tích rừng cũng là nơi tập trung các hộ khá giả của xã. Ngay như thôn 11 có 173 hộ thì có 80% gia đình có rừng, trong đó khoảng 20 hộ có 10 ha rừng trở lên.

Trong ngôi nhà khang trang trị giá 700 - 800 triệu đồng được xây dựng từ năm 2007, ông Bùi Thế Phiệt say sưa câu chuyện về nghề rừng. Từ chuyện nhận đất nhận rừng cách đây 15 năm, cách trồng và chăm sóc rừng đến mô hình trang trại tổng hợp. Rừng đã giúp ông nuôi đàn con trưởng thành, giúp ông xây nhà to… Hiện giờ, trang trại rừng của gia đình ông Bùi Thế Phiệt ở thôn 11 có 8 ha mỗi năm cho thu nhập trên dưới 70 triệu đồng. Ông Phiệt cho biết, thôn 11 của ông cũng có tới 30% số hộ nhờ làm rừng mà kinh tế gia đình trở nên khá giả; một số hộ vừa trồng rừng, vừa mở cơ sở bóc gỗ để tiêu thụ nguyên liệu gỗ trong vùng.

Mới đây, để bổ sung nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XX, xã Quy Mông đã xây dựng chương trình tập trung trồng rừng nhằm tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến gỗ trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, cùng với làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, nhân dân trong xã đã trồng rừng mới đạt 100% kế hoạch.

Hình thành các vùng chuyên canh

Ông Phùng Văn Thuỷ ở thôn 7, xã Quy Mông vẫn say sưa với giống lúa chất lượng cao.

Đứng trên sân nhà Trưởng thôn 7 - Đinh Công Quang, chúng tôi phóng tầm mắt, bao quát diện tích trên 30 ha ruộng nước của thôn 6 và thôn 7. Cánh đồng ở đây không bằng phẳng nhưng liền vùng và khá chủ động cho tưới tiêu. Tại đây, xã Quy Mông đã vận động nhân dân đưa một số giống lúa chất lượng cao vào gieo cấy, kết hợp với công nghệ phân bón dúi sâu nhằm nâng cao hiệu quả thâm canh.

 Ông Phùng Văn Thủy ở thôn 7 đang kiểm tra thửa ruộng cấy bằng giống lúa chất lượng cao cho hay: “Nhà có 6 sào cấy lúa, trong đó có 2 sào tôi đã trả Nhà nước làm mặt bằng đường cao tốc, vụ này vẫn tận dụng để gieo cấy. Mấy vụ vừa rồi, gia đình tôi giành 2 sào để cấy bằng giống chất lượng cao gọi là “cao sản đỏ”. Năng suất tuy thấp hơn giống lúa tiến bộ, nhưng đây là giống gạo ngon, giá trị bán được gấp rưỡi, giống lại chủ động nên hiệu quả lắm”.

“Ở thôn 7 này, nhà nào cũng trồng lúa chất lượng cao, thu hoạch xong vụ mùa là làm rau màu vụ đông, vụ này, một số hộ đã đăng ký đưa giống bí đỏ siêu quả vào trồng thử nghiệm” - anh Trần Xuân Thảo - cán bộ địa chính kinh tế của xã tiếp lời.

Đây là tín hiệu đáng mừng bởi Quy Mông đang quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở các thôn 4, 6, 7. Xã đề ra mục tiêu thâm canh 278 ha lúa nước và phấn đấu đến năm 2015 đạt năng suất 110tạ/ha, đồng thời mở rộng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao lên 100 ha.

Vụ lúa chiêm, toàn xã gieo cấy 159,6 ha, năng suất lúa bình quân đạt 52 tạ/ha, trong số đó có 45 ha lúa chất lượng cao cho sản lượng 216 tấn, đạt 128% mục tiêu của xã đề ra. Vụ mùa này, toàn xã duy trì 45 ha lúa chất lượng cao trong tổng số 130 ha gieo cấy.
Cùng với xác định cây ngô sẽ trở thành cây trồng chính với diện tích trên dưới trăm ha, tập trung chủ yếu vào vụ ngô đông, từ 2009 cây đao riềng đã được nhân dân đưa vào trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo chị Nguyễn Thị Đáng ở thôn 3, gia đình chỉ có 1 sào đất vườn chuyển sang trồng đao riềng nhưng cho thu nhập 2,5 triệu đồng.

Từ giá trị của loại cây trồng này và tiềm năng đất soi bãi, xã quy hoạch 8 thôn dọc bên sông vào vùng trồng đao riềng. Năm 2010 bà con trồng 30 ha, năm nay diện tích nâng lên 32 ha, khả năng đất đai có thể trồng tới 35 ha đao riềng. Diện tích này cùng với cây đỗ tương, lạc, khoai lang cộng với khoảng 10 ha rau màu sẽ quanh năm phủ xanh đất soi bãi, đất vườn và mang lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Đây là cơ hội để 20% số hộ nghèo và hộ cận nghèo của xã đi lên, thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm 2%/năm mà đại hội Đảng bộ xã đề ra.

Tiếp thêm động lực

Sản phẩm từ gỗ rừng trồng đã giúp người dân Quy Mông có kinh tế ổn định.

Rời những tràn lúa chất lượng cao ở thôn 7, chúng tôi trở về thôn 8 là thôn trung tâm của xã qua đoạn đường bê tông bằng phẳng. Được biết đây là 1 trong 2 đoạn đường bê tông duy nhất của xã có chiều dài 1 km được xây dựng từ nguồn vốn 135, đoạn còn lại ở thôn khác cũng chỉ nửa cây số. Thôn 8 là thôn khá của xã nhờ tập trung nhiều hoạt động dịch vụ thương mại và có tới 13 xưởng chế biến gỗ. Nhờ thế mà 48% số hộ trong thôn có nhà xây cấp IV trở lên.

Câu chuyện với Bí thư Đảng ủy xã - Nguyễn Duy Khanh xoay quanh 5 chương trình kinh tế - xã hội của xã. Một vài cây số đường rải cấp phối, 1,5 km đường bê tông thì bài toán cứng hóa 10 đường liên thôn không đơn giản, chưa kể tới hệ thống thủy lợi và một số công trình hạ tầng khác.

Rồi động lực nào để có thể 5/12 thôn của xã thoát khỏi diện khó khăn đang hưởng Chương trình 135 của Chính phủ? Động lực nào để chương trình cải tạo, nâng cao chất lượng canh tác trên 84 ha chè của xã, trong khi người dân đang tập trung vào rừng vào lúa, ngô, đao riềng?...

Đại hội XX Đảng bộ xã Quy Mông thông qua 5 chương trình kinh tế xã hội và mục tiêu phát triển trọng điểm:

1. Sản xuất lúa chất lượng cao; đưa vụ 3 thành vụ sản xuất chính trong đó cây ngô là chủ yếu.

2. Nâng cao năng suất, chất lượng cây chè; chú trọng phát triển chè lai.

3. Mở rộng quy mô chăn nuôi lợn, nuôi trâu sinh sản và chăn thả cá.

4. Phát triển mạnh thương mại, dịch vụ trên địa bàn

5. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng của một số công trình trọng điểm. 

Những chuyển biến trong phát triển kinh tế ở Quy Mông là rất quan trọng, nâng cao đời sống vật chất của người dân. Nhưng câu chuyện người dân chưa được tiếp cận nhiều thông tin qua hệ thống loa truyền thanh của xã, chuyện 2 người con của một trưởng thôn chỉ học hết lớp 9 rồi ở nhà kiếm việc làm lại là điều làm chúng tôi trăn trở.

Năm học 2011-2012, trong số 63 học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS đã có không ít cháu ở nhà vì thi không đỗ, hoặc điều kiện đi học khó khăn. Đây cũng là lý do để lãnh đạo xã lo lắng khi nói về nguồn cán bộ từ cơ sở: “Cháu nào đi học THPT rồi học một ngành nghề nào thì thoát ly ra ngoài đi làm, cháu ở lại thì trình độ không cập về trình độ, khi tìm một bí thư đoàn, cán bộ hội nông dân hay trưởng thôn là rất khó”.

Đã đến lúc cần thêm động lực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Quy Mông. Bí thư Đảng ủy xã cho biết, trong tháng 10, Đảng bộ sẽ thông qua Nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ. Đây là điều đáng mừng nhưng không phải câu chuyện một sớm một chiều. Việc trước mắt mà Đảng bộ chính quyền xã Quy Mông cần thực hiện là  đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt đổi mới lề lối, phong cách làm việc. Cán bộ, công chức ở địa phương phải đi đầu trong việc chấp hành chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ngay từ những việc nhỏ nhất như tham gia giao thông để người dân lấy đó làm gương học tập, chính quyền cơ sở tăng cường nắm bắt tình hình nhân dân, giải quyết dứt điểm những nảy sinh trong cộng đồng; nêu cao trách nhiệm trong chuyên môn, khắc phục khó khăn và quyết tâm cao để hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ. Nguồn động lực từ cú hích nội sinh sẽ góp phần quan trọng để Quy Mông bật dậy và phát triển ổn định, bền vững trong những năm tới đây.

Quang Tuấn

Các tin khác
Một lớp học ghép của học trò dân tộc Mông ở điểm trường Giàng Pằng.

YBĐT - Trên đỉnh núi cao lạnh giá, những thôn bản nằm heo hút giữa núi rừng đang bừng sáng lên bởi những giáo viên ngày đêm “cắm bản” để gieo cái chữ, đem ánh sáng tri thức đến cho con em đồng bào dân tộc Mông.

Diện tích sắn trồng tràn lan, ồ ạt phá vỡ quy hoạch.

YBĐT - Sắn trong vườn, ven đường, sắn lên đồi, sắn sang sông, lên núi, vào rừng nguyên liệu giấy, thậm chí vào cả diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn. Sắn lấn át cây chè, quế, cây nguyên liệu giấy, là những loại cây mà huyện đã xác định là cây trồng chủ lực một thời.

Lực lượng PCCC diễn tập phương án chữa cháy.

YBĐT - Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hàng năm trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra từ 30 đến 50 vụ cháy, nổ các loại, thiệt hại hàng tỷ đồng. Trước thực trạng đó, công tác PCCC ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết.

Gia đình chị đinh Thị Xiêm - một hộ nghèo ở bản Nà Ban, xã Thạch Lương (Văn Chấn).

YBĐT - Ngân hàng có thể gỡ cho hộ nghèo? Lý lẽ ở đây là không thể tính khoản nợ của dân vào món rủi ro vì trâu bò bị bệnh hoặc chết do bệnh thì Công ty Thẩm Hường có trách nhiệm bồi hoàn lại cho dân, Ngân hàng không có nghĩa vụ làm thay, không thể tính vào rủi ro mà khoanh hay xóa nợ được. Chính quyền địa phương có gỡ được cho hộ nghèo?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục