Bình yên trở lại

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/10/2011 | 3:02:09 PM

YBĐT - Bạo lực gia đình - vấn đề nhức nhối bao năm ở Yên Thành nay đã từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi. Niềm vui, hạnh phúc lại trở lại với bao mái nhà.

Gia đình yên vui, hạnh phúc giúp phụ nữ người Dao - Yên Thành yên tâm lao động, sản xuất. (Trong ảnh: Các thành viên CLB “Gia đình không bạo lực” đan rọ tôm).
Gia đình yên vui, hạnh phúc giúp phụ nữ người Dao - Yên Thành yên tâm lao động, sản xuất. (Trong ảnh: Các thành viên CLB “Gia đình không bạo lực” đan rọ tôm).

Một thời nạn bạo hành gia đình len lỏi đến tận từng nhà, từng ngõ xóm nơi đây. Cả xã có 11 thôn thì thôn nào cũng có người bị bạo hành và nạn nhân phần đa đều là phụ nữ.

Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình, Yên Thành trong khoảng thời gian khá dài được biết đến như một “điểm nóng” tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ), song đến nay vấn đề bức xúc này đã giảm hẳn. Cuộc sống bình yên đã và đang thực sự trở lại với nhiều mái ấm gia đình nơi đây.

Khổ đau một thời

Thong dong trên con đường đất nhỏ, quanh co rẽ vào thăm mấy hộ gia đình người Dao, chị Nguyễn Thị Ân - Chủ tịch Hội Phụ nữ, thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống BLGĐ xã Yên Thành, giọng trầm buồn kể: “Đã có không ít người khi đến với vùng quê yên ả này đều không thể tưởng tượng được một thời nạn bạo hành gia đình len lỏi đến tận từng nhà, từng ngõ xóm nơi đây. Cả xã có 11 thôn thì thôn nào cũng có người bị bạo hành và nạn nhân phần đa đều là phụ nữ”.

Hiện tại, Yên Thành vẫn đang là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình với tỷ lệ hộ nghèo lên đến trên 36%. Vậy mà có thời điểm, nhiều phụ nữ nơi đây ngoài nỗi lo toan cơm, áo, gạo tiền, còn phải hứng chịu thêm cả những nỗi đau do chính người chồng của mình gây ra. Đó không chỉ là những trận đòn, những cái bạt tai, những cú đấm, đá… mà còn là những lời mắng chửi, lăng mạ, xỉ nhục đau buốt đến tận tâm can con người.

Chị Lê Thị Thương - một phụ nữ người Dao, từng là nạn nhân của BLGĐ (thôn Di Cụ) nghẹn ngào: “Tôi cũng không nhớ là mình đã bị chồng đánh bao nhiêu lần. Chỉ biết rằng hễ cứ có rượu vào là chồng tôi lại mắng chửi, đánh đập. Nhiều lần phẫn uất tôi chỉ muốn tự tử nhưng vì thương các con nên lại ngậm ngùi cho qua để tiếp tục sống và hy vọng một ngày nào đó anh ấy sẽ thay đổi …”. Những chia sẻ của chị Thương, cũng là tâm sự chung của rất nhiều phụ nữ ở Yên Thành (từng là nạn nhân của bạo hành gia đình) đã kể cho chúng tôi nghe.

Chị Đặng Thị Nhung (thôn Ké Hạ)- một thành viên CLB “Gia đình không bạo lực” tâm sự: Kể từ khi tham gia vào CLB, hạnh phúc gia đình tôi mới thực sự được tìm về. Chúng tôi lấy nhau đã nhiều năm nhưng những tháng ngày “bình yên” thì rất ít. Tôi thì hay nói, không khéo lựa lời với chồng, còn chồng tôi thì tính nóng, lại hay uống rượu nên chuyện “xô bát, đổ mâm” vẫn thường xảy ra. Từ lúc tham gia  CLB, được mọi người tư vấn giúp đỡ và có thêm kiến thức pháp luật đã giúp cho vợ chồng thay đổi rất nhiều. Tôi đã biết cách cư xử hợp lý hơn với chồng, còn anh ấy cũng chấm dứt hẳn việc đánh chửi vợ con. Nhờ đó, chúng tôi đã tập trung phát triển kinh tế gia đình và nuôi dạy con cái tốt hơn”.

Theo kết quả điều tra, khảo sát, nguyên nhân gây ra BLGĐ chủ yếu là do cờ bạc, rượu chè, ghen tuông, nghèo đói, thất nghiệp… Tuy nhiên, những nguyên nhân trên chỉ mang tính phổ biến, phản ánh thực trạng BLGĐ đang diễn ra tại nhiều địa phương hiện nay. Còn thực tế, theo đánh giá, nhận định của những người trực tiếp làm công tác phòng, chống BLGĐ ở Yên Thành cho biết, nguyên nhân sâu xa và cũng là yếu tố cơ bản nhất dẫn tới nạn BLGĐ nơi đây lại do trình độ dân trí và nhận thức của người dân về bình đẳng giới còn nhiều hạn chế.

Lớp tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp trong gia đình tại xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái).

Với đặc thù là một xã vùng sâu, vùng xa, có tới trên 94% dân số là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, từ nhiều đời nay, người dân nơi đây đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi những tư tưởng lạc hậu xưa cũ với những quan niệm “trọng nam khinh nữ”, “chồng chúa, vợ tôi”, “thương cho roi, cho vọt”… bởi vậy mà vô hình đã tạo đà cho BLGĐ có điều kiện nảy sinh và hoành hành.

Chị Nguyễn Thị Ân - thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống BLGĐ xã Yên Thành cho biết thêm: “Đã có không ít những người đàn ông gây bạo lực, khi chính quyền địa phương tới can ngăn, giải quyết đều có những phản ứng rất quyết liệt. Họ cho rằng đó và việc riêng của gia đình và họ có quyền được “dạy vợ” như thế”. Những quan niệm sai lệch trong nhận thức và thiếu hụt kiến thức pháp luật đã khiến cho nhiều ông chồng ngang nhiên hành xử sai trái với vợ. Song, phản ứng của các bà vợ thì sao? Tại sao trong một thời gian dài, BLGĐ lại “đương nhiên” có mặt và tồn tại trong các gia đình?

Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có một cuộc trao đổi với những bà vợ ở Yên Thành (từng là nạn nhân của BLGĐ) và được biết: “Là người phụ nữ trong nhà, ai cũng muốn cửa nhà được yên ấm. Do đó, khi bị chồng đánh đập, chửi mắng thì chúng tôi đều có suy nghĩ: “một điều nhịn là chín điều lành”, không nên “vạch áo cho người xem lưng”, nói ra thì “xấu chàng hổ ai”. Vì thế mà chỉ đến khi không chịu đựng được thì mới cầu cứu đến những người khác”. - chị Tướng Thị Phương (thôn Khe Cạn) thay lời các chị em bày tỏ.

Hạnh phúc tìm về

Các thành viên CLB “Gia đình không bạo lực” xã Yên Thành cùng nhau tìm hiểu Luật Phòng, chống BLGĐ.

Cuối năm 2007, sau khi tiến hành một cuộc điều tra, khảo sát về thực trạng BLGĐ tại 11/11 thôn của xã, Đảng bộ, chính quyền xã Yên Thành đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống BLGĐ và Phòng Tư vấn cho nạn nhân của BLGĐ với sự tham đông đủ của các, ngành, đoàn thể (y tế, phụ nữ, công an, tư pháp, đoàn thanh niên…). Đồng thời, thiết lập thêm một đường dây nóng để có thể trợ giúp kịp thời cho các nạn nhân của BLGĐ khi cần thiết.

Ông Bàn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Yên Thành, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống BLGĐ xã cho biết: “Ngay sau khi Ban chỉ đạo phòng, chống BLGĐ được thành lập, xã đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên giám sát các hoạt động tại cơ sở để có biện pháp xử lý kịp thời khi có BLGĐ xảy ra. Sau đó, đưa nội dung công tác phòng, chống BLGĐ vào chỉ tiêu kế hoạch năm và lấy đó làm tiêu chí để đánh giá, xếp loại gia đình văn hoá nên đến nay tình trạng BLGĐ đã giảm 80 - 90%”.

Để công tác phòng, chống BLGĐ thực sự đi vào chiều sâu và mang tính bền vững, tháng 3/2009, Yên Thành tiếp tục cho ra mắt Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình không bạo lực”. Sinh hoạt một tháng một lần, các thành viên trong CLB không chỉ được tuyên truyền, tập huấn những kiến thức pháp luật bổ ích liên quan đến quyền con người, quyền phụ nữ và quyền trẻ em như: Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình… mà còn trực tiếp được tư vấn, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống BLGĐ, kỹ năng ứng xử giao tiếp trong gia đình, kỹ năng tự bảo vệ mình và các kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhờ đó đến nay, CLB đã thu hút được rất nhiều các đối tượng tham gia, đặc biệt là những phụ nữ từng là nạn nhân của BLGĐ, phụ nữ có độ tuổi từ 30- 45 và những người đàn ông đã từng có hành vi bạo hành.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bàn Văn Lanh - Chủ nhiệm CLB phấn khởi cho biết: “Kể từ khi CLB ra đời, đã có rất nhiều gia đình được yên ấm, hoà thuận. Hầu hết các ông chồng đều xác định được đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình nên không còn có những hành vi cư xử thiếu văn hoá và đánh đập, chửi bới vợ con như trước”.

Bạo lực gia đình  - vấn đề nhức nhối bao năm ở Yên Thành nay đã từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi. Niềm vui, hạnh phúc lại trở lại với bao mái nhà. Những gì mà Yên Thành đã có được hôm nay, sẽ là đòn bẩy, là động lực để giúp người vùng đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình đây vươn tới một cuộc sống ấm no, bình yên và đầy đủ hơn.

Hồng Oanh

Các tin khác
Diện tích trồng đao riềng ở xã Quy Mông đã đạt tới 32 ha.

YBĐT - Ở xã Quy Mông (Trấn Yên), những tiềm năng, lợi thế của một địa phương vốn nhiều khó khăn đang được khơi dậy. Một không khí làm ăn nhộn nhịp đang diễn ra trên địa bàn, tạo bước chuyển để bứt phá trong những năm tới. Song nơi này như đang cần một cú hích nhằm tạo động lực để bật dậy đi lên bền vững.

Một lớp học ghép của học trò dân tộc Mông ở điểm trường Giàng Pằng.

YBĐT - Trên đỉnh núi cao lạnh giá, những thôn bản nằm heo hút giữa núi rừng đang bừng sáng lên bởi những giáo viên ngày đêm “cắm bản” để gieo cái chữ, đem ánh sáng tri thức đến cho con em đồng bào dân tộc Mông.

Diện tích sắn trồng tràn lan, ồ ạt phá vỡ quy hoạch.

YBĐT - Sắn trong vườn, ven đường, sắn lên đồi, sắn sang sông, lên núi, vào rừng nguyên liệu giấy, thậm chí vào cả diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn. Sắn lấn át cây chè, quế, cây nguyên liệu giấy, là những loại cây mà huyện đã xác định là cây trồng chủ lực một thời.

Lực lượng PCCC diễn tập phương án chữa cháy.

YBĐT - Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hàng năm trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra từ 30 đến 50 vụ cháy, nổ các loại, thiệt hại hàng tỷ đồng. Trước thực trạng đó, công tác PCCC ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục