Giờ học của những "nhà giáo không chuyên"
- Cập nhật: Thứ năm, 17/11/2011 | 9:26:43 AM
YBĐT - Giờ dạy của các giảng viên tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Trạm Tấu (Yên Bái) giúp chúng tôi hiểu rõ thêm về trách nhiệm của mình với việc chuyển đổi nhận thức cho đồng bào vùng cao...
Sinh hoạt chi bộ ở thôn Hát Lừu 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.
|
Như nhiều đảng viên khác, chúng tôi được đi học sơ cấp chính trị. Lớp của tôi có 43/65 học viên là đảng viên người Mông ở các chi bộ nông thôn, tuổi đời hầu hết còn rất trẻ, mới chân ướt chân ráo từ các xã xa xôi của huyện về Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Trạm Tấu ở nội trú.
Sống trong môi trường tập thể có kỷ luật làm các bạn gặp không ít khó khăn. Nhiều đảng viên nữ như Sùng Thị Công, Giàng Thị Mo nén nỗi nhớ chồng nhớ con để dồn tâm sức vào việc học, hoàn thành trách nhiệm của một người đảng viên.
Ngày đầu, cũng giống như tôi, các đảng viên khối nông thôn đều thở dài khi lớp học khai mạc bằng môn “Những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin”, lịch học là “Tư tưởng Hồ Chí Minh” và “Đường lối cách mạng Đảng Cộng sản Việt Nam” - những bộ môn “đậm chất” chính trị mới nghe đã thấy khó tiếp thu. Nhưng thực tế vậy mà không phải vậy!
Giờ giảng của đồng chí Vũ Thị Nhất - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện với chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc” mở đầu bằng những câu hỏi về Bác Hồ, các đảng viên khối nông thôn sôi nổi lắm. Mừng thay khi ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này, những đảng viên dù mới 22 tuổi như Hờ Thị Say ở Làng Nhì hay đã gần 40 tuổi như Giàng Thị Mo ở Tà Xi Láng, Phàng A Sử ở Bản Mù… ai cũng thuộc làu tiểu sử vị Cha già kính yêu của dân tộc.
Giảng viên Vũ Thị Nhất đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta phải đoàn kết các dân tộc lại với nhau?”, học viên Trang A Phềnh ở Bản Mù cho rằng: “Phải đoàn kết các dân tộc thì chúng ta mới phát triển kinh tế được”, còn học viên Giàng A Khua ở Đảng bộ xã Xà Hồ nói: “Nếu không đoàn kết thì chúng ta sẽ bị kẻ thù lợi dụng để chia rẽ dân tộc”. Giảng viên lại tiếp tục đặt câu hỏi: “Vậy đoàn kết quốc tế là gì, tại sao chúng ta phải đoàn kết quốc tế?” rồi “Tại sao khi nước ta bị đế quốc xâm chiếm thì Liên Xô, Trung Quốc … - những nước lớn trên thế giới lại giúp chúng ta? Họ được gì khi giúp chúng ta?”…
Những câu hỏi từ đơn giản đến phức tạp khiến các học viên như cuốn vào guồng xoáy, mọi người quên đi sự rụt rè, e ngại ban đầu để bày tỏ quan điểm. Mọi người hiểu rằng, muốn giữ vững độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nước ta nhất định phải đoàn kết các dân tộc, mở rộng quan hệ hợp tác và đoàn kết quốc tế bởi sinh thời, khi Bác Hồ lên thăm Yên Bái, việc đầu tiên Người căn dặn cán bộ, đảng viên và quân dân Yên Bái là phải đoàn kết. Người ví dụ: 10 dân tộc anh em ở Yên Bái như 10 ngón tay, nếu bẻ từng ngón thì rất dễ nhưng nếu nắm chặt 10 ngón tay lại thì kẻ thù sẽ không dễ gì bẻ được…
Rồi khi giảng viên Vũ Thị Nhất đặt câu hỏi: “Nếu không có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thì người Mông có được như ngày hôm nay không?”, không khí trong lớp học trở nên trầm lắng… Cô giáo cười: “Các đồng chí cứ thoải mái bày tỏ quan điểm”. Trong lớp xôn xao trao đổi. Đồng chí Giàng A Sinh mặt hơi đỏ nhưng nói rất dõng dạc: “Không có sự quan tâm của Đảng, người Mông mình làm gì có đường, có trường học; không có cô giáo lên đây thì mình không biết chữ; không có bác sĩ thì sẽ có nhiều người Mông bị chết oan vì thầy mo, thầy cúng. Vì vậy, chúng ta phải đoàn kết các dân tộc để cùng giúp nhau phát triển”.
Giờ học của đồng chí Thẩm Hữu Tiến - Trưởng Công an huyện Trạm Tấu, ngoài nội dung chính của bài học, đồng chí kể về tội ác của thực dân, đế quốc, về nỗi đau của bao gia đình bị ảnh hưởng chất độc da cam… Đặc biệt là khi nhắc tới âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch với những dẫn chứng rất cụ thể thì lớp học im phăng phắc, các đồng chí đảng viên khối nông thôn khoanh tay trước ngực thỉnh thoảng chậc lưỡi: “Húi! Sao chúng nó ác thế? Chúng nó lắm âm mưu thế? Ôi, thế này mà không tỉnh táo thì bị chúng nó lừa đấy...”.
Chuyên đề lên lớp của đồng chí Giàng A Câu - Phó bí thư Thường trực Huyện ủy là “Về đường lối xây dựng hệ thống chính trị”. Đồng chí đã lồng ghép những vấn đề trong lý thuyết từ trước thời kỳ đổi mới đến nay gắn với thực tiễn của huyện Trạm Tấu. Đồng chí nói rõ thực trạng còn tồn tại của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt ở các chi, Đảng bộ nông thôn. Đó là nhận thức chính trị của đảng viên còn hạn chế; tinh thần phê bình và tự phê bình chưa cao; trong chi bộ, hoạt động phê bình và tự phê bình còn mang tính cục bộ.
Kết thúc bài giảng, đồng chí nhấn mạnh, đồng bào Mông muốn phát triển hơn thì cần giải quyết ngay vấn đề hôn nhân cận huyết thống để cải thiện giống nòi. Giờ dạy của giảng viên Vũ Hoàng Phương - Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy giúp chúng tôi hiểu rõ thêm về trách nhiệm của mình với việc chuyển đổi nhận thức cho đồng bào vùng cao...
Hết nửa thời gian học tập, các đảng viên người Mông như thay đổi hẳn, không còn đồng chí nào nhầm lẫn các sự kiện lịch sử, không còn người nghỉ học không lý do, càng không ai đi muộn về sớm, không có người trốn ký túc xá, không ai để chuông điện thoại trong giờ học và rất hăng hái tham gia phát biểu ý kiến.
Bạn Mùa A Hờ, năm nay 22 tuổi ở Đảng bộ xã Pá Hu chia sẻ: “Em học được rất nhiều từ lớp học này. Trước đây, em nghĩ, đất nước độc lập rồi thì chẳng còn gì phải lo nhưng bây giờ mới biết, các thế lực thù địch luôn âm mưu phá hoại nước ta. Vì thế đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo, em sẽ truyền đạt những gì mình biết đến với bà con ở bản em”.
Còn nữ đảng viên Hờ Thị Say, 21 tuổi ở tận xã Làng Nhì thì “Đi học em mới biết, Bác Hồ đã phải vất vả thế nào thì đất nước ta mới có ngày hôm nay. Em tự hào về truyền thống của dân tộc. Em cũng biết được Đảng ta quan tâm đến đồng bào dân tộc Mông chúng em như thế nào, biết được Đảng bộ huyện đang rất cần những nữ đảng viên có trình độ và tâm huyết với công việc. Bây giờ, em thấy mình phấn đấu vào Đảng là hoàn toàn đúng đắn. Chắc chắn khi về địa phương, em sẽ nói những gì mình đã được học với bố mẹ và dân bản”.
Bất ngờ hơn là Trang A Phềnh ở Chi bộ Khấu Ly, Đảng bộ xã Bản Mù buổi đầu đi học còn ngủ gật vậy mà khi lớp học kết thúc, Phềnh chân thành chia sẻ: “Hóa ra học chính trị không hề khô khan như mình nghĩ. Học xong lớp này, mình cảm thấy cần phải có trách nhiệm hơn với thôn bản”.
Mỗi ngày đi học, tôi và các bạn đảng viên người Mông khối nông thôn lại được khám phá những điều mới. Mặc dù đây không phải lần đầu tiên tôi tiếp cận những môn học này nhưng với cách truyền đạt như những giảng viên kiêm chức ở Trạm Tấu, chúng tôi không chỉ được cung cấp những kiến thức vốn mang tiếng khô khan mà còn biết được nhiều hơn thế. Mỗi chúng tôi đều cảm thấy 25 ngày thật ngắn. Chúng tôi xin cảm ơn các “nhà giáo không chuyên” bởi những giờ học của họ đã trang bị cho chúng tôi biết bao điều thật quý giá!
Phương Thùy
Các tin khác
YBĐT - Ở huyện Mù Cang Chải, có dòng họ người Mông hiếu học nổi tiếng, được bà con dân bản trong và ngoài huyện học tập và làm theo. Đó là dòng họ Giàng định cư tại xã Chế Tạo - một xã cách trung tâm huyện lỵ khoảng 40 km, đường giao thông đi lại còn nhiều khó khăn.
YBĐT - “Không ai ngăn cản được tình hữu nghị hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và nhân dân hai nước với tình đoàn kết hữu nghị đời đời bền vững…”
YBĐT - Hàng năm cứ đến ngày 30 tháng Giêng (Âm lịch), người Mông ở xã Nà Hẩu lại tưng bừng tổ chức lễ hội cúng rừng. Đây là một trong những nghi lễ lớn nhất, quan trọng nhất trong năm đối với người dân Nà Hẩu.
YBĐT - Việc đóng cửa các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Yên Bái nói chung và xã Minh Quân (Trấn Yên) nói riêng đang gặp không ít khó khăn, cần có những giải pháp đồng bộ. >>>Lò gạch thủ công: Bao giờ thôi đỏ lửa