Phúc An đổi mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/1/2012 | 4:46:57 PM

YBĐT - Quê núi Phúc An đã thay “áo mới”. Đồng bào Dao, Cao Lan, Kinh nơi đây đoàn kết phát triển kinh tế, làm cho địa phương ngày càng khởi sắc.

Nhiều hộ dân ở Phúc An đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến sắn.
Nhiều hộ dân ở Phúc An đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến sắn.

Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thì điều quan trọng là nhân dân địa phương không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại mà đã vượt khó vươn lên bằng chính nội lực của mình.

Mọi người biết đến Phúc An (Yên Bình) với con thác Ô Đồ đổ dài từ núi Làng Cại xuống hồ Thác Bà. Xã vùng ba này không có nhiều thuận lợi về mặt địa lý với bên trên là núi cao, phía dưới lại giáp hồ. Điều kiện cơ sở hạ tầng của địa phương cũng còn hạn chế. Đường liên thôn đều đã được chính quyền huy động nhân dân tham gia mở mang xây dựng nhưng chưa có tuyến nào bê tông hóa. Vì thế, việc lưu thông thật sự khó khăn trong mùa mưa.  

Điều đáng nói là người dân nơi đây đã có nhận thức mới, dám nghĩ dám làm bên cạnh những hỗ trợ của Nhà nước. Chủ tịch UBND xã Phúc An - đồng chí Nguyễn Văn Vấn khẳng định: “Khi người dân có nhận thức đúng đắn thì việc gì triển khai cũng rất thuận lợi. Chẳng hạn như việc phát triển kinh tế, Phúc An đã có bước chuyển đáng kể”.

Đứng trên đỉnh thác Ô Đồ, thật khó tìm được chỉ một khoảng đất trống, núi trọc nào ở Phúc An. Tất cả đã được phủ màu xanh của rừng cây nguyên liệu xen lẫn đồi ngô, cây sắn cao sản… Phong trào trồng rừng thâm canh và chăm sóc rừng trồng được nhân dân địa phương quan tâm phát triển. Năm 2011, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng của xã đạt trên 6.000m3. Nếu so với năm trước, sản lượng tăng hơn 2.000m3.

Trưởng thôn Tướng Văn Thành cùng vợ (trái) giới thiệu mô hình du lịch của gia đình.

Thu về từ nguồn này, tính rẻ người dân cả xã cũng có hàng chục tỷ đồng. Phát huy thế mạnh của vùng đất đông hồ, nhân dân gieo cấy trên 112ha lúa, đạt 110% kế hoạch, trong đó vụ đông xuân đạt 121%. Cây sắn, khoai đều đạt và vượt kế hoạch cả về diện tích và sản lượng. Nổi bật là cây sắn, người dân đã trồng được 120ha, đạt 133% kế hoạch; sản lượng đạt trên 26.000 tấn.

Không chỉ trồng sắn, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư chế biến sắn lát khô, chế biến tinh bột sắn. Với khoảng 1/3 sản lượng sắn tươi được chế biến ngay tại địa phương đã tăng thêm nguồn thu nhập, tạo việc làm cho hơn trăm lao động trong xã. Trồng và chế biến sắn đã trở thành nguồn thu đáng kể của người dân thời gian qua.

Mặc đường đất trơn trượt do trời mưa, chúng tôi vẫn quyết định đi cơ sở. Mấy cán bộ xã đưa đi tranh thủ giới thiệu một loạt mô hình kinh tế phát triển hiệu quả của Phúc An. Đó là hộ ông Vi Văn Ngân ở thôn Khuôn Đát; ông Hà Trọng Đại, bà Nguyễn Thị Kiều ở Làng Cại; mô hình đầu tư khá lớn của ông Nguyễn Đức Mười ở thôn Đồng Tha, ông Hà Sơn Bình ở thôn Đồng Tanh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng từ chế biến gỗ, sắn…

Đặc biệt, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Minh Việt là người đi đầu thực hiện mô hình chế biến sắn, chăn nuôi lợn. Tại khu chăn nuôi lợn, vợ Bí thư Đảng ủy xã cho biết, gia đình đã phát triển mô hình được hơn 5 năm. Hiện trong các ngăn chuồng có nhiều lứa lợn, từ lợn con cho đến lợn nái, đếm sơ sơ cũng ngót sáu, bảy chục con.

Mỗi năm, gia đình xuất chuồng vài tấn lợn hơi và riêng chế biến sắn vừa rồi sản xuất 10 tấn sắn sấy, thu về 40 triệu đồng. Chúng tôi tiếp tục đến một cơ sở chế biến sắn ở thôn Đồng Tanh. Anh Lương Bắc Sơn cùng mấy lao động đang nhanh tay đổ sắn vào máy băm.

Nhìn đống sắn to giữa sân, tôi hỏi:
- Liệu có chạy hết chỗ đó không?
- Ăn thua gì, chiếc máy này mỗi ngày phải ngốn 30 tấn củ tươi mới “no” đấy - anh Sơn nói lớn.
Rời nhà anh Sơn, cán bộ Mặt trận Lý Văn Vui kéo tôi đi tiếp. Tôi hỏi nhỏ:
- Lại sắn à anh?
- Không, tới Đồng Tý, vào nhà Trưởng thôn.

Chúng tôi cùng nhau tiếp tục hành trình và dừng lại trước một ngôi nhà sàn tương đối rộng với hàng cột rất to. Tôi ngắm nghía và nghĩ, có thể đây là ngôi nhà sàn to và đẹp nhất xã Phúc An. Trưởng thôn Đồng Tý có họ tên rất oai: Tướng Văn Thành. Thăm quan một vòng, hóa ra phía trong còn có một ngôi nhà sàn nữa cũng to đẹp không kém ngôi nhà mặt tiền.

Quả thực, đây là một cơ ngơi lớn và rất giá trị. Điều đặc biệt, hai căn nhà sàn này được ông Thành đầu tư làm du lịch. Ông giãi bày, mình cứ mạnh dạn đầu tư, năm rồi cũng có vài ba lượt khách du lịch cả Tây cả ta tới thuê. Ngoài kinh doanh phục vụ du lịch, Trưởng thôn Tướng Văn Thành hết sức năng nổ với nhiệm vụ của thôn.

Đồng Tý có 83 hộ với 408 khẩu, người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Chi bộ thôn nay đã phát triển được 5 đảng viên. Đoàn kết giúp đỡ nhau nên trong thôn bây giờ không còn mấy hộ nghèo. Nếu tính theo tiêu chí mới thì chỉ còn 27 hộ, đặc biệt đã có 23 hộ vươn lên khá bởi phát huy tốt nội lực.

Phúc An hôm nay đã và đang thay da đổi thịt. Khu trung tâm xã đang được triển khai xây dựng hệ thống kè chống sạt trị giá hơn 9 tỷ đồng; trường mầm non xây dựng khang trang với sự đầu tư hỗ trợ trên 1,5 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và các đơn vị.

Năm 2012 này, đường liên thôn từ thác Ô Đồ đi Làng Cại nằm trong chương trình bê tông hóa. Cùng sự đầu tư của Nhà nước và những nỗ lực của địa phương, Phúc An sẽ ngày càng đổi mới.

Huy Văn

Các tin khác
Bữa ăn trưa của học sinh bán trú Trường Tiểu học - THCS Làng Nhì.

YBĐT - Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tình hình kinh tế - xã hội ở Làng Nhì, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã có nhiều chuyển biến tích cực, diện tích, năng suất và sản lượng các loại cây trồng đều tăng. Đặc biệt, đã xuất hiện một số điển hình biết phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nhiều hộ dân xã Báo Đáp chăm sóc vườn quất cảnh chuẩn bị bán trong dịp tế Nguyên đán.

YBĐT - Chuyện của những người đi xuất khẩu lao động ở Báo Đáp càng trở thành đề tài bàn luận sôi nổi nhất là vào những ngày cuối năm.

Con đường bê tông lượn quanh thôn Tà Sùa luôn được người dân dọn dẹp sạch sẽ.

YBĐT - Mùa đằng, mùa dủa (chúc mừng năm mới), Ou pen nu túa sảng (hẹn gặp lại) và lời dặn dò chan chứa nghĩa tình của đồng bào như dành cho đứa con lúc rời xa, mùng cha túa (đi rồi nhớ về)… ấy luôn động viên, nhắc nhở tôi sớm trở lại nơi này. Mùa xuân nay, đúng như đã hẹn, tôi trở lại Tà Sùa...

Không được trang bị bảo hộ lao động, công nhân làm việc tại các cơ sở này không hề biết rằng tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào

YBĐT - Theo số liệu thống kê của Trạm Y tế xã Lương Thịnh, số vụ tai nạn xảy ra tại các xưởng bóc gỗ trong chưa đầy 3 năm (từ 2009 đến nay) lên tới gần 90 vụ, đặc biệt có nhiều ca rất nặng. Và số lao động bị thương tích do sử dụng máy cưa, máy bóc ván trên địa bàn xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đang ở mức “báo động”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục