Ấm nồng xuân ở Bản Công

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/12/2011 | 3:20:13 PM

YBĐT - Mùa đằng, mùa dủa (chúc mừng năm mới), Ou pen nu túa sảng (hẹn gặp lại) và lời dặn dò chan chứa nghĩa tình của đồng bào như dành cho đứa con lúc rời xa, mùng cha túa (đi rồi nhớ về)… ấy luôn động viên, nhắc nhở tôi sớm trở lại nơi này. Mùa xuân nay, đúng như đã hẹn, tôi trở lại Tà Sùa...

Con đường bê tông lượn quanh thôn Tà Sùa luôn được người dân dọn dẹp sạch sẽ.
Con đường bê tông lượn quanh thôn Tà Sùa luôn được người dân dọn dẹp sạch sẽ.

Xuân đến,  núi rừng Tà Sùa được đánh thức sau một giấc ngủ đông dài, cỏ cây phủ màu xanh lên khắp núi đồi, làng bản, nương rẫy. Trên sườn núi chênh vênh dốc đứng, bừng lên màu hồng rực rỡ, quyến rũ của bạt ngàn hoa đào.

Dưới thung sâu nở rộ sắc trắng thanh tao, tinh khiết của hoa mận, hoa mơ… Ngẩn ngơ mê đắm với thiên nhiên nơi rẻo cao xe chạy vòng quanh thôn lúc nào tôi chẳng hay. Anh Phàng A Dề  - Bí thư Chi bộ thôn Tà Sùa phấn khởi chào khách. “Mừng anh lại lên với Tà Sùa. Bà con nơi đây vẫn nhắc về anh đấy”. 

Xuân ấy, tôi cùng 2 cô bạn đồng nghiệp lên Tà Sùa làm chương trình tết của đồng bào Mông. Chúng tôi ăn, nghỉ và tác nghiệp tại nơi đây gần 3 ngày. Đêm xuống, chúng tôi cùng bà con làm bánh dày và tìm hiểu tục thờ cúng của người Mông. Ban ngày, cùng đám thanh niên nam, nữ trong bản đi chơi hội ném còn, đánh cù, nhảy dây… Rồi đến từng nhà dự bữa cơm xum họp, nghe họ kể những câu chuyện của bản làng.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng trong thôn ai cũng bảo nhau quyết giữ đất, giữ rừng, không du canh, du cư mà phải ổn định phát triển kinh tế, sớm đưa Tà Sùa thoát khỏi nghèo đói. Khi chia tay, người mang rượu, người gói bánh dày nhét đầy túi hành lý và không quên gửi lời chúc đến gia đình chúng tôi.

Mải suy nghĩ, chợt Bí thư Dề vỗ vai: “So với 3 năm trước, Tà Sùa giờ thay đổi nhiều lắm! Nhưng trước tiên, chú phải vào nhà rửa chân tay, nghỉ ngơi rồi anh sẽ đưa chú đi thăm làng bản…”. “Làm sao mà nghỉ ngơi được, 3 năm rồi chứ ít gì! Anh cứ cho em đi thăm bà con, làng bản! Có khi như vậy còn đỡ mệt hơn!”, tôi hăng hái.

Con đường bê tông uốn lượn, quanh làng bản sạch bóng bởi quy ước: Sáng cũng như chiều, mỗi hộ gia đình ở thôn phải có trách nhiệm quét dọn, làm vệ sinh sạch sẽ, tuyệt đối không có phân gia súc, gia cầm trên đường. Chính lẽ đó, sau 4 năm ra mắt làng văn hóa, thì đến đầu năm 2011, Tà Sùa chính thức được công nhận làng văn hóa. Với 90% nhà ở gọn gàng, trước hiên nhà đều được láng nền xi măng, chuồng trại chăn nuôi gia súc, khu vệ sinh được làm cách xa nhà dân.

Tà Sùa hiện có 86 hộ, 558 nhân khẩu sinh sống ở 2 cụm là Sáng Nhù 15 hộ, còn lại là Tà Sùa. Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Huyện ủy Trạm Tấu, trách nhiệm, tinh thần xung kích của tuổi trẻ, Hội Phụ nữ huyện đã chủ động liên hệ với các tổ chức chính trị, xã hội trong và ngoài nước, các ban, ngành đoàn thể trong huyện hỗ trợ rất nhiều cho đồng bào Mông ở Tà Sùa như: 38 hộ gia đình được xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu, bò bằng bê tông; các công trình vệ sinh; láng nền xi măng theo hướng hiện đại, đảm bảo 3 cứng: cứng nền, cứng mái, cứng khung; phổ biến kiến thức và chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc vật nuôi, trồng và phát triển cây ăn quả; làm 15 chuồng lợn do Dự án Pand (Tổ chức Thú y không biên giới) tài trợ…

Cô và trò Trường tiểu học Tà Sùa.

“Còn rất nhiều các công trình, dự án hỗ trợ cho Tà Sùa, nhưng không thể không nói tới, việc Huyện đoàn Thanh niên giúp đồng bào nơi đây trồng trên 30 ha sơn tra từ năm 2008 đến nay. Chỉ độ 3 năm nữa thôi là cây sơn tra sẽ cho thu nhập, mỗi hộ gia đình ở đây cũng có trên 4.000m2 sơn tra sẽ góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo…” Bí thư Dề phấn khởi cho biết. Song, đáng nói nhất là ý thức người dân đã được nâng lên.

Họ đã biết tận dụng, khai thác những tiềm năng thế mạnh mà địa phương mình có như gieo cấy lúa nước 2 vụ bằng giống Nhị ưu 838, trồng thêm lúa nương; rau màu với diện tích gần 80 ha… phát triển chăn nuôi đại gia súc và cây ăn quả. Tổng đàn gia súc của thôn hiện có là 1.800 con, trong đó, trâu bò trên 200 con; dê, ngựa gần 100 con, còn lại là lợn, gà…

Dưới tán mận nở trắng bung, những nếp nhà gỗ năm nào nay đã được thay mới hầu hết bằng tấm lợp phi prôxi măng sáng trắng, nhiều hộ trong nhà lát gạch đá hoa, phía trước cửa là công trình nước sạch, chị em phụ nữ Mông ngồi đạp máy khâu mới toanh hiện đại…

Bên thềm xi măng, phụ nữ người Mông đang may váy mới.

Chị Hà Thị Lan Hương - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Trạm Tấu, phụ trách thôn Tà Sùa cho biết: “Nói nhiều khi không tin, nhưng lại có thật ở đây em ạ. Một nửa hộ dân nơi đây đã sử dụng nhà tiêu hiện đại giống như các nhà ở ngoài thành phố. Lại còn có cả hệ thống nước xả nữa chứ! Tới đây, chúng tôi còn liên kết với tổ chức Tầm nhìn Thế giới cấp lợn giống sinh sản cho 20 đến 25 hộ.”. Câu chuyện còn dở, thì anh Dề hướng chúng tôi tới thăm gia đình Giàng A Chư, sinh năm 1988. Lúc này, Chư đang bận bán hàng cho khách, thấy tôi, Chư hồ hởi: “Lâu rồi, mới thấy anh quay lại”…

- Cảm ơn em! Lấy vợ chưa, làm ăn thế nào?

- Em lấy vợ và có một cháu rồi! Được sự tư vấn của cán bộ huyện vừa rồi em đã đi xuất khẩu lao động nên dành dụm được ít vốn. Em về nhà là mua máy xay xát làm ngay, vừa tiện cho gia đình vừa giúp bà con trong thôn bản đỡ phải đi lại xa. Đồng thời em nuôi thêm 4 con lợn, 3 con trâu, 2 con bò; gần 1 ha ruộng lúa và mở cửa hàng tạp hóa… hàng tháng thu nhập cũng trên 5 đến 6 triệu đồng. Không chỉ em mà còn nhiều thanh niên khác có thu nhập như vậy!

Sự thay đổi của Tà Sùa càng kỳ diệu và toàn diện hơn khi chúng tôi lên thăm cô giáo và các em học sinh Trường Mầm non, Trường Tiểu học Tà Sùa. Ngôi trường bằng gỗ, quét ve xanh, xung quanh được đồng bào rào kín và láng nền xi măng. Đồng chí Tráng A Hồ - Chủ tịch UBND xã Bản Công khẳng định: “Hàng năm, 100% học sinh nơi đây được ra lớp và ra trường; tỷ lệ các cháu lên lớp đạt 100%...

 Cũng chính mảnh đất này, đã bồi dưỡng, nuôi nấng nhiều người con thành đạt đấy như anh Giàng A Gì – Bác sỹ, chuyên khoa cấp 1, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Trạm Tấu; đồng chí Giàng A Trống - cán bộ Ngân hàng Chính sách  Xã hội…”.

Đến Tà Sùa được thấy, được nghe, được chia sẻ, dùng bữa cơm, nhấp ngụm rượu men lá với đồng bào để rồi lòng tôi lại luyến nhớ lúc ra về. Từng làn gió nhẹ nhàng lướt trên những ngọn cây đất trời thoang thoảng hương hoa xuân ngan ngát, từ trên núi mây trắng như bông vờn quanh những nếp nhà gỗ của người Mông trong bản, không gian rộn lên tiếng vỗ cánh của bầy ong rừng, xen lẫn tiếng nước chảy nơi đầu bản róc rách khe khẽ, thầm thì… mùng cha túa (đi rồi nhớ về).

Ngọc Sơn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục