Báo Đáp có "Làng xuất ngoại"

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/12/2011 | 3:19:30 PM

YBĐT - Chuyện của những người đi xuất khẩu lao động ở Báo Đáp càng trở thành đề tài bàn luận sôi nổi nhất là vào những ngày cuối năm.

Nhiều hộ dân xã Báo Đáp chăm sóc vườn quất cảnh chuẩn bị bán trong dịp tế Nguyên đán.
Nhiều hộ dân xã Báo Đáp chăm sóc vườn quất cảnh chuẩn bị bán trong dịp tế Nguyên đán.

Về xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, đi chợ phiên những ngày này, các bà, các chị cứ đùa nhau: Lại gặp mấy anh cô đơn, mấy ông ở xóm “ba đảm đang” đi chợ. Thế mà chịu khó ra phết, cơm nước, đồng áng, học hành của con cái, phụ nữ ối người học theo cũng chẳng bằng! Hóa ra ở Báo Đáp, nhiều làng còn gọi là “làng xuất ngoại”, “làng tỷ phú” bởi trong xã có nhiều người đi xuất khẩu lao động gửi tiền về cho gia đình xây nhà, mua xe mà phần lớn là các bà vợ.

Dạo quanh một vòng qua các làng của Báo Đáp bây giờ, đi đến đâu cũng choáng ngợp bởi nhiều nhà xây mới dáng vóc kiến trúc khá hiện đại, trang hoàng không kém gì nhà thành phố. Dừng xe trước nhà Phạm Ngọc Sơn ở làng Chí Tiên (tôi và Sơn vốn quen biết nhau đã lâu), đang chăm sóc đàn lợn sau nhà, Sơn chạy lên, vui vẻ: “Tưởng ai, chứ  ông về sao không điện trước để tôi đón?”.

Thấy tôi cứ mải ngắm ngôi nhà đẹp, Sơn kéo tuột vào nhà pha ấm chè: “Cuộc sống ở nông thôn vất vả lắm, tôi phải đủ nghề, nào chè, thóc, quế, mua cả xe trâu chở cát sỏi.. mà thu nhập chẳng là bao, chỉ tạm đủ ăn. Chẳng giấu gì ông, bà xã đi lao động xuất khẩu ở Malaixia từ cuối năm 2006, hồi đó con cún mới được 7 tuổi, thằng thứ hai gần 3 tuổi, may mà ở với bố mẹ, các cụ cũng đỡ đần cho nhiều phần chứ không ốm mất”.

Tôi nói đùa: “Về chơi thăm ông, đến đầu ngõ nghe bà con nói vợ chồng ông dạo này khá lắm nên đến vay ít tiền làm cái nhà tạm để ở. Tôi hỏi thật, ông làm cái nhà này hết bao nhiêu? Vợ ông đi lao động xuất khẩu mỗi năm gửi về có được 100 triệu đồng không?”.

Sơn đáp ngay: “Nhà tôi sang bên đó làm nghề sản xuất linh kiện ti vi, mỗi năm chỉ gửi về được 60 đến 70 triệu đồng thôi. Còn cái nhà này, tôi xây năm 2010, diện tích sử dụng 220 m2 hết trên 400 triệu đồng. Tất nhiên, tiền làm nhà phần nhiều do vợ gửi về nhưng ở nhà mỗi năm tôi cũng nuôi được 70 con lợn cộng với làm thêm năm cũng thu khoảng 60 triệu đồng. Tiền đó còn nuôi 2 đứa con ăn học cũng tốn kém lắm, nhà quê bây giờ tiêu tiền không kém gì thành phố đâu…”.

Chiều muộn, tôi ghé thăm gia đình anh Đặng Văn Hải, ở làng Ngòi Hóp. Anh Hải có vợ là chị Nguyễn Thị Lưu đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan từ năm 2003. Hải bảo: Trước đây, cuộc sống gia đình cũng vất vả lắm, hai vợ chồng suốt ngày đi chợ buôn bán đủ thứ. Năm 2003, được sự giới thiệu của người quen, thời điểm đó trong xã cũng có 4 người đăng ký đi nên tôi quyết định vay 30 triệu đồng để cho nhà tôi đi lao động xuất khẩu.

Mặc dù biết thiếu vắng người phụ nữ trong gia đình lo việc nhà, việc con cái ăn học hành hàng ngày nhưng nghĩ lại, đời mình có khổ cũng không để các con phải khổ vì thất học. Cũng may, nhà tôi sang bên đó công việc cũng bình thường: giúp việc cho một nhà chùa, chủ yếu là quét dọn, chăm sóc cây cảnh, 1 tháng họ trả cũng được trên 12 triệu đồng, tiền ăn, ở không mất nên tiết kiệm được. Tính tổng 8 năm, bà ấy cũng gửi về được cả tỷ đồng rồi. Có tiền, tôi đầu tư cho 4 cháu ăn học, đến nay 3 đứa đã làm ở cơ quan Nhà nước và xây dựng gia đình. Riêng cô út đang học năm thứ 2 cao đẳng ở Hà Nội.

"Nhờ tiền vợ gửi về, năm 2006, tôi xây cái nhà này trị giá trên 400 triệu đồng. Nói chung, kinh tế bây giờ tương đối ổn định. Sang năm 2012, hết hợp đồng về nước, tôi đã chuẩn bị trước xây thêm căn nhà cấp 4 bên cạnh rộng gần 100 m2, tới đây mở “nhà trẻ gia đình” gọi là có việc vui dưỡng tuổi già…” - Hải tâm sự.

Nhà của anh Phạm Ngọc Sơn, làng Chí Tiên mới hoàn thành có trị giá trên 400 triệu đồng nhờ tiền xuất khẩu lao động.

Chuyện của những người đi xuất khẩu lao động ở Báo Đáp càng trở thành đề tài bàn luận sôi nổi nhất là vào những ngày giáp tết. Thấy xuất khẩu lao động là hướng giải quyết việc làm hiệu quả, thu nhập cao, nhiều chị em trong làng, người không có cũng cố vay mượn anh em, bè bạn, ngân hàng để đi. Chỉ tính riêng từ năm 2006 đến nay, Báo Đáp có 108 người đi lao động xuất khẩu, chủ yếu là các nước: Đài Loan, Malaixia, Ảrập Xêút. Trong số đó trên 95% là nữ.

Qua tìm hiểu ở một số gia đình có người đi xuất khẩu lao động thì đi Đài Loan chi phí ban đầu để đi được, chưa kể 3 tháng học tiếng ở Hà Nội, phải tốn tới 150 triệu đồng/người. Còn Malaixia hay Hàn Quốc, chi phí đó chỉ 30 đến 50 triệu đồng, nhưng thu nhập mỗi tháng cũng chỉ đạt 6 đến 8 triệu đồng. Hiện nay, trong cả 17 làng của Báo Đáp đều có người đi lao động xuất khẩu.

Ai về ít cũng xây được nhà 1 tầng, còn đa phần là nhà 2 tầng với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Có người về nước lại xin gia hạn đi lần 2, lần 3. Con số thống kê hàng năm của địa phương thì riêng xuất khẩu lao động, lượng tiền gửi về hàng năm cũng gần 20 tỷ đồng, chưa kể đám thanh niên trai, gái trong làng cũng có tới gần 200 người đi làm ở các công ty, xí nghiệp trong nước như: da giày, may mặc, nghề điện, nghề xây dựng… ở khắp các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai…

Vắng “một nửa thế giới” trong nhà, nhiều làng ở Báo Đáp trở thành “xóm đàn ông”. Ngoài người già, trẻ em, còn lại đa phần đàn ông trung niên. Đàn ông đi chợ, đàn ông làm việc đồng áng, chăm sóc con cái học hành, phụng dưỡng cha mẹ già.

Mỗi khi gia đình nào có việc vui, buồn, đàn ông lại quần xắn móng lợn vào bếp, bưng bê, quét dọn. Tôi còn được nghe nhiều câu chuyện “thật như bịa”. Đó là vào dịp những “ngày chị em”  như Quốc tế phụ nữ 8/3 hay 20/10, đàn ông thay vợ đi họp, đóng góp quỹ hội phụ nữ, tham gia các tiết mục văn hóa, văn nghệ chào mừng kỷ niệm hay ra phết.

Mỗi dịp tết đến, nhà nào cũng các đức ông chồng bày mâm ngũ quả đẹp không kém gì tay phụ nữ. Bánh chưng gói tuy chưa vuông vắn lắm nhưng chấp nhận được. Mấy ông cô đơn bảo nhau: “Thôi thì các con có lòng thành, mâm xôi gà, hoa quả thắp hương tổ tiên, có điều gì chưa phải, mong các cụ đại xá cho!”. Chén rượu ngày tết rót ra, mâm cơm chiều ba mươi tết vẫn đủ đầy bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành…Những tiếng cười vang lên, những cái bắt tay thật chặt để tạm quên đi nỗi mệt nhọc của những người đàn ông “ba đảm đang”…

Thạch Phong

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục