Nậm Thia ký sự

  • Cập nhật: Thứ bảy, 28/1/2012 | 10:17:23 AM

YBĐT - Bóng trăng rằm vằng vặc, chênh chếch tỏa xuống dòng Nậm Thia hiền hòa mùa nước chững; gập gềnh nhịp cầu treo vắt nối đôi bờ trông như một tấm võng khổng lồ ngang trời; xào xạc tiếng lá reo từ những bụi tre già vững chãi, hiên ngang, sừng sững đứng hai bên bờ suối qua bao thăng trầm thời gian...

Và gió, gió là cái mà tôi cảm nhận rõ nhất khi đứng đây - bên bờ con suối Thia huyền thoại đã được ghi dấu vào các tác phẩm thi, ca, nhạc, họa, là nguồn cảm hứng sáng tác của biết bao người nghệ sỹ đa tình. Gió lồng lộng, vi vút hòa mình vào khung cảnh nên thơ, hùng vĩ mà an bình ấy, tạo nên một bản nhạc khi du dương thánh thót, lúc trầm hùng bay bổng, rồi cứ thế ngân hoài không dứt trong tâm thức..., dù đi, dù ở. Bên dòng Nậm Thia ấy, cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái từ ngàn xưa đến nay vẫn vậy, đằm thắm nghĩa tình và đậm đà bản sắc văn hóa dân gian...

Khởi nguồn huyền thoại

Dòng suối Thia lúc hiền hòa, khi dữ dội ấy đã gắn bó với người dân vùng lòng chảo Mường Lò từ bao đời nay. Nó vốn mang trong mình một bí mật không thể phai mờ trong ý thức của những con người sinh sống hai bên bờ dòng chảy...

Truyền thuyết của đồng bào dân tộc Thái nơi đây kể lại rằng: xa xưa, từ lâu lắm rồi, từ cái ngày mà không còn ai có thể nhớ một cách chính xác được nữa, dưới chân núi Trạm Tấu (nay thuộc xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn) có một bản Thái. Nơi đó có một chàng trai bản vạm vỡ, to khỏe, tài săn bắn, giỏi thổi khèn yêu cô gái đẹp nhất vùng. Cô gái khéo dệt vải, hát múa hay và có mái tóc dài mượt óng như tơ lụa, lúc nào cũng tỏa hương thơm làm ngây ngất lòng người. Mỗi lần chàng trai thổi khèn, cô gái đẹp cất lên giọng hát là mọi người kéo đến đông nghịt cả chân núi, ngọn đồi để được tận mắt chiêm ngưỡng đôi trai tài gái sắc, để được tận tai nghe những âm thanh kỳ diệu từ những khúc tình ca của họ.

Thời đó có tên Chúa đất tìm mọi cách để phá vỡ cuộc tình duyên ấy. Cậy có quyền, hắn đã cho người bắt cô gái đẹp về nhà làm nàng hầu và đuổi chàng trai đi nơi khác, cấm không được bén mảng đến. Nhờ có dân bản giúp đỡ, che chở, cô gái trốn được khỏi nhà Chúa đất, tìm được người yêu. Thế rồi đôi bạn tình chỉ biết dắt tay nhau chạy miết vào rừng. Họ chạy mãi, chạy mãi, đêm tối mịt mùng họ cũng không dừng lại. Đến khi đôi trai gái trèo lên được ngọn núi cao nhất thì trời hửng sáng, cả hai đều đói lả và kiệt sức, họ dựa lưng vào nhau nhịn đói, nhịn khát mà than khóc. Cô gái khóc nhiều đến nỗi nước mắt của cô ướt bảy cánh rừng rộng, chín đỉnh núi cao; nước mắt biến thành dòng nước to đổ xuống chân đèo thành suối lớn.

Thương cảm tấm lòng của người yêu, sau những lời thề nguyền sống không lấy được nhau thì chết sẽ nguyện ở bên nhau, chàng trai đã nhảy xuống dòng nước xanh biếc ấy trẫm mình. Thân thể chàng trai khi vừa chạm vào dòng nước đã vỡ tan, hóa thành trăm ngàn mảnh đá nằm sâu trong lòng nước. Cô gái cũng trẫm mình xuống dòng nước ấy, mái tóc dài bung ra, mỗi sợi gắn vào một hòn đá tạo thành thứ rêu óng ả, lấp lánh dưới ánh nắng, xao động tựa như ngàn vạn bàn tay vẫy gọi; thứ rêu này người Thái gọi là Cay Hin và lấy về làm thành món ăn thơm ngon, đậm đà trong những bữa rượu hứa hôn hoặc vào ngày xuân ấm áp của đất trời.

Cũng từ đó, dòng suối chảy qua vùng lòng chảo Mường Lò được gọi là Nậm Xia (nước mắt đôi bạn tình). Nậm Xia uốn khúc quanh co qua nhiều xã, đến khu vực Coóng Kéng thì đổ ra sông Hồng theo một cửa ngầm dưới lòng núi. Trải qua thời gian tồn tại, qua những câu chuyện truyền miệng dân gian, lâu dần Nậm Xia gọi chệch thành Nậm Thia, suối Thia hay ngòi Thia như bây giờ...

Truyền thuyết là vậy, còn đối với cuộc sống của đồng bào các dân tộc hai bên bờ, suối Thia có một vai trò vô cùng to lớn. Nậm Thia đã bồi đắp phù sa cho lòng chảo Mường Lò, làm cho vùng đất này trở nên trù phú, quanh năm đất đai màu mỡ, đồng ruộng tốt tươi. Đồng thời, nó góp phần tạo nên một vùng văn hóa lúa nước lưu vực các con suối, dòng chảy nhỏ, đồng bào các dân tộc về quần tụ, làm ăn sinh sống hai bên bờ ngày càng đông vui...

Ngoài tác dụng lớn nhất là hệ thống tưới tiêu cho cả vùng, suối Thia cũng là nơi cung cấp nguồn thực phẩm quý giá cho người dân với những loài thủy hải sản độc đáo, các loại cá đặc sản, thơm ngon, nhiều dưỡng chất... Hai bên bờ suối ấy, các làng văn hóa mọc lên ngày càng nhiều với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú như những điệu dân ca, dân vũ, pắng nước, lấy nước mới, tắm suối... tạo nên một nét rất riêng vùng lòng chảo Mường Lò nức tiếng gần xa...

Rộn rã nhịp đời

Trưa cuối tuần, ngày đầu xuân, nhận được lời mời từ buổi sáng, tinh thần thôi thúc, tôi rủ anh bạn đi cùng trong chuyến công tác miền Tây: “Ông đi với tôi về xã Nghĩa Lợi, món gỏi tầm Nậm Thia không phải lúc nào cũng được thưởng thức đâu”. Gỏi tầm là tên gọi của một món ăn được chế biến từ một loại cá rất đặc trưng chỉ có ở Nậm Thia, gọi là cá khuy. Ngà ngà rượu, ông chủ của bữa gỏi tầm Lường Văn Nguyên - Trưởng bản Xà Rèn trầm ngâm: “Người Thái có truyền thống ít ăn thịt, thức ăn chủ yếu là cá, côn trùng, rêu đá...

Chính vì vậy, Nậm Thia từ xa xưa đã là nơi cung cấp nguồn thực phẩm quý giá cho chúng tôi. Nhớ cái thời rừng còn nhiều, dòng suối mùa nước lên rộng có đến hàng trăm mét, cá nhiều vô kể. Có những hôm người dân đi đánh lưới được những con cá chép suối nặng hàng chục cân, những loại cá vài ba cân cũng nhiều lắm... Giờ thì không còn nhiều cá to nhưng thỉnh thoảng vẫn có người bắt được cá chép đôi cân, cá sỉnh, cá khuy thì còn nhiều. Bà con cũng rất có ý thức bảo vệ môi trường, chỉ đánh chài, đánh lưới chứ tuyệt đối không đánh mìn hay đánh điện”.

Những loại cá bắt được từ dòng Nậm Thia giờ đây đã trở thành những món đặc sản riêng có của vùng Mường Lò với nhiều cách chế biến (nướng, gỏi, xôi...) mà bất kỳ ai đến đây cũng đều muốn được một lần thưởng thức. “Không còn có nhiều nữa đâu, các nhà hàng đặc sản đặt hàng hết, đánh bắt được bao nhiêu cũng không đủ mà bán” - anh Nguyên nói tiếp.

Đầu giờ chiều, chếnh choáng hơi men, chợt nghe thấy tiếng máy nổ phía ngoài suối Thia, tôi hỏi anh Nguyên: “Bà con mình chạy thuyền máy hay sao mà dùng máy nổ vậy anh”? Anh tươi cười giải thích: “Không phải thuyền máy đâu. Đến giờ làm chiều rồi, bà con dùng máy hút cát sỏi dưới lòng suối Thia lên để làm vật liệu xây dựng đấy. Người dân bản này và mấy bản bên nhiều người đi làm cát sỏi lắm. Vừa giải quyết lao động, vừa có thêm thu nhập lúc nông nhàn”.

Thì ra là vậy. Tò mò, tôi nhất định nhờ anh Nguyên đưa xuống tận nơi để xem cái cách bà con khai thác cát sỏi ở suối Thia có khác gì nhiều so với những cái máy hút cỡ đại của các doanh nghiệp khai thác cát sỏi mà tôi đã từng nhìn thấy tại các bãi lớn của sông Hồng hay không, anh vui vẻ nhận lời...

Trên đường, chúng tôi thấy có hàng chục chiếc máy hút mini mà bà con dân tộc Thái nơi đây sử dụng để hút, lọc cát, sỏi, tập trung thành từng đống lớn rồi cho lên ô tô loại nhỏ chở về. Lúc chúng tôi đến, một tốp bà con đang dùng những cái rổ nhựa loại nhỏ sàng cát, gần đó có hai người cầm những cái vòi cao su được nối với máy hút để thọc sâu vào lòng suối, hút cát lên. Hì hụi bê, đổ nốt rổ cát vào đống, anh Hoàng Văn Băn - Bản Xà Rèn đưa tay quệt mồ hôi đang nhễ nhại trên trán cho biết: “Khi việc đồng áng đã nhàn rỗi, gia đình tôi lại tập trung khai thác cát sỏi trên lòng suối Thia này để bán cho các đại lý vật liệu xây dựng trên địa bàn thị xã.

Chúng tôi chỉ việc hút lên, sàng lọc tạp chất rồi tập trung thành đống, họ sẽ cho xe đến tận nơi để chở về. Nếu làm chăm chỉ thì với giá bán vật liệu xây dựng hiện nay, mỗi ngày một thành viên cũng kiếm được trên dưới trăm nghìn đồng. Trong bản cũng nhiều người đi làm giống gia đình tôi lắm, vừa có việc vừa thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

Vào cái buổi mà của ít người nhiều, mọi thứ đắt đỏ như thế này, việc mỗi lao động kiếm được trên dưới trăm nghìn đồng từ việc khai thác cát sỏi trên dòng suối Thia khẳng định một lần nữa những lợi ích không hề nhỏ mà con suối đã mang lại cho người dân nơi đây.

Ông Lê Văn An – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi cho biết: “Dòng Nậm Thia trải dài gần 5km trên địa phận xã Nghĩa Lợi, ngoài đảm nhiệm việc tưới tiêu cho toàn bộ khu vực cánh đồng mùa canh tác, nó là nguồn cung cấp thực phẩm cho nhân dân. Đặc biệt, bà con sinh sống dọc hai bên bờ suối là những người rất chăm chỉ trong lao động, cần cù, chịu thương chịu khó và có những cách tư duy mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình nên đều rất khá giả, có những hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm từ chăn nuôi, làm máy xay xát”...

Đúng thực, dạo một vòng qua mấy bản người Thái dọc hai bên bờ Nậm Thia, chúng tôi thấy lời ông Chủ tịch nói quả không sai. Nào vợ chồng anh Lò Văn Tý, chị Hoàng Thị Thư ở Bản Xa nuôi 5 con lợn nái, trên 50 đầu lợn thịt, lại làm dịch vụ máy xay xát, một năm thu lãi từ bán lợn thịt và tiền dịch vụ máy xát trên 100 triệu đồng; rồi vợ chồng anh chị Điêu Văn Thơ - Điêu Thị Chức ở bản Xà Rèn một năm xuất chuồng 4 lứa lợn thịt, thu lãi 80 triệu đồng; vợ chồng anh Hoàng Văn Hiệp, chị Đinh Thị Toán chăn nuôi lợn, nấu rượu, làm máy xay xát một năm thu lãi trên 100 triệu đồng...

Còn rất nhiều hộ gia đình khá giả nữa bên bờ Nậm Thia mà chúng tôi không có đủ thời gian để ghé thăm, cuộc sống của người dân nơi đây thực sự đã có nhiều đổi khác, khá giả, dư dật hơn xưa nhờ biết cách thay đổi tư duy, tận dụng lợi thế, chăm chỉ lao động để vươn lên làm giàu chính đáng.

Vĩ thanh

Dòng Nậm Thia đã mang lại cho vùng lòng chảo Mường Lò một môi trường trong sạch thoáng mát, một chất đất màu mỡ cho mùa màng bội thu để làm nên vựa lúa lớn thứ hai vùng Tây Bắc. Nó đã khẳng định vai trò của mình trong quá trình hình thành các giá trị văn hóa, vật chất và tinh thần rất đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc Thái, là cội nguồn của những điệu dân ca, dân vũ mê đắm lòng người... Chúng tôi rời đi khi trăng đã lên cao, bóng trăng vươn khỏi ngọn tre để tỏa mình tắm mát trong dòng nước suối nguồn Nậm Thia ngàn đời còn mãi, lung linh, huyền ảo... Hẹn một ngày gặp lại!

Thiên Cầm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục