Cho vay hộ nghèo ở Trấn Yên: Đảng viên “đi trước”

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/1/2012 | 2:55:46 PM

YBĐT - “Cho vay hộ nghèo” - cái tên của chương trình tín dụng đã chỉ rõ đối tượng được thụ hưởng. Thế nhưng thực tế triển khai trên địa bàn huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã cho thấy: có rất nhiều đối tượng không phải hộ nghèo đang nghiễm nhiên được thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi này.

Trên 200 hộ không phải là hộ nghèo ở 4 xã, thị trấn của huyện Trấn Yên có tên trong danh sách cho vay hộ nghèo của ngân hàng CSXH huyện.
Trên 200 hộ không phải là hộ nghèo ở 4 xã, thị trấn của huyện Trấn Yên có tên trong danh sách cho vay hộ nghèo của ngân hàng CSXH huyện.

Phải khẳng định rằng Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo nhằm mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và việc làm, ổn định xã hội.

Theo hướng dẫn nghiệp vụ cho vay của Ngân hàng CSXH đối với hộ nghèo thì các sở giao dịch, các chi nhánh, các đơn vị thuộc hệ thống Ngân hàng CSXH và các tổ chức nhận ủy thác cho vay chỉ xem xét, quyết định cho vay khi hộ nghèo đảm bảo đủ các điều kiện vay vốn phải có tên trong danh sách hộ nghèo ở xã, phường, thị trấn sở tại theo chuẩn hộ nghèo do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố từng thời kỳ; phải là thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn, được tổ bình xét, lập danh sách đề nghị vay vốn và phải có xác nhận của UBND cấp xã thì mới được tham gia vay vốn...

Quy định thì đã rõ ràng và chặt chẽ là vậy nhưng không hiểu vì lý do gì mà trên 200 hộ không nằm trong diện hộ nghèo ở 4 xã, thị trấn của huyện Trấn Yên vẫn ung dung được hưởng nguồn vốn vay ưu đãi này?

Thị trấn Cổ Phúc là một trong những địa phương có tỷ lệ giảm nghèo nhanh và khá bền vững trong nhiều năm qua, hiện thị trấn chỉ còn trên 2,7% hộ nghèo. Là địa bàn trung tâm của huyện Trấn Yên, lẽ ra việc kiểm tra giám sát và quản lý các chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó có chương trình tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo phải được Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH huyện, cấp uỷ chính quyền địa phương và các đoàn thể nhận uỷ thác thường xuyên đôn đốc thực hiện tốt, thể hiện rõ vai trò là cầu nối, đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo thì trái lại mọi việc diễn ra ở đây đang trở nên thật trớ trêu.

Qua kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo của Ngân hàng CSXH huyện tại địa bàn thị trấn năm 2010 và 9 tháng đầu năm 2011 của ngành chức năng huyện thời gian qua cho thấy, trong khi đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước là hộ nghèo còn gặp khó khăn khi tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ các đoàn thể nhận uỷ thác của “Ngân hàng người nghèo” thì những đối tượng không phải là hộ nghèo, mà cụ thể là 22 hộ thuộc thôn 2, 3, 4, 5 và khu phố 2, 3, 5, 6 của thị trấn Cổ Phúc lại dễ dàng thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình tín dụng này.

Thừa nhận cái sai của chính quyền địa phương đó là còn phó mặc cho các đoàn thể nhận ủy thác, thiếu kiểm tra nên vẫn xác nhận cho các trường hợp vay vốn ưu đãi không đúng đối tượng; chưa thực sự kiên quyết đối với những trường hợp vay không đúng đối tượng, sử dụng vốn sai mục đích…, bởi có những cái “khó” trong đó có cả những lý do tế nhị…,

Ông Hà Việt Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Cổ Phúc cho hay: “Đảng ủy, chính quyền địa phương đã kịp thời chấn chỉnh, giao cho đồng chí Phó chủ tịch UBND thị trấn phụ trách lĩnh vực văn hoá xã hội quản lý hộ nghèo, tiến hành rà soát lại số hộ nghèo trên địa bàn, đồng thời đôn đốc, kiên quyết thu hồi lại toàn bộ vốn vay đối với các hộ không đúng đối tượng vay vốn ưu đãi…”.

Bản Hang Dơi, xã Minh Quán là một thôn, bản khó khăn của huyện Trấn Yên. Năm 2011, bản có 5 hộ nghèo được vay vốn từ chính sách cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định 32 của Chính phủ, mức vay tối đa là 5 triệu đồng/hộ, đây là mức vay ưu đãi không lãi suất. Tuy là chưa cao so với mức thực tế đầu tư con giống phát triển sản xuất chăn nuôi nhưng đồng bào đã sử dụng triệt để đồng vốn được vay, thậm chí còn tự vay mượn thêm 5 đến 10 triệu đồng để mua được con trâu tốt phát triển sản xuất.

Gia đình anh Tuyến, chị Hồng là một trong 5 hộ đồng bào dân tộc Cao Lan đặc biệt khó khăn được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất theo Quyết định 32 của Chính phủ. Băn khoăn với những cái khó của hộ nghèo, chị Hồng cho hay: “Vì mức vốn vay hỗ trợ phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tối đa chỉ được 5 triệu đồng, trong khi giá cả ngày một đắt đỏ, đầu tư nuôi con gì cũng rất khó nên vợ chồng phải cầm cố tài sản vay mượn thêm 10 triệu đồng nữa để mua con trâu tốt phục vụ sản xuất và kéo gỗ thuê cho bà con trong vùng kiếm thêm việc làm, thu nhập trang trải sinh hoạt…”. Gia đình anh Trần Xuân Kỳ, hộ đồng bào dân tộc Cao Lan nghèo cùng bản cũng không có cách nào khác là phải mượn cắm sổ đỏ của bố đẻ để có thêm tiền mua được con trâu tốt gây giống trị giá 14 triệu đồng…

Việc cào bằng mức vốn vay khiến các hộ nghèo khó đầu tư phát triển sản xuất, khả năng thoát nghèo bền vững không cao.

Thực tế, trong khi không ít hộ nghèo ở Minh Quán đang “khát” vốn và mong có cơ hội được tiếp cận với các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ thì trên 30 đối tượng không phải là hộ nghèo ở địa phương này lại nghiễm nhiên được hưởng lợi nguồn vốn tín dụng ưu đãi này của Chính phủ. Ở Minh Quán, trong số 39 hộ vay vốn chương trình cho vay hộ nghèo thì có tới 35 hộ không phải hộ nghèo. Trong  đó cá biệt có trường hợp một hộ có nhiều sổ vay vốn với mức vay không hề nhỏ lại là cán bộ Hội Phụ nữ xã, đứng đầu một trong bốn tổ chức đoàn thể nhận uỷ thác từ Ngân hàng. Tân Đồng và Hưng khánh cũng là những địa phương không nằm ngoài tình trạng vốn cho vay hộ nghèo theo kiểu đảng viên “đi trước” ấy.

Thời điểm năm 2010 và 2011, Tân Đồng có 367 hộ nghèo được vay vốn theo chương trình cho vay hộ nghèo và có 71 hộ không phải là hộ nghèo cũng được thụ hưởng chương trình tín dụng ưu đãi này. Con số đối tượng không phải là hộ nghèo được vay vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo ở Hưng Khánh cũng lên tới gần 90 hộ. Thực tế, nếu nguồn vốn này được trả về cho đúng đối tượng thụ hưởng như chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của Chính phủ đã đặt ra thì hẳn nhiên những hộ nghèo như anh Kỳ, chị Hồng ở bản Hang Dơi và nhiều hộ nghèo khác đã có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi ở mức cao hơn. Đó có thể là 15 triệu đồng, 20 triệu đồng và tối đa là 30 triệu đồng, thay vì phải chịu cảnh hai lần gánh nợ ngân hàng như hiện nay…

Cho vay hộ nghèo là một trong 9 chương trình tín dụng mà Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Trấn Yên đang thực hiện quản lý, phục vụ cho mục tiêu giảm nghèo của Chính phủ Việt Nam. “Cho vay hộ nghèo” - cái tên của chương trình tín dụng đã chỉ rõ đối tượng được thụ hưởng. Thế nhưng thực tế triển khai trên địa bàn huyện Trấn Yên đã cho thấy: có rất nhiều đối tượng không phải hộ nghèo đang nghiễm nhiên được thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi này bởi họ là cán bộ thôn, cán bộ hội, đoàn thể, là đảng viên, công chức của các cơ quan Nhà nước cấp huyện, thậm chí là cán bộ huyện, xã đã nghỉ hưu…
Khách quan nhìn nhận, với 9 chương trình vốn tín dụng ưu đãi được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện những năm qua, hoạt động của Ngân hàng CSXH huyện Trấn Yên đã giúp cho không ít hộ nghèo, hộ chính sách thoát khỏi ngưỡng nghèo. Nhiều hộ có vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng sống cho nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo và đối tượng chính sách…

Tính đến tháng 12 năm 2011, trên 10.800 hộ nghèo, chiếm xấp xỉ 50% số hộ nghèo của toàn huyện đã được thụ hưởng các chương trình tín dụng ưu đãi thông qua hơn 300 tổ tín dụng và vay vốn của 4 đoàn thể nhận uỷ thác với tổng dư nợ 155,555 tỷ đồng. Bình quân cho vay một hộ từ 22 đến 27,5 triệu đồng, riêng chương trình cho vay hộ nghèo đã thực hiện được 60,103 tỷ đồng với trên 4.900 lượt hộ vay. Công tác quản lý, thu hồi vốn tốt nên tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn thấp (dưới 1%). Có 95% số tổ tín dụng và vay vốn hoạt động tốt nên chất lượng và hiệu quả các chương trình tín dụng được nâng cao, mức đầu tư tăng trưởng vốn đạt từ 15 - 20%/năm.

Hoạt động giao dịch của Ngân hàng CSXH tại trụ sở UBND các xã có nhiều chuyển biến, tạo thuận lợi và sự gần gũi cho nhân dân khi giao dịch với các cơ quan công quyền ở địa phương khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng là cầu nối đưa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác, nỗ lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và cam kết trước cộng đồng quốc tế về xóa đói giảm nghèo.

Giải quyết những vấn đề tồn tại của nhiều năm trước cũng như kiên quyết chấn chỉnh lại những việc làm chưa đúng trong quản lý nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai trên địa bàn, ông Đinh Trọng Hoài - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Trấn Yên cho biết: “Ngân hàng CSXH huyện đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo rà soát, phân loại vốn vay, kiểm tra đôn đốc và kiên quyết thu hồi lại vốn vay đối với các trường hợp không đúng đối tượng, trong đó nhắc nhở, vận động cán bộ hội đoàn thể, cán bộ xã, cán bộ đảng viên chấp hành trả trước. Tới đây, Ngân hàng cũng sẽ kiên quyết thực hiện cho vay theo đúng danh sách hộ nghèo do huyện phê duyệt; xác nhận hộ nghèo có sổ thì mới cho  vay các chương trình tín dụng ưu đãi, tất nhiên cũng cần có thời gian để giải quyết dứt điểm những tồn đọng này”.

Không biết chủ trương này của lãnh đạo Ngân hàng CSXH huyện có khả thi hay không khi mà những đối tượng đã “trót” thụ hưởng chính sách lại là những cán bộ cơ sở đương chức ở địa phương. Làm sao để vấn đề “ăn trước trả sau” ấy vừa đảm bảo “không đau” cho người “đã ăn” lại đảm bảo công bằng cho “đối tượng đáng được thụ hưởng” có lẽ không phải trách nhiệm riêng của Ngân hàng CSXH Trấn Yên!

Minh Quốc

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục