Tà Sua - Lùng Cúng ở trên non

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/1/2012 | 3:52:45 PM

YBĐT - Mù Cang Chải là “rốn” táo của Yên Bái. Nậm Có lại coi như “rốn” táo của Mù Cang Chải. Tà Sua lại là “rốn” táo của Nậm Có. Tà Sua bây giờ vẫn còn nguyên hai ngàn rưởi gốc táo cũ. Có cây tính bằng tuổi người già. “Táo trên rừng, có cả trăm cây hơn tuổi “bố” đám trung niên” - ông Rùa nói thế. Càng già quả càng ngọt. Mỗi vụ vẫn cho vài tạ quả.

Thu hoạch quả sơn tra tại Tà Sua Lùng Cúng.
(Ảnh: Thanh Miền)
Thu hoạch quả sơn tra tại Tà Sua Lùng Cúng. (Ảnh: Thanh Miền)

 Tôi đinh ninh, cây tu zí - táo rừng - sơn tra là món quà của trời đất ban cho người Mông. Nếu không vì thế mà một cộng đồng vốn sinh sống và canh tác trên núi cao với những hành trình dằng dặc tìm đất mới, rừng mới để làm no cái bụng nhưng không chặt phá những rừng táo để tra lúa, làm ngô như những cánh rừng nguyên sinh khác. Tà Sua bây giờ vẫn còn nguyên hai ngàn rưởi gốc táo, có cây tính bằng tuổi người già...

Nhấp chén rượu táo mà vị cao niên đưa mời bên bếp than rừng rực, rồi tôi hỏi cái tên Tà Sua - tên “cúng” của đất Lùng Cúng này. Ông già người Mông tên Thào Súa Rùa liền một mạch, nghe tiếng được tiếng không. Nghe rồi hỏi lại. Tà là bãi đất rộng, bằng phẳng. Sua chỉ loài cây dại, thâm thấp, mọc thành dải dài chân núi. À, Tà Sua! Thế thì một mạch kéo từ Nậm Có này tới Chế Tạo của Mù Cang Chải rồi từ Túc Đán kéo tới Làng Nhì của Trạm Tấu nhiều tà sua lắm? Ông và mấy cao niên ngồi quanh cùng gật.

Ông Rùa sinh năm 1937, là đảng viên cao tuổi ở Chi bộ Lùng Cúng. Trong ba “tổ” của người Mông ở Tà Sua, ông thuộc tổ họ Thào, là người hiểu biết và có uy tín. “Mọi chuyện, cứ hỏi cụ Rùa!” - dân bản nói vậy. Tôi lại hỏi: “Ông Rùa ơi, cái cây tu zí trên rừng ta có ở Tà Sua từ bao giờ?. “Ta thấy nó ở đây lâu rồi” - ông Rùa nói.

Vẫn tiếng nghe được, tiếng nghe không ra, hỏi rồi, hỏi lại thì: “Nghe người già hơn kể lại, mà các cụ thì đã mây khói rồi, thì cây này trước đây Tà Sua không có. Một lần, vợ ông Trang Giồng Di (không còn nhớ tên là gì nữa) đi sang Làng Nhỉ, Ngọc Chiến, Mường La (Sơn La) chơi, thấy quả tu zí hái ăn chơi, ngon ngon thì lấy ba cây về trồng chơi ở vườn nhà. Dần dà cứ thế tu zí thành rừng” - ông Rùa nói. Thế nào mà “cứ thế mà thành rừng” ấy nhỉ? Cả nhà cười, ai cũng thấy vui mà cũng rất thật!

Mù Cang Chải là “rốn” táo của Yên Bái. Nậm Có lại coi như “rốn” táo của Mù Cang Chải. Tà Sua lại là “rốn” táo của Nậm Có. Tôi lên Tà Sua một ngày khô ráo. Từ quốc lộ 32 rẽ vào khoảng ba cây số là tới trụ sở UBND xã Nậm Có. Cầm bút kẻ một vạch thẳng trên giấy áng chừng khoảng dăm cây số nhưng đi thì… Chao ôi! Đi xe máy giỏi như Trang A Chinh - người Tà Sua chính hiệu cũng hai tiếng. Trời mưa, chỉ có đi bộ. Mà đi bộ, như chúng tôi có thể là một ngày hoặc hai, ba ngày vì đường trơn như đổ mỡ.

 Bây giờ lên Tà Sua, chỉ thiếu nước chằng người vào xe, tôi nhắm mắt nhắm mũi để Trang A Chinh đánh lái “con” Win vượt khe, vượt dốc. Nhưng mà nhắm mắt nhắm mũi sao được khi đi qua những rừng táo còn vương hương quyến rũ. Rặt táo. Táo thành rừng. Giêng hai táo bung hoa trắng một dải từ Phình Ngài tới Tà Sua - Lùng Cúng. Tháng Năm, tháng Sáu - táo lúc lỉu trên cành. Tháng Chín, tháng Mười - rừng thơm lừng táo chín. Đông sang - rừng táo “ngậm” sương. Thân bạc, lá đằm, nén nhựa dồn cho giêng hai bung hoa trắng. Giờ này, vẫn còn táo chín muộn.

Người Mông vẫn lên rừng thu hái về bán cho thương lái. Họ là những người dân tộc Thái ở Tú Lệ, Nậm Có, người Kinh ở Nậm Búng, Gia Hội… “cưỡi” xe Win lên lấy táo về bán cho khách xuôi. Đường lên Tu San, tôi đã gặp những đoàn xe Win nối nhau chở những tải táo như lợn tạ lao dốc, vượt đèo, làm cho con đường như nhỏ và hẹp lại. Chân dốc lên Tu San, đã thấy dân bản ra san lấp đường cho những đoàn xe táo đi xuôi.

“Không có cây táo này thì bà con còn vất vả đấy!” - anh Thông, Phó bí thư Đảng ủy xã Nậm Có bày tỏ. Chẳng nói chơi. Sổ sách đưa ra, cả sổ của Giàng A Chinh - cán bộ xã phụ trách bản. Cộng lại, năm nay dân bản bán ra gần một trăm chín mươi tấn táo quả, tiền thu về thiếu chục nữa là tròn hai trăm triệu đồng. Nghĩ xem, cả Tà Sua này trên chín mươi hộ, sáu trăm tám chục nhân khẩu chưa đầy chục ha ruộng cấy lúa, mà một năm chỉ cấy một vụ bằng thứ lúa “vỏ đen, gạo đỏ” bếp bênh vì mưa đá, giá rét cộng thêm vài mảnh nương heo hắt một năm không nổi một tấn/ha thì số tiền thu được nhờ cây táo kia giá trị nhường nào?

Người Mông đã trồng và chăm sóc cây sơn tra để thoát nghèo. 

Ở Tà Sua, dân chia thành ba tổ theo dòng họ: họ Giàng, họ Trang, họ Thào. Trong số đó, họ Giàng, họ Thào bình quân mỗi hộ ba trăm gốc, họ Trang thì xấp xỉ. Ấy là khi xưa, là lúc táo còn là cây rừng, quả để ăn chơi, họ nào, hộ nào có công “quản lý”, bảo vệ thì nhận được nhiều hơn. Trong hơn chín chục hộ, hộ Thào Súa Rùa “quản lý”, bảo vệ nhiều nhất: trên một ngàn gốc. Năm nay, ông hái táo bán tại rừng gần tấn quả, thu về trên sáu chục triệu đồng. Tính ra, một tháng lương từ táo của chủ hộ là trên bốn triệu đồng. Bản chẳng mấy hộ được như ông, nhưng nhà nào cũng có táo để thu hái, tính sơ sơ mỗi vụ hộ ít cũng dăm ba triệu đồng, hộ khá thì tiền cả chục. Tôi đinh ninh, cây táo là một món quà của trời đất ban cho người Mông. Nếu không vì thế mà một cộng đồng vốn sinh sống và canh tác trên núi cao với những hành trình dằng dặc tìm đất mới, rừng mới để làm no cái bụng nhưng không chặt phá những rừng sơn tra để tra lúa, làm ngô như những cánh rừng nguyên sinh khác.

Tà Sua bây giờ vẫn còn nguyên hai ngàn rưởi gốc táo cũ. Có cây tính bằng tuổi người già. “Táo trên rừng, có cả trăm cây hơn tuổi “bố” đám trung niên” - ông Rùa nói thế. Càng già quả càng ngọt. Mỗi vụ vẫn cho vài tạ quả. Nhưng bên những rừng táo đã lâu niên đó còn có những dải táo mới đã và đang mọc lên thành rừng. Dư nhiệt tình và háo hức, tôi cùng Chinh, Mua, Của, Di, Dơ, Dê và mấy cô gái, chàng trai người Mông nữa không nhớ hết tên vượt thung sang tà sua. Nom xa, rặt lá. Đến nơi mới thấy cả vạt cây táo non trổ mình, vươn sức. Trưởng bản Trang Sổng Của nói rằng, dân Tà Sua không chỉ hưởng lộc rừng mà đã tính giữ lâu dài cái lộc rừng ấy.

Trên hai ngàn rưỡi gốc táo ở Tà Sua đã được giao cho các hộ quản lý, thu hái. Dân bản còn trồng thêm để thành những những rừng táo mới. Của tính trên đốt tay, vài ba phút, ra cả bản đã có tám mươi mốt hộ trồng táo. Dăm phút tính nữa, tổng diện tích trên một trăm sáu mươi ha. Thế là bình quân mỗi hộ hai ha táo trồng mới, phải không? Đáp: Phải! Hôm nay, những đảng viên và người cao niên ở Tà Sua đang tiên phong, gương mẫu trồng táo cho con cháu noi theo. Bảy mươi tư tuổi, ông Thào Súa Rùa dốc sức trồng thêm năm trăm gốc táo mới. Trang Sổng Câu trồng hai trăm gốc, nhà Trang Xu Lờ trồng hai trăm gốc, nhà Trang Chờ Nủ cũng hai trăm gốc… Trồng táo để bản có thêm rừng, để thoát cái đói nghèo, lấy cái bền lâu cho đời con, đời cháu. Ấy là cái lý rất mới của người Mông...

Ngang trưa, nhà trưởng bản Trang Sổng Của khách đông quá thể. Tôi nâng chén rượu táo thơm lành mời ông Rùa, mời Trưởng bản Của, mời Chinh, Di, Dơ và tất thảy những anh chị em đang vui như tết vì một mùa táo thắng lợi. Đỉnh Tà Sua sương tan tự bao giờ. Những đỉnh non giăng kết trường thành. Oai phong, hùng vĩ quá! Và tôi thấy những rừng táo “ngậm” sương, đằm lá, thân bàng bạc kia như những binh đoàn kiên cường canh gác, bảo vệ cho những thành lũy đó. Phía sau, là những bản người Mông ấm áp, đang đổi sắc dưới ánh mặt trời...

Tuấn Anh - (Tà Sua- Lùng Cúng, tháng 11/2011)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục