Trường Sa luôn bên anh

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/1/2012 | 3:59:38 PM

YBĐT - Tôi đến thăm Thượng úy Vũ Khắc Biên trong ngôi nhà nhỏ trên đường Lê Hồng Phong, thành phố Yên Bái vào một ngày giáp tết. Biên vừa trở về sau hơn một năm làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, kịp đón một cái tết ấm cúng với gia đình - điều mà nhiều năm qua, trong bộn bề công việc anh đã không làm được.

Tuần tra trên đảo.
Tuần tra trên đảo.

Anh chàng thư sinh - bạn đồng học của tôi năm nào giờ đã là người đàn ông rắn rỏi với nước da sạm nắng và gió biển. Nụ cười hiền khô trên khuôn mặt cương nghị của anh khiến người đối diện luôn cảm thấy ấm áp và gần gũi đến lạ. Cách nói chuyện của anh dường như cũng thay đổi, hóm hỉnh hơn, lại hay ví von, dí dỏm.

Biên bảo: “11 năm trong môi trường quân đội, lại là lính biên phòng, đời lính gắn bó với nắng, gió và tình yêu đất nước đã khiến con người mình trở nên “đáng ghét” như vậy đấy”. Trước khi về công tác tại Trường Trung cấp Huấn luyện chó nghiệp vụ bộ đội biên phòng (BĐBP), Vũ Khắc Biên đã từng tình nguyện lên Mường Tè (Lai Châu) công tác hơn 3 năm, sau đó là đi theo tiếng gọi của Trường Sa - nơi điểm cờ thiêng liêng của Tổ quốc, nơi thôi thúc bao người chiến sỹ trẻ tình nguyện lên đường, tiếp tục cống hiến tuổi xuân…

Tốt nghiệp Học viện Biên phòng năm 2005 lúc mới vừa tròn 23 tuổi, trong khi các bạn cùng trang lứa đang cố gắng tìm cho mình một công việc tại thành phố Yên Bái thì Biên lại tình nguyện lên Đồn Biên phòng Thu Lũm, huyện Mường Tè - đồn xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu để nhận công tác. Nhiều đứa bảo anh khùng nhưng anh chỉ lẳng lặng xếp đồ, bịn rịn tạm biệt gia đình, tạm biệt người yêu để lên đường nhận nhiệm vụ.

Những khó khăn thiếu thốn ở vùng cao đã không làm chùn chân người chiến sỹ trẻ bởi anh coi đó là cơ hội để phấn đấu trưởng thành và góp sức bảo vệ Tổ quốc.
Xã Thu Lũm có gần 2.000 dân chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số: Hà Nhì, Dao và La Hủ, đời sống còn rất nhiều khó khăn, phong tục, tập quán còn nhiều hủ tục… Dường như lúc bấy giờ tất cả đều quá mới mẻ, lạ lẫm với anh. “Lúc đó mình xác định việc đầu tiên cần làm là phải học ngay tiếng của người dân bản địa. Làm được điều đó thì mình mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ” - anh tâm sự.

 Nói là làm được, chỉ sau 1 tháng anh có thể nghe được tiếng của người Hà Nhì và sau 6 tháng anh đã nghe, nói thành thạo. Đóng quân nơi biên giới xa xôi của Tổ quốc, bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên luyện tập, sẵn sàng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh trên biên giới, anh cùng các chiến sĩ tại Đồn biên phòng Thu Lũm đã không ngừng củng cố mối quan hệ máu thịt với người dân nơi phên dậu Tổ quốc. Từ vận động trẻ em đi học, tuyên truyền sinh đẻ kế hoạch, vận động đồng bào giao nộp vũ khí, không săn bắn bừa bãi, qua lại biên giới theo đúng chủ trương, pháp luật của Nhà nước cho đến dựng nhà, thu hoạch mùa vụ, làm nương rẫy.

 Anh - với tư cách là Trạm trưởng đã phối hợp với các ban ngành địa phương, tổ chức cho anh em chiến sỹ trong Đồn tham gia giúp dân. Bỗng giọng anh chùng xuống: “Nhớ năm 2007, chúng tôi đi vận động định canh định cư ở một bản của đồng bào La Hủ, sau 4 ngày hành quân mới tới nơi nhưng những hình ảnh mà chúng tôi thấy được là cái đói không thể đói hơn được nữa. Bao nhiêu gạo, thịt hộp, lương khô mang theo tôi đề nghị anh em chia cho người dân. 3 ngày ở lại vận động bà con, giúp bà con sửa nhà, rào lại vườn, chúng tôi về với túi lương thực đã cạn.

 4 ngày trở về chúng tôi ăn bằng măng rừng, thảo quả, lá chua… những gì có thể kiếm được trên đường rừng”. Hỏi về khó khăn thiếu thốn những ngày tháng ở Thu Lũm, anh cười hiền khô: “Không biết so với cái gì để thấy thiếu thốn. So với cuộc sống ở thành phố hay so với cuộc sống của người dân biên giới?”. Thế mới thấy tình cảm, tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước được Thượng úy Vũ Khắc Biên thể hiện một cách giản dị, mộc mạc và chân thành đến vậy.

Tháng 8 năm 2008, Vũ Khắc Biên được điều chuyển về công tác tại Trường Trung cấp Huấn luyện chó nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Vợ anh - cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên - Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố Yên Bái những tưởng từ nay sẽ được gần chồng hơn nhưng đến đầu năm 2010, Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) giao nhiệm vụ đột xuất cho nhà trường là “Tổ chức nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm đưa chó nghiệp vụ làm nhiệm vụ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa”.

Trường Sa thân yêu đã giúp anh vững tin, tiếp thêm lửa cho lý tưởng và bầu nhiệt huyết tuổi trẻ của anh để sẵn sàng đón nhận những nhiệm vụ mới khó khăn hơn, nặng nề hơn. Tôi chợt nhớ đến câu nói của Pavel trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”: “Cái quý nhất của đời người là cuộc sống. Đời người ta chỉ sống một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài phí, để khỏi hổ thẹn vì những ti tiện và đớn hèn, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời…”.
Anh đã làm đơn tình nguyện xin đi và chỉ kịp gọi điện thoại về cho vợ: “Anh đi Trường Sa, ít 6 tháng, nhiều hơn anh cũng không chắc” - nhắc đến đây anh quay nhìn người vợ của mình rồi xiết chặt tay chị. Lúc bấy giờ, hiểu được tính cách và cả lý tưởng cao cả của chồng, chị đã động viên chồng yên tâm lên đường nhận nhiệm vụ mới. Không hô to khẩu hiệu “Tôi yêu nước” nhưng tôi hiểu anh đã giữ trọn lời thề với đất mẹ thiêng liêng để chấp nhận những khó khăn, gian khổ về mình và sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân vì chủ quyền đất nước.

Tháng 3 năm 2010 từ Lữ đoàn 129 Vũng Tàu, với tư cách là Đội trưởng đội công tác, anh cùng 4 người đồng đội và 3 chú chó Mika, Kakốp, Manlơ lên tàu đi Trường Sa.

Những ngày đầu đặt chân lên đảo, Biên không khỏi bỡ ngỡ, mặc dù trước đó, anh cùng đồng đội đã tìm đọc nhiều tài liệu, sách, báo về đảo Trường Sa. Anh nhanh chóng tìm hiểu đặc điểm địa hình, khí hậu trên đảo để xây dựng giáo án luyện tập. Biết bao khó khăn thử thách đón đợi anh ở phía trước.

Là một người dạn dày trong huấn luyện chó nghiệp vụ, song anh không khỏi giật mình khi thấy độ ẩm và nồng độ muối trong không khí quá cao ở Trường Sa. “Tôi đứng ở đầu gió và dùng lưỡi liếm vào mu bàn tay, mặn chát! Hơi mặn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến độ nhạy khứu giác ở chó. Hơn nữa, với địa hình đặc biệt trên đảo, nguồn hơi và dấu vết để lại không bền” - Thượng úy Vũ Khắc Biên nói về những thử thách ban đầu.

Thượng úy Vũ Khắc Biên (người giơ nắm đấm) trong giờ huấn luyện chó nghiệp vụ trên đảo Trường Sa.

 Rồi những bài tập vào ban đêm, phải bơi ra biển tập cùng với những chú chó dù nước biển đêm rất lạnh. Những đêm tuần tra canh gác đảo cả người và chó ướt sũng là chuyện thường tình bởi những ngọn sóng cao tít đánh thẳng vào bờ… Vượt lên những khó khăn trên đảo, anh cùng tổ công tác đã trở thành người lính đảo thực thụ, cùng chia sẻ vui buồn, khó khăn của quân dân trên đảo, cùng nhau đoàn kết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó.

“Chúng tôi đã trưởng thành rất nhiều sau thời gian công tác tại Trường Sa. Những người lính đảo đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, họ chịu đựng biết bao thiếu thốn, cả tinh thần và vật chất. Điều kiện công tác, địa bàn đóng quân của BĐBP trên đất liền rất vất vả, khó khăn, nhưng cuộc sống, chiến đấu của những người chiến sỹ nơi đảo xa còn thiếu thốn, khắc nghiệt gấp nhiều lần” - anh chia sẻ.

Nhìn ra ngoài vườn cây đào đang nở rộ, bỗng mắt anh ánh lên nỗi nhớ đảo quê hương: “Nhưng tết ở trên đảo thì vui lắm, háo hức lắm có khi còn không khí hơn cả ở đất liền ấy chứ. Chúng tôi cũng gói bánh chưng, cũng có dưa hành…, nhiều anh chàng khéo tay ra phết”. Dù vậy tôi hiểu, anh vẫn thiếu một thứ, đó là tình cảm gia đình mà anh và những người lính đảo dồn nén vào sâu trong trái tim mình mà không thể nói ra.

Hơn một năm công tác tại Trường Sa, nắng, gió và biển đảo đã ngấm vào da thịt người con của quê hương Yên Bái - Thượng úy Vũ Khắc Biên. Trường Sa thân yêu đã giúp anh vững tin, tiếp thêm lửa cho lý tưởng và bầu nhiệt huyết tuổi trẻ của anh để sẵn sàng đón nhận những nhiệm vụ mới khó khăn hơn, nặng nề hơn. Tôi chợt nhớ đến câu nói của Pavel trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”: “Cái quý nhất của đời người là cuộc sống. Đời người ta chỉ sống một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài phí, để khỏi hổ thẹn vì những ti tiện và đớn hèn, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời…”.

Chia tay Thượng úy Vũ Khắc Biên trong buổi chiều đông lạnh giá, cả tôi và anh đều cảm thấy ấm lòng khi nghe tiếng hát từ chiếc máy thu hình đang mở rất lớn bên nhà hàng xóm: “Trường Sa ơi/biển đảo quê hương/vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng bão giật/ Trường Sa ơi, canh giữ đêm ngày giữa biển khơi…/Không xa đâu Trường Sa ơi…không xa đâu Trường Sa ơi…/Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh…”.

Thanh Ba
Xuân Nhâm Thìn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục