Nghĩa Sơn theo Đảng

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/2/2012 | 9:09:06 AM

YBĐT - Trong quá trình mở mang, xây dựng, người Khơ Mú càng có lý do hơn để tin yêu vào Đảng và Nhà nước. Bây giờ mọi việc đều làm bằng máy móc. Mà máy móc làm được cả những việc lớn chưa ai thấy bao giờ. Những việc ấy, ma cũng chưa làm được bao giờ, nay người của Đảng, Chính phủ làm được, mà ma chịu không làm gì. Các cụ càng thêm tin tưởng vào Đảng.

Múa mừng nhà mới của người Khơ Mú xã Nghĩa Sơn (Văn Chấn).
Múa mừng nhà mới của người Khơ Mú xã Nghĩa Sơn (Văn Chấn).

Tôi biết chắc chắn: người Khơ Mú vốn là dân tộc nghèo khổ nhất trong các dân tộc sinh sống ở vùng Văn Chấn - Nghĩa Lộ. Vừa rồi, gặp lại người thì bảo người Khơ Mú đã sướng, người thì ví “họ từ đất lên mây rồi”. Trao đổi với anh Vì Văn Sang, nguyên Bí thư Đảng bộ xã Nghĩa Sơn hơn ba chục năm, mới nghỉ hưu, anh vui vẻ thừa nhận: “Người Khơ Mú sống được rồi!”.

Anh Sang tâm sự: “Riêng anh, tôi nói ra điều này, người Khơ Mú chúng tôi đã đúc rút ra rằng: Ngày giải phóng Nghĩa Lộ thì biết Đảng. Ngày vận động định canh định cư thì theo Đảng. Qua đổi mới, đến bây giờ thì tin Đảng. Tin tuyệt đối đấy!”.

Từ biết Đảng…

Đảng ta chính thức thành lập từ ngày 3 tháng 2 năm 1930, tại sao mãi đến sau ngày bộ đội ta giải phóng Nghĩa Lộ 18 tháng 10 năm 1952, người Khơ Mú mới biết Đảng? Để rõ chuyện này, phải đi ngược lại lịch sử.

Nhóm người Khơ Mú ở Nghĩa Sơn vốn có nguồn gốc từ bên đất bạn Lào anh em, được gọi là Lào Thênh. Vào thế kỷ 19, một tù trưởng người Thái Mường Lò đem quân sang Lào đánh giặc Giảng, đã đưa về. Vào đất Việt Nam, chính quyền thực dân phong kiến coi người Khơ Mú là những kẻ đi sống nhờ đất, bị coi khinh, bị áp bức, bóc lột thậm tệ. Theo luật lệ thời đó: Trên đất đai do các quan địa phương cai quản, từ núi rừng, khe suối, cây cỏ, con thú trên rừng, con cá dưới nước đều thuộc quyền sở hữu của quan, là của quan. Người Khơ Mú đến sống nhờ trên đất của quan, phải lệ thuộc vào quan.

Mỗi năm, họ phải vào nhà quan làm lao dịch từ 100 đến 200 ngày. Họ phải làm tất cả các công việc, từ cày bừa, gặt hái ngoài đồng đến các việc nặng ngọc như bổ củi, đào đất, khiêng vác; dọn hố vệ sinh, canh và khiêng xác người chết… Họ là người thấp hèn nhất, không có vị trí trong xã hội, mất cả quyền làm chủ chính bản thân mình. Họ có thể bị quan chủ bán, tặng cho nhau. Con cái họ lớn lên, chỉ được lấy người cùng tầng lớp.

Năm 1971, tôi đã gặp ông Lò Văn Pản, Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Nghĩa Sơn, người Khơ Mú. Thời Pháp chiếm đóng Nghĩa Lộ, ông đã nhiều năm làm Téng Phoo. Ngày vận động định canh định cư, ông vẫn thường kể lại cảnh cơ cực thời ấy. Sống như vậy nơi rừng núi nên người Khơ Mú  ít biết chuyện ngoài xã hội. Mặc dù tháng 7 năm 1945, cách mạng đã giành chính quyền ở Nghĩa Lộ nhưng thời gian hưởng độc lập quá ngắn, đời sống người Khơ Mú chưa kịp thay đổi thì năm 1947, thực dân Pháp đã quay lại chiếm đóng, chế độ cuông nhốc vẫn duy trì. Mãi đến năm 1952, bộ đội kéo vào giải phóng, người Khơ Mú mới được giải phóng khỏi chế độ thực dân và được giải phóng cả cảnh áp bức bóc lột của đời Téng Phoo. Được sống dưới chế độ tự do, người Khơ Mú  mới biết đất nước này có Đảng.

… Đến theo Đảng

Những năm 1970 - 1971, Đảng có chủ trương vận động đồng bào vùng cao định canh định cư để ổn định, nâng cao đời sống. Mặc dù máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, phải sơ tán, phải dốc sức sản xuất, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, Đảng, Nhà nước vẫn chú ý vận động nhân dân hạ sơn sống định cư.

Muốn ổn định, nâng cao đời sống nhân dân, việc đầu tiên là phải tổ chức định canh định cư. Muốn định canh định cư phải khai hoang ruộng nước, phải trồng cây lâu năm, tạo ra nguồn thu. Song, vận động làm là cả một khó khăn lớn lao, phức tạp. Đã bao đời du canh du cư, đồng bào rất coi trọng các lực lượng siêu nhiên, làm gì cũng sợ ma. Mà ma thì nhiều. Nào ma trời, ma đất, ma nước, ma nhà, ma cây…

Đồng bào quan niệm, bình thường ma sống hiền lành cùng người, nếu người làm trái ý sẽ bị ma “phản”, gây tai họa không những cho người mà tai họa cho cả mọi thứ trong nhà, trên nương. Vận động định canh định cư là vận động ở tập trung thành bản, làm nền nhà là động đến đất. Khai hoang, đắp bờ sợ ma thuồng luồng. Trồng cây lâu năm, sợ ma lấy mất tuổi. Phát cỏ, cuốc đất, sợ ma “phản”…

Theo kế hoạch, nơi tổ chức định canh định cư là vùng Nậm Tộc, khai hoang đất Noong Khoang làm ruộng nước. Đây là đầm hoang, rộng hơn chục hecta, vốn có tiếng là đất thiêng, đất dữ. Đất này đã có nhiều người khai hoang, đều thất bại, nay muốn làm được vận động đồng bào thế nào?

Lúc này, ai cũng thấy loa đài để nghe rất hiếm và đắt. Đài chỉ được phân phối cho cán bộ trưởng ngành lớn trở lên. Ai được phân phối đài, xe đạp còn phải được công an tỉnh xét, cấp đăng ký mới được dùng. Đồ hiếm hoi như vậy, thứ mới, ai cũng muốn dùng, nên càng được đề cao. Đồng bào cho tiếng nói từ loa, đài là tiếng nói của Đảng, Chính phủ là tiếng nói thiêng liêng nhất, tin tưởng nhất. Vì lý do ấy, tôi đã được cử đi làm nhiệm vụ đặc biệt. Ngày ấy, tôi là phóng viên Đài Truyền thanh tỉnh Nghĩa Lộ.

Đồng chí Đỗ Anh Châu, Phó bí thư Tỉnh ủy, trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi dùng máy ghi âm, thu tiếng nói của ông Lò Văn Pản, thay mặt Đảng, chính quyền địa phương kêu gọi nhân dân bằng tiếng Khơ Mú, không sợ ma, hăng hái khai hoang làm ruộng nước, trồng cây.

 Từ thực tế khổ đau sống làm cuông nhốc, teng phoo, nhờ Đảng đã khá lên. Nay Đảng bảo làm, chắc là làm đúng, làm tốt, ông Lò Văn Pản đã nói những lời tâm huyết từ đáy lòng. Tối đến, mời dân Khơ Mú về họp, tôi đã mở băng tiếng nói ấy cho mọi người nghe. Cũng là tiếng ông Lò Văn Pản như mọi ngày, đêm nay phát qua loa của chiếc đài lido, đồng bào nghe mà xuýt xoa, trầm trồ, mắt long lanh, đón nhận từng lời. Nghe hết băng, đồng bào khẩn khoản xin nghe lại lần thứ hai, rồi lần thứ ba, thứ tư. Rồi công việc khai hoang đất Noong Khoang bắt đầu.

 Ông Lò Văn Pản đi đầu cùng làm với mọi người. Ông còn cất công leo núi, tìm nguồn nước, khai rãnh, nắn dòng, vắt qua mấy ngọn núi về tưới cho đất khai hoang thành ruộng cấy hai vụ. Từ đây, người Khơ Mú có ruộng, học làm ruộng, cấy lúa, đời sống được ổn định, nâng cao hơn. Đây là bước mà anh Vì Văn Sang nói là người Khơ Mú theo Đảng.

 

Nông dân Văn Chấn thu hoạch rau vụ đông. (Ảnh: H.N)

Và tin Đảng

Để nâng cao đời sống cho dân, Đảng, Nhà nước còn vận động đồng bào các dân tộc trồng chè, trồng trẩu, cũng khá chật vật, khó khăn. Khi trồng chè, dân cũng sợ ma, chưa tin trồng được, Nghĩa Sơn đã có cách bắt đầu làm từ trường học, rồi cũng thành công. Khi thực hiện giao đất giao rừng, vận động trồng cây mỡ, nhiều người vẫn sợ ma “phản”, sợ lấy mất tuổi nhưng chính quyền địa phương đã có kinh nghiệm, cũng thành công. Ngày đó, anh Vì Văn Sang còn làm Bí thư Đảng bộ, nhân dân đã thắng lợi, còn đưa tiếp cây quế về trồng ở Nghĩa Sơn. Qua mỗi lần thành công như thế, đời sống của người Khơ Mú đã khá dần lên.

Công trình nước sạch, kế hoạch làm nương dẫn nước từ trên núi về, chỉ dùng được 15 năm, Bí thư Sang đề nghị dùng ống nhựa dẫn nước. Kết quả là quá hạn 15 năm, nay công trình vẫn tốt, còn dùng được lâu dài. Rồi công trình mở đường lên Nghĩa Sơn, mặt đổ bê tông, có cầu vượt ngòi, đồng bào đi lại dễ dàng, tiện lợi… Cứ thế, đã có sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất rừng, đất nương…, được Nhà nước bảo hộ đời sống người Khơ Mú khá dần, có ti vi, có xe máy, con cái được học hành…

Anh Vì Văn Sang hé lộ: “Nuôi con nhờ quế. Con đi học xa nhờ quế! Mình đi đây đi đó cũng nhờ quế. Theo Đảng, có đời sống hôm nay, đồng bào Khơ Mú có thêm cơ sở để tin vào Đảng, chắc chắn Đảng sẽ đưa dân tộc mình đến no ấm, hạnh phúc hơn nữa, như các dân tộc khác”. Điều lý thú hơn, trong quá trình mở mang, xây dựng, người Khơ Mú  càng có lý do hơn để tin yêu vào Đảng và Nhà nước. Bây giờ mọi việc đều làm bằng máy móc. Mà máy móc làm được cả những việc lớn chưa ai thấy bao giờ. Cả tảng đất lớn, máy chỉ “ngoạm” một cái rồi chuyển đến chỗ khác nhanh chóng. Cả những gốc cây to, máy cũng “ngoạm” chuyển đi dễ dàng. Cả những vực sâu có từ bao đời, máy đưa đất vào, san phẳng. Nghe chuyện lạ, các cụ già người Khơ Mú rủ nhau đi xem. Mắt nhìn, tay sờ, thấy toàn chuyện có thật, trước đây nếu ngủ mê thấy còn lo lắng sợ ma, sợ thuồng luồng, sợ động trời, động đất, bị ma “phản”. Những việc ấy, ma cũng chưa làm được bao giờ, nay người của Đảng, Chính phủ làm được, mà ma chịu không làm gì. Các cụ càng thêm tin tưởng vào Đảng.

Điều đồng bào Khơ Mú  đúc rút ra: “Ngày giải phóng Nghĩa Lộ, biết Đảng. Ngày vận động định canh định cư, theo Đảng. Đến bay giờ thì tin Đảng” có cơ sở thực tế và vững chắc như vậy đó.

Trần Cao Đàm

Các tin khác

YBĐT - Bóng trăng rằm vằng vặc, chênh chếch tỏa xuống dòng Nậm Thia hiền hòa mùa nước chững; gập gềnh nhịp cầu treo vắt nối đôi bờ trông như một tấm võng khổng lồ ngang trời; xào xạc tiếng lá reo từ những bụi tre già vững chãi, hiên ngang, sừng sững đứng hai bên bờ suối qua bao thăng trầm thời gian...

Rừng tự nhiên Nà Hẩu được bà con bảo vệ tốt.

YBĐT - Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng tết trong rừng nguyên sinh Nà Hẩu vẫn thật ấm áp bởi người dân nơi đây vẫn duy trì những phong tục, tập quán tốt đẹp, đặc biệt là tập quán chăm sóc bảo vệ rừng.

Tuần tra trên đảo.

YBĐT - Tôi đến thăm Thượng úy Vũ Khắc Biên trong ngôi nhà nhỏ trên đường Lê Hồng Phong, thành phố Yên Bái vào một ngày giáp tết. Biên vừa trở về sau hơn một năm làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, kịp đón một cái tết ấm cúng với gia đình - điều mà nhiều năm qua, trong bộn bề công việc anh đã không làm được.

Thu hoạch quả sơn tra tại Tà Sua Lùng Cúng.
(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Mù Cang Chải là “rốn” táo của Yên Bái. Nậm Có lại coi như “rốn” táo của Mù Cang Chải. Tà Sua lại là “rốn” táo của Nậm Có. Tà Sua bây giờ vẫn còn nguyên hai ngàn rưởi gốc táo cũ. Có cây tính bằng tuổi người già. “Táo trên rừng, có cả trăm cây hơn tuổi “bố” đám trung niên” - ông Rùa nói thế. Càng già quả càng ngọt. Mỗi vụ vẫn cho vài tạ quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục