Những ước mơ có thật

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/3/2012 | 9:45:10 AM

YBĐT - Mùa mưa, thôn còn có một tên khác là thôn “ủng”. Nhưng Ngọn Ngòi lại được biết đến là thôn dẫn đầu trong phong trào phát triển kinh tế của xã Minh Quân và huyện Trấn Yên (Yên Bái) với gần chục mô hình kinh tế trang trại VAC - VACR quy mô và hiệu quả.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Biên Thùy thôn Ngọn Ngòi.
Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Biên Thùy thôn Ngọn Ngòi.

Tôi về Ngọn Ngòi, thôn khó khăn và xa nhất của xã Minh Quân (Trấn Yên) khi đợt rét đậm rét hại giữa xuân kèm theo mưa dầm vẫn tiếp tục tăng cường. Mùa mưa, thôn còn có một tên khác là thôn “ủng”. Những câu chuyện về giao thông đi lại ở đây vẫn luôn là chuyện thời sự nóng bỏng của mỗi người dân. Ấy thế nhưng Ngọn Ngòi lại được biết đến là thôn dẫn đầu trong phong trào phát triển kinh tế của xã Minh Quân và huyện Trấn Yên với gần chục mô hình kinh tế trang trại VAC - VACR quy mô và hiệu quả. Ở mảnh đất khó khăn này đã và đang có những con người dám nghĩ dám làm để biến  ươc mơ thành hiện thực...

Khơi nguồn từ đất

Nằm ở phía Tây của xã Minh Quân, Ngọn Ngòi có gần 200 ha đất tự nhiên nhưng cả thôn chỉ có chưa đầy 90 hộ, trên 300 nhân khẩu. Là thôn thuần túy nông nghiệp nhưng mỗi nhân khẩu ở đây chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1 sào ruộng. Bí thư Chi bộ thôn - Trần Văn Đa cho hay: “Thế mạnh của thôn là cây chè và rừng trồng nhưng rừng trồng những năm trước đây thu nhập chẳng được bao nhiêu vì bà con chủ yếu trồng cho kín đất chứ chưa tính đến những cây có giá trị kinh tế cao. Bây giờ thì khác rồi, nhà nào có đất có rừng là có kinh tế vững. Trên 50 ha đất rừng của thôn đã được phủ kín bằng cây lấy gỗ và cây nguyên liệu giấy. Do đất của Công ty Chè Việt Cường nằm trên địa bàn thôn nên 60% số hộ trong thôn là công nhân làm chè. Dẫu  vất vả, song cây chè những năm gần đây thực sự đã trở thành cây xóa đói cho người dân trong thôn.

Những mô hình kinh tế trang trại tổng hợp dựa vào thế mạnh của đất rừng, lợi thế về mặt nước ao, hồ, đầm dần được những nông dân có chí làm giàu ở Ngọn Ngòi nhân lên thành phong trào làm kinh tế, khởi nguồn từ những thành công nho nhỏ. Phát triển kinh tế theo mô hình trang trại kết hợp giữa VAC, hay VACR vẫn luôn là bài toán nhiều ẩn số, thách thức sự năng động, sáng tạo và cả sự thức thời của những nông dân dám nghĩ dám làm nơi đây.

Bắt đầu là mô hình cá - vịt của trưởng thôn Nguyễn Đăng Khoa. Với gần 3 mẫu đầm đầu tư nuôi thả cá theo đúng nghĩa là nuôi cá chứ không đơn thuần chỉ là thả cá như người dân trong vùng vẫn làm, kết hợp với nuôi quây nhốt gần 300 con vịt đẻ trứng, mô hình kinh tế của người trưởng thôn miệng nói tay làm này đã mang về cho gia đình khoản lợi nhuận trên dưới 100 triệu đồng mỗi năm - điều mà không ít nông dân phải mơ ước.

Ông Khoa khẳng định: “Mô hình cá - vịt tuy không phải là mô hình mới nhưng với điều kiện đồng vốn đầu tư của người dân có hạn, trong khi nhân lực lao động địa phương lại sẵn, điều kiện tự nhiên thuận lợi thì đây là hướng phát triển kinh tế hộ phù hợp và cho hiệu quả thu nhập khá. Hiện toàn thôn đã có  4 mô hình cá - vịt hiệu quả kinh tế tốt”. Dẫu vậy - ông Khoa chia sẻ -  “Nuôi con gì, trồng cây gì thì khoa học kỹ thuật vẫn là yếu tố then chốt quyết định thành công. Đã khác xa cái thời ông bà mình chăn nuôi chỉ dựa vào kinh nghiệm, chăn nuôi bây giờ bệnh dịch nhiều, thiếu đầu tư, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật thì thất bại, rủi ro là điều cầm chắc”.

Nghiệm ra sau không ít lần thất bại, chấp nhận thất bại để đổi lấy thành công nho nhỏ như ngày hôm nay, song người trưởng thôn hay lam hay làm này vẫn nhiệt thành chia sẻ kinh nghiệm với bà con cũng chính là mong tìm được ở họ những cách làm hay, hiệu quả để đúc kết nhân rộng trong toàn thôn. Không bằng lòng với những gì mình có, ông Khoa vẫn cần mẫn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình nuôi gà, vịt đẻ trứng hay những vật nuôi đặc sản để một ngày không xa biến những ước mơ dự định ấp ủ trở thành hiện thực...

Phong trào phát triển kinh tế ở Ngọn Ngòi khởi nguồn từ những người đứng mũi chịu sào của thôn. Bí thư chi bộ Trần Văn Đa là người thức thời và năng động khi chọn con thỏ - một loại vật nuôi không mới nhưng cũng còn khá xa lạ với những người làm kinh tế trang trại ở nông thôn Yên Bái làm vật nuôi chủ lực trong mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình cùng nuôi cá nheo thương phẩm, phát triển trang trại lợn thịt, lợn nái và trồng rừng. Thành công trên cả sự mong đợi khi người chủ trang trại này đã làm chủ được kỹ thuật chăn nuôi.

Kết quả là sau gần 4 năm gây dựng mô hình, nguồn thu mang lại cho gia đình ông Đa đã trở thành con số ấn tượng - gần 200 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí), trong đó nguồn thu không nhỏ là từ trên 1.000 con thỏ đã tiếp thêm sức mạnh niềm tin và quyết tâm cho không ít nông dân có chí làm giàu. Đến nay, thôn Ngọn Ngòi đã có thêm 5 mô hình nuôi thỏ quy mô dưới 1.000 con/hộ, 3 mô hình nuôi nhím quy mô 5 đôi/hộ phát triển mạnh và đang được thôn nhân ra diện rộng...

Nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao của Bí thư chi bộ thôn Ngọn Ngòi - Trần Văn Đa.

Nghị lực thoát nghèo

Kinh tế Ngọn Ngòi đang trên đà phát triển mạnh. Toàn thôn hiện có 7 trang trại nuôi lợn thịt quy mô 100 con/lứa cho thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 100 triệu đồng/hộ; tỷ lệ hộ khá và trên khá của thôn đã chiếm trên dưới 40%. Toàn thôn chỉ còn 3 hộ nghèo theo tiêu chí mới. Sự chuyển biến đi lên của Ngọn Ngòi hôm nay bởi có những nông dân năng động, giàu nghị lực không bằng lòng với số phận, không cam chịu cuộc sống đói nghèo.

Thương binh nặng 1/4 Lê Ngọc Châu là điển hình của ý chí vượt khó làm giàu tiêu biểu ở đất Minh Quân. Hiện ông đang là chủ nhân của 2 trang trại lợn thịt lớn nhất xã và huyện Trấn Yên. Vẫn đôi ủng xanh cũ kỹ, chiếc áo bông bộ đội bạc màu che khuất 1/3 cánh tay phía dưới đã mất vì thương tật, thời gian của ngày, thậm chí cả tối, ông Châu vẫn loanh quanh với đàn lợn.

Hỏi chuyện làm trang trại, ông cười bảo: “Cũng tại nghèo quá, khổ quá mà quyết chí làm thôi! Đi bộ đội về, con cái đông, kinh tế nheo nhóc, bắt tay vào xới đất, nhặt cỏ, chỉ mong kiếm đủ miếng ăn, việc làm cho các con. May thay gặp đúng khi Nhà nước có chính sách giao đất giao rừng, đặc biệt là hỗ trợ vốn kích cầu cho nông dân phát triển chăn nuôi, thế là bao khó khăn dần dần được tháo gỡ. Giờ thì khá rồi!”.

Chỉ cho tôi xem những con lợn đốm vàng, màu lông lạ, ông Châu cho hay đó là đàn lợn lai giống của Mỹ, dân mình thường gọi là lợn Ru-đốc. Loại này có ưu điểm con mẹ đẻ dai, không cầu kỳ như giống lợn siêu nạc; lợn con khả năng kháng bệnh tốt, phù hợp với điều kiện nuôi đối với các trang trại quy mô vừa và nhỏ nên trang trại của gia đình ông đang tăng dần tỷ lệ đàn lợn giống lai này.  Năm 2011, giá thị trường lợn hơi có nhích lên đôi chút nên trừ chi phí, gia đình ông còn thu về được hơn 300 triệu đồng. “Đây được coi là thành công lớn trong phát triển kinh tế của gia đình” - ông Châu tự hào. Mà tự hào thật, bởi nghi lực của anh Bộ đội Cụ Hồ Lê Ngọc Châu đã đánh bại cái nghèo ngay trên quê khó, đánh thức bao ước mơ của những nông dân chân lấm tay bùn vốn đã quen với nếp nghĩ xưa, cách làm cũ.

Người nông dân thứ hai tiêu biểu về nghị lực và không kém năng động là vợ chồng anh Nguyễn Biên Thuỳ và chị Lê Thị Liễu. Xa quê lên Yên Bái làm công nhân chè đã hơn hai chục năm nay nên Ngọn Ngòi trở thành quê hương thứ hai của anh.

Thế nhưng ruộng không đất rừng không, đồng lương ít ỏi chẳng thể kham nổi 4 miệng ăn đã khiến anh đâm ra “liều”. “Cứ vay mượn để làm. Trước nuôi ít thất bại, tìm tòi kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm rồi nuôi cũng thành công. Thành công rồi mình đâm ra ham nên đầu tư trên 60 triệu đồng phát triển lớn thêm thành quy mô trang trại. Nuôi con lợn không khó nhưng để lấy lợi nhuận từ con lợn vực dậy kinh tế gia đình thì mình phải dồn hết tâm, sức cho nó” - anh Thuỳ bộc bạch.

Với quy mô chăn nuôi gần 100 con lợn thịt/lứa kết hợp với nuôi lợn nái theo cách tự sản tự tiêu, năm 2011 chăn nuôi lợn thịt đã mang lại cho gia đình anh khoản lợi nhuận gần 100 triệu đồng, biến ước mơ vươn tới một cuộc sống khá giả của gia đình anh trở thành hiện thực. Chỉ cho chúng tôi xem khu đất mới được mở rộng bên cạnh trang trại lợn, anh Thuỳ cho biết, để chủ động được nguồn giống sạch và đảm bảo chất lượng đáp ứng quy mô nuôi khoảng 100 con thịt, gia đình anh đang đầu tư mở rộng chuồng trại nuôi thêm từ 6 – 8 con lợn nái, đưa tổng đàn lợn nái sinh sản lên 12 – 15 con...

Phải khẳng định rằng, cơ chế khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi kịp thời của Nhà nước đã trở thành động lực quan trọng để những nông dân nghèo sống trên vùng đất khó này có động lực vươn lên. Dẫu vậy thì vẫn rất cần đến những cơ chế chính sách hỗ trợ kích cầu hợp lý, kịp thời của Nhà nước và địa phương giúp nông dân cởi mở hơn trong phát triển kinh tế.
 
Ước mơ thôn “ủng”

Con đường là khởi nguồn làm nên biệt danh thôn “ủng” và những ước mơ của người dân Ngọn Ngòi. Gần 18 năm làm Bí thư chi bộ, ông Trần Văn Đa đã quá hiểu người dân thôn mình nghĩ và mong muốn điều gì.

Việc mở rộng chăn nuôi theo quy mô trang trại được Nhà nước đầu tư hỗ trợ cụ thể là điều kiện cực kỳ thuận lợi cho nông dân, song không phải gia đình nào cũng có đủ tiềm lực kinh tế để đón nhận những ưu đãi đặc biệt này. Bằng tất cả sự tâm huyết, ông Đa và những người chăn nuôi ở Ngọn Ngòi mong muốn đối với những vật nuôi đặc sản như thỏ, nhím, ba ba... tỉnh, huyện, đặc biệt là Nhà nước cần có định hướng quan tâm giúp đỡ và khuyến khích để người dân phát triển nhân rộng mô hình.

Chuyện con đường cũng vậy. Cứ mừng là sẽ được Nhà nước đầu tư bởi đây là con đường liên xã nhưng bao năm rồi người dân Ngọn Ngòi, từ già, trẻ, lớn, bé cứ mưa xuống là ì ọp đôi ủng đánh vật với con đường vừa lầy lội vừa trơn trượt. Câu nói đùa của Bí thư Đa “ủng ở đất Yên Bái chạy nhất là bán cho dân Ngọn Ngòi... Mùa mưa đám cưới ở đây cứ gọi là 100% đi ủng...” khiến tôi hiểu ra vì sao hàng hoá nông sản ở đất này, dù có ngon có sạch nhưng lại kém giá hơn so với nhiều địa phương khác. Ngọn Ngòi đang phát huy hiệu quả thế mạnh đất đai để phát triển kinh tế chính từ sự năng động, tự lực tự cường của người dân và sự quan tâm của Đảng và nhà nước.

Người dân thôn Ngọn Ngòi mong muốn có được con đường bê tông đi lại được dễ dàng hơn.

Ước mơ có một con đường của người dân Ngọn Ngòi là hoàn toàn chính đáng, tuy nhiên, do con đường thì dài mà số hộ lại ít nên mỗi khẩu trong thôn phải đóng góp gần 1,5 triệu đồng là số tiền không nhỏ đối với những gia đình chỉ thuần tuý làm nông nghiệp. Bí thư Đa cho rằng, nếu cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm đối với công trình này được tính lại, phần dân đóng góp là 40%, Nhà nước hỗ trợ 60% thì người dân Ngọn Ngòi có điều kiện hơn cùng chung sức biến con đường mơ ước thành hiện thực...

Phạm Minh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục