Giàu đẹp một vùng quê
- Cập nhật: Thứ năm, 15/3/2012 | 8:51:15 AM
YBĐT - Tình yêu lao động và nghề nuôi ba ba sinh sản đã biến Văn Hưng (Cát Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái) từ một vùng quê nghèo trở thành một vùng quê văn hóa, giàu và đẹp...
Mô hình nuôi ba ba gai sinh sản của gia đình ông Nguyễn Văn Cương ở Ba khe - Cát Thịnh (Văn Chấn).
(Ảnh: Trắng Văn Tươi)
|
Hơn 100 nếp nhà khang trang nằm bên những ao ba ba được xây vuông vắn có rào chắn cẩn thận. Tất cả quần tụ trên một bồn địa được bao bọc bởi quốc lộ 32 và dòng suối Phà uốn quanh. Du khách sẽ ngỡ ngàng và mê mải khi được ngắm nhìn vùng quê tươi đẹp ngay dưới chân đèo Ách ấy - đó là thôn Văn Hưng, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn.
Cái tên “Văn Hưng” được ghép từ hai địa danh Văn Chấn (Yên Bái) và Hưng Hà (Thái Bình) để nhắc nhở đời đời con cháu rằng tổ tiên, ông cha ở quê lúa Thái Bình lên xây dựng vùng kinh tế mới ở Văn Chấn. Đã là người Thái Bình thì phải giữ vững truyền thống cách mạng, để “Tiếng trống năm ba mươi” còn vang vọng mãi; phải chịu thương, chịu khó như “Chị Hai năm tấn”. Khi đã là người Văn Chấn thì phải đoàn kết, tích cực lao động sản xuất… như lời Bác Hồ đã dạy đồng bào khi lên thăm Yên Bái.
Từ quê hương Hưng Hà, cuối năm 1973, đầu năm 1974 nghe theo tiếng gọi của Đảng, 23 hộ, 128 nhân khẩu lên Văn Chấn xây dựng quê hương mới. Được bố trí định cư ngay dưới chân đèo Ách thuộc xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, một vị trí có phong cảnh rất đẹp nhưng không phải là nơi thuận lợi cho việc tăng gia sản xuất. Ruộng đất và bãi màu quá ít, đất để trồng chè cũng không nhiều trong khi diện tích đồi rừng liền kề chủ yếu lại do lâm trường Ngòi Lao quản lý.
Tình yêu lao động của những con người chịu thương, chịu khó cho dù có cố gắng đến mấy cũng chỉ giúp cho bà con nơi đây ở mức đủ ăn, những hộ thiếu lao động hoặc kém may mắn thì đương nhiên thuộc diện nghèo đói. “Cái khó ló cái khôn. Đôi khi không có đất đai rộng lớn và màu mỡ, không có rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ lại là động lực để người dân Văn Hưng quyết tâm tìm nghề mưu sinh khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, bền vững hơn”. Ông Nghề, ông Tuấn, ông Huân… đều là những lão nông triệu phú, tỷ phú ở Văn Hưng đã nói với chúng tôi như vậy.
Để chứng minh cho câu nói của mình, các ông cho biết: toàn thôn chỉ có 50 ha chè, với diện tích ấy thì dù có chăm sóc tốt đến mấy, giá chè có lên đến 4.000 đồng/kg cũng không đủ để nuôi sống hơn 500 nhân khẩu (theo báo cáo thống kê, đến hết năm 2011 toàn thôn Văn Hưng có 123 hộ, 529 nhân khẩu). “Riêng chuyện lên rừng chặt gỗ của Nhà nước mà đem bán thì chỉ có nghèo đói, bệnh tật và lũ lụt thôi!”.
Thế rồi những nghề làm miến dong, nghề nuôi lợn nái… về với Văn Hưng và trở thành phong trào mạnh, có những thời điểm đàn lợn nái của Văn Hưng lên đến vài trăm con, tỷ lệ hộ chăn nuôi lợn nái lên đến 95%. Thật tiếc, ở thời điểm ấy bà con trong thôn chưa có điều kiện đầu tư lớn, kiến thức khoa học kỹ thuật còn hạn chế, đặc biệt thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, dịch bệnh, rủi ro luôn rình rập đã khiến nghề làm miến dong nổi tiếng của Văn Hưng mai một, nghề nuôi lợn nái cũng tan dần.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn - Trưởng thôn Văn Hưng lật cuốn sổ cũ kể lại: cuối năm 1999, ông Trần Nam Huân và ông Đoàn Vũ Sáng bắt được một số ba ba ở suối Phà, suối Lao nhưng do ba ba còn nhỏ, giết thịt không bõ nên hai ông cải tạo ao để nuôi thử. Như có phép lạ, số ba ba ấy lớn rất nhanh, đặc biệt là đến mùa sinh sản một số con đã lên bãi đẻ trứng.
Nhiều mô hình nuôi ba ba ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn đã phát huy hiệu quả đem lại nguồn thu nhập cho các hộ chăn nuôi ở đây. (Ảnh: Thanh Thủy)
Là những con người đang khát khao tìm tòi nghề mới để làm ăn, hai ông hiểu rằng cơ hội đã đến với mình. Một mặt ghi chép đầy đủ quá trình sinh trưởng, phát triển của ba ba gai, mặt khác hai ông tìm tòi tài liệu hướng dẫn phương pháp nuôi và cho ba ba sinh sản. Thế rồi những mô hình nuôi ba ba sinh sản đầu tiên ở Văn Hưng đã ra đời. Do hiệu quả kinh tế từ việc nuôi ba ba rất cao nên huyện Văn Chấn đã áp dụng chính sách khuyến khích nghề nuôi ba ba phát triển.
Những lớp tập huấn, truyền đạt kinh nghiệm được tổ chức, những chương trình hỗ trợ vốn từ ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Chính sách Xã hội được triển khai… đặc biệt là những người nuôi thành công ba ba sinh sản ở Văn Hưng như ông Sáng, ông Huân đều không giấu bí quyết, các ông đều sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ anh em, làng xóm nghề nuôi ba ba vì giá cả ba ba ngày một tăng, sinh nở được bao nhiêu ba ba giống người dân Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng lên đặt mua hết tới đó.
Rồi những việc làm hiếu nghĩa từ con ba ba như: anh em, chòm xóm giúp nhau cặp ba ba; cha mẹ cho con ra ở riêng cũng xây cho con cái ao, thả vào đó những cặp ba ba sinh sản, coi đó là của hồi môn… đã được hình thành. Văn Hưng đã trở thành vùng sản xuất ba ba gai giống tập trung với trên 100 hộ nuôi, nhiều hộ gia đình nuôi quy mô lớn với vài trăm cặp như ông Đoàn Văn Nghề, Trần Nam Huân, Đoàn Vũ Tuấn.
Năm 2011, giá ba ba giống lên đến đỉnh điểm, một con ba ba giống lên đến trên 700 nghìn đồng (loại to bằng miệng chén uống nước) đã khiến nhiều hộ ở Văn Hưng thu lãi năm bảy trăm triệu, có hộ thu lãi trên 1 tỷ đồng. Chúng tôi đến thăm cơ sở nuôi ba ba của anh chị Tuấn Vân, (được biết anh Tuấn là con trai ông Đoàn Vũ Sáng người mở đầu phong trào nuôi ba ba ở Văn Hưng).
Sau khi ông Sáng qua đời, anh Tuấn đóng luôn cửa hiệu xe máy về mở rộng diện tích ao nuôi ba ba, từ hơn 400m2 lên trên 1500m2. Gần như toàn bộ diện tích đất của gia đình anh đã được xây cải tạo thành ao nuôi ba ba. Hiện số ba ba sinh sản của gia đình anh là hơn 200 cặp, với diện tích và số ba ba giống này, anh chị Tuấn Vân là hộ nuôi ba ba vào hàng lớn nhất ở Văn Hưng, số tiền thu lãi ổn định ở mức từ 800 triệu đồng/năm trở lên.
Anh Tuấn tâm sự: “Người Văn Hưng đã giàu lên nhờ nuôi ba ba. Con ba ba thực sự quý hiếm là thứ đặc sản của người giàu. Điều đặc biệt là nhiều vùng miền có đất đai, có vốn liếng, có kỹ thuật mà không thể nuôi được ba ba đẻ, chấp nhận mua ba ba giống ở Văn Hưng về nuôi thương phẩm. Bí quyết ở đây là chất đất, chất nước mà quê hương Cát Thịnh (Văn Chấn) đã ban tặng cho chúng tôi, đời ông cha chúng tôi đã lựa chọn được”.
Tình yêu lao động và nghề nuôi ba ba sinh sản đã biến Văn Hưng từ một vùng quê nghèo trở thành một vùng quê văn hóa, giàu và đẹp, điều quý nhất là bà con trong làng, ngoài xóm thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, chung tay xây dựng nông thôn mới. Nắng ấm đã về trên quê Văn Hưng, con ba ba gai lại chuẩn bị bước vào kỳ sinh sản mới, cho vùng quê Văn Hưng thêm giàu đẹp.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Những ngày này về khu tái định cư ở xã Mường Lai (Lục Yên), rất nhiều hộ dân bức xúc bởi không chỉ thời gian đầu tư xây dựng dự án đã hết, các hạng mục chưa hoàn thành mà khi người dân di cư ra sinh sống còn phải đối mặt với nhiều khốn khó bởi cơn “khát” mang tên điện và nước.
YBĐT - Một thương hiệu mạnh được xây dựng bằng rất nhiều yếu tố như công nghệ quảng cáo, bao bì nhãn mác… nhưng cũng có khi nó đến một cách tự nhiên bằng chất lượng và thời gian kiểm định.
YBĐT - Ở xã Trạm Tấu hôm nay, trên những thửa ruộng bậc thang, bên cạnh người dân luôn có cán bộ lãnh đạo địa phương chung tay chung sức phát triển sản xuất. Điều đó lý giải vì sao xã Trạm Tấu luôn là địa phương đi đầu trong mọi phong trào của huyện.
YBĐT - Tháng giêng mới là tháng khởi đầu cho mùa lễ hội trong năm. Từ nay đến cuối năm 2012 còn hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm quan đi lễ hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Việc tổ chức một số trò chơi ăn tiền và hoạt động mê tín dị đoan, ăn xin ở một số đền, miếu... vẫn tồn tại.