Dự án Khu tái định cư xã Mường Lai: “Niềm vui ngắn chẳng tày gang”

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/3/2012 | 2:33:39 PM

YBĐT - Những ngày này về khu tái định cư ở xã Mường Lai (Lục Yên), rất nhiều hộ dân bức xúc bởi không chỉ thời gian đầu tư xây dựng dự án đã hết, các hạng mục chưa hoàn thành mà khi người dân di cư ra sinh sống còn phải đối mặt với nhiều khốn khó bởi cơn “khát” mang tên điện và nước.

Toàn cảnh khu tái định cư Mường Lai.
Toàn cảnh khu tái định cư Mường Lai.

“Niềm vui” từ… Dự án

Căn cứ vào Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến 2015; căn cứ vào Quyết định số 1661/QĐ-UBND tỉnh của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái về việc điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch vốn đầu tư thực hiện di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ quét và sạt lở đất, xã Mường Lai (Lục Yên) đã được đầu tư xây dựng công trình di dân với tổng diện tích quy hoạch là 84.915m2 cho việc xây dựng nhà văn hoá, trường học, quỹ đất dự phòng và ổn định cuộc sống cho 153 hộ dân.

Dự án gồm 4 gói thầu lớn: mặt bằng khu tái định cư, đường giao thông, hệ thống cấp nước sinh hoạt và hệ thống điện. Dự án này như một luồng gió mát thổi vào lòng người dân Mường Lai bởi các hộ dân trước khi chuyển ra khu tái định cư đều sinh sống ở những vùng nguy hiểm như: chân của ba đập liền hồ Từ Hiếu, ở ven bờ suối và chân núi đá. Tính mạng và tài sản của những hộ gia đình này đều nằm trong tình trạng báo động mỗi khi mưa lũ kéo về. Vì vậy, khi có dự án tái định cư, nhiều hộ dân rất phấn khởi.

Chị Hoàng Thị Vé hồ hởi tâm sự: “Trước đây gia đình mình sống ở chân đập hồ Từ Hiếu sợ nhất là vào mùa bão lũ. Khi có chủ trương di cư ra khu tái định cư, gia đình vui lắm bởi sẽ không phải sống trong cảnh lo sợ nữa”.

Còn ông Hoàng Văn Vĩnh, một hộ nghèo tâm sự: “Ra khu tái định cư gia đình tôi được Nhà nước cấp 300m2 đất và hỗ trợ thêm 10 triệu đồng để di dời tôi rất vui. Gia đình đã an cư, tôi sẽ vận động con cháu tăng gia sản xuất vươn lên làm giàu để không phụ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước”. Thấy được lợi ích của dự án mang lại  nên đến nay, 92 hộ dân đã ra sinh sống tại khu tái định cư (trong đó có 4 hộ tái định cư tại chỗ).

Hệ thống cột điện đã được dựng lên nhưng không biết bao giờ người dân mới được sử dụng điện của Dự án?

Đến nỗi buồn “điện - nước”

Niềm vui là vậy, song đến nay các hộ dân ở khu tái định cư rất bức xúc bởi hiện chương trình đầu tư theo Dự án đã hết từ lâu, đặc biệt, khi các hộ dân đã đồng ý di dời ra khu tái định cư thì hệ thống điện và nước không có, gây ảnh hưởng lớn tới việc sinh hoạt và sản xuất cho các hộ gia đình.

Theo Quyết định 126/QĐ- UBND ngày 6/1/2009 của UBND tỉnh Yên Bái, thời gian thực hiện dự án năm 2009 - 2010 thì đến thời điểm này Dự án mới hoàn thành một số hạng mục như: san tạo mặt bằng, xây lắp, đường điện, hệ thống đường bê tông, cống, rãnh… còn hệ thống điện thắp sáng và nước sinh hoạt các hộ dân vẫn đang trong tình trạng... “chờ đợi”.

Đồng chí Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Dự án hứa với dân là trước khi ra đảm bảo đủ điện, nước và các điều kiện hạ tầng khác để cho dân sinh sống ít nhất là bằng và hơn khu vực trước đây người dân di dời đến nơi ở mới sinh sống. Song, thực tế trước tết Nguyên đán vừa qua đã có 90 hộ dân di dời đến nơi ở mới nhưng do điện, nước không có, các hệ thống cơ sở hạ tầng khác phục vụ cho cuộc sống bình thường cũng khó khăn, không có công trình vệ sinh. Nếu Dự án không sớm hoàn thành thì có thể một số hộ dân chưa ra sẽ không ra, thậm chí những hộ dân ra rồi sẽ trở về chỗ cũ”.

Trước tình thế đó, làm gì để có nước và điện sinh hoạt của người dân trong dịp tết Nguyên đán 2011, trong khi huyện Lục Yên không phải là chủ đầu tư, lại không được “nhúng tay” vào bất cứ một hạng mục nào, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Đỗ Văn Chiến - Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Yên đã quyết định trích ngân sách của địa phương trên 450 triệu đồng để kéo đường dây 04 từ cột 49 trạm UBND xã Mường Lai dài khoảng 3 km và 4 trục đường nhánh cho các hộ dân có điện sinh hoạt (tất cả các hộ trong khu tái định cư dùng chung một công tơ, mỗi hộ chỉ được dùng 1 bóng điện com pắc và 1 ti vi). Còn về nguồn nước, nhờ trong khu tái định cư có anh Dương Văn Đẹp là hộ tái định cư tại chỗ có nguồn nước từ khe riêng của gia đình nên cán bộ xã, huyện đã đến vận động anh làm hợp đồng lấy nước phục vụ cho các hộ dân trong dịp tết.

Đồng chí Bùi Văn Thịnh cho biết thêm: “Sau khi làm hợp đồng lấy nước từ gia đình anh Đẹp, huyện đã mua 4 téc nước lắp ở bốn điểm thuận lợi cho bà con đến lấy nước sinh hoạt hàng ngày (trung bình có hơn 22 hộ dùng chung một téc nước). Anh Triệu Văn Thể, một hộ dân ở khu tái định cư Mường Lai cho biết: “Nghe vận động, gia đình tôi đã ra đây từ tháng 11/2011 nhưng lại thiếu thốn trăm bề. Không có đất làm vườn rau mà còn thiếu cả điện và nước. Hơn 3 tháng rồi, ngày nào tôi cũng phải ra téc nước công cộng để xách nước về dùng”.

Các hộ dân trong khu tái định cư hàng ngày vẫn phải xách từng xô nước từ téc nước công cộng về dùng.

Bài học từ Dự án

Anh Hoàng Văn Chí - Trưởng thôn tạm thời của khu tái định cư:

 Hiện tại các hộ trong khu tái định cư rất bức xức về nguồn nước và điện sinh hoạt, điều mà Dự án đáng lẽ phải đem lại cho các hộ dân từ lâu rồi.

Hơn bao giờ hết, trước mắt người dân trong khi tái định cư rất mong muốn chủ đầu tư sớm hoàn thành các hạng mục đã xây dựng trong dự án, trong đó việc làm cấp bách hiện nay là điện và nước sinh hoạt cho người dân. Bởi hệ thống điện nước mà người dân đang sử dụng hiện tại chỉ là giải pháp tình thế và cấp bách trong dịp tết Nguyên đán 2011 chứ không phải phương án tối ưu. Đó là chưa kể đến các công trình phúc lợi như: nhà trẻ, nhà văn hoá, điểm chợ, hệ thống giật cấp ở các taluy tránh sạt lở vào mùa mưa bão cũng chưa có. Đặc biệt, chính quyền các cấp cần sớm có phương án bổ sung bộ máy cán bộ của thôn như: bí thư, trưởng thôn và các tổ chức đoàn thể xã hội khác, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.

 Với tổng kinh phí lên tới 14.606 triệu đồng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư cho thấy, đây là một dự án lớn của tỉnh, mang tính nhân văn nhưng không hiểu vì lý do gì trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư và các đơn vị thi công công trình lại rất chậm tiến độ, chưa thực hiện đúng mục tiêu của dự án là góp phần nhanh chóng ổn định đời sống cho các hộ dân trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Điều này chẳng những gây tâm lý bức xúc trong quần chúng nhân dân làm mất lòng tin của dân với Đảng.

Thiết nghĩ, với những Dự án của dân, gần dân và vì dân như Dự án khu tái định cư của Mường Lai thì tỉnh cần chỉ đạo những chủ đầu tư có năng lực có thể chỉ định cho huyện làm chủ đầu tư bởi cấp huyện biết phải làm gì cho dân và khi giải quyết mọi vấn đề của người dân thì đơn vị sở tại luôn đứng ra giải quyết một cách nhanh chóng và có hiệu quả. Các cấp, các ngành cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra và nắm bắt được các nguyện vọng của người dân để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có phương án giải quyết và điều chỉnh hợp lý.

Văn Tuấn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục