Trên đỉnh Sáng Pao
- Cập nhật: Thứ hai, 30/4/2012 | 8:26:35 AM
YBĐT - Theo dự án di dân của tỉnh Yên Bái, những người dân ở thôn Cu Vai, xã Xà Hồ huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã dời khu đất từng là nơi “chôn rau cắt rốn” của mình để chuyển sang khu tái định cư cách đó chừng vài cây số. Với địa hình bằng phẳng, các hộ dân chuyển đến định cư tại nơi ở mới đều rất yên tâm bởi họ không còn phải lo nỗi lo sạt lở đất đá và lũ quét mỗi khi mưa về. Cu Vai đang hiện diện một sức sống mới.
Thôn Cu Vai hôm nay.
|
Nhiều niềm vui được nhân lên, nỗi lo cũng đã dần vơi đi. “An cư lập nghiệp” - tất cả người dân ở đây đã và đang bắt tay xây dựng cuộc sống mới với hy vọng về một tương lai tươi sáng.
Từ nỗi lo sạt lở đất
Nằm cheo leo trên đỉnh núi Sáng Pao, cách trung tâm xã khoảng 8km đường bộ, Cu Vai là một trong hai thôn xa nhất của xã Xà Hồ. Trời nắng thì không sao chứ trời mưa thì người dân khó có thể đi lại bởi đường vừa dốc đá lại vừa trơn trượt. Thôn Cu Vai cũ có 38 hộ dân đều là người Mông sinh sống và là người cùng trong một dòng họ. Các hộ gia đình không sống liền kề với nhau mà mỗi hộ ở riêng hẳn một khu đất.
Những năm gần đây, trên đoạn lưng chừng núi cách nơi ở của người dân khoảng 70-100m có một vết nứt to, trượt dài hàng chục mét khiến 34 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở vô cùng lo lắng. Cả bản luôn phải sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu mỗi khi mùa mưa đến.
Bác Mùa A Vư - người dân thôn Cu Vai cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên trên bản Cu Vai, nhưng từ năm 2005 ở đó không an toàn cho bà con nữa vì khu vực sườn núi mà người dân đang sinh sống, xuất hiện một vết nứt chạy dài nên cứ mùa mưa đến là dân bản rất lo sợ”.
Được biết, năm 2005 khu vực sườn núi phía trên thôn Cu Vai đã bị sạt lở với chiều dài khoảng 100m làm 3 hộ bị sạt mái ta luy phía sau nhà. Cùng với đó, hàng chục hộ dân nằm trong cung trượt trên bề mặt có lớp đất và đá to, có độ dốc lớn, tầng đất lại mỏng, không có cây cối nên khi có mưa lớn, nước ngấm vào sẽ gây ra nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản người dân. Để đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống cho người dân, huyện Trạm Tấu đã lập dự án di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở và đầu tư 13 tỷ đồng để xây dựng khu tái định cư mới cho trên 30 hộ dân ở đây.
Đến dáng vóc của “phố bản”
Vẫn là cái tên Cu Vai nhưng thôn Cu Vai hôm nay đã khác nhiều so với Cu Vai của gần một năm trở về trước. Những ngôi nhà gỗ được thiết kế theo kiến trúc của dân tộc Mông nằm san sát nhau thành hai dãy trên con đường thẳng tắp từ đầu đến cuối bản với vóc dáng mới của một “phố bản” trên đỉnh núi Sáng Pao. Có được niềm vui này là nhờ chính sách quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều khó khăn.
Tháng 5/2011, theo Dự án di dân của tỉnh Yên Bái, 33 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở ở thôn Cu Vai trước đây được chuyển về khu tái định cư mới. Tại nơi ở mới, huyện Trạm Tấu đã bố trí cho mỗi hộ dân tái định cư từ 450 - 500m2 đất để người dân vừa có đất thổ cư, vừa có thể phát triển kinh tế hộ gia đình. Được về nơi ở mới với địa hình bằng phẳng, không lo bị sạt lở lại có thể phát triển sản xuất, bà con dân bản rất vui mừng, phấn khởi bởi được ở trong những ngôi nhà mới an toàn, giấc ngủ của họ được yên lành hơn.
Niềm vui lộ rõ trên khuôn mặt anh Mùa A Đua - Trưởng thôn. Anh hồ hởi: “Trước đây cứ mùa mưa đến là bà con trong thôn lại nơm nớp lo lắng, không yên tâm lao động sản xuất. Nhưng nay đã khác rồi, bà con được ở trong những ngôi nhà mới theo kiến trúc của dân tộc mình lại là nơi an toàn nên bà con biết ơn Đảng, biết ơn Nhà nước lắm!”.
Cùng chung niềm vui đó, chị Mùa Thị Di xúc động: “Được chính quyền địa phương quan tâm xây khu tái định cư để các hộ dân chúng tôi chuyển đến đây, ai cũng vui lắm vì nguyện vọng của người dân đã được đáp ứng. Gia đình tôi cũng như tất cả mọi người trong thôn không còn phải lo lắng mỗi khi mưa bão nữa”. Có nhà mới ở khu vực an toàn, người dân trong thôn đã tập trung lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.
Tham gia vào các lớp tập huấn hướng dẫn các kiến thức về gieo trồng, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và được hỗ trợ về cây, con giống, người dân thôn Cu Vai đã tích cực trồng lúa, trồng ngô; chăn nuôi gia súc, gia cầm để phục vụ sản xuất. Được biết, toàn thôn hiện có 12 ha lúa, 30 ha diện tích ngô, gần 90 con trâu, bò; trên 50 con dê và ngựa; 200 con lợn và gần 500 con gà. Kết quả này ngoài sự nỗ lực của bà con dân bản, còn có sự giúp đỡ, đầu tư của tỉnh của huyện.
Đồng chí Giàng A Thào - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện Trạm Tấu đã di dời 33 hộ dân ở thôn Cu Vai nằm trong khu vực nguy hiểm dễ bị sạt lở. Đây là một chính sách nhân văn, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất lâu dài. Để giúp nhân dân chuyển về chỗ ở mới, huyện đã huy động cán bộ của huyện, toàn bộ nguồn lực của xã đóng công góp sức làm nhà giúp người dân trong thôn nhanh chóng ổn định cuộc sống. Ngoài ra, tỉnh và huyện còn hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ để các hộ có vốn làm ăn ban đầu, xây dựng cuộc sống mới. Đến nay, cuộc sống ở khu tái định cư Cu Vai đã cơ bản ổn định, người dân tích cực tham gia lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo”.
Khu tái định cư thôn Cu Vai có 33 hộ đều là người dân tộc Mông, cùng mang họ Mùa, không chỉ là hàng xóm láng giềng thân thiết họ còn có mối quan hệ dòng tộc gắn bó. Từ điều kiện thuận lợi đó, mỗi khi trong thôn có công việc gì, trưởng bản có thể nhanh chóng mời mọi người đến để họp. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động ở “phố bản” này rất thuận lợi, nhanh chóng và kịp thời. Toàn thôn có tổng số 12 đảng viên, mỗi đảng viên nhận nhiệm vụ phụ trách 2 đến 3 hộ dân trong thôn. Đây chính là đội ngũ tiên phong đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn đưa nếp sống văn hóa vào cuộc sống, những việc làm đó đã nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đồng chí Mùa A Đế - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xà Hồ cho biết: “Từ khi chuyển sang khu tái định cư, các hộ dân trong thôn sống tập trung nên khi muốn tuyên truyền công việc gì cũng dễ dàng, thuận lợi hơn. Nhờ kịp thời đưa các chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với người dân nên Cu Vai hiện đang là thôn đi đầu của xã Xà Hồ cũng như của huyện Trạm Tấu trong việc thực hiện nếp sống văn hóa mới, trong việc cưới, tang và lễ hội.
Những hủ tục lạc hậu đã được người dân nơi đây xóa bỏ. Đảng ủy, chính quyền xã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, vận động nhân dân tập trung sản xuất, chăn nuôi, nhằm xây dựng nông thôn mới trên đỉnh núi Sáng Pao”.
Sự đổi thay chuyển biến ở Cu Vai là điểm sáng để nhiều địa phương khác của Trạm Tấu học hỏi từ cách làm, hướng đi và kinh nghiệm. Vui mừng hơn là về nơi ở mới, sự học dành cho thế hệ măng non đã được người dân trong thôn quan tâm hơn. 100% trẻ em trong độ tuổi đã được đến trường. Hai lớp học, 1 lớp tiểu học và 1 lớp mầm non được mở ngay tại thôn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thầy cô giáo cũng như các gia đình khi gửi con theo học.
Anh Mùa A Sáy, người dân thôn Cu Vai cho biết: “Có lớp học ở ngay thôn này mình thấy rất yên tâm vì con mình không phải đi học xa. Ngày nào mình cũng cho con đi học để con mình nó biết cái chữ và cũng là vợ chồng mình yên tâm khi lên nương”.
Lớp học mầm non ghép đã thu hút được 27 em từ 3 đến 5 tuổi theo học, đạt 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường.
Dự án mang tính nhân văn
Dự án di dân Cu Vai nhằm đưa người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở sang nơi ở mới an toàn hơn là một dự án ưu việt, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt đã được thực hiện tốt để người dân được hưởng lợi. Dự án này đã giúp người dân đảm bảo chỗ ở và ổn định cuộc sống lâu dài, tránh được những tai họa khôn lường do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, khi chuyển về khu ở mới, cuộc sống của dân bước đầu vẫn còn gặp phải những khó khăn.
Được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cho công trình nước sạch nhưng hiện công trình này chưa phát huy hết tác dụng bởi vẫn còn có lúc có nước, có lúc không. Cùng với đó, người dân Cu Vai mong muốn sớm được hưởng ánh sáng nguồn điện lưới quốc gia, để cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây từng bước được nâng lên.
Thành công trong việc xây dựng khu tái định cư ở Cu Vai chính là nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành và sự đồng thuận lòng dân với mong muốn chung sức phát huy nội lực, nhanh chóng đưa đời sống của người dân vùng cao thoát khỏi cảnh nghèo, xây dựng nông thôn mới vùng cao ngày càng no ấm.
Thanh Chi - Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - Trong rất nhiều hình thức kinh doanh vận tải, có lẽ kinh doanh xe lửa được người dân tin dùng hơn cả, bởi nó mang lại tâm lý thoải mái, thuận tiện, an toàn cho hành khách và hàng hoá khi tham gia giao thông. Để mỗi chuyến tàu xuôi ngược an toàn ấy còn có sự đóng góp không nhỏ của những người tuần đường...
YBĐT - Đêm ở Sùng Đô, tôi như lại vào một thế giới hoàn toàn khác: không điện, không ti vi, không cả tiếng động cơ ồn ã..., chỉ có tiếng mưa rừng bất chợt thoảng qua, tiếng ngựa hí gọi đàn... Rối tiếng sáo gọi bạn tình của gái trai trong bản... Gần sáng là tiếng hát í ơ, tiếng hú gọi bạn đi nương...
YBĐT - “Ai chứ anh Hùng thôn 9 thì quá tốt rồi! Đó là một đảng viên có trách nhiệm, một giám đốc giỏi và một chức sắc tôn giáo có trách nhiệm với giáo dân xứ Nghĩa Hưng này”.
YBĐT - Từ năm 2007 đến năm 2011, thành phố Yên Bái có 116 cán bộ quản lý, giáo viên mầm non nghỉ hưu và nghỉ theo Nghị định 132 nhưng ngành học này không được bổ sung biên chế nên một thời gian dài đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt cán bộ nguồn, thiếu giáo viên dạy giỏi để quy hoạch.