Ánh sao đêm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/4/2012 | 2:47:37 PM

YBĐT - Trong rất nhiều hình thức kinh doanh vận tải, có lẽ kinh doanh xe lửa được người dân tin dùng hơn cả, bởi nó mang lại tâm lý thoải mái, thuận tiện, an toàn cho hành khách và hàng hoá khi tham gia giao thông. Để mỗi chuyến tàu xuôi ngược an toàn ấy còn có sự đóng góp không nhỏ của những người tuần đường...

Tuần đường Cung Lang Khay và Lâm Giang giao ban công việc.
Tuần đường Cung Lang Khay và Lâm Giang giao ban công việc.

Ánh sáng trong đêm

Đêm đầu tháng không trăng, bầu trời vùng cao Yên Bái tối đen như mực. Trong bóng đêm mịt mùng ấy chợt bừng lên những tia sáng nhỏ lấp lánh rực rỡ như mời gọi, như đón chào chuyến tàu đêm. Đó là ánh đèn sáng của người tuần đường Cung đường Lang Khay, Lang Thíp (Văn Yên).

Anh Trần Quốc Hưng với dáng người nhỏ, vai đeo túi, tay cầm đèn nhưng bước chân dứt khoát và thoăn thoắt trên những thanh tà vẹt dưới lổn nhổn những đá ba-lát. Từ Ga Lang Khay, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình trong đêm cùng những người tuần đường dày kinh nghiệm mà trong lòng vẫn không khỏi hồi hộp pha chút lo lắng.

Trước khi đi, mấy anh trong Cung đường sắt Lang Khay cảnh báo: “Các bạn đi có nổi không? Người ta nói “Cọp Bảo Hà, ma Trái Hút”, nguy hiểm lắm đấy! Trước đây, tuần đường phải mang súng theo vì sợ gặp thú dữ đấy. Giờ thì khác rồi, nhưng cũng phải đi bộ gần 20 cây số đường đá ba-lát, lại vào đêm tối”.

Câu nói đùa của các anh khiến chúng tôi càng quyết tâm đi cho bằng được. Thế nhưng, mới đi được vài cây số, tôi đã thấm thía khi bước chân bắt đầu chệch choạc, cảm giác mệt mỏi bắt đầu lan tỏa khắp cơ thể. Đầu tiên là bàn chân, rồi đến bắp chân, đùi, rồi thắt lưng… tất cả đều rã rời. Trời đêm vùng cao mát lạnh nhưng người chúng tôi nóng như lửa đốt, mồ hôi toát ra ướt đẫm.

Đêm dần về khuya, những bản làng bình yên chìm trong giấc ngủ, thi thoảng một đoàn tàu vội vã lướt qua kéo theo vệt sáng dài đi xa dần, trả lại bầu trời tối đen như mực… Tôi thắc mắc: Các anh đi tuần ban đêm không sợ à? Anh Hưng cười: “Lúc đầu, cũng có cảm giác sợ mỗi khi phải đi tuần vào ban đêm, nhưng đi nhiều cũng quen. Thực ra làm nghề này cũng có cái thú của nó”.

Trên 20 năm công tác trong ngành đường sắt cũng là từng ấy thời gian anh Hưng làm công việc tuần đường. Ở tuổi gần 50, nhưng hàng ngày anh vẫn đều đặn đi tuần trên tuyến đường 18 km (cả đi và về). Không chỉ đi thôi mà các anh còn phải chú ý từng con ốc vít, từng thanh ray và những vật cản trên các tuyến đường dân sinh đi qua đường sắt mà người dân vô ý để lại, kịp thời phát hiện những sự co, đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu xuôi, ngược an toàn. Vào mùa mưa công việc càng vất vả hơn bởi các anh càng phải đi tuần thật kỹ để kiểm tra những nơi sụt lún, đất đá, cây cối ngã đổ trên đường ray và kịp thời dọn sạch để đảm bảo cho những chuyến tàu thông suốt.

Nghề tuần đường luôn phải một mình đi trong đêm tối với cây đèn nhỏ.

Hơn 20 năm trong nghề, bước chân anh Hưng đã quá quen với những thanh tà vẹt, những đoạn đường sắt quanh co và cả những gốc cây, bụi cỏ ven đường. Anh không nhớ rõ, thật ra là không tính nổi mình đã đi được bao nhiêu cây số nữa. Chỉ biết, mỗi ngày anh đi bộ 8 tiếng đồng hồ trên cung đường của mình với chiều dài là 18 km. Tính ra, anh đã đi bộ tương đương gần tám chục lần chiều dài đường sắt của đất nước.

Anh nói vui: “Công việc mà, quen rồi, cứ đến ca là bàn chân lại tự động bước đi vậy thôi, cha mẹ mình sinh ra không có dáng đi vòng kiềng, nhưng đã làm lâu năm trong công việc tuần đường thì ai chân cũng vòng kiềng vì phải đi bước thấp bước cao trên những tấm thanh ray và tà vẹt”.

Nói đi nhiều, có lẽ còn phải kể đến anh Phạm Văn Lượng ở Cung đường sắt Lang Thíp. Tính đến nay, anh Lượng đã có 32 năm trong nghề tuần đường và cũng không thể nhớ nổi mình đã phát hiện bao nhiêu sự cố và bao nhiêu lần chính mình cũng bị sự cố. Nhiều lúc đang đi, tự nhiên anh thấy mặt mũi tối sầm, chỉ kịp lết vào bóng cây, móc chai dầu xoa khắp người rồi nằm nghỉ một lúc mới tỉnh lại. Chính vì vậy, trong suốt cuộc đời làm nghề, người bạn đường duy nhất của các anh là túi đồ nghề bên trong có pháo tín hiệu dừng tàu, thẻ bài, mỏ lết, cờ đỏ, cờ vàng, còn có cả những chai dầu gió.

Một điều khá lý thú đối với chúng tôi là chiếc thẻ bài mà người tuần đường lúc nào cũng phải cầm theo bên mình là những chiếc cà lê rất to, có thể dùng thẻ bài này để siết những con ốc, bu lông trên những thanh tà vẹt hay khớp nối các đường ray, bên trên những chiếc thẻ bài này có đánh số thứ tự. Chu kỳ của những chiếc thẻ bài được trao đổi cho nhau bởi những người tuần đường được quay vòng từ Ga Văn Phú tới ga (Lào Cai) trong 72 tiếng đồng hồ.

An toàn cho những chuyến tàu

Cán bộ công nhân Cung đường sắt Yên Bái bảo dưỡng cung đường.

Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đường sắt Yên Lào có nhiệm vụ quản lý tuyến đường sắt từ Văn Phú tới ga (Lào Cai). Riêng cây Cầu Kiều thì Công ty bảo dưỡng một nửa, còn nửa bên kia do ngành đường sắt Trung Quốc quản lý. Trên tuyến có 18 cung đường, đoạn qua tỉnh Yên Bái có 10 Cung gồm: Văn Phú, Yên Bái, Cổ Phúc, Ngòi Hóp, Mậu A, Mậu Đông, Trái Hút, Lâm Giang, Lang Khay và Lang Thíp với tổng chiều dài 87,5km, mỗi cung có 5 tuần đường phụ trách một đoạn đường có độ dài khoảng 10 km.

Riêng Cung Lang Khay hiện có 5 tuần đường phụ trách tuyến từ Lang Khay tới Lang Thíp. Hàng ngày có 3 ca tuần, ca I từ 6h đến 14h; ca II từ 14h tới 22h và ca III từ 22 h tối tới 6 h sáng hôm sau, mỗi ca có 1 người tuần đường, nhưng do đặc thù công việc ở những vùng núi hoang vu, nguy hiểm không có nhà dân nên ca III thường có hai tuần đường để hỗ trợ cho nhau. Hàng ngày các anh đi tuần trên tuyến đường đều phải qua các trạm này để đóng dấu, ký vào sổ giao ban và đổi thẻ bài. Đây được xem như hình thức chống gian lận trong việc tuần đường “có đi mà không có đến, hoặc có đến mà không có đi”.

Những người tuần đường đều phải gặp nhau mỗi ngày để ký nhận vào sổ giao ban tuần đường. Người đến trước phải đợi người đến sau để cùng ký vào sổ mới được quay ngược trở lại. Vì vậy, các anh luôn đảm bảo đến đúng thời gian. Hôm nào có người đến muộn là chắc chắn có sự cố trên đường. Anh Hưng tâm sự: “Trời nắng còn đỡ nhưng trời mưa thì rất khổ, những lúc qua cầu, đoạn đường vắng, bước đi không vững vì gió bão thổi rất mạnh”.

Chỉ tay về phía dòng Ngòi Trục, anh Hưng cho biết, mùa mưa bão anh em tuần đường phải tăng cường gác tại điểm cầu này vì lượng nước từ thượng nguồn đổ về rất mạnh, lũ có thể cuốn bay cây cầu. Trước đây vào những năm 1970 đã xảy ra một tai nạn đường sắt thảm khốc, năm đó khi anh em tuần đường đi thì nước Ngòi Trục bắt đầu lên cao nhưng chưa có hiện tượng lũ cuốn mất cầu khi về thì nước lũ đã cuốn trôi mất cầu. Do đêm tối nên khi đoàn tàu ngược từ Yên Bái lên đã lao thẳng xuống ngòi làm chết toàn bộ tài xế trên tàu và nhiều hành khách ở các toa xe.

Sau khi vượt qua các cung đường hiểm trở, gần 21h chúng tôi mới đặt chân đến Cầu Trục phía giáp Cung đường Lâm Giang. Đi được khoảng 200m, anh Hưng vội kéo mạnh chúng tôi xuống vệ đường, rồi đưa mặt màu trắng của chiếc đèn ra phía trước. Con tàu ầm ầm lao tới, làm rung chuyển rừng núi, kéo theo một luồng gió mạnh thổi qua làm chúng tôi như bị cuốn theo vòng xoáy của cơn gió. Ra đến chốt Lâm Giang, công việc ký sổ và trao thẻ tuần đường diễn ra nhanh chóng.

Gần như không được nghỉ ngơi, chúng tôi lại vội vàng quay trở lại chính con đường vừa mới đi qua. Công việc tuy vất vả là thế song những người tuần đường trên tuyến vẫn nhiệt tình với công việc thầm lặng của mình mà chẳng hề kêu ca hay đòi hỏi điều gì. Được biết, đồng lương mà các cán bộ đường sắt được hưởng rất thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Trung bình khoảng 2 triệu đồng/người/tháng, không đủ chi phí cho cuộc sống thường nhật, trong khi công việc này đòi hỏi sự kiên trì, lòng yêu nghề và ý thức tuân thủ kỷ luật rất cao.

Đêm càng khuya càng tĩnh lặng. Thỉnh thoảng một đoàn tàu lao tới rồi lại chìm vào bóng đêm, đem theo những niềm vui sum họp cho mọi người. Chỉ còn lại ánh đèn nhỏ nhoi như những ánh sao đêm cứ cần mẫn theo bước chân những người tuần đường chiếu sáng màn đêm cho những chuyến tàu, những chuyến hàng và hàng vạn, hàng ngàn hành khách đến nơi được an toàn và bình yên.

Quang Thiều

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục