Lạc giữa đại ngàn

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/4/2012 | 3:42:50 PM

YBĐT - Đêm ở Sùng Đô, tôi như lại vào một thế giới hoàn toàn khác: không điện, không ti vi, không cả tiếng động cơ ồn ã..., chỉ có tiếng mưa rừng bất chợt thoảng qua, tiếng ngựa hí gọi đàn... Rối tiếng sáo gọi bạn tình của gái trai trong bản... Gần sáng là tiếng hát í ơ, tiếng hú gọi bạn đi nương...

Mùa thảo quả. (Ảnh: Tráng A Mua)
Mùa thảo quả. (Ảnh: Tráng A Mua)

Trong cuộc đời làm nghề, những chuyến công tác vùng cao luôn để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Đi để nghe, để thấy, để viết, để tôi thương hơn, yêu hơn những người dân tảo tần, lam lũ nơi vùng cao Yên Bái, nơi mỗi bản làng đã hằn in dấu chân tôi hay chỉ mới thoảng qua như vừa chạm tới... Để rồi lại khát khao được trở lại, để được sống giữa đại ngàn bao dung, ở đó có những điều như thực như mơ mà chỉ có thể tìm thấy nơi miền cổ tích...

Sùng Đô – cái tên nghe xa xôi và lạ lẫm. Mà lạ lẫm thật bởi lần đầu tiên tôi mới đặt chân đến mảnh đất quê hương của người anh hùng lao động dân tộc Mông Giàng A Thào. Tôi bước chân qua cánh cổng làng, gọi là cổng nhưng tạm bợ như rạo vậy, mà ngỡ như mình vừa bước vào vùng đất cấm.

Sùng Đô buồn! Trụ sở UBND và Trạm Y tế xã nằm lọt thỏm giữa mênh mông núi rừng, đơn sơ và thiếu thốn. Sùng Đô nghèo! Mỗi đứa trẻ mà tôi gặp ở mảnh đất này đều đang yêu và đáng thương đến thắt lòng. Cái rét vùng cao cắt da cắt thịt, ấy thế nhưng đứa có áo, đứa lại chẳng có quần, mong manh, yếu ớt chống trọi với cái khắc nghiệt của chốn rừng thiêng nước độc, cũng giống như sự sinh tồn tự nhiên theo kiểu “trời sinh voi trời sinh cỏ” của đồng bào nơi đây vậy.

Mà cũng lạ thật, chúng cứ ăn, cứ lớn, cứ mập mạp, khỏe khoắn, dẻo dai như cây rừng kia trước nắng gió đại ngàn. Cái ăn, cái mặc, sự học và việc đi lại ở vùng cao vất vả là thế nhưng vẫn không ngăn nổi đôi chân trần rẽ lối đường rừng tới trường và ước mơ khao khát con chữ của những đứa trẻ hiếu học sống trên mảnh đất này.

Người Mông Sùng Đô tự hào vì ngày có thêm nhiều con em đỗ đạt vào các trường trung học chuyên nghiệp của tỉnh và của Trung ương. Khát khao một ngày mai quê hương giàu đẹp, văn mình được những thế hệ tương lai ấy ấp ủ và nuôi dưỡng bằng tấm lòng biết ơn sâu nặng đối với Đảng, với Bác Hồ và bằng cả ước mơ bao đời của tổ tiên mình...

Phó bí thư Đảng uỷ xã Sùng Đô khi ấy là Hờ A Ký. Ký là cán bộ lãnh đạo xã người Mông khá trẻ của huyện Văn Chấn. Anh thông minh, hoạt bát và rất hiếu khách. Ký kể say sưa cho chúng tôi nghe chuyện người dân quê anh đổi mới và đang vươn lên thoát khỏi cái đói cái nghèo nhờ biết làm cây lúa nước và biết thâm canh tăng năng suất trên đất ruộng hai vụ lúa; biết nuôi nhốt con trâu, con lợn, con gà đen giống quý để đổi bán lấy tiền cho con cái ăn học...

             Người Mông Sùng Đô đã biết làm ruộng nước 2 vụ.

Vui nhất là rừng trồng kinh tế và cây thảo quả trồng đã thay thế dần được cây lúa nương, đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình. Chiếc răng vàng ánh lên lấp lánh sau nụ cười hiền hậu và hóm hỉnh của A Ký khiến cho tôi ấm tượng với người cán bộ dân tộc Mông trẻ tuổi này.

Câu chuyện của Ký đánh thức cái “máu” nghề nghiệp trong tôi. Thấy tôi và anh bạn đồng nghiệp nhất quyết muốn “mục sở thị” khu rừng trồng thảo quả - một loại cây trồng cho thu nhập cao ở đất Sùng Đô khi ấy, dù lưỡng lự, chần chừ vì trời đã quá trưa mà đường tới khu rừng trồng thảo quả thì xa, lại phải cuốc bộ toàn đường rừng, nhưng rồi các anh trong ban lãnh đạo xã cùng vui vẻ nhận lời đưa chúng tôi đi.

Chỉ cho tôi thấy ngọn núi xanh thẳm sừng sững trước mặt, A Ký bảo: “Rừng trồng thảo quả đằng sau đỉnh Chiềng Già ấy. Sang đó là đất Giằng Pằng và Làng Mảnh. Đi khổ đấy, cô nhà báo chuẩn bị tinh thần nhé”. Tôi chỉ cười còn bụng thì nghĩ: “Ngay trước mặt kia, xa gì mà xa, chắc muốn thử lòng mình đây!”. Nghĩ vậy tôi xăm xăm bước lên trước...

Có đi rồi mới thấy, quả là xa và khổ thật. Tất cả những thứ tôi và đồng nghiệp Thanh Tân mang theo tác nghiệp, nào thì túi to túi nhỏ, máy ảnh, chân máy quay, cục pin máy quay nặng trịch, rồi thì đồ dùng cá nhân... chúng tôi giao lại cả cho mấy bác lãnh đạo đi cùng mang hộ, duy chỉ có chiếc máy quay phim là anh bạn đồng nghiệp phải tự cầm vì còn thực hiện nhiệm vụ tác nghiệp trên đường.

Đi, đi mãi mà rừng thảo quả vẫn tận đẩu đâu. Hết lên dốc rồi lại xuống dốc, tôi không nhớ nổi đã đi qua bao nhiêu cánh rừng, bao nhiêu lòng khe, bao nhiêu nương lúa, chỉ biết rằng đã hơn 4h chiều rồi mà chúng tôi vẫn chưa tới được rừng trồng thảo quả.

Những câu chuyện cũng ít dần, tiếng cười vợi bớt vì mọi người đã thấm mệt. Đầu gối chạm mặt, tôi chẳng buồn đi nữa, có khi bỏ cuộc giữa chừng mất. Ông mặt trời đã chuẩn bị về núi rồi mà vẫn chưa tới nơi thì còn quay cóp thế nào được. Cái đầu nghĩ nản nên bước chân tôi cứ chậm dần lại, cổ họng khát đắng dù trước đó chúng tôi đã được chén no nê một bụng dưa nương của mấy bà mấy chị đi rừng ngang qua cho... Tôi tỉnh cả người khi nghe tiếng cô gái trẻ đi cùng gọi:
– Chị ơi, chị cố lên, có nước rồi!
Chả là nương thảo quả mà các anh cán bộ xã đưa chúng tôi đến quay phim là của gia đình cô gái Mông xinh xẻo đó. Em  và bố sẽ là “diễn viên” trong phóng sự hình của chúng tôi. Có phải vì vui hay vì đã quen với công việc hàng ngày vất vả như thế mà cái mệt không níu giữ nổi bước chân em.

Tôi dồn sức vào cây gậy trên tay để ngược dốc cho nhanh hơn. Đỡ bát nước đùng đục như nước vo gạo từ tay người phụ nữ Mông trông coi trang trại dê trên đỉnh núi đưa cho, tôi làm một hơi hết sạch.
- Nước gì mà ngon thế nhỉ? – Tôi hỏi bâng quơ mà mắt thì nhìn chăm chắm vào ấm nước trên tay người phụ nữ Mông.
- Nước luộc rau mét đấy. Uống vào là đỡ mệt ngay thôi. Người đi nương vẫn hay uống nước này.  – Bà nhanh nhảu trả lời.

Tôi uống thêm nửa bát nữa. Ngọt và thơm quá, như thể trên thế gian này chẳng có thức uống nào ngon hơn bát nước rau mét mà tôi được uống bữa ấy.

Hơn 5h chiều, chúng tôi cũng đã tới được nương thảo quả. Tác nghiệp nhanh, gọn, ăn ý và rất hiệu quả, tôi hài lòng với những gì thu được trong khoảng thời gian làm việc ngắn ngủi ấy nên cái mệt cũng qua mau.

Phó bí thư Hờ A Ký (người ngồi giữa) vui với bà con sau mùa thảo quả bội thu.

Trở về là cả một quãng đường dài khổ hơn, khó hơn khi ông mặt trời không còn chung bước. Tôi thoáng rung mình khi nghĩ đến việc mình sẽ bất thình lình dẫm phải một con vật gì trong đêm tối chỉ với bó đuốc nứa chập chờn trong tay.

Gùi thảo quả đầy ặc trên vai hai cha con cô gái Mông trĩu nặng mà bước chân họ lẹ làng, thoặt thoắt trong đêm. Tôi đi sát vào họ và cố theo để không bị tụt lại cuối đoàn như lúc đến đây. Tôi sợ...

Rồi cũng đến lúc cha con cô gái Mông chia nửa bó đuốc nứa tạm biệt chúng tôi ngược Làng Mảnh để trở về nhà. Ông già không quên tặng tôi mấy chùm thảo quả sai nhất, chín đỏ đẹp nhất làm quà. Ông nói thêm mấy câu gì đó, tôi không hiểu, chỉ thấy mấy anh cán bộ xã cười vui cảm ơn. Giữa đại ngàn hoang vu ấy, tôi chợt ngộ ra rằng dường như trên đời này chẳng có thứ gì quý hơn thứ tình người mộc mạc, chân thành đến thánh thiện ấy.

Núi Chiềng Già đã lùi lại phía sau, hình như những con dốc đã ngắn dần. Nhìn đốm sáng lập loè như con đom đóm đực phía xa xa đen đặc, Phó bí thư Đảng ủy xã Hờ A Ký nói như reo:

- Sắp về đến nhà rồi! Ủy ban xã ở chỗ sáng kia kìa.

Tôi vui đến nỗi chỉ trực muốn khóc... Đêm Sùng Đô không có điện. Cạnh trụ sở UBND xã, nhà Giàng A Tùng le lói chút ánh sáng từ cây đèn dầu không bóng hắt qua những tấm ván lịa. Phía ngọn núi trước mặt kia là xã Nậm Mười, điện lưới quốc gia đã thắp sáng những bản gần và  lác đác cả những ngôi nhà lưng chừng núi. Khó khăn hơn cả An Lương, Nậm Mười mà Sùng Đô khi ấy vẫn chưa có điện.

Bữa cơm tối ăn vội trong ánh nến chập chờn không đủ soi rõ mặt chủ mặt khách. Đã gần 10 giờ đêm nên mọi người vội chia tay để trở về nhà vì đường rất xa. Tôi, anh bạn đồng nghiệp và cả cô giáo dạy tiếng cho những lao động địa phương đăng ký tham gia xuất khẩu lao động được xếp ngủ lại ở trụ sở UBND xã.

Trời đất! Phòng ngủ gì mà lại chẳng có cửa có khoá gì cả, chỉ chẹn độc có nửa tấm phibrôxi măng vỡ. Tôi không ngủ được phần vì lạ nhà, phần vì sợ. Tôi cứ tròng trọc thức chờ cây nến bé tẹo bằng ngón tay út cháy hết để thay ngay cho phòng sáng. Chưa bao giờ tôi lại thấy sợ bóng tối đến vậy. Phòng bên cô giáo dạy tiếng cũng không ngủ, thức chờ trời sáng...

Đêm ở Sùng Đô tôi như lại vào một thế giới hoàn toàn khác: không điện, không ti vi, không cả tiếng động cơ ồn ã..., chỉ có tiếng mưa rừng bất chợt thoảng qua, tiếng ngựa hí gọi đàn, tiếng bước chân con ngựa nhà ai lạc bầy trú mưa chạy luỵch quỵch quanh khu nhà UBND xã... Rối tiếng sáo gọi bạn tình của gái trai trong bản... Gần sáng là tiếng hát í ơ, tiếng hú gọi bạn đi nương...

Trăng hạ tuần đã gọi mặt trời đội núi nhô lên. Ngọn Chiềng Già kỳ vĩ trước mắt tôi mới hôm qua thôi còn lạ lẫm bỗng dưng trở nên thân thuộc. Tôi yêu mỗi bản làng, yêu những người dân hồn hậu, tảo tần nơi đây.

Chợt bắt gặp bé gái Mông váy hoa xanh đỏ níu ríu theo chân mẹ, tự nhiên tôi thấy nhớ đứa con trai nhỏ đến cồn cào. Phải về thôi! Tôi đã xa nhà gần một tuần rồi, đã mải mê lạc bước giữa đại ngàn.

Tôi cố thu vào mắt mình những gì có thể: những ngôi nhà của đồng bào Mông bé tẹo lưng chừng núi, những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, những bạn bè lạ - quen tôi mới gặp hôm qua... Và kia nữa, lá cờ đỏ sao vàng lồng lộng tung bay trên nóc trụ sở UBND xã như thắp sáng cả đại ngàn...   

Phạm Minh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục