Chuyện về một đảng viên công giáo

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/4/2012 | 3:08:10 PM

YBĐT - “Ai chứ anh Hùng thôn 9 thì quá tốt rồi! Đó là một đảng viên có trách nhiệm, một giám đốc giỏi và một chức sắc tôn giáo có trách nhiệm với giáo dân xứ Nghĩa Hưng này”.

Anh Hùng (người đứng giữa) đang cùng mọi người thu hoạch quế tại vườn nhà.
Anh Hùng (người đứng giữa) đang cùng mọi người thu hoạch quế tại vườn nhà.

Tôi đã ghi được lời của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên khi anh nói về đảng viên Trần Văn Hùng, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) xã Hưng Khánh, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Mỹ Hưng, Giáo phận Hưng Hóa.

Tháng 4 mưa đã xuống, nắng đã lên, cây rừng đâm chồi, nảy lộc rồi xòe tán lá rộng đã biến núi đồi Trấn Yên thành một màu xanh ngút mắt. Theo quốc lộ 37 chúng tôi về Hưng Khánh khi bà con giáo dân nơi đây vừa mừng kỷ niệm ngày lễ Phục sinh vui vẻ và đang tích cực lên rừng trồng cây. Người nông dân thì ra ruộng làm cỏ lúa, số đông công nhân các nhà máy chè, xưởng chế biến gỗ đã vào ca sản xuất, cảnh đẹp núi rừng Trấn Yên và không khí lao động sản xuất tươi vui ấy như làm cho con đường uốn lượn bên các chân đồi thêm ngắn lại. Chỉ một loáng chạy xe từ thành phố Yên Bái đã đến Hưng Khánh, về thẳng thôn 9 tới nhà anh Hùng.

Anh Trần Văn Hùng.

Ngừng tay lao động, anh tâm sự: “Mình đang thu ít quế, thêm vào xây cái nhà, ở nhà gỗ anh em họ chê! Có ai hiểu mình đâu, cả hai vợ chồng tham gia công tác xã hội, nuôi ba đứa con đi học đại học, bí lắm chứ đâu có phải vừa”. Hôm nay anh chị Hùng thuê người về khai thác quế trong vườn nhà, nhìn toàn bộ cơ ngơi của anh chị mới thấy tuy không rộng lớn nhưng cũng cho hiệu quả kinh tế khá bởi quế đã phủ kín toàn bộ đất rừng, phía dưới chỗ không cấy được lúa thì đã được đắp bờ, đào ao thả cá.

Năm 1972, anh Trần Văn Hùng cùng gia đình và bà con giáo dân Nam Trực - Nam Định lên Yên Bái xây dựng vùng kinh tế mới. Hoàn cảnh kinh tế thời ấy khó khăn lắm nhưng anh vẫn được cha mẹ nuôi cho học hết phổ thông. Đến năm 1983, anh làm đơn tình nguyện đi bộ đội.

Ba năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự đã giúp anh thêm ý chí và nghị lực để vươn lên trong cuộc sống lao động vốn vẫn còn nhiều khó khăn ở vùng cao Hưng Khánh. Rồi anh đã được các bạn trẻ trong xã tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Đoàn và giữ chức Phó bí thư Đoàn xã Hưng Khánh. Tiếp đó anh lại được bà con trong thôn 9 tín nhiệm bầu làm trưởng thôn.

Đáp lại sự tín nhiệm của bà con và các bạn trẻ, ở cương vị công tác nào, anh Hùng cũng cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình: là hạt nhân tiêu biểu trong nhiều phong trào của thanh niên và gương mẫu trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an ninh ở cộng đồng dân cư. Cũng chính giai đoạn này người thanh niên công giáo Trần Văn Hùng đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Anh kể: “Khi được Đảng bộ kết nạp tôi không còn trẻ nữa, nhất là so với giai đoạn hiện nay nhưng được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi thấy rất vui và xúc động. Tôi tin là mình sẽ còn phấn đấu và cống hiến nhiều hơn nữa”.

Câu chuyện giữa chúng tôi phải ngắt quãng thường xuyên vì nhiều người đến hỏi quy trình, thủ tục vay vốn, người đến hỏi lãi suất huy động, rồi người đến xin ý kiến những công việc lễ giáo…

Anh bảo: “Tôi thì mấy việc một lúc, vợ cũng tham gia Hội Phụ nữ xã, cả hai đều bận tối ngày. Rừng, đồi, chuồng trại toàn phải làm tranh thủ, mệt lắm đấy nhưng vợ chồng biết động viên nhau cùng cố gắng. Biết làm sao được khi ba đứa con ăn học, có tháng nào là không tốn 7 đến 8 triệu đồng!”. Được biết, ngay từ khi thành lập Quỹ TDND xã Hưng Khánh, anh Hùng đã tham gia công tác và từ năm 2009 anh được Hội đồng quản trị giao nhiệm vụ Giám đốc Quỹ.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu những năm 2000, anh Hùng đã tình nguyện đi học lớp trung cấp cán bộ ngân hàng, theo học nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ khác do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước tổ chức. Với phương châm “An toàn, hiệu quả vì lợi ích chung”, Quỹ TDND xã Hưng Khánh từ ngày thành lập đến nay chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật, trở thành kênh tín dụng quan trọng ở địa phương, là nơi bà con yên tâm, tin tưởng gửi tiền nhàn rỗi và là chỗ dựa quan trọng cho kinh tế hộ tại địa phương phát triển.

Chỉ tính riêng năm 2011 vừa qua, đã có gần 1.000 lượt người đem đến Quỹ gửi tiết kiệm gần 30 tỷ đồng. Có nguồn vốn lớn Quỹ TDND Hưng Khánh đã giải quyết cho hơn 600 lượt người vay với tổng doanh số 17,893 tỷ đồng. Từ đồng vốn của quỹ, bà con đã mua được 151 con trâu, hơn 2.500 lợn giống, hàng chục tấn phân bón hóa học, đầu tư mua mới và nâng cấp hàng chục phương tiện vận tải cùng các máy móc nông cụ khác phục vụ sản xuất.

Anh Hùng cho biết: “Quản lý, kinh doanh tiền tệ vốn đã khó, hoạt động tại địa bàn nông thôn lại càng khó hơn. Do đó, người cán bộ tín dụng phải biết phân biệt giữa việc chung và việc riêng, phải làm việc trên cơ sở nguyên tắc”.

Có lẽ suy nghĩ và phương pháp làm việc ấy đã giúp Quỹ TDND Hưng Khánh hoạt động hiệu quả, đặc biệt trên lĩnh vực huy động vốn và giảm thiểu tối đa dư nợ xấu. Qua câu chuyện tôi được biết, một vinh dự lớn vừa đến với Quỹ TDND xã Hưng Khánh khi được UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước tặng bằng khen vì có nhiều thành tích xuất sắc.

Khi hỏi về trọng trách Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Mỹ Hưng, anh bảo: “Công việc cũng không phải trọng trách gì lắm đâu, dù cũng tốn không ít thời gian vì địa bàn rộng với 12 họ đạo, 3.300 giáo dân thuộc nhiều xã trong huyện Trấn Yên và Văn Chấn. Bà con giáo dân ở xứ Mỹ Hưng đều “kính Chúa, yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo” nhưng điều đáng nói là đời sống của đại bộ phận bà con vẫn còn khó khăn lắm, nhất là ở 7 họ người Mông. Nguyên nhân nghèo đói thì có nhiều, chúng tôi cũng nhận thấy trách nhiệm của mình là phải vận động bà con tích cực lao động sản xuất, ứng dụng tiến bộ KHKT, từ bỏ các hủ tục lạc hậu… Thấy được người Mông Hồng Ca, Cát Thịnh đẻ ít con, lại hăng hái trồng chè, măng Bát độ, trồng rừng kinh tế là rất vui rồi”.

Câu nói chân tình của một người đảng viên, một vị chức sắc tôn giáo đã cho tôi niềm tin: cộng đồng dân cư có những người như anh, chắc chắn tình đoàn kết tôn giáo, dân tộc sẽ ngày càng bền chặt, góp phần xây dựng nông thôn vùng cao thêm ấm no, giàu đẹp.

Lê Phiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục