Bảo vệ rừng phòng hộ Tân Nguyên:

Cần liều thuốc mạnh

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/6/2012 | 10:52:39 AM

YBĐT - Việc rừng tự nhiên, phòng hộ ở Tân Nguyên đang dần bị triệt hạ, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân. Nguyên nhân, nhiều trường hợp vi phạm chưa được xử lý triệt để, dẫn đến người dân đua nhau vi phạm.

Lô đất này thuộc đất rừng tái sinh phòng hộ bị một hộ dân ở khu vực Đèo Thao lấn chiếm chuẩn bị làm nhà ở.
Lô đất này thuộc đất rừng tái sinh phòng hộ bị một hộ dân ở khu vực Đèo Thao lấn chiếm chuẩn bị làm nhà ở.

>>> Rừng phòng hộ Tân Nguyên cần có biện pháp mạnh bảo vệ

Ông Hoàng Văn Mạo- thôn Đèo Thao rầu rĩ nói: “Một số người dân có tư tưởng, diện tích vi phạm nhỏ chẳng đáng là bao so với vài trăm ha rừng còn xanh tốt. Thế nhưng người trước phá vài trăm mét vuông, người sau tới trên dưới ngàn mét vuông. Rồi nhiều đối tượng đã bị xử lý vẫn tái phạm, mở rộng diện tích vi phạm…”. Rõ ràng, chưa có “liều thuốc” hữu hiệu đặc trị căn bệnh xâm lấn rừng, khiến cho rừng xanh Tân Nguyên nói riêng và tại một số nơi vẫn dần bị “gặm nhấm”.

Thực tế những năm gần đây, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR) ở Tân Nguyên không phải là không được chính quyền địa phương chú trọng. Từ việc đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân về các chỉ thị, văn bản pháp luật về QL-BVR, đến tăng cường tuần tra phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm đều được triển khai nghiêm túc.

Hàng năm, chính quyền xã đã chỉ đạo các lực lượng từ công an, dân quân, đoàn thể, tổ bảo vệ rừng vào cuộc. Các bộ phận phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn triển khai công tác tuyên truyền cho nhân dân về bảo vệ rừng, nhất là các thôn có rừng phòng hộ đầu nguồn…

Hay tin chúng tôi tiếp cận khu vực rừng Tân Nguyên, anh Hoàng Văn Yên, Trạm phó trạm Kiểm lâm km 19 tức tốc phóng xe máy lên xã. Anh Yên lần giở sổ tay ghi rõ từng ngày tổ chức tuyên truyền, giáo dục tại các thôn. Gần đây nhất vào cuối tháng 3, Trạm đã phối hợp với xã tổ chức cho nhân dân thôn Đông Ké học tập pháp luật bảo vệ rừng, trong đó có 6 nội dung liên quan tới công tác bảo vệ rừng.

Các tài liệu triển khai là Nghị định 99 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính, Chỉ thị 05 của UBND tỉnh về tăng cường công tác QL-BVR, nông, lâm sản, Quyết định 388 của UBND huyện ban hành ngày 10/7/2009 về việc công nhận bản Qui ước QL-BVR ở cộng đồng dân cư thôn, tổ nhân dân các xã, thị trấn trong huyện.

Theo đó, bản Qui ước có 5 điều, ở Điều 3 qui định: “Mọi công dân phải chú trọng xây dựng rừng, QL-BVR, phải phát hiện và tố giác những đối tượng vi phạm diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn. Nếu đối tượng (hộ nào) cố tình vi phạm trồng các loại cây cối, hoa màu thì cộng đồng dân cư và các QL-BVR có quyền phá bỏ…".

Ngay cả những nội dung qui định người dân được hưởng lợi từ rừng cũng được tuyên truyền đầy đủ. Cùng với tổ chức tuyên truyền, đầu quí I hàng năm, xã đều tổ chức ký hợp đồng với nhóm, tổ bảo vệ rừng. Năm 2011, tổng số tiền chi trả công bảo vệ rừng phòng hộ là trên 38 triệu đồng, rừng tự nhiên sản xuất trên 6,8 triệu đồng.

Ông Hoàng Văn Mạo, 76 tuổi, dân tộc Nùng, cán bộ kháng chiến, cư trú tại thôn Đèo Thao:

Tôi sống ở thôn mấy chục năm rồi, rừng bây giờ không còn gỗ to như xưa nhưng việc giữ rừng vẫn rất cần thiết. Thảm thực vật ở đây như tre, nứa, sung… đều là thứ cây giữ nước, giữ đất rất tốt. Nếu phá hết thì nguồn nước sinh hoạt, sản xuất sẽ thiếu vào mùa cạn ngược lại gây lũ vào mùa mưa. Tôi cho rằng, những người vi phạm phải bị xử lý theo pháp luật để làm gương. Nếu cần phải kiên quyết triệt phá cây trồng trái phép, không để đối tượng vi phạm được thu hoạch.

Ông Hà Văn Chí - Phó chủ tịch UBND xã Tân Nguyên:

Nhiều năm qua, tình trạng phát phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ trên địa bàn diễn ra dai dẳng. Đặc biệt, có một số đối tượng xúi giục, kích động bà con, thuê bà con phát phá rừng trái pháp luật. Khi phát hiện, chính quyền xã đã tập trung xử lý các đối tượng vi phạm bằng việc phạt hành chính, cam kết không tái phạm.

Cùng với đó, xã đã tổ chức các cuộc họp thôn lấy ý kiến nhân dân. Hầu hết các hộ dân yêu cầu chính quyền xã phải có giải pháp mạnh, kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm, phá bỏ cây hoa màu trồng trên diện tích vi phạm.

Trong tháng 3 vừa rồi xã cũng đã tổ chức ký hợp đồng bảo vệ rừng năm 2012 với các tổ bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc ký kết chỉ dựa trên niềm tin và trách nhiệm đối với các tổ đã nhận bảo vệ rừng các năm trước. Bởi tính đến giữa tháng 6/2012 mà xã vẫn không rõ có được cấp kinh phí bảo vệ rừng hay không, mỗi ha được trả bao nhiêu tiền?!

Việc quản lý, tuyên truyền, học tập thì như vậy nhưng một bộ phận người dân thiếu ý thức hoặc nói đúng hơn vẫn cố tình vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Tính riêng năm 2011, xã đã phát hiện và xử lý 45 trường hợp vi phạm, trong đó: lập biên bản xử lý 39 trường hợp, 6 trường hợp chống đối, chây ỳ chưa chấp hành.

Chính quyền xã xử phạt hành chính 26 đối tượng phát, phá rừng tự nhiên sản xuất, rừng phòng hộ tại tiểu khu 208, diện tích trên 11.800m2. Tuy vậy, số tiền các đối tượng vi phạm phải nộp chỉ là 14,6 triệu đồng. Do đó, nhiều đối tượng sau khi bị xử phạt tiếp tục tái phạm, phát phá mở rộng diện tích từng vi phạm.

Trong 5 tháng đầu năm nay có tới 17 trường hợp tái phạm bị lập biên bản và xử phạt, thế nhưng trường hợp chịu mức phạt tối đa cũng chỉ 2.000.000 đồng theo qui định. Đa số các đối tượng vi phạm thường chỉ bị phạt vài trăm ngàn đồng, kể cả có trường hợp bị phạt ở mức cao nhất nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Bởi số cây cối, hoa màu trồng vi phạm sau khi phát hiện không bị triệt phá, dẫn tới các đối tượng vẫn lén thu hoạch sản phẩm, thu lời trên diện tích vi phạm, có trường hợp kinh doanh trên đất rừng tự nhiên như trường hợp của Hoàng Hải Hoàn.

Do người dân bản địa biết diện tích của Hoàn là vi phạm, không nhận làm thuê cho Hoàn nên Hoàn đã ngang nhiên thuê người dân nơi khác đến làm công trên đất rừng vi phạm. Để tiện bề xâm hại rừng, có đối tượng còn dựng nhà trái phép ngay khu vực rừng tự nhiên thôn Đèo Thao, lấy danh nghĩa có họ hàng với người từng là lãnh đạo cấp tỉnh để làm trái pháp luật, thách thức dư luận…

Ông Nông Công Chính - Bí thư Đảng ủy xã cho rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng xâm hại rừng cần nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong công tác tuyên truyền tới người dân, đồng thời với giải pháp mạnh để ngăn chặn.

Các cấp, các ngành trong tỉnh nên xem xét lại nơi rừng ít xung yếu có thể sản xuất giao cho xã cấp cho hộ nghèo, không có đất canh tác để phát triển kinh tế. Qua nắm bắt ý kiến nhân dân các thôn, đa số đều ủng hộ việc chính quyền phải có biện pháp xử lý triệt để.

Ngày 25/5 vừa qua, đoàn công tác của huyện Yên Bình đã về xã kiểm tra, chỉ đạo địa phương nghiêm túc xử lý theo pháp luật. Thế nhưng vẫn cần một giải pháp hữu hiệu, đó là mạnh tay phá bỏ cây cối, hoa màu của các đối tượng vi phạm đã trồng, không để các đối tượng có sản phẩm thu hoạch, kinh doanh trên đất rừng trái phép (theo tinh thần của Điều 3 - qui ước nêu trên).

Điều này không chỉ giúp người dân mà ngay cả những người vi phạm nhưng đã chấp hành tốt không bị bức xúc như hiện nay. Việc này cần có sự triển khai cụ thể, chặt chẽ không chỉ của chính quyền, đoàn thể xã mà cần sự chỉ đạo sát sao của chính quyền huyện Yên Bình và các ngành của tỉnh.

Xã cần có liều thuốc đủ mạnh, quyết liệt phá bỏ cây cối hoa màu canh tác trái phép trên diện tích rừng phòng hộ như phân công lực lượng, thời gian, địa điểm, phương pháp tiến hành... bảo đảm hợp lý, an toàn và hiệu quả.

Không chỉ ở Tân Nguyên hay một địa phương nào đó, việc giữ rừng phải được coi là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội. Về lâu dài, cần có đề xuất, sửa đổi pháp luật về QL-BVR.

Theo đó, qui định không chỉ các trường hợp vi phạm diện tích, giá trị rừng lớn mà các trường hợp tái phạm, cố tình xâm hại rừng tự nhiên, rừng phòng hộ dù nhỏ cũng phải bị đưa ra truy cứu trách nhiệm hình sự, bảo đảm đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm.

Còn với các trường hợp vi phạm lần đầu nhưng không chấp hành quyết định xử phạt hành chính phải bị cưỡng chế, cải tạo lao động, hoàn trả lại diện tích rừng đã xâm hại. Có như vậy mới có thể góp phần gìn giữ "lá phổi xanh" của trái đất được bền vững.

Nhóm P.V Nội chính

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục