Rừng phòng hộ Tân Nguyên cần có biện pháp mạnh bảo vệ

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/6/2012 | 9:53:58 AM

YBĐT - Lẫn vào màu xanh của cây rừng tự nhiên lộ ra nhiều mảng màu sẫm đỏ của đất trống bởi cây cối đã bị chặt phá. Từ chân đèo tới lưng chừng núi xuất hiện nhiều cây lâm nghiệp, cây sắn, cây ngô… trồng theo từng khoảnh, từng khoảnh từ vài trăm đến cả ngàn mét vuông, khó có thể đếm hết.

Cột mốc rừng phòng hộ ở Đèo Thao chưa được sơn kẻ lại chữ rất khó phát hiện.
Cột mốc rừng phòng hộ ở Đèo Thao chưa được sơn kẻ lại chữ rất khó phát hiện.

Chúng tôi tiếp cận khu rừng phòng hộ thuộc khu vực Đông Ké - Đèo Thao. Vắt ngang đèo là con đường liên huyện nối sang thị trấn Mậu A, (Văn Yên). Hai bên đường những khoảnh ngô, sắn của người dân trồng xen lẫn với thảm thực vật. Nhẩn nha rồi cũng lên tới khu gần đỉnh đèo, tôi dừng lại hít sâu vào lồng ngực không khí trong lành của núi rừng nơi đây.

Phóng tầm mắt theo dải núi hình cánh cung, từ đỉnh Đèo Thao xuống tít tận thôn Đông Ké phía xa xa. Trải nghiệm và chiêm ngưỡng, quả thật thiên nhiên đã ban tặng cho người dân quê núi này bao điều quí giá. Nhờ cánh rừng này, ngoài được tận hưởng không khí mát mẻ trong lành thì dòng nước trong xanh kia chính là nguồn tài nguyên vô giá đối với địa phương và vùng lân cận. Vào sâu trong rừng Đèo Thao, không còn những cây to nhưng thảm thực vật ở đây cũng tương đối phong phú. Lau sậy rất ít mà chủ yếu là tre, nứa, vầu xanh ngắt xen lẫn nhiều khóm chuối rừng, những cây sung, cây ngái và cả một vài cây thuốc quí.

Thỉnh thoảng, đám chào mào hay vài chú khiếu thấy động kêu véo von rồi vội sải cánh vút lên cao. Nhiều sản vật từ rừng như măng nứa, măng vầu, chuối rừng… vẫn được dân hái lượm theo mùa. Rừng Đèo Thao đẹp và quí là vậy nhưng đã mang trên mình nhiều thương tích bởi bị người dân xâm hại. Giờ đây, lẫn vào màu xanh của cây rừng tự nhiên lộ ra nhiều mảng màu sẫm đỏ của đất trống bởi cây cối đã bị chặt phá.

Từ chân đèo tới lưng chừng núi xuất hiện nhiều cây lâm nghiệp, cây sắn, cây ngô… trồng theo từng khoảnh, từng khoảnh từ vài trăm đến cả ngàn mét vuông, khó có thể đếm hết. Anh cán bộ xã người bản địa đi cùng khoát tay chỉ về phía chân đèo cho hay, suốt từ lưng chừng đèo xuống phía dưới hầu hết là các hộ người dân tộc Nùng, Dao sinh sống. Họ sinh hoạt, sản xuất nhờ vào nguồn nước chảy xuống từ các khe như Chum I, Chum II…

Vào khoảng năm 1985, thủy lợi Khe Chum đã được xây dựng phục vụ cho sinh hoạt, tưới tiêu. Tiếp đó, năm 1991 thủy lợi Đông Ké hoàn thành giúp hàng trăm hộ dân chủ động nước tưới cho sản xuất, chủ yếu là các hộ dân ở 3 thôn Đông Ké, Đèo Thao, Trại Phong. Hiện toàn xã có trên 2.361 ha đất lâm nghiệp, trong đó  Riêng rừng tự nhiên là 518 ha, rừng phòng hộ trên 386 ha, rừng sản xuất là 131,9 ha. Các diện tích này đều được giao cho các tổ bảo vệ rừng quản lý, giám sát.

Không khó để nhận ra các thảm thực vật bị người dân phát, phá để gieo trồng cây hoa màu. Một số nơi trong khu rừng, các cây cối, thực bì đều chết khô cùng lúc bởi mới bị “hạ sát” vì thuốc diệt cỏ. Mấy anh cán bộ xã, kiểm lâm địa bàn đều ngậm ngùi công nhận “thực trạng rừng Tân Nguyên đúng là như vậy!”. Mọi người cho biết, nhiều lần nhận được tin báo triển khai tới nơi xảy ra phát, phá còn thấy vương lại bao bì chứa thuốc diệt cỏ mà các đối tượng sử dụng chưa kịp mang theo.

Lẫn vào màu xanh của cây rừng tự nhiên là những mảng màu sẫm đỏ của đất trống bởi cây cối đã bị chặt phá...

Vượt lên tới đỉnh đèo, chúng tôi gặp anh Lương Xuân Mười- nhóm trưởng nhóm bảo vệ rừng khu vực thôn Đèo Thao đi kiểm tra rừng, anh cho hay: “Nhóm có 7 hộ, năm nay được xã giao bảo vệ diện tích 94,7 ha, trong đó, 34,7 ha là rừng phòng hộ, còn lại là rừng tự nhiên sản xuất. Để thuận lợi trong công việc, nhóm ứng trước tiền bảo vệ rừng mua thẻ điện thoại di động trị giá từ 20.000- 50.000 đồng cho các hộ trong tổ giúp kịp thời thông tin, báo cáo khi có vấn đề xảy ra. Việc phát, phá rừng trái phép có từ nhiều năm trước và liên tục từ năm 2008 đến nay.

 Việc quản lý, ngăn chặn chưa được chú tâm ngay từ đầu nên người này thấy người kia làm được cũng hùa theo. Khi có sự quản lý chặt chẽ hơn thì một số đối tượng phá rừng triển khai tinh vi và có tổ chức, thấy lực lượng công an xã, kiểm lâm địa bàn chưa kịp đến nơi thì chúng gọi điện thoại cho nhau để tẩu thoát. Qua thực tế kiểm tra trước khi giao diện tích bảo vệ rừng vào tháng 3 vừa qua, có tới 30% diện tích đã bị xâm hại”. Nhiều trường hợp lực lượng chức năng của xã tới hiện trường đã thấy khoảnh rừng cả trăm mét vuông đã bị chặt phá, xâm lấn.

Trong xã Tân Nguyên, nhiều người đều biết đến những đối tượng từng tái phạm, mở rộng diện tích xâm hại rừng. Ở thôn Đông Ké có Trương Tuyến Cát đang trong thời kỳ củng cố hồ sơ vi phạm lại tiếp tục phát rừng mở rộng diện tích vi phạm tới 4 ha; Nông Văn Hạ đã bị phạt hành chính 700.000 đồng trước đó, nay lại tái phạm mở rộng diện tích vi phạm 3 ha.

“Nóng” như ở Đèo Thao với đối tượng Trương Đình Vượng tái phạm, mở rộng diện tích 3,5 ha; Lý Văn Thành tái phạm, mở rộng diện tích 0,5 ha; Tạ Thị Tính không chấp hành quyết định, tái phạm. Đặng Văn Huy cũng vậy, không chấp hành quyết định xử phạt. Ngày 23/4/2012, Huy tiếp tục tái phạm, xã đã lập biên bản quyết định xử phạt hành chính 2.000.000 đồng... Thậm chí, có đối tượng thuê người nơi khác đến phát phá rừng, chăm sóc cây hoa màu đã trồng trái phép ngay tại địa bàn.

Nổi lên trong số đó là Hoàng Hải Hoàn và vợ là Hà Thị Tú Anh, trú tại thôn Đèo Thao đã phát phá rừng phòng hộ, rừng tự nhiên sản xuất tại tiểu khu 208 với diện tích khoảng 1,5 ha, mở rộng diện tích vi phạm lên tới 9 ha. Bằng chứng mới nhất, vào hồi 10h, ngày 19/5/2012, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của xã tuần tra phát hiện 7 đối tượng là công dân của xã Khánh Hòa - Lục Yên đang làm cỏ sắn tại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc khoảnh 9, tiểu khu 208, thôn Đèo Thao. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm quả tang và mời các đối tượng về xã để điều tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.

Các đối tượng vi phạm đều khai nhận được vợ chồng Hoàn- Anh thuê làm cỏ, vun sắn, mỗi ha được trả là 1,5 triệu đồng tiền công. Trước đó, ngày 21/6/2011, tổ công tác do ông Nông Văn Bằng tổ trưởng tổ bảo vệ rừng đã đi kiểm tra phát hiện diện tích rừng là 2.520m2, thuộc lô số 6, khoảnh 12, thôn Đèo Thao bị phát phá trước đó, hiện trạng đã trồng là cây sắn. Qua điều tra xác minh từ quần chúng nhân dân diện tích rừng bị phát phá trên là của ông Hoàng Hải Hoàn. Ngày 14/7/2011 tổ công tác của xã đã lập biên bản vi phạm đối với Hà Thị Tú Anh. Bà Anh đã công nhận số diện tích gia đình đã phát phá rừng phòng hộ là từ năm 2007.

Trước thực trạng trên, không những người dân mà ngay cả một số đối tượng trước đây vi phạm đã nghiêm chỉnh chấp hành cũng rất bức xúc. Thậm chí, có dư luận cho rằng, nếu không được xử lý triệt để các đối tượng sẽ lại tiếp tục vi phạm vì cho rằng người khác làm được thì mình cũng làm được! Việc giải quyết các hành vi xâm hại rừng tự nhiên, phòng hộ ở Tân Nguyên đang cần một lời giải, một biện pháp hữu hiệu, triệt để, nhằm giữ rừng, yên dân.

Nhóm P.V nội chính

(Kỳ sau: Cần “liều thuốc” mạnh)

Các tin khác
Diện tích chè được trồng tập trung tại xã Bảo Hưng (Trấn Yên).

YBĐT - Huyện Trấn Yên có vùng nguyên liệu chè đứng thứ 2 của tỉnh Yên Bái với diện tích 2.200 ha, trong đó có hơn 300 ha chè lai LDP1, LDP2, 420 ha chè chất lượng cao, 18 ha chè Shan và gần 1.500 ha chè trung du. Tuy vậy, để cây chè thực sự phát huy được những tiềm năng trên vùng đất Trấn Yên vẫn còn nhiều điều phải bàn.

Ở Đại Sơn, đâu đâu cũng ngút ngàn quế.

YBĐT - Nếu nói rằng hương quế Văn Yên đã tỏa hương khắp các vùng miền trong nước và lan tỏa ra nhiều nước bạn như Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Nhật, Mỹ… thì những vùng quê như Viễn Sơn, Đại Sơn, Xuân Tầm… là khởi nguồn của mùi hương cay nồng ấy.

Bùn đất tràn xuống lòng khe và đập thủy lợi do tác động của việc Công ty Tây Bắc mở đường vào điểm mỏ.

YBĐT - Nếu như không kịp thời có biện pháp chủ động trước những tác động của hoạt động KTKS của hai công ty trong khu vực này thì ảnh hưởng tới nguồn nước và hoạt động sản xuất của nhân dân tới đây là rất lớn. Thực tế đã xảy ra. << Công trình đầu tư của Nhà nước phải được bảo vệ

Bùn đất bồi đầy đập thủy lợi Khe Bát, trước đó là đập nước sâu mà giờ có thể đi lại dễ dàng thế này.

YBĐT - Khai thác khoáng sản (KTKS) và những hệ luỵ của nó đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của chính quyền và nhân dân ở một số địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục