Báo động trẻ em đuối nước
- Cập nhật: Thứ tư, 11/7/2012 | 2:52:45 PM
YBĐT - Từ đầu hè 2012 đến nay, trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) đã có 6 trường hợp trẻ nhỏ và học sinh tiểu học bị đuối nước. Chỉ riêng trong tháng 6/2012 đã có 5 trường hợp.
Nỗi buồn mất con cháu vẫn còn trên nét mặt những người thân trong gia đình chị Trần Thị Liên.
|
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện, hầu như mùa hè nào trên địa bàn huyện cũng có trẻ em bị chết đuối. Đặc biệt, số trẻ em đuối nước tăng vọt từ năm 2011 trở lại đây. Đây là một thực trạng đáng báo động.
Nỗi đau xé lòng
Chúng tôi có mặt tại gia đình chị Trần Thị Liên, thôn Sơn Trung, xã Mai Sơn là mẹ của cháu Hà Anh Tuấn gần 5 tuổi bị đuối nước hôm 13/6. Trong căn nhà sàn rộng mênh mông, chỉ có bà Hoàng Thị Roạn, tuổi ngoài 70, là bà nội của Tuấn đang ngồi, buồn bã.
“Thằng nhỏ ngoan lắm, đi đâu về cũng chào ông, chào bà! Vậy mà…” - Bà Roạn khóc lớn, nước mắt chứa chan. Bên ngoài, bác ruột của Tuấn là Hà Đức Luận - Trưởng thôn Sơn Trung oang oang: “Số nó không được sống cùng người thân. Thôi bà đừng buồn nữa, gần hai tuần nay, trong nhà lúc nào cũng sụt sùi, rầu rĩ, mệt mỏi quá! Mà cũng nói với nhà báo thế này: khi cháu mất, gia đình cũng đã nhận sự quan tâm của huyện, của xã rồi. Nhưng nói gì thì nói sự việc xảy ra là trách nhiệm của gia đình, vì không quan tâm nhiều đến cháu thôi. Ai mà không đau lòng khi mất người thân nhưng tôi phải nói ra để các hộ gia đình có con nhỏ, qua sự việc của cháu Tuấn sẽ có sự quan tâm nhiều hơn đến con em mình”.
Được biết, cháu Tuấn bị đuối nước là do gia đình lúc đó bận gặt lúa ngoài đồng. Sau khi ngủ trưa dậy, Tuấn cùng với người chú họ bằng tuổi đi sang ao ở cuối thôn để tắm. Chưa đầy 5 tuổi, hiểu biết không có nên Tuấn đã ra quá xa bờ để rồi không kịp bơi vào. Trong lúc Tuấn đang cố vùng vẫy, người chú trên bờ cầm cái que để kéo nhưng không lại, cậu bé khóc lớn khi thấy Tuấn càng lúc càng chìm sâu xuống nước. Mọi người phát hiện tìm đến nhưng Tuấn đã không qua khỏi.
“Tôi là người Kinh, gia đình nhà chồng lại là người Tày. Mà theo phong tục của người Tày thì các cháu nhỏ, hoặc đã thanh niên nếu chưa lập gia đình khi chết sẽ không được thờ cúng. Ảnh chụp của cháu mọi người đều đốt sạch, may mà tôi giữ lại được 1 tấm…”, chị Trần Thị Liên, mẹ của Tuấn tay cầm tấm ảnh ghì chặt vào ngực khóc nấc.
Nỗi đau của bà Roạn trước cái chết của cháu nội Hà Anh Tuấn gần 5 tuổi ở xã Mai Sơn.
Chị Nông Thị Luyến, phụ trách mảng thương binh, xã hội của xã Mai Sơn cho biết: “Sau khi cháu Tuấn mất, lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền, MTTQ, Hội Chữ thập đỏ xã đã tới thăm và động viên gia đình. Đây là vụ việc đáng tiếc vì cháu Tuấn chưa đầy 5 tuổi, địa bàn xã lại rất nhiều ao, hồ trong khi đó bố mẹ, người thân của cháu không để ý đến con cái. Mặt khác, sân chơi cho trẻ ở đây không có, các cháu chỉ được tham gia 2 buổi trên 1 tuần sinh hoạt hè vào buổi tối do Đoàn thanh niên xã tổ chức…”.
Từ trung tâm xã Mai Sơn, chúng tôi tiếp tục đến gia đình em Hoàng Thị Mai Lan, 9 tuổi bị đuối nước ngày 15/6 ở bản Chang, xã Lâm Thượng. Ông Hoàng Văn Thêm (ông nội cháu Lan) chia sẻ: “Sáng hôm ấy, tôi đang ngồi xem ti vi, cháu Lan mang nước ra đồng cho bố. Sau khi chào bố, cháu về giống như mọi khi, đi tắt qua cái thành của chiếc ao xây giữa 2 gia đình để về nhà, thành ao chỉ rộng 30 - 40 cm không có hành lang nhưng bọn trẻ vẫn đi tắt sang nhà nhau chơi qua cái thành ao đó. Lần này không may cháu Lan đã bị trượt chân rơi xuống. Cháu không kịp kêu cứu, lúc ấy tôi ngồi ngay trên nhà mà không hề hay biết…”.
Ông Hoàng Trọng Ring - Cán bộ văn hóa, phụ trách mảng lao động, thương binh - xã hội của xã Lâm Thượng cho biết: “Xã Lâm Thượng hiện có tới 75% các hộ gia đình có ao, hồ ngay cạnh gia đình. Cả xã có 14 thôn, trong đó chỉ có 4 thôn có nhà văn hóa xã, điểm vui chơi dành cho trẻ không có. Đặc biệt, khi các cháu được nghỉ hè không có sự giám sát, quản lý của nhà trường, thời tiết nắng nóng nên thường rủ nhau ra các ao, hồ để tắm. Cái chết của cháu Lan sẽ là lời cảnh tỉnh các gia đình có ao, hồ ngay gần nhà mà xây dựng không đúng kiểu cách, không được rào ngăn cách…”.
Ngoài trường hợp của cháu Tuấn, cháu Lan, từ đầu năm 2012 đến nay huyện Lục Yên còn chứng kiến nhiều vụ đuối nước đau lòng khác như trường hợp của các cháu: Thang Văn Yên, 9 tuổi ở thôn Nà Hà, xã An Phú cùng một số bạn bè trong xóm rủ nhau đến nhà bác chơi, trước nhà có một cái ao sâu, thời tiết nóng bức nên các cháu rủ nhau xuống tắm, gặp chỗ nước sâu lại không biết bơi nên Yên bị chết đuối; trường hợp của cháu Hoàng Tiến Đạt 9 tuổi, thôn Làng Giàu, xã Khánh Thiện đi về nhà bà ở Minh Xuân cũng bị đuối nước do không có người lớn để ý tới. Mới nhất, ngày 25/6 trường hợp ở thôn Yên Thịnh, xã Vĩnh Lạc, cháu Hoàng Văn Triệu, 9 tuổi bị chết đuối do tắm ao…
Như vậy, việc các cháu nhỏ từ 1 đến 9 tuổi chết do đuối nước gần đây tại huyện Lục Yên đều có một nguyên nhân cơ bản là thiếu sự quan tâm, để ý của các bậc phụ huynh; các bờ ao gần nhà không có rào chắn ngăn cách.
Ông nội Hoàng Văn Thêm chỉ nơi cháu Lan bị trượt chân ngã xuống.
Nguyên nhân và giải pháp
Bà Nguyễn Thị Tuyết - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lục Yên cho biết: “Chỉ tính riêng trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn huyện đã có 15 trường hợp trẻ em bị chết do đuối nước. Trong đó, từ ngày 11 - 25/6/2012, đã xảy ra 5 trường hợp trẻ em chết do đuối nước tại các xã: An Phú, Mai Sơn, Minh Xuân, Lâm Thượng, Vĩnh Lạc…”
Nguyên nhân khách quan dẫn tới trẻ bị đuối nước là trên địa bàn huyện có nhiều sông, suối, ao, hồ… Về nguyên nhân chủ quan, một phần do cấp ủy, chính quyền các địa phương chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền và chăm lo cho trẻ, tạo sân chơi cho trẻ trong những ngày hè.
Cùng với đó, nhiều gia đình, đặc biệt là các bậc phụ huynh còn chủ quan, thiếu kiến thức trong việc giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em, thiếu sự quan tâm, giám sát, tạo môi trường lành mạnh để trẻ phát triển toàn diện. Số trẻ em bị đuối nước tuổi chủ yếu dưới 10 tuổi, cái tuổi ham chơi và chưa ý thức được nhiều mối nguy hiểm có thể xảy ra và đặc biệt cần đến vai trò của gia đình, người thân trong việc định hướng vui chơi, kiểm soát và chia sẻ với các em - vấn đề này chưa được các bậc phụ huynh nơi đây quan tâm và chỉ khi vụ việc xảy ra rồi thì họ mới ăn năn, hối tiếc...
Ngoài ra, thay vào các trò chơi lành mạnh, bổ ích, tạo sân chơi tập thể cho trẻ trong những ngày hè, trẻ em ở các bản làng thường kéo nhau ra ao, hồ, sông, suối tắm và chơi đùa nên nguy cơ bị đuối nước rất cao, ngay cả những dụng cụ chứa nước trong gia đình như chum, vại,... không có nắp đậy cũng gây nguy cơ đuối nước cho trẻ. Chỉ một vài phút sơ sẩy của người lớn, trẻ em có thể rơi xuống ao, hồ, sông, suối, giếng nước... và có thể bị ngạt và chết đuối ngay sau đó…
Tai nạn đuối nước thật sự là một vấn đề bức xúc của xã hội, gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ em. Tuy đã được các cơ quan, ban ngành, các tổ chức xã hội của huyện quan tâm nhưng kết quả đem lại chưa thực sự như mong muốn.
Để phòng tránh và hạn chế những tai nạn thương tâm do đuối nước tại Lục Yên nói riêng và toàn tỉnh nói chung cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể, gia đình và nhà trường nhằm xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người trong xã hội.
Các bậc phụ huynh cần bảo vệ con em mình bằng cách rào chắn tại các ao hồ, làm nắp đậy giếng nước, chum vại chứa nước trong gia đình. Khi cho trẻ đi chơi gần những nơi có sông, suối, ao, hồ; tắm ở bể bơi, tắm biển, cha mẹ phải luôn theo dõi, để ý con cái.
Đối với trẻ em ở vùng nông thôn, miền núi, do sự quản lý chưa tốt của bố mẹ nên thường trốn đi tắm sông suối dẫn đến nguy cơ đuối nước do không biết bơi. Vì vậy, ngoài việc giám sát chặt chẽ con cái, các bậc phụ huynh cần dạy con em mình kỹ năng bơi và xử lý các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước.
Trong các giờ ngoại khóa, nhà trường cũng cần dạy kỹ năng bơi cho trẻ như một chương trình bắt buộc trong môn học thể dục, hướng dẫn những điều cơ bản cứu sống mình hoặc bạn khi bị đuối nước. Bên cạnh đó, mọi người trong cộng đồng cần tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cứu đúng cách để áp dụng kịp thời khi xảy ra trường hợp đuối nước. Tại những xã trẻ em phải đi học bằng thuyền bắt buộc phải có phao cứu sinh hoặc có cha mẹ đi kèm.
Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các phương tiện thủy chở học sinh quá tải, trái quy định, không có phao cứu sinh, tàu, thuyền không bảo đảm an toàn. Tại những khu vực nguy hiểm, thường xảy ra tai nạn đuối nước, chính quyền các cấp cần thành lập đội cứu hộ và trang bị các phương tiện cần thiết để cấp cứu kịp thời; đài truyền thanh, hệ thống loa phát thanh ở các xã cần tăng thời lượng phát sóng, tuyên truyền về Tháng hành động vì trẻ em và các biện pháp phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ, đặc biệt khi đây đang thời điểm của mùa mưa bão.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Tần suất tai nạn lao động (TNLĐ) nặng và chết người ngày một tăng. Năm 2010 xảy ra 14 TNLĐ nặng, làm 2 người tử vong. Năm 2011 xảy ra 22 vụ TNLĐ nặng làm chết 3 người. 5 tháng đầu năm 2012 xảy ra 2 vụ TNLĐ làm chết 3 người.
YBĐT - Giữa điệp trùng núi đồi vùng cao Mù Cang Chải, nơi mây và gió trời vần vũ ngay trên những nóc nhà gỗ đã xỉn đen vì khói bếp của người Mông, nơi cái lạnh và cái đói thường trực hàng ngày như trêu ngươi cả những người gan lì nhất..., ấy là Mồ Dề.
YBĐT - Chỉ vì nhẹ dạ cả tin, ông Giàng A Mang ở thôn Tà Chử, xã Phình Hồ (Trạm Tấu) đã cùng vợ con vào Đắc Lắc những mong tìm được miền đất hứa với ý nghĩ không làm cũng có ăn. Nhưng khi đến nơi, sự thật không như mong đợi. Lúc này, ông Mang và gia đình mới hiểu ra rằng không đâu bằng nơi mình đã sinh ra.
YBĐT - Trong thời điểm này, chỉ số giá tiêu dùng khá ổn định, vì vậy cán bộ công chức đã có thể yên tâm sống được bằng lương.