Chuyện tăng lương và thất nghiệp ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/7/2012 | 2:41:53 PM

YBĐT - Trong thời điểm này, chỉ số giá tiêu dùng khá ổn định, vì vậy cán bộ công chức đã có thể yên tâm sống được bằng lương.

Công nhân Công ty Quản lý đường bộ II tu sửa tuyến đượng Hợp Minh - Mỵ.
Công nhân Công ty Quản lý đường bộ II tu sửa tuyến đượng Hợp Minh - Mỵ.

Tuy vậy, theo báo cáo của 16 doanh nghiệp thuộc ngành Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có 2.998 công nhân lao động đang không có việc làm, điều này cũng đồng nghĩa với việc không có lương...

Từ thực tế

Chị Nguyễn Thị Tâm, công nhân Công ty cổ phần Xây dựng Giao thông chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, em không có việc làm, một mình phải cáng đáng mọi chi tiêu cho gia đình, mẹ chồng thì già yếu, con nhỏ đang đi học, bản thân lại bệnh nặng (chị bị suy tim độ 4), em chỉ ước mong làm sao có tiền để đi chữa bệnh, bác sỹ nói em phải thực hiện một ca phẫu thuật nhưng lo ăn hàng ngày còn chưa đủ nói gì đến đi chữa bệnh. Em đã đóng bảo hiểm tại Công ty được 16 năm rồi nhưng khó khăn quá, từ đầu năm đến nay tiền bảo hiểm em cũng còn chưa nộp được đồng nào cả.

Anh Nguyễn Văn Lương - công nhân đội 3, Công ty TNHH một thành viên Quản lý Đường bộ 2 cũng không có việc làm từ cuối năm ngoái. Trong căn phòng ở tập thể của Công ty, anh tâm sự: “Cả hai vợ chồng cùng làm công nhân, đều không có việc làm, đời sống hết sức khó khăn, trong khi ruộng, vườn chẳng có, nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống hàng ngày cũng đành phải chạy vạy, vay chỗ nọ đập chỗ kia thôi”.

Nếu như chị Tâm, anh Lương là những CNLĐ trực tiếp thì chị Phạm Thị Bích Hạnh là nhân viên kế toán của Công ty cổ phần Xây dựng số 3 cũng đang phải chịu cảnh nghỉ việc luân phiên do Công ty không bố trí được việc làm. Chồng chị cũng không có việc, nuôi hai con ăn học, một cháu lại thường xuyên ốm đau. Công ty bố trí cho chị nghỉ tự túc, tự kiếm việc làm và phải tự đóng các khoản chi phí cho bản thân như: BHXH, BHYT,… tới 26,5% lương cơ bản.

Chị Hạnh chia sẻ: “Cùng lúc các cán bộ công chức thì được tăng lương, bọn em thì không có việc làm, kiếm được một đồng cũng thấy quá khó khăn, đã vậy, khi ra chợ lại còn phải chịu mua theo “túi tiền” của các cán bộ công chức…”.

Theo anh Trần Thế Quyền - Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Xây dựng số 3 tâm sự: “Để tháo gỡ khó khăn cho CNLĐ, Ban chấp hành công đoàn, Đảng ủy, Hội đồng quản trị Công ty đã tìm nhiều giải pháp, nỗ lực tìm kiếm việc làm, tìm người quen giới thiệu các công trình, tạo điều kiện cho công nhân tự lo tìm kiếm việc làm nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50% số CNLĐ có việc làm, số còn lại thì rất bấp bênh, lúc có lúc không, thậm chí cả mấy tháng trời không kiếm được việc làm”.

Theo khảo sát của Liên đoàn lao động (LĐLĐ), trong quý 1/2012, Công ty cổ phần Xây dựng số 1 có 102 lao động, chỉ bố trí đủ việc cho 30 lao động làm các công trình chuyển tiếp từ năm 2011, nợ BHXH 62.930.109 đồng, Công ty cổ phần Xây dựng số 2 có 175 lao động chỉ bố trí được việc làm cho 35 lao động, nợ BHXH 110.605.736 đồng. Công ty cổ phần Xây dựng cầu có 47 lao động không có việc làm. Công ty TNHH một thành viên quản lý và xây dựng đường bộ II có 272 lao động nhưng chỉ đủ việc làm cho 40% lao động...

Với chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, trong thời điểm như hiện nay, tôi thấy vui một nửa và buồn một nửa. Đồng chí Hà Chí Họp - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh trao đổi. Vui vì 1/2 số cán bộ  CNVCLĐ được nâng cao đời sống vật chất từ việc tăng lương, từ đó thúc đẩy tinh thần hăng say lao động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.

Việc phát động các phong trào thi đua, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho CNVCLĐ lại càng có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, tôi thấy buồn vì một nửa số đoàn viên là CNLĐ trong các doanh nghiệp, họ đang không có việc làm, đời sống vô cùng khó khăn, mặc dù Chính phủ đã tăng lương trước lộ trình cho người lao động trong các doanh nghiệp vào thời điểm tháng 10/2011 nhưng do không đảm bảo được việc làm nên việc tăng lương chỉ là danh nghĩa và để tính đóng BHXH, BHYT...cho CNLĐ, không có tác động tích cực đến đời sống, việc làm của những đối tượng này.

Công nhân lao động không có việc làm đang rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành để ổn định đời sống.
Ảnh: Đồng chí Hà Chí Họp - Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh trao quà cho công nhân lao động nghèo.

Cùng tìm giải pháp

Trong thời gian qua, LĐLĐ tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm lo cho đối tượng CNLĐ nghèo bằng những việc làm thiết thực như: Hỗ trợ làm nhà “Mái ấm công đoàn”; hỗ trợ cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau dài hạn, bệnh hiểm nghèo... thông qua quỹ “Tấm lòng vàng” của LĐLĐ tỉnh, hỗ trợ cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình cho nữ CNLĐ thông qua quỹ “Vì nữ CNLĐ nghèo”; Tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho con CNLĐ, khen thưởng cho học sinh là con em CNLĐ vượt khó vươn lên học giỏi nhân tháng hành động vì trẻ em và ngày Gia đình Việt Nam, ngày Quốc tế thiếu nhi. Tổ chức các hoạt động vui tết trung thu cho con em CNLĐ trong các doanh nghiệp.

Tổ chức thăm hỏi, trợ cấp khó khăn cho CNLĐ nghèo nhân “Tháng công nhân”... với phương châm hướng về cơ sở, hướng về doanh nghiệp và CNLĐ. Tuy nhiên, với những nỗ lực của các cấp công đoàn trong tỉnh chăm lo cho đối tượng CNLĐ nghèo cũng chỉ như “muối bỏ bể”, chỉ góp phần động viên chứ không nhằm ổn định và nâng cao đời sống của CNLĐ mà phải cần đến sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước bằng những cơ chế chính sách và giải pháp cụ thể.

Thực hiện chính sách an sinh xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo bằng các chương trình dự án như: chương trình 134, 135, 167, 74... nhằm hỗ trợ nhà ở, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn, hỗ trợ tư liệu sản xuất, các nguồn vốn để phát triển các ngành nghề, nâng cao mức sống, góp phần xóa đói giảm nghèo nhằm phát triển con người với những giá trị mang tính xã hội nhân văn sâu sắc nhưng hầu hết những CNLĐ đang không có việc làm, theo khảo sát lại không thuộc đối tượng được hưởng những chính sách này.

Dự báo trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ có 27 doanh nghiệp khai khoáng sẽ tiếp tục đóng cửa do sản phẩm của doanh nghiệp chưa qua chế biến. Như vậy sẽ có thêm hàng nghìn CNLĐ phải chịu cảnh lao đao vì không có việc làm.

Hơn lúc nào hết, CNLĐ đang rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, của các cấp các ngành bằng những chính sách phù hợp để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, để họ được có chung niềm vui của CNVCLĐ sau mỗi dịp tăng lương.

Giải quyết việc làm, đời sống cho CNLĐ là một vấn đề còn nhiều khó khăn và thách thức đòi hỏi sự quan tâm, nỗ lực của các cấp các ngành, các địa phương và sự vận động nội sinh của chính những người lao động. Nghị quyết số 20 của BCH Trung ương khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” đã đi được một chặng đường dài. Chúng ta đã làm được gì cho CNLĐ? 

Hồng Hương

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục