Nước mắt ly hương

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/7/2012 | 2:42:22 PM

YBĐT - Chỉ vì nhẹ dạ cả tin, ông Giàng A Mang ở thôn Tà Chử, xã Phình Hồ (Trạm Tấu) đã cùng vợ con vào Đắc Lắc những mong tìm được miền đất hứa với ý nghĩ không làm cũng có ăn. Nhưng khi đến nơi, sự thật không như mong đợi. Lúc này, ông Mang và gia đình mới hiểu ra rằng không đâu bằng nơi mình đã sinh ra.

Trung tâm xã Phình Hồ hôm nay.
Trung tâm xã Phình Hồ hôm nay.

Một ngày, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình ông. Cơn mưa rào bất chợt không đủ trôi đi mọi bụi bặm thường ngày nhưng cũng đủ làm cho những búp chè Shan Phình Hồ thêm sức sống. Dẫn chúng tôi đi, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) xã Giàng A Lầu vừa đi vừa kể về việc di cư của Giàng A Mang rồi những tâm sự khi gia đình hồi cư về thôn Tà Chử tháng 3 năm 2011.

Vừa đi vừa chuyện trò chừng 10 phút thì đến thôn Tà Chử. Nhà của Giàng A Mang ở cao nhất so với 3 - 4 nóc nhà xung quanh. Một ngôi nhà gỗ 3 gian  khá vững chãi. Chủ tịch MTTQ xã Giàng A Lầu  chỉ  tay vào từng tấm gỗ rồi nói:  Lúc đi, gia đình ông Mang bán hết nhà  cửa, khi trở về không còn chỗ để ở, xã đã vận động bà con cho mượn đất làm nhà, chỉ đạo Đoàn thanh niên giúp đỡ nguyên vật liệu dựng giúp gia đình ông Mang ngôi nhà này. Đồng thời xét cho gia đình ông được hưởng  hỗ trợ làm nhà ở theo Chương trình 167. Cùng với đó, chính quyền địa phương đã giúp gia đình ông 3 triệu đồng để ổn định cuộc sống.

Trong ngôi nhà chẳng có vật dụng gì đáng kể, ông Mang kể lại quá trình ly hương: Truớc khi di cư, gia đình tôi cũng thuộc diện khá giả, trong nhà lúc nào cũng có vài con trâu, bò; lúa ngô đủ cho gia đình ăn quanh năm. Khi được hỏi vì sao di cư, ông  Mang bảo: Một lần tình cờ có vài người  ở trong Đắc Lắc đến thăm gia đình. Họ nói với tôi  ở Đắc Lắc  tha hồ vào rừng săn bắn, chặt cây, đất lại rất tốt chỉ cần trồng cấy một vụ là ăn đủ quanh năm. Nơi đó có những quả bí to một người ôm không hết, lợn, gà nuôi không phải chăm sóc cứ thả vào rừng... rồi nhiều điều tốt đẹp nữa. Họ vừa nói vừa rủ rê tôi. Tính nông nổi cộng với thiếu hiểu biết, tôi đã cùng gia đình bí mật di cư mà không cho địa phương biết. 

Nói rồi ông Mang ngập ngừng, nét mặt chùng xuống: Nhưng vào đến nơi sự thật không hề như mong đợi. Mọi thứ đều xa lạ. Nơi tôi ở là rừng xanh núi đỏ,  xa đường giao thông, đi lại hàng ngày chỉ bằng con đường mòn gồ ghề, lại không có  điện lúc nào cũng âm u. Gia đình tôi tất cả 11 người, không một mảnh ruộng trồng lúa, thậm chí nhiều  thứ còn khó khăn hơn ở Phình Hồ.

Gần một năm trời, gia đình vất vả kiếm kế sinh nhai, hàng ngày vợ chồng đi làm thuê khi thì họ trả cho cân gạo, khi củ sắn, củ khoai,  ai thuê gì  làm nấy mà vẫn đứt bữa. Vì  quá túng thiếu,  chúng tôi đã tiêu hết tất cả số tiền bán trâu, bò, nhà cửa bao năm dành dụm ở Phình Hồ.

Hết tiền, cả nhà hơn 10 miệng ăn chẳng biết trông vào đâu. Khổ nhất là mấy  đứa con  không được đến trường vì không nhập được khẩu  do di cư bất hợp pháp. Lúc đó ký ức về những ngày ở Phình Hồ hiện về,  nơi mà cả nhà chúng tôi vào những dịp tết Mông hàng năm quây quần bên rổ bánh dày thơm phức, được ăn miếng thịt gà to thơm ngon do chính mình nuôi và lũ trẻ nhà tôi ê a học chữ, rồi những tiếng sáo, tiếng khèn ngày xuân của người Mông cứ  hiện lên thôi thúc tôi phải làm một việc gì đó để lấy lại những gì đã mất. Cuối cùng, vào một ngày tháng 3 năm 2011, tôi quyết định hồi hương với 2 bàn tay trắng.

Đường lên Phình Hồ đã được bê tông hóa.

Theo nhận định của lãnh đạo xã Phình Hồ, gia đình ông Giàng A Mang không phải duy nhất  mà nơi đây cũng đã có vài trường hợp tùy ý di cư  để tìm miền đất hứa. Nhưng sự thật là chưa có gia đình nào đến nơi ở mới mà điều kiện sống lại được cải thiện hơn ở Phình Hồ,  hầu hết đều rơi vào cảnh  bần cùng không một tấc đất, không chỗ ở, không việc làm, con cái không được đến trường...

Chủ tịch UB MTTQ xã Giàng A Lầu cho biết: Với quan điểm "Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại", khi ông Mang và gia đình trở về địa phương, cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể ở địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để gia đình ông phát triển kinh tế,  ổn định cuộc sống đồng thời tích cực tuyên truyền để người  dân trong xã nói chung và gia đình ông Mang nói riêng về hậu quả của việc di cư tự do. 

Ông Lầu cho biết thêm: Chúng tôi thường tập trung tuyên truyền vào những hộ đang có ý định di cư tự do  và lấy gia đình ông Mang làm ví dụ để phân tích, vận động đồng bào đồng thời vận động chính ông Mang làm tuyên truyền viên tích cực vận động bà con nên hiện nay, đồng bào Mông trong xã kể cả đồng bào có đạo đều chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, yên tâm làm ăn sinh sống. Riêng gia đình ông  Mang từ ngày trở về địa phương đã chí thú làm ăn và đã cho tất cả các con đến trường học chữ. Như một lời  nguyền, ông Mang hứa sẽ không bao giờ di cư tự do nữa.

Chúng tôi trở về huyện trên tuyến đường Phình Hồ được bê tông hoá uốn mình như một dải lụa mềm nối non cao với thị xã miền Tây,  hai bên đường những đồi chè Shan bật tung sức sống những chồi non mỡ màng. Từ xa đã thấy vợ chồng Giàng A Mang đang tay cuốc tay dao lên nương trồng ngô.

Hình ảnh những giọt nước mắt muộn màng của ông Mang  nhớ lại chuỗi ngày gian truân nơi xứ lạ đã giúp tôi hiểu được rằng, nếu sự thật ở một nơi xa xôi nào đó có Thiên đàng thì nơi đó chắc phải toàn những con người yêu quê hương, đất nước, cần cù chịu khó, biết nghe lời nói phải.   

Thu Hằng 

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục