Ở nơi tiếng Việt "trèo" non
- Cập nhật: Thứ tư, 4/7/2012 | 9:08:11 AM
YBĐT - Giữa điệp trùng núi đồi vùng cao Mù Cang Chải, nơi mây và gió trời vần vũ ngay trên những nóc nhà gỗ đã xỉn đen vì khói bếp của người Mông, nơi cái lạnh và cái đói thường trực hàng ngày như trêu ngươi cả những người gan lì nhất..., ấy là Mồ Dề.
Thầy và trò lớp 3 ở trường ghép Mí Háng trong giờ học.
|
Đây là nơi có Trường Mầm non Mồ Dề, có điểm trường ghép Mí Háng, có những học sinh người Mông đội gió đến trường, có những thầy cô giáo người Kinh vượt bùn lên lớp. Và chúng tôi, những người cả đời chắc sẽ chỉ dám đến được một lần vì hiếu kỳ: Nơi ấy sự học thế nào?...
Nhớ lại thời gian đầu khi mới lên cắm bản, có lần cô giáo cho các em nghỉ giữa giờ nhưng nói mãi học sinh vẫn không hiểu. Đến khi ra hiệu lại thấy các em cắp cặp ra về. Cũng may, cô giáo kịp nhận ra, chạy đến lớp tiểu học kế bên nhờ một học sinh làm "phiên dịch" ra tiếng dân tộc để các cháu ở lại.
Chuyện tiếng Việt trên non
"Cờ ai cai sắc cái! Bờ an ban huyền bàn! - Cái bàn!", tiếng các cháu học sinh của điểm trường ghép bản Mí Háng đang tập đánh vần vang lên giữa núi rừng bạt ngàn mây gió. Các cháu đánh vần vẫn còn ngọng nghịu lắm nhưng nghe thật ấm lòng. Ở nơi heo hút lưng chừng núi khi tiếng Việt là một ngoại ngữ được "khơi thông" sẽ mang đến những tín hiệu vui cho chất lượng giáo dục vùng cao.
Mí Háng, cái tên mỗi khi được nhắc đến lại như đánh thức nỗi lòng mỗi người dân Mù Cang Chải. Bản người Mông của xã Mồ Dề heo hút "lưng trời" yên ắng và thưa người qua lại. Từ nơi trung tâm chính của trường, cô giáo Nguyễn Thị Hải Lý - Phó hiệu trưởng Trường mầm non Mồ Dề gò lưng đạp nổ chiếc xe máy "già nua" đưa chúng tôi vào điểm bản. Chiếc xe máy chốc chốc lại gằn từng tiếng vượt qua mấy con đèo chênh vênh giữa vách núi và vực thẳm. Xe đi được nửa đường phải dừng lại vì bùn lầy và dốc trơn nên chúng tôi phải men theo đường mòn vượt núi để vào Mí Háng.
Từ đỉnh núi, tít qua thung lũng nơi lưng chừng đồi bên kia, điểm trường ghép Mí Háng hiện rõ với lá quốc kỳ bay phấp phới. Bản có gần 30 hộ người Mông sống rải rác trên bốn, năm ngọn núi. Điểm trường ở đây chỉ có vài lớp học. Gọi là lớp cho oai chứ thật ra là nhà tạm bốn bề ghép gỗ mái lợp phi-bờ-rô-xi-măng trống huếch, gió thổi hun hút. Gần trưa mà mây mù bảng lảng, bay vào lớp học như cuốn lấy mấy em học sinh đang cặm cụi đánh vần.
Để đến được với lớp, các em nhỏ người Mông ở đây phải trải qua một hành trình dài hết sức gian truân. Mỗi ngày xách cặp lồng cơm qua 4-5km từ đỉnh núi xuống rồi lại leo dốc vượt núi về nhà. Với các thầy cô giáo cũng vậy, việc leo dốc núi gần chục cây số mỗi ngày để vận động các em đi học, việc bỏ xe giữa đường để cuốc bộ đến điểm trường “là chuyện cơm bữa”. Vì ở núi cao nên người dân cũng như học sinh chủ yếu sử dụng tiếng mẹ đẻ. Để các em biết được tiếng Việt thôi đã là cả một hành trình công phu lắm. Vậy mà chỉ cần nghỉ một vài buổi, học sinh mà ngại đến lớp là con chữ lại dễ dàng bị "đánh rơi" ngay lập tức.
Tranh thủ thời gian nghỉ giữa giờ, chúng tôi tới làm quen với các học sinh người Mông của trường. Thấy người lạ, cháu nói được tên, có cháu mạnh dạn trả lời được một vài câu, nhiều cháu tròn xoe mắt nhìn chúng tôi ngơ ngác. Ngỡ các cháu không dám nói nhưng cô giáo Giàng Thị Mú phân trần: "Các cháu mới đến lớp cho nên chưa biết tiếng Việt đấy thôi.
Cái khó của giáo viên vùng cao là bất đồng ngôn ngữ với các em người dân tộc thiểu số. Anh thấy đấy, chỉ biết tiếng mẹ đẻ cho nên ngay những buổi học đầu đời, các cháu đã phải học môn tiếng Việt như là học ngoại ngữ rồi". Điểm trường ghép Mí Háng có đến 23 cháu người dân tộc Mông từ 4-5 tuổi. Bậc học mầm non ở đây làm quen với việc nói tiếng Việt còn rất ít và khó nên việc dạy viết cho các cháu lại càng khó bội phần.
Nhớ lại thời gian đầu khi mới lên cắm bản, có lần cô giáo cho các em nghỉ giữa giờ nhưng nói mãi học sinh vẫn không hiểu. Đến khi ra hiệu lại thấy các em cắp cặp ra về. Cũng may, cô giáo kịp nhận ra, chạy đến lớp tiểu học kế bên nhờ một học sinh làm "phiên dịch" ra tiếng dân tộc để các cháu ở lại. Cô giáo Lý cho biết thêm: "Nhà trường cũng đã tìm nhiều giải pháp nhưng đến nay các em đọc thông, viết thạo tiếng Việt chiếm tỉ lệ rất ít vì vậy, việc theo học của các em hết sức khó khăn. Tuy không có học sinh bỏ học, nhưng nguy cơ thì lúc nào cũng hiện hữu".
Giờ thể dục của các em học sinh lớp mầm non, điểm trường Mí Háng.
Để tiếng Việt trở thành nền tảng
Những trăn trở của các thầy giáo, cô giáo vùng cao cũng là điều dễ hiểu, bởi phần lớn học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa vào lớp một nếu chưa được qua lớp mẫu giáo năm tuổi đều không nói được tiếng Việt. Còn số lượng đã qua lớp mẫu giáo thì nói được tiếng Việt cũng rất hạn chế. Kết quả học tập của các học sinh này rất thấp.
Cái khó để tiếng Việt đến với các em còn do chương trình tiếng Việt được thiết kế chung cho cả nước, thực hiện theo chuẩn quốc gia. Sách giáo khoa chủ yếu biên soạn cho học sinh học tiếng Việt các em đã biết nghe và nói tiếng Việt trước khi đến trường. Do đó, một số nội dung, yêu cầu trong sách giáo khoa chưa thật gần gũi và phù hợp với khả năng và thực tế cuộc sống của học sinh người dân tộc thiểu số vùng cao.
Không những vậy, phần lớn các em học sinh dân tộc thiểu số vùng cao chủ yếu sử dụng tiếng Việt khi đến trường lớp, còn ở nhà lại nói tiếng mẹ đẻ. Thậm chí, cha mẹ các em cũng không biết hoặc biết nhưng rất hạn chế cho nên không hỗ trợ được việc học tiếng Việt cho các em.
Vì vậy không ít học sinh học hết lớp một nhưng vẫn chưa biết đọc, biết viết tiếng Việt. Việc tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số trước tuổi đến trường và học sinh tiểu học đóng vai trò trọng tâm, then chốt cho chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số vùng cao.
Khó khăn về ngôn ngữ là một trong những nguyên nhân chính làm cho nhiều trẻ em dân tộc thiểu số đi học muộn so với độ tuổi quy định vào tiểu học và cũng là nguyên nhân khiến cho chất lượng dạy lớp một của học sinh dân tộc thiểu số thấp hơn hẳn so với mặt bằng giáo dục chung.
Nói về bí quyết khắc phục khó khăn, thầy giáo Hoàng Văn Đồng - Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Mù Cang Chải cho biết: "Học sinh ở các trường, điểm trường vùng cao nơi đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông, chưa nói được tiếng Việt.
Trong khi đó, tiếng dân tộc Mông cô giáo lại không biết. Vậy là ngoài giờ lên lớp, thầy cô giáo lại đến từng nhà trong thôn bản vừa vận động học sinh ra lớp vừa tranh thủ học tiếng Mông. Một số cô giáo là người địa phương tiến bộ, học tập xong trở về quê hương giảng dạy như cô giáo Mú là rất đáng quý”.
Phải chăng, kinh nghiệm của thầy Đồng cũng chính là "lối mở" cho nhiều thầy giáo, cô giáo đang trực tiếp dạy tiếng Việt ở vùng cao?...
Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải - Ngô Thanh Giang khẳng định với chúng tôi: "Từ thực tiễn một huyện miền núi cao như Mù Cang Chải, ngành giáo dục cần có chương trình bồi dưỡng cho giáo viên vùng cao biết tiếng dân tộc thiểu số nơi giảng dạy. Điều đó giúp cho giáo viên thuận lợi trong công tác giảng dạy, giao tiếp với học sinh. Mặt khác, việc biết tiếng địa phương còn giúp cho giáo viên hiểu được "cái bụng" của học sinh và của bà con dân bản".
Cô trò lớp mầm non điểm trường Mí Háng trong giờ học.
Lời kết
Đã từ rất lâu rồi, người ta vẫn thường nhắc nhau, sự học ở vùng cao tuy đã có những bước tiến bộ đáng kể nhưng so với mặt bằng chung thì vẫn luôn thuộc tốp "đèn đỏ".
Và rồi trăn trở: Giải pháp nào thật sự hữu hiệu để nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao khi mà những khó khăn "cố hữu" vẫn hàng ngày đeo đẳng, thì đây, chúng ta đã có một trong những câu trả lời xác đáng nhất:
Tiếng Việt là nền tảng vững chắc nhất cho sự vươn lên của chất lượng giáo dục vùng cao... Các thầy cô giáo trước hết phải được đào tạo, được tập huấn để trở thành những "phiên dịch viên" giỏi rồi mới nói đến chuyện dạy chữ, phổ biến tri thức cho các em học sinh.
Như vậy mới tạo cơ hội cho các em học sinh dân tộc thiểu số vùng cao tiếp nhận đầy đủ, tốt hơn các kiến thức được học ngay từ bậc học đầu tiên, giúp các em nhanh chóng hòa nhập, nâng cao kiến thức, xóa dần sự chênh lệch về trình độ giữa học sinh dân tộc thiểu số vùng cao với học sinh các huyện vùng thấp.
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Chỉ vì nhẹ dạ cả tin, ông Giàng A Mang ở thôn Tà Chử, xã Phình Hồ (Trạm Tấu) đã cùng vợ con vào Đắc Lắc những mong tìm được miền đất hứa với ý nghĩ không làm cũng có ăn. Nhưng khi đến nơi, sự thật không như mong đợi. Lúc này, ông Mang và gia đình mới hiểu ra rằng không đâu bằng nơi mình đã sinh ra.
YBĐT - Trong thời điểm này, chỉ số giá tiêu dùng khá ổn định, vì vậy cán bộ công chức đã có thể yên tâm sống được bằng lương.
YBĐT - Việc rừng tự nhiên, phòng hộ ở Tân Nguyên đang dần bị triệt hạ, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân. Nguyên nhân, nhiều trường hợp vi phạm chưa được xử lý triệt để, dẫn đến người dân đua nhau vi phạm.
YBĐT - Lẫn vào màu xanh của cây rừng tự nhiên lộ ra nhiều mảng màu sẫm đỏ của đất trống bởi cây cối đã bị chặt phá. Từ chân đèo tới lưng chừng núi xuất hiện nhiều cây lâm nghiệp, cây sắn, cây ngô… trồng theo từng khoảnh, từng khoảnh từ vài trăm đến cả ngàn mét vuông, khó có thể đếm hết.