Giải pháp nào khắc phục thiếu đất sản xuất ở Nghĩa Lộ?

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/7/2012 | 2:57:29 PM

YBĐT - Nghĩa Lộ nằm trong vựa lúa lớn thứ 2 của vùng Tây Bắc, năng suất lúa bình quân đạt 12 tấn/ha cao nhất nhì tỉnh. Song, năm nào thị xã cũng có trên 800 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu phải cấp gạo cứu đói giáp hạt.

Ngoài 70 tuổi, bà Lò Thị Xe vẫn phải lên rừng kiếm củi về bán.
Ngoài 70 tuổi, bà Lò Thị Xe vẫn phải lên rừng kiếm củi về bán.

Với người nông dân, tấc đất là tấc vàng, bởi vậy việc thực hiện Nghị Định 64/1993/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/9/1993 ban hành Bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà hiện nay trên thực tế vẫn còn những hộ nông dân ở thị xã Nghĩa Lộ nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung không có ruộng hoặc có quá ít ruộng để sản xuất khiến cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn.

Mỗi nhà một cảnh...

Trong ngôi nhà tranh vách đất ở bản Bay - xã Nghĩa Phúc (thị xã Nghĩa Lộ), đứa con trai tật nguyền và đứa cháu nhỏ đang ngóng người mẹ, người bà là bà Hoàng Thị Tong đã ngoài 60 tuổi lên rừng kiếm củi về bán lấy tiền đong gạo ăn qua ngày. Khi đất nông nghiệp không có, cuộc sống lại càng trở nên khốn khó hơn bao giờ hết đối với gia đình bà Tong. Bà nghẹn ngào nói: “Ngày trước, được chia ruộng nhưng không nộp đủ sản phẩm cho hợp tác xã nên đã bị thu hồi. Từ đó đến nay nhà không được cấp ruộng để sản xuất nữa. Bây giờ già rồi không đi rừng được mong muốn các lãnh đạo quan tâm xem xét cấp ruộng sản xuất để gia đình bớt khó khăn”.

Gia đình bà Tong bên mâm cơm đạm bạc.

Cuối bản Bay, trong căn lều xiêu vẹo giống với cái tuổi xế chiều ngoài 70, Bà Lò Thị Xe cũng không có ruộng để sản xuất nhưng lý do không như gia đình bà Tong mà do bà ở bản khác đi bước nữa, lấy chồng ở Bản Bay. Thời điểm chia ruộng, bà Xe không có khẩu ở bản, chồng bà cũng không có ruộng nên bây giờ ông ấy mất đi bà cũng chẳng có ruộng để sản xuất nên mỗi ngày bà phải đi hàng chục cây số lên rừng kiếm củi để bán với giá mỗi gánh củi 25.000 đồng. Bà Xe mong muốn: “Được Nhà nước, cán bộ quan tâm cấp ruộng để bà tự sản xuất, nếu không có sức thì bà cho con cháu làm hộ để có gạo sống tuổi già. Sức yếu rồi đi rừng kiếm củi cực lắm”.

Còn một số hộ nông dân khác không có ruộng hoặc có ít ruộng vì sinh sau thời điểm chia đất theo Nghị định 64, năm 1993 như gia đình bà Lò Thị Xương có 7 nhân khẩu, trong đó có 3 nhân khẩu sinh trước thời điểm 1993 nhưng vì ngày trước nhà nghèo làm ruộng không đủ nộp sản nên bị thu hồi, sau này chia ruộng đất lại không nhận nữa vì cho rằng làm nương sẽ cho thu nhập cao hơn. Từ đó đến nay con trai bà xây dựng gia đình có thêm 3 con nhỏ cũng chưa được chia ruộng.

Làm nương rẫy không đủ ăn, gia đình bà phải tự  khai hoang đất trước cửa nhà thành ruộng để sản xuất được khoảng 5 mảnh, mỗi mảnh rộng chưa đầy 100m2. Diện tích ruộng ít, năng suất thấp nên gia đình bà thường xuyên đói ăn. Hay gia đình chị Hà Thị Lánh - bản Phán Thượng, xã Nghĩa Lợi chỉ có 200m2 ruộng, nhà có 4 nhân khẩu trong đó 2 con nhỏ. Mỗi vụ cấy gia đình chỉ được 3-4 bao thóc đủ ăn trong vòng 1 tháng còn những tháng khác đều trông vào tiền đi làm thuê của chồng.

Cái khó bó cái khôn

Vợ chồng bà Sầm Thị Lào và ông Lò Văn Đôi cũng ở Phán Thượng không có ruộng để sản xuất. Hai vợ chồng lấy nhau đã chục năm nay nhưng không có con, mới đây ông Đôi bị tai biến nên mất khả năng lao động. Ngày mùa, bà đi gặt hái, cấy thuê mỗi buổi được 40 - 50.000 đồng, ngày thường thì đi kiếm củi về bán, đi cả ngày cũng chỉ được gánh củi 25 - 30.000 đồng.

Bà Sầm Thị Lào đi cấy thuê.

Còn vợ chồng anh Lường Văn Sượt và chị Hà Thị Lánh muốn làm thêm ngành nghề phụ, song do không được học hành nên anh Sượt đành chọn việc phụ vữa. Chị Lánh thì nuôi con nhỏ cũng chẳng có tiền đầu tư vào chăn nuôi nên cuộc sống đói nghèo, con cái nheo nhóc.

Xã Nghĩa Lợi có 6 hộ nông dân không có ruộng sản xuất, bản Bay xã Nghĩa Phúc thì có tới 16 hộ, trong đó có 5 hộ không có một mét vuông ruộng nào, có 5 hộ thì xã, thôn, bản đã chia cho một số mảnh ruộng chằm để sản xuất, còn lại các hộ tự khai hoang được một số diện tích nhỏ.

Một số hộ ít ruộng sản xuất do nhân khẩu tăng vì sinh sau thời điểm 1993 thì xã, phường nào trên địa bàn thị xã cũng có nhưng hầu hết đều ở hoàn cảnh nhà không, chuồng trống. Họ biết làm gì khi trình độ dân trí, văn hóa thấp, việc tiếp cận với các ngành nghề phụ thì chậm. Vì vậy trong số các hộ này có tới 80% là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mặc dù chính quyền địa phương cũng đã tổ chức rà soát và tìm giải pháp giúp đỡ, song đây thực sự là một bài toán khó.

 Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc cho biết: “Trước thực trạng này, xã Nghĩa Phúc đã rà soát, song bản Bay có 98 hộ với trên 400 nhân khẩu, ruộng ít chỉ có gần 10 ha, mỗi nhân khẩu đã được chia là 300m2 nên việc bố trí ruộng cho các hộ này sản xuất là chưa có, xã cũng đã cấp một số diện tích ruộng chằm để các hộ sản xuất song năng suất rất thấp. Hiện nay chỉ còn giải pháp động viên các hộ phát triển ngành nghề phụ nhưng hiệu quả chưa cao”.

Cần sớm giải quyết đất sản xuất cho dân

Thị xã Nghĩa Lộ có trên 50% số hộ là sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất lúa nước. Trong khi đó diện tích sản xuất lúa nước là trên 700 ha, tính bình quân chỉ đạt 3.000m2/hộ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, số nhân khẩu tính từ thời điểm năm 1993 đến nay đã tăng cao. Bởi vậy phần đa các hộ trên địa bàn thiếu ruộng. Trước đây, thị xã cũng đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình 134 về việc hỗ trợ khai hoang ruộng, vận động hỗ trợ việc chuyển nhượng lại ruộng cho các hộ thiếu ruộng sản xuất nhưng kết quả không cao.

Theo ông Chu Quốc Tuấn - Phó chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ: “Việc triển khai này gặp nhiều khó khăn do diện tích có thể khai hoang được đã cạn kiệt. Số hộ có nhiều ruộng để vận động nhường lại cho các hộ khác không có nhiều. Hiện nay, thị xã đang tích cực giải quyết bằng các giải pháp như tiếp tục vận động các hộ gia đình chia ruộng cho con cái để các gia đình mới tách hộ có ruộng sản xuất, tiếp tục chỉ đạo ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng giá trị thu nhập trên một ha canh tác, khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là giải pháp tạm thời”.

Nghĩa Lộ nằm trong vựa lúa lớn thứ 2 của vùng Tây Bắc, năng suất lúa bình quân đạt 12 tấn/ha cao nhất nhì tỉnh. Song, năm nào thị xã cũng có trên 800 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu phải cấp gạo cứu đói giáp hạt. Số hộ nghèo chiếm 25,91% tổng số hộ trên địa bàn thị xã. Đây thực sự là điều trăn trở không riêng của các cấp ủy, chính quyền địa phương.

Để xóa đói giảm nghèo bền vững - Nghĩa Lộ mong muốn sớm được phê duyệt đề án mở rộng không gian đô thị thị xã, tạo điều kiện để thị xã phát triển, trong đó có việc mở rộng diện tích đất nông nghiệp để người nông dân có thêm tư liệu sản xuất. Bởi từ khi thực hiện Nghị định 64/1993/NĐ-CP của Chính phủ đến năm 2013 là tròn 20 năm.

Việc nông dân tiếp tục ổn định sản xuất và xây dựng thành công những cánh đồng mẫu lớn trên đồng đất Nghĩa Lộ - Mường Lò nói riêng và cả nước nói chung đang rất cần có chính sách, pháp luật về đất đai đối với đất nông nghiệp của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới. Để làm được điều đó, Nghĩa Lộ cần xây dựng một đề án thiết thực về phát triển ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để thu hút lao động và giải quyết được tận gốc vấn đề việc làm cũng như đất canh tác cho nông dân.

Thu Hằng

Các tin khác
Nỗi buồn mất con cháu vẫn còn trên nét mặt những người thân trong gia đình chị Trần Thị Liên.

YBĐT - Từ đầu hè 2012 đến nay, trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) đã có 6 trường hợp trẻ nhỏ và học sinh tiểu học bị đuối nước. Chỉ riêng trong tháng 6/2012 đã có 5 trường hợp.

Hiện trường vụ sập mỏ đá tại xã Mông Sơn (Yên Bình) làm hai công nhân tử vong ngày 20/5/2012.

YBĐT - Tần suất tai nạn lao động (TNLĐ) nặng và chết người ngày một tăng. Năm 2010 xảy ra 14 TNLĐ nặng, làm 2 người tử vong. Năm 2011 xảy ra 22 vụ TNLĐ nặng làm chết 3 người. 5 tháng đầu năm 2012 xảy ra 2 vụ TNLĐ làm chết 3 người.

Thầy và trò lớp 3 ở trường ghép Mí Háng trong giờ học.

YBĐT - Giữa điệp trùng núi đồi vùng cao Mù Cang Chải, nơi mây và gió trời vần vũ ngay trên những nóc nhà gỗ đã xỉn đen vì khói bếp của người Mông, nơi cái lạnh và cái đói thường trực hàng ngày như trêu ngươi cả những người gan lì nhất..., ấy là Mồ Dề.

Trung tâm xã Phình Hồ hôm nay.

YBĐT - Chỉ vì nhẹ dạ cả tin, ông Giàng A Mang ở thôn Tà Chử, xã Phình Hồ (Trạm Tấu) đã cùng vợ con vào Đắc Lắc những mong tìm được miền đất hứa với ý nghĩ không làm cũng có ăn. Nhưng khi đến nơi, sự thật không như mong đợi. Lúc này, ông Mang và gia đình mới hiểu ra rằng không đâu bằng nơi mình đã sinh ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục