Trấn Yên: Cần tạo điều kiện di chuyển gia đình thương binh vào khu tái định cư

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/7/2012 | 9:24:16 AM

YBĐT - Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai là con đường huyết mạch quan trọng tạo điều kiện phát triển giao thông vận tải trong khu vực, thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương. Tuy nhiên, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, một số qui định chưa phù hợp thực tế cần được các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa.

Một phần ruộng còn lại của gia đình ông Toan không thể sản xuất lúa do ảnh hưởng của việc thi công đường cao tốc.
Một phần ruộng còn lại của gia đình ông Toan không thể sản xuất lúa do ảnh hưởng của việc thi công đường cao tốc.

Chỉ còn 35% sức khỏe, thương binh hạng 2/4 Lương Viết Toan vẫn ngày đêm lo lắng khi ngôi nhà của gia đình ông đang đứng trước nguy cơ “Đầu đội sơn, chân đạp... vực”. Sơ sơ cũng tới gần chục lần ông kiến nghị lên huyện, lên tỉnh nhưng mối lo của ông và gia đình thì vẫn tồn tại suốt nhiều năm qua...

Vượt qua con đường bụi đất đang san lấp dở dang, ngược con dốc cao ngất mới được gạt tạm, chúng tôi tới thăm ngôi nhà xây kiểu cũ nằm chênh vênh giữa lưng chừng đồi của ông Lương Viết Toan, thương binh hạng 2/4 ở thôn Chiến Khu, xã Bảo Hưng (Trấn Yên). Thấy khách tới, ông Toan ra cửa phấn khởi bắt tay mời vào nhà.

Mặc dù rất chân thành và cởi mở khi trò chuyện nhưng tôi cảm nhận được trong lời nói của ông ẩn chứa sự âu lo và phiền muộn. Ông Toan kể: Năm 2008, thực hiện chủ trương của Nhà nước mở đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, xã Bảo Hưng có 2,4 km đường cao tốc đi qua địa bàn. Qua khảo sát, toàn xã có 123 hộ bị ảnh hưởng phải thu hồi một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở, ruộng, đồi...

Gia đình ông Toan bị thu hồi 4000 m2 đất ruộng lúa, chè và 132 m2 đất thổ cư (gồm diện tích sân phía trước ngôi nhà). Về đất ở, ông Toan chỉ còn hơn 70m2, bao gồm toàn bộ diện tích ngôi nhà xây, bếp với gần 1.000m2 đất gò trồng cây lâm nghiệp và ít ruộng. Nhưng, điều khiến ông Toan lo lắng là ngay từ những ngày đầu triển khai kiểm đếm, đền bù giải tỏa đất Nhà nước thu hồi diện tích đất sát tận hè ngôi nhà của gia đình.

“Cuối năm 2011, khi thấy nhà thầu triển khai san gạt thi công đường cao tốc trên địa bàn thì tôi và các cháu thấy rất lo. Hôm giáp Tết Nhâm Thìn, đơn vị thi công định cho máy đào phần diện tích trước nhà nhưng thấy không bảo đảm cho ngôi nhà của tôi, vả lại, tết nhất đến nơi rồi gia đình sẽ gặp trở ngại khi vào ra ngôi nhà nên cũng chưa cho múc đất đi” - ông Toan phân trần.

Quả thật điều âu lo của ông Toan là có cơ sở. Đứng trên hè nhà ông Toan nhìn xuống, mặt đường cao tốc đang được làm thấp hơn so với nền nhà khoảng 5 - 6m. Nếu diện tích ngay trước hè nhà bị đào xuống thì việc đi lại, sinh hoạt của gia đình người thương binh này sẽ vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Ngôi nhà có nguy cơ bị lún sụt bất cứ lúc nào khi đơn vị thi công tiến hành đào sát vào tận hè nhà.

Ông Toan ngậm ngùi: “Tôi đã nhiều lần đề nghị lên Ban giải phóng mặt bằng của huyện, của tỉnh nhưng vẫn chưa có cấp nào trả lời rõ ràng sự việc này. Mỗi ngày sự việc chưa được giải quyết là mỗi ngày đầy thêm nỗi lo cho cả nhà! Hồi tháng 2 đầu năm, đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cũng đã trực tiếp đến tận gia đình xem xét để giải quyết nhưng đã nhiều tháng trôi qua gia đình vẫn sống trong đợi chờ và lo lắng”.

Điều ông Toan mong mỏi nhất hiện nay là được chính quyền quan tâm tạo điều kiện để gia đình được giao đất hiện có và được ở trong khu tái định cư. Thế nhưng, theo phổ biến trước đó, chỉ có hộ nào bị thu hồi nhà ở mới được hỗ trợ mua đất tại khu tái định cư. Còn như trường hợp của ông, Nhà nước thu hồi đất nhưng “không ảnh hưởng trực tiếp đến công trình nhà ở thì không được vào khu tái định cư”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trang - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho rằng: “Sau một thời gian dài, công tác đo đạc, kiểm đếm, đền bù giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn tất để nhà thầu tiến hành thi công đường. Chúng tôi cùng với đoàn thể trong xã đã tuyên truyền, vận động những hộ dân và các hội viên thuộc diện phải thu hồi diện tích đất chấp hành chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện còn 3 hộ, trong đó có 2 hộ chính sách chưa bàn giao hết diện tích cần thu hồi vì một số nguyên nhân...”. 2 trường hợp nữa xin được di chuyển vào khu tái định cư là hộ gia đình ông Vũ Viết Hiếu ở sát nhà ông Toan và bà Lê Thị Tuyết, gia đình liệt sỹ ở thôn Bảo Lâm.

Ông Vũ Viết Hiếu cho rằng, gia đình ông bị thu hồi đất sát vào nhà nhưng không được cấp đất tái định cư, hơn nữa diện tích đường vào nhà của gia đình chưa được đền bù, hiện ông đã rào lại không cho thi công...

Thương binh Lương Viết Toan (trái) lo lắng khi diện tích phía trước nhà bị thu hồi và hạ thấp mặt bằng đường.

Ông Lê Ngọc Quỳnh - Phó chủ tịch UBND xã Bảo Hưng công nhận: “Ngay từ khi triển khai việc đền bù giải phóng mặt bằng vào năm 2008 để xây dựng đường cao tốc, gia đình ông Toan đã đề nghị xin được vào khu tái định cư. Sau đó, 2 hộ bà Tuyết và ông Hiếu cũng đề nghị xin mua đất tái định cư.

Trước vấn đề này, UBND xã đã đề nghị Ban giải phóng mặt bằng huyện và tỉnh giải quyết. Các cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát lập phương án cho 3 hộ vào khu tái định cư. Xã đã trực tiếp tham gia cùng Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải khảo sát giá và xác định giá đất năm 2012 là 200.000 đồng/m2 theo khung giá qui định chung để áp giá cấp cho 3 hộ”. 

Chính quyền xã thì cho biết như vậy nhưng ông Toan lại cho rằng gia đình hiện vẫn chưa nhận được văn bản hay quyết định chính thức nào về việc được mua đất trong khu tái định cư. Còn việc áp giá đất đối với 3 hộ, ông cũng chưa được phổ biến rõ, nếu áp theo qui định năm 2012 là không công bằng bởi các hộ cũng thuộc diện đền bù giải tỏa được mua đất tái định cư trước đây chỉ với giá 50.000 đồng/m2, trong khi ông và 2 hộ sau này cũng thu hồi đất cùng thời gian đó lại phải chịu mua với mức giá cao hơn gấp nhiều lần, như vậy là không hợp lý.

Đưa ra một vài con số, chúng tôi thấy ông Toan thực sự gặp khó để có ngôi nhà bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Gia đình được đền bù tất thảy 80 triệu đồng, bây giờ được mua 300m2 đất tái định cư mất 60 triệu đồng. Còn 20 triệu đồng, ông Toan chắc không thể làm nổi dù chỉ là một căn nhà lá! Trong khi ngôi nhà ông đang sống hiện đang bị thiên tai đe dọa bất cứ lúc nào.

Phần diện tích đất chưa được đền bù đã được ông Vũ Viết Hiếu rào lại không cho đơn vị thi công san gạt.

Lý giải vấn đề áp giá đất tái định cư với 3 hộ, Phó chủ tịch UBND xã Lê Ngọc Quỳnh cho rằng, 3 hộ này không bị thu hồi vào diện tích nhà ở, không bị ảnh hưởng trực tiếp nên không được áp mức giá như các hộ bị thu hồi toàn bộ đất ở, hoặc bị ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở. Hơn nữa, xã đã đề nghị với nhà thầu chính là Công ty Keangnam và nhà thầu phụ Licogi khi thi công tuyến đường gom sẽ nghiên cứu tạo điều kiện tốt nhất để 3 hộ này có đường đi thuận tiện. Điều đó có được nhà thầu thực hiện như đã hứa hay không chỉ khi con đường hoàn thành mới dám chắc. Còn hiện tại là thời gian dài con đường đang thi công thì các hộ như hộ gia đình ông Toan liệu có thể yên tâm mà lập nghiệp?

Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai là con đường huyết mạch quan trọng tạo điều kiện phát triển giao thông vận tải trong khu vực, thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương. Tuy nhiên, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, một số qui định chưa phù hợp thực tế cần được các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa.

Việc công trình đang thi công cũng phần nào ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của nhân dân trong khu vực. Do đó, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu tạo điều kiện bảo đảm tiến độ thi công, đồng thời hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng về môi trường, sản xuất nông- lâm nghiệp của người dân trong khu vực. Các cấp chính quyền cần quan tâm giải quyết những vướng mắc nảy sinh của các hộ dân.

Đặc biệt, đối với  trường hợp ông Toan là thương binh nặng, mất 65% sức khỏe thì hơn lúc nào hết phải được quan tâm kịp thời, giải quyết sự việc hợp tình, hợp lý. Điều đó, thể hiện được đúng quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với những người đã đóng góp hy sinh một phần xương máu cho Tổ quốc hôm nay.

Huy Văn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục