Màu xanh giữa đại ngàn Nà Hẩu

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/7/2012 | 9:29:32 AM

YBĐT - Tất cả như vẫn vẹn nguyên hình ảnh những buổi hành quân xuyên núi, những bông hoa chuối rừng đỏ rực ráng chiều... Và vẫn còn đó hình ảnh những gương mặt trí thức trẻ tình nguyện nhễ nhại mồ hôi sáng bừng trong nắng, những tiếng nói cười rộn rã quên hết mệt nhọc trên công trường tình nguyện giờ lao động...

Thanh niên tình nguyện và đoàn viên xã Nà Hẩu hăng say sửa đường tại thôn Khe Tát.
Thanh niên tình nguyện và đoàn viên xã Nà Hẩu hăng say sửa đường tại thôn Khe Tát.

Háo hức, rộn ràng và đầy hứng khởi bước vào cuộc hành trình tình nguyện lên xã vùng cao Nà Hẩu, huyện Văn Yên, đội thanh niên tình nguyện số 5 chúng tôi tuy mỗi người ở một quê, học một trường, công tác tại một đơn vị và có một hoàn cảnh riêng nhưng đều có chung một niềm tự hào: được là một trong bẩy đội trí thức trẻ đại diện cho thế hệ thanh niên Yên Bái đến với các cơ sở đặc biệt khó khăn của tỉnh nhà để được nghe, được thấy, được biết, được hiểu và được giúp đỡ cuộc sống vốn còn quá nhiều gian truân của đồng bào các dân tộc vùng cao...

Dù biết trước sẽ gặp rất nhiều gian nan, vất vả nhưng có lẽ với chúng tôi - những thanh niên tình nguyện mang trong mình bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ thì cuộc hành trình này mang ý nghĩa to lớn, cao hơn tất cả những công việc thường ngày. Và quan trọng hơn, nó mang theo niềm tin, niềm hy vọng được đóng góp công sức nhỏ bé của mình vì sự tiến bộ đi lên của cơ sở.

Chín đội viên trong đội tình nguyện này tuổi đời phần lớn đều mới trên 20, người học Trường Cao đẳng Sư phạm, người học Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, người học Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật & Du lịch, người học Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật, người công tác tại Báo Yên Bái, người là cán bộ Tỉnh đoàn..., tất cả dường như đều không phải con người của lao động chân tay nhưng từ lúc lên xe khởi hành, mỗi khi nhắc đến việc cầm cuốc, cầm xẻng, cầm dao phát, cầm liềm gặt giúp bà con nhân dân thì ai nấy đều tỏ ra hào hứng với tâm lý sẵn sàng.

Cuộc hành trình tình nguyện bắt đầu gặp thử thách đầu tiên khi chiếc xe ôtô khách chuyên tuyến Yên Bái - Văn Yên đưa chúng tôi vượt qua địa phận xã Đại Sơn để tiến vào con đường độc đạo dẫn lên Nà Hẩu. Do mưa lũ, hàng chục ngàn mét khối đất đá bị sạt từ trên taluy xuống lấp mất toàn bộ mặt đường khiến ôtô cũng phải… "bó tay".

Nhìn đống đất đá khổng lồ cao trên 10m, trải dài gần 100m, tinh thần của cả đội vẫn không hề nao núng. Toàn bộ số hàng hóa mang theo gồm thực phẩm, quà tặng, tài liệu tuyên truyền, tư trang... được vận chuyển xuống xe rồi lập tức được các đội viên vác lên vai "vượt chướng ngại vật".

Đoàn người tiếp tục tiến lên với tinh thần quyết tâm "không ngại khó, không ngại khổ" của thanh niên. May mắn thay, vượt qua đoạn đường sạt, các bạn đoàn viên thanh niên của đoàn xã Nà Hẩu đã đợi chúng tôi bên kia với gần chục chiếc xe máy Win100 - loại xe "chuyên dụng" của vùng cao.

Và vinh dự hơn nữa, đích thân đồng chí Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu - Giàng Chẩn Phử đã dẫn đầu, chỉ đạo anh em đón đoàn. Hàng hóa được chất lên xe, người ngồi sau giữ, chúng tôi hướng vào trung tâm xã thẳng tiến, vượt trên 10km đường lởm chởm đá tai mèo, băng qua bạt ngàn rừng xanh, suối khe cùng với những tay lái xe địa hình đầy bản lĩnh.

Buổi làm việc chớp nhoáng nhưng đầy đủ nội dung của đợt công tác được đội tình nguyện và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức ngay sau khi đội vào đến trụ sở xã. Ngoài những công việc tình nguyện đã được lên kế hoạch từ trước, các đồng chí lãnh đạo địa phương đề nghị đội chú trọng thêm trong công tác tuyên truyền giúp cho cơ sở về tình trạng tảo hôn, sinh con thứ ba và kế hoạch hóa gia đình... vì đây hiện là những vấn đề còn gặp nhiều khó khăn tại cơ sở.

Ngay buổi chiều hôm đó, cả đội bắt tay vào phát cỏ, khơi cống rãnh, làm vệ sinh môi trường quanh khu vực trụ sở UBND xã và các khu vực lân cận.

Do đặc điểm khí hậu mưa nắng thất thường ở Nà Hẩu, các tuyến đường giao thông liên thôn, bản đều xuất hiện những điểm ngập úng, vỡ lở nên trong những ngày sau đó, ban ngày cả đội thanh niên tình nguyện cùng lực lượng lớn đoàn viên thanh niên trong xã đã tiến hành san đất cải tạo mặt đường, đào rãnh khơi thông dòng chảy, vận chuyển cát sỏi từ dưới lòng suối lên trám vào những điểm bùn lầy lội trên bề mặt đường.

Xen kẽ là hoạt động tình nguyện của cả đội tại các điểm trường lẻ của Trường Tiểu học và THCS Nà Hẩu. Từ điểm trường Bản Tát đến điểm trường thôn Ba Khuy, sang điểm trường thôn Khe Tát, qua điểm trường thôn Khe Cạn, vượt núi đến điểm trường thôn Làng Thượng..., đội trí thức trẻ tình nguyện đã tiến hành phát cỏ, làm sạch khuôn viên, đào rãnh thoát nước quanh khu vực phòng học của học sinh và nhà công vụ của giáo viên; cắt tóc, gội đầu, cắt móng chân, móng tay, làm vệ sinh cá nhân cho các cháu học sinh...

Kết quả trong suốt đợt tình nguyện, đã có trên 3km đường liên thôn, bản được cải tạo, nâng cấp; gần 5km cống rãnh được đào mới và khai thông; 5 điểm trường lẻ được dọn dẹp vệ sinh, trả lại khuôn viên sư phạm sạch sẽ; hàng trăm lượt học sinh được chăm sóc, vệ sinh thân thể; hàng trăm người dân được phát tài liệu tuyên truyền hoặc tư vấn pháp luật...

Vào các buổi tối, tất cả đội lại cùng nhau di chuyển đến các thôn, bản để thực hiện phát tài liệu tuyên truyền về sinh đẻ có kế hoạch, tuân thủ Luật An toàn giao thông, tẩy chay nạn tảo hôn, phòng chống các tai tệ nạn xã hội và tổ chức cho các em thiếu nhi sinh hoạt văn hóa văn nghệ trong dịp hè...

Đội viên tình nguyện phát tài liệu tuyên truyền về KHHGĐ cho người dân địa phương.

Đến đâu, đội thanh niên tình nguyện cũng nhận được sự ủng hộ rất hữu ích của các bạn đoàn viên thanh niên và chi đoàn cơ sở. Tiếp sức cho đội là các bạn đoàn viên thanh niên và chi đoàn cơ sở.

Từ việc tổ chức tập hợp thanh niên cùng lao động ban ngày đến việc thông báo, vận động trẻ em, bà con dân bản đến nhà văn hóa thôn dự tuyên truyền, sinh hoạt hè buổi tối; từ việc huy động dụng cụ lao động đến việc dẫn đường vượt suối, băng rừng..., các bạn đều không nề hà, sẵn sàng giúp đỡ rất nhiệt tình.

Anh Giàng A Pao - Phó bí thư Đoàn xã Nà Hẩu tâm sự: "Dân mình còn nghèo lắm và lại chưa được tiếp cận nhiều với kiến thức khoa học trong việc giữ vệ sinh môi trường cũng như trong làm kinh tế. Vì thế sự có mặt của các bạn ở đây là nguồn động viên lớn đối với bà con nhân dân trong xã. Chúng tôi học được ở các bạn rất nhiều, từ cách sắp xếp công việc đến quy trình tổ chức một buổi sinh hoạt Đoàn, sinh hoạt hè cho thiếu nhi...

Từ bây giờ, đều đặn mỗi tuần chúng tôi sẽ chỉ đạo các chi đoàn thôn, bản thực hiện sinh hoạt Đoàn và tổ chức sinh hoạt văn hóa văn nghệ cho các em học sinh vào dịp hè, cũng như chú trọng làm vệ sinh môi trường sống"...

Tổ chức sinh hoạt hè vào buổi tối cho các em thiếu nhi.

Nà Hẩu rộng 5.640 ha, vốn là xã duy nhất của tỉnh Yên Bái còn giữ được diện tích rừng già, rừng nguyên sinh lên tới 4.730 ha (chiếm trên 83% diện tích tự nhiên của xã), được quy hoạch là Khu sinh thái và Rừng phòng hộ quốc gia.

Những tán rừng bao quanh, phủ xanh tít tắp lên tận "đỉnh trời" nơi đây hiện đang được Nhà nước bảo hộ và là tài sản vô giá không chỉ của riêng xã Nà Hẩu, của riêng huyện Văn Yên mà còn là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói chung. Chính vì vậy, đối với đội thanh niên tình nguyện chúng tôi, việc đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng được đặt lên làm một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Điều đáng mừng là đi đến đâu, hỏi ai, người dân cũng trả lời rất rành rọt rằng: "Phải giữ rừng và sẽ không bao giờ phá rừng. Vì rừng mang đến cho Nà Hẩu không khí trong lành, rừng là nguồn sống, là nền tảng để nơi đây được đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái trong tương lai" - đây cũng chính là thành công lớn trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương.

Cấy lúa vụ mùa giúp bà con nông dân.

Màu áo xanh tình nguyện xen giữa màu xanh bao la của đại ngàn Nà Hẩu trong mùa hè tình nguyện 2012 này chắc chắn sẽ là một hình ảnh mà mỗi đội viên chúng tôi không bao giờ có thể quên được trong cuộc đời.

Tất cả như vẫn vẹn nguyên hình ảnh những buổi hành quân xuyên núi, vượt rừng già với những thân cây cổ thụ vài người ôm, những chùm phong lan rừng thắm sắc, những bông hoa chuối rừng đỏ rực ráng chiều... Và vẫn còn đó hình ảnh những gương mặt trí thức trẻ tình nguyện nhễ nhại mồ hôi sáng bừng trong nắng, những tiếng nói cười rộn rã quên hết mệt nhọc trên công trường tình nguyện giờ lao động...

Tuy không phải có thể làm thay đổi tất cả bộ mặt của cơ sở vùng cao chỉ trong 12 ngày ngắn ngủi đó nhưng mỗi công trình, phần việc thanh niên mà chúng tôi đã làm được nơi đây đều là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh đoàn kết và tinh thần cống hiến của tuổi trẻ; đó là "tài liệu" tuyên truyền có sức mạnh lan tỏa nhất cho bà con nhân dân địa phương, để từ đó hình thành nên nếp nghĩ, thay đổi tư duy dẫn đến thay đổi hành động, giúp họ chủ động hơn trong tăng gia sản xuất, có ý thức cải tạo môi trường sống, chú trọng làm kinh tế để từng bước vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu...

Một mùa hè tình nguyện nữa lại đi qua, mong rằng màu áo xanh tình nguyện đã để lại được trong lòng bà con nhân dân các dân tộc vùng cao nhiều kỷ niệm và tình cảm khó quên, để mỗi lần nhắc đến, chúng tôi lại được phép tự hào: Chúng tôi là những trí thức trẻ tình nguyện tỉnh Yên Bái.

Thiên Cầm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục