Buồn, vui ván bóc

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/8/2012 | 2:51:15 PM

Ông Nguyễn Đức Việt vừa tra dầu mỡ vào chiếc máy bóc gỗ vừa phủ bạt cẩn thận rồi đem mấy cái mô tơ, máy cắt ván, cắt gỗ mang về nhà cất kỹ. Buồn lắm nhưng đành phải dẹp xưởng bóc lại chờ ngày tái ngộ, không thể cố thêm được nữa bởi làm ít lỗ ít, làm nhiều lỗ nhiều.

Nếu chạy hết công suất, mỗi ngày, các xưởng bóc ván sẽ tiêu thụ gần 5.000m3 gỗ.
Nếu chạy hết công suất, mỗi ngày, các xưởng bóc ván sẽ tiêu thụ gần 5.000m3 gỗ.

Mấy nhà cùng xóm cũng đã nghỉ từ lâu, người đưa máy đi Lào Cai, người thì làm cố với mong muốn duy nhất là có việc làm cho lao động trong nhà. Sau một thời phát triển cực thịnh, giờ đây nghề ván bóc ở Yên Bái làm ăn khó khăn lắm, người ta bảo khi lên thì như diều gặp gió, khi xuống thì...

Khoảng những năm 2005 - 2006, nghề làm ván bóc xuất hiện ở Yên Bái, người tiên phong trong nghề là ông Nguyễn Văn Doanh ở xã Hưng Thịnh (Trấn Yên) với việc qua Phúc Kiến (Trung Quốc) mua được chiếc máy bóc lồng (máy bóc gồm 2 lô sau và 1 lô trước), thế hệ máy mới cho năng suất cao, chất lượng ván bóc ổn định, dễ điều chỉnh độ dày của ván. Đối với bà con nông dân, cái đáng nể nhất của máy bóc lồng là nó có khả năng nắn những cây gỗ cong cho thẳng ra rồi mới bóc.

Những người tiên phong đầu tư máy bóc ở Yên Bái đúng là gặp thời, gỗ rừng trồng dù to hay nhỏ, chủng loại gì đi nữa thì giá cũng chỉ 300 - 400.000 đồng/m3, giá nhân công lúc ấy từ 40 - 50.000 đồng/ngày; riêng đầu ra thì không phải bàn, ván dù xấu hay đẹp cũng được thương lái đến tận xưởng mua hết mang đi Hà Nội hoặc đi Lạng Sơn, xuất khẩu qua Trung Quốc.

Đặc biệt, suất đầu tư một xưởng bóc gỗ không lớn, chỉ trên dưới 200 triệu đồng; việc vận hành máy cũng quá đơn giản, người sáng dạ chỉ vài buổi là thành thạo. Hiệu quả kinh tế rất rõ, một cái máy bóc, năm người công nhân là mỗi ngày kiếm vài triệu đồng. Làng Phương Đạo, Vực Tròn, Đồng Bằng... xuất hiện những gia đình kiếm tiền trăm, tiền tỷ cũng là nhờ cái máy bóc gỗ cỏn con này.

Thấy nghề bóc gỗ không khó làm mà lãi cao nên hàng loạt hộ gia đình ở các xã Hưng Thịnh, Hưng Khánh, Lương Thịnh, Quy Mông, Báo Đáp, Tân Đồng (huyện Trấn Yên) Đại Lịch, Cát Thịnh, Tân Thịnh (Văn Chấn), Thác Bà, Tân Hương, Tân Nguyên (Yên Bình)... và ở các xã khác đầu tư máy, dựng nhà xưởng làm gỗ bóc. Chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng thời điểm 2010, toàn tỉnh có ít nhất 450 máy bóc gỗ, xã Lương Thịnh (huyện Trấn Yên), có khoảng 100 chiếc, trong đó thôn Phương Đạo có tới 34 xưởng gỗ, nhiều xưởng 2 máy chạy.

Nghề bóc gỗ ra đời và phát triển cực thịnh đã mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân như: nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp cho địa phương, ngành nghề chế biến lâm sản nhanh chóng được xác định là thế mạnh của huyện và nhiều xã ở Trấn Yên. Trung bình mỗi xưởng bóc gỗ thu hút hơn 10 lao động làm việc…, vậy là nghề bóc gỗ đã thu hút được hàng nghìn lao động, nhất là lao động nông thôn với thu nhập khá mà chẳng cần chương trình, dự án đào tạo, tìm kiếm, giới thiệu việc làm nào!

Mùa ván bóc.

Có lẽ cái được nhất của nghề bóc gỗ là giải quyết được đầu ra cho gỗ rừng trồng, thúc đẩy nghề trồng rừng phát triển. Trước đây chỉ một phần gỗ keo, bồ đề… trong số hàng vạn mét khối mỗi năm được chế biến tại các nhà máy trong tỉnh, số còn lại được xuất bán đi Phú Thọ, Hà Nội, Hà Tây; đặc biệt là làm nguyên liệu cho Nhà máy Giấy Bãi Bằng (Phú Thọ) với giá rất thấp. Gỗ bán không được giá, trồng rừng không có lãi nên bà con thờ ơ với việc trồng rừng. Cũng vì kém hiệu quả mà lĩnh vực trồng rừng không thu hút được các nhà đầu tư.

Khi nghề bóc gỗ ra đời, giá gỗ nhờ đó được đẩy lên rất nhanh, gỗ keo từ 400.000 đồng/m3 tăng lên 600, rồi 700 và đỉnh điểm nhất là 1,07 triệu đồng/m3 (đối với loại gỗ nhỏ, chu vi thân gỗ từ 25 đến 45 cm, nếu gỗ to, thẳng sẽ được thu gom để đóng đồ dùng, giá từ 1,6 đến 2,1 triệu đồng/m3). Bồ đề loại nhỏ thời điểm cao nhất giá 1,2 triệu đồng, riêng loại to, không có mấu mắt giá 2,5 triệu đồng/m3.

Theo tính toán, một chiếc máy bóc sẽ ngốn hết 10m3 gỗ/ngày, bình quân mỗi ngày Yên Bái có 400 chiếc máy bóc hoạt động thì tổng công suất các xưởng bóc gỗ của Yên Bái đã vào khoảng 4.000m3 gỗ/ngày, một con số khổng lồ khiến cho rừng Yên Bái có nhiều tới đâu, cây có lớn nhanh đến đâu cũng không đủ cho các xưởng gỗ.

Thế là xuất hiện tình trạng tranh chấp đất đai, phá rừng tự nhiên… tất cả chỉ để trồng rừng lấy gỗ! Để đảm bảo nguyên liệu cho các nhà xưởng, gỗ còn “chảy ngược” từ Tuyên Quang, Phú Thọ về Trấn Yên! Đối với dân buôn lâm sản thì đây đúng là chuyện lạ, chưa bao giờ xảy ra.

Sự phát triển ồ ạt không kiểm soát, không quy hoạch của lĩnh vực gỗ bóc đã khiến cho người làm nghề trực tiếp phải gánh chịu những hệ luỵ. Quá nhiều người làm nghề bóc gỗ đã khiến nguồn nguyên liệu cạn dần, sản lượng gỗ khai thác không đáp ứng nhu cầu chế biến.

Để có nguyên liệu, con đường ngắn nhất là tăng giá thu mua, dễ dãi trong đánh giá phẩm cấp. Thế là, trong bài toán này đương nhiên chỉ có người trồng rừng hưởng lợi. Cũng vì nhiều nhà xưởng, sản lượng ván bóc làm ra lớn, vượt quá nhu cầu của thị trường và để tiêu thụ được, không còn cách nào khác là giảm giá bán ván bóc - bài toán này cũng mặc nhiên chỉ có người mua ván hưởng lợi và người làm nghề bóc gỗ đứng giữa là chịu thiệt.

Việc các cơ sở tranh mua nguyên liệu, tranh bán sản phẩm không chỉ là nguyên nhân chính dẫn sự thoái trào trong nghề ván bóc mà nguyên nhân cốt lõi nhất ở đây là thói làm ăn theo kiểu chụp giật.

Ông A Lý, người Hoa làm nghề thu mua gỗ ở cửa khẩu Lào Cai lắc đầu ngán ngẩm: “Thấy Trung Quốc tin tưởng mua hàng dễ tính là các xưởng thi nhau ăn gian, nào là bó ván thiếu, bó cả ván rách nát...  Khi các nhà chế biến đói nguyên liệu thì họ sẵn sàng đồng ý, nay đã dư thừa nguyên liệu họ bắt đầu siết chặt đầu vào với việc hạ giá thu mua, trừ tỷ lệ ván hỏng, đặc biệt là không mua ván dưới 1,5mm… khiến các đối tác ăn gian đi từ hoà đến lỗ nặng”. Điều đáng tiếc nhất là lúc này người làm gỗ bóc vẫn không chịu nhận ra sai lầm của mình, không biết rằng kiểu làm ăn thiếu trung thực sẽ không thể tồn tại.

Đầu tư gần 200 triệu đồng làm xưởng bóc được mấy tháng, giờ đây ông Hải đành chấp nhận để cỗ máy nằm không vì giá gỗ tăng mà giá ván lại hạ.

Ông Nguyễn Văn Hải, xã Hợp Minh (TP Yên Bái) mới đầu tư máy bóc được vài tháng thì tình trạng ế ẩm, hạ giá ván xảy ra, chưa thu hồi được vốn đầu tư, nhà còn mấy trăm mét khối ván đắp đống, không chịu bán lỗ hoặc bán lỗ cũng bị chịu tiền.

Thương lái phân tích… “Đơn giản lắm, ván xấu không thể có giá đẹp, ván thiếu ly không thể thu đủ tiền!”. Được phân tích, ông Hải cay đắng nhận ra nhưng khổ nỗi gỗ đầu vào mua giá 1,1 triệu đồng/m3, công bóc, công phơi thêm 200 nghìn nữa, tổng chi là 1,3 triệu đồng, nếu làm chuẩn chỉ lượng ván thu được là 0,6 m3, giá ván hiện nay là 1,85 triệu đồng/m3 thì người làm ván bóc giỏi lắm là hoà vốn.

Trong câu chuyện dư thừa nguyên liệu tại các nhà máy chế biến gỗ ở Trung Quốc và Đông Anh, Sóc Sơn (Hà Nội) có nguyên nhân chính là do sản xuất đình đốn, sản phẩm ván ép khó tiêu thụ, đầu ra khó khăn khiến đầu vào giảm hoặc buộc phải điều chỉnh giá ván nguyên liệu. Khi nền kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại, sản xuất và tiêu thụ ổn định chắc chắn đầu ra của ván bóc sẽ được cải thiện.

Tấn Đạt

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục