Nỗi lo nhà ở sinh viên

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/7/2012 | 9:42:10 AM

YBĐT - Với 9 trường chuyên nghiệp trong đó 5 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, tổng số đang theo học là 11.867 sinh viên, trong đó mới có khoảng 2.000 sinh viên có nhà ở, chiếm gần 20%, có thể nói nhu cầu nhà ở của sinh viên các cơ sở đào tạo ở Yên Bái rất lớn và đang là khó khăn chưa có lời giải.

Sinh viên Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Yên Bái đang ôn bài trong ký túc xá.
Sinh viên Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Yên Bái đang ôn bài trong ký túc xá.

Tận dụng… nhà trọ

Mặc dù còn gần một tháng nữa mới tới thời gian nhập trường nhưng ngay từ đầu tháng 7, nhiều tân sinh viên các huyện trong tỉnh đã phải đến khu dân cư gần trường nhập học tìm thuê nhà trọ.

Còn đối với các sinh viên cũ bước vào năm học mới, bên cạnh nỗi lo học hành, thi cử, nhiều em lại có thêm nỗi lo tìm nhà trọ. Không như những thành phố lớn - nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, lượng sinh viên lớn, việc tìm được nhà trọ vừa ý luôn là bài toán khó của sinh viên tỉnh lẻ.

Ở Yên Bái tìm được nhà trọ không khó, điều đáng nói là khả năng đáp ứng yêu cầu sinh hoạt hay chất lượng của loại hình kinh doanh nhà trọ cho sinh viên từ lâu là vấn đề chưa được nói đến.

Trong vai một người dân đi tìm phòng hộ em họ ở huyện xa sắp xuống theo học, sau khi đi khắp hàng chục điểm cho thuê phòng trọ trên đường Trần Phú chúng tôi đều được các chủ phòng trọ thông báo “hết phòng”. Đang buồn vì không thuê được phòng trọ thì phía bên đường một phụ nữ trạc 50 tuổi vẫy tay hỏi:

- Các cháu hỏi thuê phòng trọ hả? cô còn một phòng khép kín đấy.

Với tay lấy chùm chìa khóa trên tường, người phụ nữ này dẫn chúng tôi đi vòng vèo vào một ngõ nhỏ, tới một dãy trọ nằm dọc con ngõ (nói là dãy trọ nhưng thực chất đây chỉ là một căn nhà cấp 4 được chủ nhà ngăn lại thành 4 phòng nhỏ), chủ nhà xởi lởi: “Các cháu gặp may đấy, chị thuê phòng này vừa mới chuyển đi nên mới còn phòng”.

Sau được chủ nhà mở khóa để kiểm tra công trình, chúng tôi thấy ái ngại cho người ở vì phòng rộng khoảng 6m2 bên trong có một chiếc giường không chiếu thấp lè tè và ọp ẹp, xung quanh tường chỗ thì ố vàng, chỗ đen nhẻm.

“Giá phòng này là 400.000 đồng/tháng nếu là 1 người ở và 500.000/tháng nếu 2 người ở, điện mỗi phòng một công tơ dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu với giá 3.000đồng/kwh, nước 30.000đồng/người/tháng vì cả dãy trọ có một công tơ nước” - Người phụ nữ cho biết. 

Nhiều tân cử nhân phải ở trong những phòng trọ kiểu tận dụng như thế này.

Hiện tại, số lượng nhà trọ chiếm mật độ dày nhất là tại các khu vực: Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Yên Bái, tiếp đó là Trường Cao đẳng Y Yên Bái…

Điểm qua một loạt các khu nhà trọ tại 2 cơ sở của Trường Cao đẳng Sư phạm và Trường Cao đẳng Y Yên Bái, khiến chúng tôi phải giật mình. Do tận dụng tối đa diện tích, chủ nhà đã tận dụng nhà cấp 4 cũ, ngăn ra các ô tạo thành các phòng hoặc tận dụng đất trống của gia đình, xây các dãy trọ theo kiểu đất ít phòng nhiều nên phòng thuê chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, ồn ào là tình trạng chung.

Một số ngôi nhà do tận dụng quá lâu, ít được sửa sang, nâng cấp khiến tường bong nứt, cửa sập xệ tạm bợ trông hết sức phản cảm. Một vấn đề khiến nhiều trường đau đầu hiện nay là công tác bảo đảm an ninh trật tự cho sinh viên ngoại trú, trong đó nhức nhối nhất vẫn là nạn trộm cắp tài sản.

Không ít nhà trọ chỉ biết cho thuê còn việc bảo vệ tài sản học sinh, sinh viên phải tự lo, mất tự chịu. Có những khu trọ tách hẳn khỏi nhà chủ, chủ nhà chỉ đến thu tiền hàng tháng hoặc có người chuẩn bị chuyển đi, hoặc chuyển đến, còn người thuê phòng trọ làm gì, ra sao họ không có trách nhiệm quản lý. Tất nhiên, bên cạnh đó cũng có những khu trọ được xây dựng khá kiên cố, sạch sẽ, thoáng mát nhưng con số ấy chưa nhiều, hơn nữa giá cả thì không phải sinh viên nào cũng thuê được.

Chất lượng tồi và không đảm bảo an ninh là lý do khiến nhiều sinh viên phải thường xuyên thay đổi chỗ ở, tuy nhiên tìm được nơi ưng ý, bảo đảm các điều kiện cũng thật không dễ. Một phần vì đó là thực trạng chung của không ít các khu trọ hiện nay, một phần là do giá cả.

Với sinh viên chỉ cần một nơi ở giá vừa phải, gần trường là đủ nhưng giá phòng trọ cũng tăng thường xuyên chẳng khác gì sự tăng giá của các loại hàng hóa khác trên thị trường. Cứ vào đầu năm học, giá mỗi phòng trọ tăng thêm từ 50.000 - 100.000 đồng/phòng. Chưa kể tại không ít khu trọ, sinh viên đang phải chịu giá sử dụng điện nước rất cao trung bình 3.000 đồng/kw và 20.000 đến 30.000đồng/tháng nước.

 Thế nhưng, các khu trọ không vắng người thuê, thậm chí theo ý kiến một số chủ cho thuê thì đây là loại hình kinh doanh không bao giờ sợ ế vì nhu cầu thuê nhà của sinh viên và người lao động ngày càng cao. Sinh viên khó tìm được nhà trọ một phần cũng bởi nhiều người đang làm việc tại thành phố đang “nhắm vào” các khu trọ này vì giá rẻ. Trung bình từ 400.000 đến 600.000 đồng/phòng/tháng, là mức giá dễ thở với người đi làm nhưng với sinh viên đó là số tiền không nhỏ, cho nên mới có tình trạng 1 căn phòng co kéo giãn cũng chưa đầy 10m2, giá 400.000 đồng/tháng mà thường xuyên có 2 đến 3 sinh viên cùng ở.

Rồi không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp ở lại thành phố tìm việc cũng giữ luôn phòng không trả. Trong khi sinh viên khóa mới chưa nhập trường  mà rất nhiều khu trọ đã “cháy phòng” bởi cái cảnh lang thang tìm nhà trọ, phải ở phòng trọ không bảo đảm hoặc có thể bị ép giá… là thực tế đang chờ rất nhiều tân sinh viên khóa mới.

Ký túc xá - ước mơ xa vời

Là tân sinh viên, mặc dù vài hôm nữa mới chính thức nhập học nhưng em Trần Thị Lan đã phải xuống thành phố trước cả tuần để tìm nhà trọ vì theo các anh, chị khóa trước nói nếu không xuống sớm sẽ khó tìm được phòng trọ ưng ý, giá vừa phải. Lần đầu xa nhà đi ở trọ nên bố mẹ đều rất lo lắng vì nếu điều kiện ăn ở, sinh hoạt không tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập của em. Nghĩ lại cái cảnh thất thểu đi tìm nhà trọ mấy hôm trước em thấy ngại cho những bạn xuống sau mình.

“Nhà ở của sinh viên là một yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo. Bởi nó không đơn thuần là chỗ ở mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng. Một sinh viên có thể sống tốt hơn hoặc xấu đi một phần cũng từ môi trường sinh hoạt đó. Mặc dù Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái là một trong số ít trường được đánh giá cao trong quản lý sinh viên ngoại trú nhưng những khó khăn, phức tạp trong công tác này chưa phải đã hết.”- Đó là nhận định của thầy giáo Phạm Xuân Thủy - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái.

Cũng theo thầy Thủy thì giải quyết được vấn đề nhà ở cho sinh viên sẽ là chìa khóa cho việc giải quyết các bất cập đang nảy sinh trong công tác quản lý học sinh, sinh viên ngoại trú hiện nay. Thầy Trần Xuân Trường - trưởng phòng công tác học sinh, sinh viên cho biết: “Nhu cầu nhà ở cho sinh viên đang là vấn đề bức xúc.

Trong khi khu nội trú của nhà trường mặc dù đã được đầu tư, nâng cấp nhưng chỉ có thể đáp ứng được một phần nhu cầu, còn đa số học sinh, sinh viên phải ở ngoại trú, rất khó cho việc quản lý”. Trường Cao đẳng Sư Phạm hiện có 3 khu nội trú sinh viên, với trên 60 phòng bố trí được khoảng 450 học sinh. Tuy nhiên, do được đầu tư xây dựng đã lâu, nay khu nhà A và khu B đã đến thời kỳ xuống cấp nên chất lượng phòng ở của sinh viên cũng không được tốt. 8 em ở một phòng, nhà trường hỗ trợ 30kw điện/phòng/tháng, sinh viên đóng 40.000 đồng/em/ tháng.

Với gần 1.300 sinh viên hệ tập trung (năm học 2012-2013) thì số giường nội trú chỉ đáp ứng chưa đầy 1/3 tổng số sinh viên đang theo học tại trường. Được biết, thời gian tới nhà trường sẽ dành một số phòng ở trong khu ký túc xá có điều kiện tốt ưu tiên đón 70 lưu học sinh nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào sang theo học, thì vấn đề chỗ ở cho sinh viên trong tỉnh lại càng khó khăn hơn.

Nguy cơ sạt lở đất ở các khu nhà trọ thường xuyên rình rập các sinh viên.

Nhà ở cho sinh viên không chỉ là mối quan tâm lớn của trường Cao đẳng Sư phạm mà còn là vấn đề đau đầu của không ít các Trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đóng trên địa bàn thành phố và các khu vực lân cận.

Cô Nguyễn Thị Việt - cán bộ phụ trách nội trú, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Yên Bái bức xúc: “Nhà trường hiện có 750 học sinh, sinh viên, trong khi đó chỉ có 85 em được ở trong ký túc xá. Đặc biệt, có 2 khu nhà ở cho sinh viên thì cũng chỉ có 1 khu là ở được khoảng 20 phòng, còn lại một khu bị xuống cấp, hư hỏng, không sử dụng được nên nhà trường đã khóa cửa không cho sinh viên ở.

Với số lượng các trường ngày càng tăng, học sinh, sinh viên ngày càng đông, trong tương lai gần vấn đề nhà ở cho sinh viên của tỉnh chắc chắn sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Bao giờ sinh viên được ở trong ký túc xá để có điều kiện được học tập tu dưỡng và rèn luyện tốt hơn là câu hỏi xin được dành cho các cấp lãnh đạo và ngành giáo dục tỉnh Yên Bái.

Trong khoản 1, điều 2 Thông tư 02/2011/TT- BCA và hướng dẫn thực hiện Nghị định 08/2011 QĐ- CP quy định điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện (trong đó có kinh doanh nhà trọ) nêu rõ: các hộ kinh doanh phải đảm bảo các điều kiện quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, phòng độc và vệ sinh môi trường”

Theo đó các hộ phải có dụng cụ phòng cháy (bình chữa cháy, bể cát, bể nước…), sơ đồ phòng cháy trong khu vực cho thuê, bảo đảm đủ số lượng 3 bình chữa cháy đối với khu trên 10 phòng, 2 bình với khu dưới 10 phòng. Hoặc quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn diện tích ở đối với nhà ở sinh viên tối thiểu là 4m2/sinh viên.

Ngoài ra phải có đủ các tiêu chuẩn ánh sáng, khu vệ sinh, dãy trọ trên 10 phòng phải có cây xanh, nơi vui chơi…

Quang Thiều

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục