"Bồng bềnh" lồng cá

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/7/2012 | 9:38:48 AM

YBĐT - Nghề nuôi cá lồng ở huyện Trấn Yên có thể coi là cứu cánh cho những nông dân thiếu đất sản xuất. Thế nhưng, hiện nay người nuôi cá lồng đang phải đối mặt với những khó khăn và rủi ro lớn...

Mô hình nuôi cá lồng bằng lưới của gia đình anh Trần Trung Hiếu, thôn 5, xã Vân Hội.
Mô hình nuôi cá lồng bằng lưới của gia đình anh Trần Trung Hiếu, thôn 5, xã Vân Hội.

Đứng bên bờ đập Cuốn, ông Phan Đình Hà - Trưởng thôn Đồng Danh, xã Minh Quân thở dài: "Những năm trước, đập này có hàng chục lồng cá nối đuôi nhau nhưng nay chỉ còn vẻn vẹn 3 lồng. Những hộ gia đình như: ông Hải, ông Long, ông Lực, anh Hưng… đều đã từ bỏ nghề sau 2 năm nuôi cá thất bại".

Đến Vân Hội, Minh Quân(Trấn Yên) lần này chẳng còn thấy những lồng cá san sát nối nhau chạy  dài khắp ven hồ, mặt đầm một thuở mà chỉ thấy một quang cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Mặc dù còn rất nặng lòng với nghề nuôi cá lồng nhưng sau một thời gian đương đầu với nhiều khó khăn, người dân nơi đây đành ngậm ngùi buông lồng bồng bềnh mặt nước.

Muốn giàu nuôi cá…"

Với diện tích mặt hồ gần 200 ha, xã Vân Hội có 70-80 hộ dân sống ven hồ đều không có đất sản xuất. Những năm trước, người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá trên hồ, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Khi có chính  sách hỗ trợ của Nhà nước cho nghề nuôi cá lồng, chính quyền xã tiến hành giao diện tích mặt nước cho người dân quản lý, rồi hỗ trợ vốn, kiến thức nuôi cá. Xã phối hợp với Trung tâm Thủy sản, Trạm Khuyến nông huyện tập huấn, trang bị kiến thức, mở lớp đào tạo nghề nuôi cá cho bà con.

Từ 1 người nuôi rồi 2 người, 3 người... 10 người...100 người..., có thời điểm lên tới gần 300 lồng cá, sản lượng khai thác đạt hàng trăm tấn, thu nhập hàng tỷ đồng. Nhà xây, xe máy, trang thiết bị nội thất đắt tiền cũng nhờ cá lồng mà có.

Ông Nguyễn Văn Thế - Chủ tịch UBND xã Vân Hội cho biết: "Những năm trước đây, 70-80% hộ dân của xã sống ven hồ là hộ nghèo nhưng nhờ có nghề nuôi cá lồng nay giảm chỉ còn gần 30%, một số hộ có mức sống khá và trên khá. Toàn xã có trên 30 nhà xây kiên cố đều là những hộ nuôi cá lồng".

Những năm trước, ở đây có đến chục lồng cá nay chỉ còn một vài lồng.

Là hộ nuôi cá lồng lâu năm, anh Trần Trung Hiếu, thôn 5 cho biết: "Nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, 10 năm nuôi cá lồng cũng có vài lần thất bại do cá bị bệnh chết hàng loạt nhưng tôi không bỏ nghề mà đầu tư chuyển từ lồng làm bằng tre hóp sang làm bằng lưới". Là người đầu tiên mua lưới về làm lồng cá, đến nay gia đình anh Hiếu đã nuôi cá bằng phương thức này được gần một năm và bước đầu anh thấy rất hiệu quả.

Theo anh Hiếu thì lồng bằng lưới có nhiều ưu điểm hơn lồng bằng tre, hóp như: diện tích lồng lớn hơn, thời gian sử dụng lâu hơn (trên 10 năm), lồng nuôi được nhiều loại cá ở những tầng nước khác nhau như cá ăn nổi và cá ăn chìm.

Đặc biệt, lồng lưới dễ kiểm soát được tình hình dịch bệnh của cá đồng thời dễ dàng di chuyển đến những nơi có nguồn thức ăn và nguồn nước sạch... Vì thế, trong cùng một thời gian nuôi lồng làm bằng lưới cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15-20 triệu đồng/lồng. Hiện nay, xã Vân Hội có 4 hộ mạnh dạn đầu tư làm lồng bằng lưới như anh Hiếu để chăn nuôi.

Cùng với Vân Hội, Minh Quân là xã có lợi thế mặt nước lớn từ các đầm: đầm Hậu, đầm Gốc, đầm Cuốn, đập Đá Mài. Những năm qua, một số hộ dân ở các thôn Hòa Quân, Liên Hiệp, Đức Quân, Đồng Danh, Ngọi Ngòi  cũng sống bằng nghề nuôi cá lồng. Tới thăm gia đình anh Nguyễn Mạnh Hổ, thôn Đức Quân là người có thâm niên nuôi cá lồng trên 10 năm nay. Trong ngôi nhà xây khang trang với đầy đủ tiện nghi, anh Hổ cho biết: "Phần lớn là từ lồng cá mà có". Chúng tôi ngỏ ý muốn ra xem lồng cá của gia đình, anh đồng ý ngay.

Chỉ cách bờ chừng vài trăm mét, anh Hổ bơi thuyền đưa chúng tôi ra mặt đầm. Khi ra anh không quên ôm theo một ôm lá sắn để làm thức ăn cho cá. Anh thả lá sắn qua khe hóp xuống lồng, lũ cá nhoi lên đớp, quẫy nước. Tiếng quẫy nước rất mạnh ấy chắc chắn không thể là cá nhỏ. Khi mặt nước bình lặng, trông rõ những con cá khoảng vài ba cân lượn lờ thật thích mắt.

Anh bảo, lồng này thả 200 con, lúc thả cá cũng 1-1,5 kg/con rồi. Khi thu hoạch, cứ tầm 4,5-5kg/con, to thì 6 kg/con. Vậy là một lồng cá của gia đình anh nuôi gần 1 năm cho thu trên 8 tạ cá, với giá 60.000đồng/kg, mang về thu nhập cho gia đình trên dưới 50 triệu đồng, trừ chi phí anh cũng để ra được trên 20 triệu đồng.

 "Nuôi cá, gá bạc"

Có thể nói, nghề nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao và là cứu cánh cho những nông dân thiếu đất sản xuất. Thế nhưng, hiện nay người nuôi cá lồng đang phải đối mặt với những khó khăn và rủi ro lớn. Một số hộ dân không còn mặn mà với cá lồng, điều này đã làm giảm sút đáng kể số lồng cá của huyện Trấn Yên trong những năm qua.

Là một trong những người đi đầu trong phong trào nuôi cá lồng của thôn nhưng anh Nguyễn Văn Hưng cũng chỉ nuôi được 3 năm rồi dỡ lồng làm chuồng lợn. Theo anh, nuôi cá lồng nếu "gặp may" cá không bị bệnh thì lãi to vì khi cá đã bị bệnh rất khó chữa sẽ bị chết cả lồng, người dân sẽ trắng tay.

Anh Nguyễn Mạnh Hổ, thôn Đức Quân phân trần: "Nuôi cá lồng hiệu quả kinh tế cao thật đấy nhưng khi gặp may thôi vì có khi nuôi một lồng cá sắp đến thời gian cho thu hoạch cá dịch bệnh chết sạch, vậy là trắng tay. Năm 2008 và năm 2011 tôi bị mất 2 lồng, mỗi lồng trị giá gần 20 triệu đồng".

Anh Nguyễn Mạnh Hổ đang cho cá ăn.

Qua trao đổi với ông Lê Đức Bắc - Chủ tịch UBND xã Minh Quân, được biết: Năm 2009, toàn xã có 118 lồng cá, năm 2010 giảm còn 99 lồng, năm 2011 còn 94 lồng và đến hết tháng 6 năm 2012 còn 44 lồng nhưng chỉ có 28 lồng hiện đang nuôi, số còn lại người dân chưa nuôi lại. Cũng như Minh Quân, xã Vân Hội có thời điểm lên gần 300 lồng cá nhưng hiện nay chỉ còn 92 lồng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay số lồng cá giảm, người dân không mặn mà lắm với nghề này là vì nguồn thức ăn cho cá dần khan hiếm, nguồn nước bị ô nhiễm thiếu kiến thức chăn nuôi, tuổi thọ của lồng cá không cao, chỉ được khoảng 3-4 năm… Mặc dù người chăn nuôi đưa ra nhiều lý do nhưng lý do quan trọng nhất dẫn đến việc họ bỏ nghề là do khó khăn trong việc chữa bệnh cho cá. Hiện nay, công tác thú y thuỷ sản vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống thú y cho thuỷ sản thiếu, ở các huyện không có.

Hàng năm, tỉnh vẫn bố trí một nguồn kinh phí cấp cho các huyện mua thuốc phòng chống dịch bệnh cho chăn nuôi thuỷ sản, thế nhưng không phải hộ nuôi nào cũng được thụ hưởng nguồn thuốc này. Người nuôi thuỷ sản vẫn tự "mò mẫm" chữa trị cho cá bằng kinh nghiệm tự có.

Kinh nghiệm có nhưng chuyên môn, kỹ thuật không sâu, hộ nào may mắn thì được học qua vài ngày tập huấn kỹ thuật chăn nuôi thuỷ sản do cán bộ Chi cục Thuỷ sản hướng dẫn, do vậy, công tác phòng chống dịch bệnh rất kém dẫn đến cá chết nhiều, người dân không thiết tha với nghề, số lượng lồng cá giảm trông thấy.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện toàn huyện còn 262 lồng, giảm 185 lồng so với năm 2011. Trong đó, xã Vân Hội 92 lồng, giảm 162 lồng; Việt Cường 92 lồng, giảm 2 lồng; Minh Quân 73 lồng, giảm 21 lồng.

Ông Nguyễn Tiến Triển - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: "Đây là số liệu thống kê hồi tháng 4, hiện nay chúng tôi đang cho thống kê lại, có khả năng số lồng cá vẫn còn giảm tiếp như Minh Quân vừa gửi số liệu mới nhất lên, hiện nay xã chỉ còn 44 lồng".

Để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững

Hiệu quả kinh tế của việc nuôi cá lồng ở Trấn Yên đã được khẳng định nhưng các chủ lồng cá chưa bao giờ hết lo âu trước những nguy cơ rủi ro tiềm ẩn. Muốn người dân xóa đói giảm nghèo tiến tới làm giàu thì huyện cần có kế hoạch khôi phục lại nghề nuôi cá lồng. Tuy nhiên, cũng cần tính toán diện tích mặt nước hồ, đầm phù hợp với số lượng lồng cá, tránh nuôi ồ ạt dẫn đến ô nhiễm môi trường. Theo đó, người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ môi trường nuôi bởi đây được coi là yếu tố quan trọng cho phát triển nghề bền vững.

Để phòng tránh và kiểm soát dịch bệnh cho cá có hiệu quả, người dân nên chuyển đổi lồng làm bằng tre hóp sang lồng lưới. Như ý kiến của đại đa số người dân nuôi cá lồng thì để chuyển đổi lồng nuôi người dân rất cần sự hỗ trợ về kinh phí, cần có chính sách tạo điều kiện cho những hộ nuôi cá lồng số lượng lớn được vay vốn ưu đãi.

Đặc biệt, các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường công tác phối hợp với cơ quan chuyên môn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân nhất là cách phòng và trị bệnh cho cá và quan trọng hơn cả là phải có một mạng lưới thú y cho thuỷ sản vững về chuyên môn, đủ về số lượng ở cơ sở...

Chia tay Vân Hội, Đầm Hậu, nhìn những lồng cá đơn lẻ bỏ trống cứ bồng bềnh trên mặt nước, tôi lại nhớ đến lời tâm sự của một chủ hộ nuôi cá lồng: "Nếu như chúng tôi có một điểm tựa để phát triển bền vững thì một ngày kia những lồng cá trên hồ sẽ thôi bồng bềnh mà lại tấp nập tiếng cười nói của người nông dân đi cho cá ăn và những mẻ lưới nặng đầy cá lớn".

Mong rằng tâm sự đó, mơ ước làm giàu chính đáng đó của những người nông dân nuôi cá lồng sẽ sớm được lãnh đạo tỉnh và huyện Trấn Yên đưa ra giải pháp.

Hồng Duyên

Các tin khác
Cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn cho phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV. (Ảnh: Quỳnh Nga)

YBĐT - 90% người bị nhiễm HIV/AIDS ở độ tuổi từ 20 - 39, giai đoạn sức khỏe dồi dào nhất, là nguồn lao động chính của gia đình và xã hội nhưng cũng 90% trong số đó lại đang thất nghiệp hoặc không có việc làm ổn định. Những con số trên cho thấy cần có thêm nhiều biện pháp giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn người đang bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Ngôi nhà ba mẹ con chị Mây đang sinh sống.

YBĐT - Thôn 11, xã Xuân Long, huyện Yên Bình (Yên Bái) có 47 hộ, dù mỗi hộ có một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có một điểm chung là những hộ nghèo, chỉ còn vài ba hộ là cán bộ của thôn được đánh giá là cận nghèo. Trong đó, đặc biệt chú ý là hoàn cảnh đáng thương của người đàn bà bệnh tật và hai đứa con trong rừng sâu.

Thanh niên tình nguyện và đoàn viên xã Nà Hẩu hăng say sửa đường tại thôn Khe Tát.

YBĐT - Tất cả như vẫn vẹn nguyên hình ảnh những buổi hành quân xuyên núi, những bông hoa chuối rừng đỏ rực ráng chiều... Và vẫn còn đó hình ảnh những gương mặt trí thức trẻ tình nguyện nhễ nhại mồ hôi sáng bừng trong nắng, những tiếng nói cười rộn rã quên hết mệt nhọc trên công trường tình nguyện giờ lao động...

Một phần ruộng còn lại của gia đình ông Toan không thể sản xuất lúa do ảnh hưởng của việc thi công đường cao tốc.

YBĐT - Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai là con đường huyết mạch quan trọng tạo điều kiện phát triển giao thông vận tải trong khu vực, thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương. Tuy nhiên, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, một số qui định chưa phù hợp thực tế cần được các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục