Vệ sinh an toàn thực phẩm:

Vẫn chuyện “biết rồi, khổ lắm…”

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/8/2012 | 9:51:27 AM

YBĐT - Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã được nói đến nhiều trong thời gian qua và đã được các cấp, các ngành quan tâm kiểm tra giám sát. Tuy nhiên việc “khuất mắt trông coi”, hình thức xử phạt còn nhẹ đã khiến nó trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”...

Lực lượng quản lý thị trường huyện Văn Yên hướng dẫn người dân cách phân biệt hàng thật, hàng giả đối với mặt hàng nước mắm tại chợ xã An Thịnh. (Ảnh: Phương Uyên)
Lực lượng quản lý thị trường huyện Văn Yên hướng dẫn người dân cách phân biệt hàng thật, hàng giả đối với mặt hàng nước mắm tại chợ xã An Thịnh. (Ảnh: Phương Uyên)

Theo đánh giá của Chi cục ATVSTP 6 tháng đầu năm 2102, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATVSTP trên địa bàn tỉnh được triển khai khá tốt. Đã có 450 đoàn thanh tra kiểm tra từ tuyến tỉnh tới xã, trong 3.933 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống được thống kê thì có 2.625 cơ sở được kiểm tra, hơn 700 mẫu được phân tích chỉ tiêu vi sinh và hóa lý, tỷ lệ mẫu đạt 84%...

Tình hình có vẻ rất khả quan nhưng “cuộc chiến” mang tên VSATTP với sự vào cuộc của rất nhiều các cơ quan ban ngành xem ra vẫn chưa có hồi kết bởi 17,6% đơn vị sản xuất, chế biến kinh doanh trong toàn tỉnh không đạt tiêu chuẩn quy định và gần 56% cơ sở vi phạm bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”.

Tin vào người bán hàng

Phần dưới của “tảng băng chìm” rất nhiều người hiểu, tuy nhiên để hiểu rõ thế nào là thực phẩm không an toàn thì không phải ai cũng biết. Chị Thanh Hằng ở tổ 18, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái chia sẻ: “Bây giờ cứ nghe thấy bảo nuôi lợn toàn bằng cám công nghiệp, lượng tồn dư trong thịt vẫn còn nên cứ nghe ai bảo chỗ này bán lợn sạch, chỗ kia bán thịt sạch là tôi đến mua. Có lần mua tới hàng triệu đồng tiền thịt để vào tủ lạnh ăn dần nhưng thực sự tôi cũng không có cách nào kiểm chứng đó là thịt lợn sạch, nên chủ yếu đặt niềm tin vào người bán hàng thôi”.

Không riêng thịt lợn, thịt gà mà ngay cả rau cũng vậy. Bà Yến ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái cho biết: “Người ta bảo rau sạch thì tôi biết là rau sạch chứ cũng không có cách nào kiểm tra, còn điểm bán rau an toàn thì tôi không biết”.

Người tiêu dùng hiện nay vẫn cứ phải đặt niềm tin vào người bán hàng như vậy mà không có cách nào tự bảo vệ được mình. Bà Yến còn chia sẻ kinh nghiệm mua được rau sạch như sau: “Tôi cứ mua của mấy người cắp 1 rổ rau chỉ có vài mớ đi bán, đích thị là rau nhà người ta ăn không hết đem bán thôi”.

Nhiều bà nội trợ chọn cho mình cách như vậy để hy vọng bảo vệ được sức khỏe cho gia đình nhưng dường như biết được tâm lý của người tiêu dùng, nhiều người bán hàng lựa chọn cho mình chiêu thức kinh doanh “lạ” và “độc” này tại cả những chợ quê.

Chị Hoa ở xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên cho hay: “Tôi bán hàng tạp hóa tại đây nên chứng kiến nhiều phen buồn cười lắm. Này nhé có một chị cắp chiếc rổ với hai chục quả trứng gà, trong có lót rơm đi bán, chị ta bảo đấy là trứng của nhà chị mới đẻ, người ta đổ xô vào mua. Xong! Lúc sau tôi lại thấy chị ta lượn lờ với bộ dạng tương tự như lúc trước, tay lại xuất hiện hai chục quả trứng nữa… Cứ thế hết phiên chợ tôi tính chị ta phải bán được cả trăm quả “trứng gà nhà”.

Dọc các tuyến phố của thành phố Yên Bái, những gánh hàng rong bán quà quê mà người bán giới thiệu ở vùng Văn Phú, Văn Tiến, Tân Thịnh, Cổ Phúc… với câu nói quen thuộc “nhà không ăn hết đem bán” chẳng ai có thể kiểm chứng được chỉ biết rằng nghe nói như vậy thì người mua cũng yên tâm phần nào, đôi khi lại cảm thấy vui vì đã mua được hàng sạch.

Kể cũng đúng, bây giờ không đặt niềm tin vào người bán hàng thì sẽ chẳng dám ăn uống gì cả trong khi mọi thông tin về lợn nuôi cám cò, cá nhiễm chì, rau phun thuốc kích thích… nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng mà việc ăn thì không thể đừng.

Thanh tra Chi cục ATVSTP kiểm tra chất lượng vệ sinh thực phẩm tại một nhà hàng.

“Khuất mắt trông coi”

Khi cuộc sống bận rộn, mọi người quen dần với việc dùng thức ăn sẵn. Theo “cầu”, “cung” đáp ứng với đầy đủ các món ăn chín được bày bán. Bất kể một chợ nào trên địa bàn thành phố như Nam Cường, Minh Tân, Đồng Tâm, Yên Ninh… hay những chợ cóc, chợ xép cũng có bày bán rất nhiều đồ ăn sẵn như cá kho, thịt kho, cá khô chua ngọt, giò, chả, thịt nướng… hấp dẫn với đủ mùi vị và màu sắc.

Song, những đồ ăn này có đảm bảo ATVSTP hay không thì cũng không một người tiêu dùng nào dám chắc. Anh Duy Long, phố Đoàn Kết, phường Yên Ninh dè dặt: “Nếu không đủ điều kiện thì các cơ quan chức năng đã đóng cửa, cấm không được bán rồi”.

Còn bà Làn ở phường Nguyễn Thái Học thì lại có lý luận khác: “Ôi dào! Người ta ăn được, mình cũng ăn được. Chết nó có số”. Vẫn biết, đồ ăn thức uống không hợp vệ sinh có thể chưa có biểu hiện tác động ngay với những cơ thể con người khỏe mạnh nhưng nó dần dần “gặm nhấm” bên trong, đến lúc nào phát bệnh thì chưa thể biết.

Với nhiều lý do khác như: tiện lợi, vừa miệng, giá cả hợp túi tiền… đồ ăn sẵn, những quán ăn sáng nhỏ vẫn đắt thực khách. “Khuất mắt trông coi” là suy nghĩ của rất nhiều người với những sản phẩm thức ăn chín, đồ ăn nhanh, ô mai xí muội….

Có cần xử lý nghiêm?

Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra chất lượng hàng hóa tại chợ Yên Bái.

Gần 56% trường hợp đơn vị kinh doanh vi phạm ATVSTP trong 6 tháng đầu năm nay bị xử phạt bằng hình thức cảnh cáo cho thấy chúng ta còn quá nhẹ tay đối với những đơn vị kinh doanh coi thường sức khỏe của người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng cần xem xét tham mưu xây dựng chế tài xử lý nặng hơn, mang tính răn đe nhiều hơn như tăng mức xử phạt, thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng tên, địa chỉ của các cơ sở vi phạm… Bởi lâu nay các cơ sở này bị xử lý thì chỉ có các cơ quan thanh tra, kiểm tra biết, còn người dân thì không.

Với kiểu xử phạt hành chính hoặc cảnh cáo đơn thuần như hiện nay thì nguy cơ tái phạm những lỗi về VSATTP sẽ là rất lớn. Trong khi chờ có những chế tài xử lý mới, nghiêm khắc hơn thì trước hết người dân hãy tự bảo vệ mình bằng hiểu biết, bằng những thông tin và từ chính ý thức hành động của bản thân. Có thể câu chuyện ATVSTP là chuyện “biết rồi, khổ lắm…” nhưng vẫn còn phải nói thêm nhiều lần nữa.

T.B

Các tin khác
Nếu chạy hết công suất, mỗi ngày, các xưởng bóc ván sẽ tiêu thụ gần 5.000m3 gỗ.

Ông Nguyễn Đức Việt vừa tra dầu mỡ vào chiếc máy bóc gỗ vừa phủ bạt cẩn thận rồi đem mấy cái mô tơ, máy cắt ván, cắt gỗ mang về nhà cất kỹ. Buồn lắm nhưng đành phải dẹp xưởng bóc lại chờ ngày tái ngộ, không thể cố thêm được nữa bởi làm ít lỗ ít, làm nhiều lỗ nhiều.

Người Mông đóng áo quan cho những người đã khuất theo nếp sống mới.

YBĐT - Các gia đình người Mông vẫn làm ma cho theo phong tục đặt người đã khuất vào cáng hay để trên một tấm ván treo lên sát vách giữa gian nhà...

Nông dân huyện Yên Bình thu hái chè.

YBĐT -  Người ta bảo làm nông nghiệp là lấy công làm lãi, thế nhưng giờ chuyện đó đã “xưa” rồi, nhất là với nhiều người làm chè bởi toàn bộ công việc thu hái là thuê máy hái. Tuy chưa có ai thống kê hết xem trên vùng chè Yên Bái có bao nhiêu chiếc máy hái chè nhưng chắc chắn con số này không phải là nhỏ.

Sinh viên Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Yên Bái đang ôn bài trong ký túc xá.

YBĐT - Với 9 trường chuyên nghiệp trong đó 5 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, tổng số đang theo học là 11.867 sinh viên, trong đó mới có khoảng 2.000 sinh viên có nhà ở, chiếm gần 20%, có thể nói nhu cầu nhà ở của sinh viên các cơ sở đào tạo ở Yên Bái rất lớn và đang là khó khăn chưa có lời giải.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục