Sự học ở Tà Xi Láng
- Cập nhật: Thứ năm, 9/8/2012 | 9:41:45 AM
YBĐT - Chúng tôi về Tà Xi Láng khi đỉnh non xanh sương mù bao phủ nơi kỳ tích phá đá mở đường vẫn được người dân nhắc đến như một huyền thoại của ý Đảng lòng dân.
Giờ ăn trưa của các cháu lớp mầm non ở Tà Xi Láng.
|
Mái trường xưa nay được thay bằng những ngôi nhà xây cấp 4 khang trang kiên cố, nơi có rất nhiều các thế hệ thầy cô giáo miền xuôi lên “cắm bản”, dạy chữ cho học trò vùng cao.
Các em học sinh mầm non và tiểu học, trung học cơ sở vượt qua quãng đường đất lầy lội bởi những cơn mưa sương, đôi chân còn lấm lem bùn đất, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt dắt tay nhau đến lớp.
Lớp 6 của thầy giáo Nguyễn Quang Chung có 22/30 học sinh, thầy Chung phấn khởi lắm vì năm học này ngoài những chính sách ưu đãi của Nhà nước thì cấp ủy, chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt giúp các thầy gỡ được cái khó trong công tác vận động học sinh ra lớp. Lớp 2 của cô giáo Trần Thị Thu có 26/27 học sinh đi học, tỷ lệ chuyên cần cũng đảm bảo trên 95%.
Thầy Chung tâm sự: Trước đây đường sá xa xôi, cơ sở vật chất khó khăn chúng tôi cũng cố gắng được nhưng học sinh không ra lớp, ngày nào cũng phải đi vận động nên nhiều lúc cũng nản chí. Hai năm gần đây, được sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ xã không những tỷ lệ học sinh ra lớp đông hơn mà tỷ lệ chuyên cần cũng được đảm bảo.
Bình thường, học sinh của tôi trong độ tuổi lao động, thời điểm này tỷ lệ chuyên cần chỉ đạt trên 65%, nhưng năm học này đạt trên 70%, bản thân tôi cảm thấy rất vui vì không phải bận tâm đến việc vận động học sinh ra lớp, có thời gian để đầu tư soạn giáo án nâng cao chất lượng giờ dạy của mình - thầy Chung cho biết thêm.
Tà Xi Láng là xã xa nhất của huyện Trạm Tấu, cơ sở vật chất trường học còn nhiều khó khăn nhưng bằng niềm tin vào tương lai tươi sáng, bằng nghĩa thầy trò, Đảng ủy, chính quyền xã vận động người dân quyên góp gạo cho quỹ khuyến học, thầy cô thì bớt chi tiêu, tự nguyện trích lương góp quỹ... làm bừng sáng khát vọng học chữ cho trẻ em ở nơi "thâm sơn cùng cốc" này, giúp tỷ lệ học sinh chuyên cần năm học 2011 - 2012 tăng lên 85% - 95%, cao hơn 10% - 15% so với năm học trước. |
Em Sùng Thị Súa ở thôn Sá Nhù chia sẻ: "6 năm học ở trường em được các thầy cô chăm sóc, lúc em ốm thầy cô cho em thuốc uống, lúc em buồn thầy cô dỗ dành em, quần áo em bẩn thầy cô cũng giặt cho em. Thầy cô chăm sóc em từ lúc học mầm non đến tận bây giờ, thầy cô giáo thương em như bố mẹ em ở nhà". Trường PTDT TH&THCS Tà Xi Láng hiện có 39 cán bộ, giáo viên với 100% đạt chuẩn và trên chuẩn.
Để động viên các thầy cô giáo yên tâm bám bản, bám lớp, Đảng ủy, chính quyền xã đã có sự quan tâm đặc biệt tới sự nghiệp giáo dục nơi đây. Mới đây nhất là Nghị quyết số 02 về đẩy mạnh xây dựng Quỹ Khuyến học trên địa bàn xã Tà Xi Láng. Theo đó, mỗi hộ gia đình trong xã sẽ ủng hộ 15kg gạo/năm, mỗi cán bộ, công chức xã ủng hộ 20.000đồng/tháng.
Ông Nguyễn Ngọc Hà - Bí thư Đảng bộ xã Tà Xi Láng cho biết: Để thực hiện những mục tiêu đưa ra trong nghị quyết, chúng tôi quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trên địa bàn xã, đối với người dân chúng tôi nhờ vào sự ủng hộ của các già làng trưởng dòng họ, sự vận động của các trưởng thôn, bản, vì vậy, người dân trên địa bàn xã có sự đồng thuận rất cao.
Đến thời điểm này, xã đã huy động được khoảng 5 tấn thóc cho Quỹ Khuyến học, dự ước đến cuối năm Quỹ Khuyến học sẽ có thêm số tiền khoảng 60 triệu đồng từ sự ủng hộ của tất cả mọi người dân trên địa bàn xã. Toàn bộ Quỹ sẽ dùng ủng hộ những học sinh nghèo vượt khó, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những thầy cô giáo có thành tích xuất sắc trong công tác dạy học để động viên các thầy cô giáo yên tâm bám bản bám trường. Đặc biệt, mỗi thầy cô giáo trong trường cũng tình nguyện trích từ lương mỗi tháng 20.000đồng để ủng hộ cho Quỹ - ông Hà bổ sung thêm .
Ở Tà Xi Láng còn có 1 trường mầm non với 14 cô giáo trẻ, trong đó có 5 cô ở hẳn trên các thôn, bản, 4 cô đã có gia đình phải gửi con cho ông bà để hàng ngày bám bản, bám trường, hết lòng vì tình yêu với con trẻ. Chung một căn phòng tập thể, các cô coi nhau như chị em một nhà. Người có gia đình thì nói chuyện con cái, những cô giáo trẻ như Hương, Hải, Liên mới bước vào tuổi 22, ngoài giờ lên lớp các cô tìm niềm vui cho mình bằng cách làm thêm những đồ dùng dạy học.
Bà Trần Khánh Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tà Xi Láng cho biết: "Toàn trường hiện có 133 học sinh, tỷ lệ chuyên cần đạt từ 90% - 95%, trong đó có 10 em ở lại trường, cuộc sống của các em còn rất nhiều khó khăn nên trong khả năng có thể chúng tôi làm hết sức mình để bố mẹ các em yên tâm cho con em đi học".
Cơ sở vật chất của trường học vùng cao còn thiếu thốn, Tà Xi Láng vẫn là xã "Hai không": không sóng điện thoại, không điện lưới quốc gia có lẽ vì vậy nên niềm vui của các cô giáo trẻ ở đây là thêu khăn, đan áo cho người thân. Cô Vân tâm sự: "Thời tiết gần như quanh năm ẩm thấp, đường xá lại xa xôi, ghập ghềnh khó đi nên chiều thứ 6 chúng em gom hết quần áo bẩn của cả cô cả trò trong tuần mang về nhà giặt rồi chiều Chủ nhật mang lên để có quần áo sạch mặc trong cả tuần”.
Ông Vũ Quỳnh Khánh - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu tâm sự: "Giáo dục ở Tà Xi Láng đã có những đổi thay rõ rệt, bản thân tôi rất khâm phục sự hy sinh của các thầy cô giáo vùng cao. Huyện sẽ tiếp tục đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công của các công trình xây dựng nhanh chóng giải quyết vấn đề cơ sở vật chất cho giáo viên. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các xã thực hiện tốt công tác xây dựng quỹ khuyến học và quy chế phối hợp trong công tác vận động học sinh ra lớp, giúp các thầy cô giáo yên tâm giảng dạy, thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn".
Trở về phố huyện khi những tia nắng hè trải dài trên triền đồi, xé toang màn sương mù bao phủ, chúng tôi tin sự học Tà Xi Láng sẽ tiếp tục đổi thay nhờ những nhà giáo yêu nghề trên đỉnh non cao.
Phương Thùy - Tà Xi Láng, tháng 4/2012.
Các tin khác
YBĐT - Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã được nói đến nhiều trong thời gian qua và đã được các cấp, các ngành quan tâm kiểm tra giám sát. Tuy nhiên việc “khuất mắt trông coi”, hình thức xử phạt còn nhẹ đã khiến nó trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”...
Ông Nguyễn Đức Việt vừa tra dầu mỡ vào chiếc máy bóc gỗ vừa phủ bạt cẩn thận rồi đem mấy cái mô tơ, máy cắt ván, cắt gỗ mang về nhà cất kỹ. Buồn lắm nhưng đành phải dẹp xưởng bóc lại chờ ngày tái ngộ, không thể cố thêm được nữa bởi làm ít lỗ ít, làm nhiều lỗ nhiều.
YBĐT - Các gia đình người Mông vẫn làm ma cho theo phong tục đặt người đã khuất vào cáng hay để trên một tấm ván treo lên sát vách giữa gian nhà...
YBĐT - Người ta bảo làm nông nghiệp là lấy công làm lãi, thế nhưng giờ chuyện đó đã “xưa” rồi, nhất là với nhiều người làm chè bởi toàn bộ công việc thu hái là thuê máy hái. Tuy chưa có ai thống kê hết xem trên vùng chè Yên Bái có bao nhiêu chiếc máy hái chè nhưng chắc chắn con số này không phải là nhỏ.