Chuyện “an cư” ở vùng cao

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/8/2012 | 10:07:50 AM

YBĐT - Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Yên Bái là không để người dân thiếu đất ở, đất sản xuất, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm hạn chế tình trạng du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy và ổn định an ninh trật tự trên địa bàn...

Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh thăm gia đình anh Lý Kim Thắng - thôn Tặc Tè, xã Nậm Lành (Văn Chấn) đã ổn định cuộc sống sau khi hạ sơn.
Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh thăm gia đình anh Lý Kim Thắng - thôn Tặc Tè, xã Nậm Lành (Văn Chấn) đã ổn định cuộc sống sau khi hạ sơn.

Là 1 trong 3 xã có ruộng bậc thang được công nhận Danh thắng cấp quốc gia nhưng xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải có tỷ lệ hộ nghèo trên 90%. Diện tích đất tự nhiên trên 3.300 ha trong khi sản xuất nông nghiệp chỉ có trên 374 ha.

Hảng A Chua - thôn Tà Chí Lừ kể: “Mình xây dựng gia đình và ra ở riêng năm 2009, bố mẹ chia đất cho làm nhà ở, còn mình cũng mua thêm đất của anh em để có thêm diện tích canh tác, đất ruộng chỉ có 2 sào để cấy lúa nước còn phần lớn là đất đồi, mình cũng như một số hộ trong xã mới tách hộ ở riêng đều quá ít đất để sản xuất”.

Chủ tịch UBND xã Giàng Chứ Ly cho rằng: “Cái khó của địa phương là đồng bào thiếu đất ruộng để sản xuất trong khi khả năng khai hoang mở rộng diện tích để đưa và canh tác không còn. Cùng với đó là việc thăm dò, khai thác khoáng sản của một số Công ty trên địa bàn xã làm ảnh hưởng đến nguồn nước, xói mòn đất của các hộ dân thuộc các thôn Tà Chí Lừ, Pú Nhu, Háng Sung, Hấu Đề”.

Theo ông Hoàng Văn Túc - Trưởng phòng Dân tộc huyện Mù Cang Chải, từ năm 2002 - 2011, thực hiện Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ, huyện đã đầu tư trên 3 tỷ đồng giải quyết xong đất ở, đất sản xuất cho 2.341 hộ thiếu đất với diện tích 300 ha. Về cơ bản, hiện nay Mù Cang Chải không thiếu đất ở nhưng do việc thu hồi đất sản xuất để xây dựng công trình thuỷ lợi, việc cấp một số mỏ để khai thác khoáng sản nên phần nào ảnh hưởng đến đất sản xuất và đời sống của người dân.

Anh Mùa A Dê - trưởng thôn Tấu Trên, xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu) là người đi tiên phong nhượng 7.000 m2 đất cho các hộ thiếu đất sản xuất trong thôn để có đất sản xuất nhưng do đồng bào vẫn đưa vào trồng các loại giống ngô, lúa giống địa phương năng suất thấp nên cho dù có đất sản xuất đời sống một bộ phận bà con vẫn chậm được cải thiện...

Giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào, thời gian qua tỉnh Yên Bái đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án cho vùng cao, trong đó phần lớn kinh phí dành cho đầu tư xây dựng các khu tái định cư.  Chúng tôi đến Nậm Lành - xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn.

Do địa hình chia cắt mạnh, mùa mưa hiểm họa lũ quét, sạt lở đất luôn rình rập, dân ở không yên, sản xuất thường thất bát. Trước tình hình đó, Nhà nước đã hỗ trợ xây dựng khu tái định cư tại thôn Nậm Tộc và Tặc Tè đưa người dân đến nơi ở mới an toàn, sản xuất  thuận lợi.

Đưa chúng tôi đi thăm quan khu tái định cư thôn Tặc Tè mới, Chủ tịch UBND xã Lý Kim Kinh phấn khởi khoe: “Khang trang lắm! Điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng. Người dân ai cũng phấn khởi vì điều kiện sống tốt hơn nơi cũ…”.

Đến thăm gia đình chị Triệu Thị Còi, chị tâm sự: "Trước đây nhà ở sát ven suối, mùa mưa lũ nước dâng cao, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Được chính quyền địa phương quan tâm cấp đất ở về khu tái định cư mới cùng hỗ trợ của Nhà nước, gia đình đã huy động các nguồn vốn xây dựng nhà cửa để “an cư, lập nghiệp”. Từ năm 2001 đến nay, Trung ương và tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng tại các địa điểm tái định cư Tặc Tè và Nậm Tộc.

Tại Tặc Tè, đến nay đã có 60 hộ mới đến ở. Địa phương đang lên kế hoạch từ nay đến cuối năm di dời thêm 40 hộ dân sinh sống ở 5 vùng sạt lở trong xã đến sinh sống. Tương tự Nậm Lành, Bản Mù - xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, nơi có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống cũng có nhiều khởi sắc nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Con đường bê tông từ huyện lên xã đang dần hoàn thiện. Đường từ trung tâm xã  tới các thôn bản được nhân dân góp sức cải tạo, việc đi lại của bà con thuận lợi hơn rất nhiều. Thôn Khấu Ly hôm nay đã có hệ thống trường mầm non, tiểu học, THCS bán trú đón các em tới trường.

Theo chân Giàng A Vàng- trưởng thôn Khấu Ly, chúng tôi tới thăm gia đình ông Mùa A Thinh. Trong căn nhà gỗ có ba thế hệ cùng chung sống, ông Thinh tâm sự: “Nghe theo Đảng, mình cùng bà con trong thôn định cư ổn định. Nhà nước còn hỗ trợ đưa nước sạch đến tận nhà; cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật, bà con đã biết áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt. Vụ chiêm vừa rồi, nhà mình thu hoạch khá, vì thế đã đủ ăn cho 6 khẩu, cuộc sống đã tạm ổn định, không còn thiếu ăn như trước nữa”. Được biết, toàn thôn hiện có trên 60 hộ, bà con đều có đất ở, đất sản xuất, những hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở, cấp nước sinh hoạt, hiện giờ chỉ còn 20% số hộ là nghèo, không còn hộ đói.

Bí thư Đảng ủy xã Bản Mù - Giàng A Phông không giấu nổi niềm vui khi nói về việc chỉ đạo các đoàn thể trong xã vận động được 82 hộ dân ở các thôn: Tàng Gênh, Háng Chi Mua, Giàng La Pán di chuyển về khu dân cư tập trung thuộc cánh đồng Mảnh Tào, Nhà Thờ, Xáng Nhù, Háng Là và giờ đây cuộc sống của bà con đã ổn định, không du cư du canh. Xã đã vận động 51 hộ có nhiều đất chuyển nhượng trên 10 ha cho 46 hộ thiếu đất sản xuất; khai hoang 12 ha ruộng nước tạo thêm quỹ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số của xã…

Các nguồn lực đầu tư cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc đã dành phần lớn kinh phí để xây dựng hàng trăm mô hình khuyến nông, chuyển giao KHKT giúp các hộ nghèo sản xuất nâng cao đời sống và tiến tới sản xuất hàng hoá. Các mô hình định canh, định cư tiếp tục được củng cố, ổn định như vùng sản xuất chè xã Suối Giàng (Văn Chấn), xã Púng Luông (Mù Cang Chải), Phình Hồ (Trạm Tấu); vùng quế ở các xã vùng cao Văn Yên…

Khảo sát thực tế theo Đề án giải quyết đất sản xuất, đất ở, nhà ở và sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn giai đoạn 2004- 2006 toàn tỉnh còn 1.902 hộ thiếu đất ở và 4.251 hộ thiếu đất sản xuất.

Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh là không để  hộ dân thiếu đất ở, đất sản xuất, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm hạn chế tình trạng du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy và ổn định an ninh trật tự trên địa bàn. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo từ tỉnh đến huyện, xã; có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể các cấp để thực hiện quy hoạch, quản lý sử dụng đất nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Đồng bào Mông Mù Cang Chải khai hoang ruộng bậc thang để cấy lúa nước. (Ảnh: Đức Hồng)

Ông Nguyễn Hợp Đoàn - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: “Thực hiện chính sách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất ở nông thôn; quy hoạch quản lý bảo vệ rừng, khai hoang phục hoá tạo quỹ đất sản xuất, đất ở". Từ năm 2002 - 2011, các xã đã khai hoang được 155 ha đất ruộng nước cấp cho 1.353 hộ.

Văn Chấn cũng đã thực hiện tốt chính sách di dân định canh định cư bản Táng Khờ I xã Cát Thịnh, bố trí đất ở cho 45 hộ, mỗi hộ được sử dụng 300 m2; sắp xếp lại 14 điểm dân cư cho gần 700 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ra khỏi vùng nguy hiểm do thiên tai, sạt lở đất.

Để giải quyết những vấn đề này, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc miền núi đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011 -2015. Về phía địa phương cũng cần tập trung rà soát hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất để tiếp tục giải quyết với phương châm  những hộ thiếu đất thì cấp đủ đất gắn hỗ trợ làm nhà ở.

Những hộ thiếu đất sản xuất, các huyện còn quỹ đất tiếp tục khai hoang để có đất cho đồng bào sản xuất gắn với hỗ trợ hiệu quả sử dụng đất. Địa phương không còn quỹ đất sản xuất thì xây dựng đề án về phát triển ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ chăn nuôi, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, giao khoán quản lý, bảo vệ rừng…

Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ giúp  đồng bào vùng cao, dân tộc định cư, định canh ổn định, lâu dài; nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện đời sống.

Giai đoạn 2002 – 2011, toàn tỉnh có trên 205 hộ đã được bố trí đất ở với diện tích 58,72 ha theo chính sách di dân định canh định cư, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 300m2.  Bố trí đất sản xuất cho 11.073 hộ thiếu đất với diện tích 2.924 ha, bình quân mỗi hộ được sử dụng 1.150 m2 .

 Nguồn vốn giải quyết vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất được ưu tiên, tỉnh hỗ trợ 6 tỷ 837 triệu đồng khai hoang phục hoá 1.370 ha ruộng nước, tạo quỹ đất sản xuất cho 9.588 hộ.

Tính đến năm 2011, trên địa bàn 72 xã vùng cao đã cấp được 133.106 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, tổng diện tích 80.145 ha đạt 44% diện tích đất cần cấp. Tổng kinh phí thực hiện các chính sách về đất ở, đất sản xuất giai đoạn 2001- 2011 là trên 234 tỷ đồng.  

Quỳnh Nga

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục