Khuyến nông về xã
- Cập nhật: Thứ sáu, 31/8/2012 | 3:45:05 PM
YBĐT - Những nỗ lực của đội ngũ khuyến nông viên (KNV) đã giúp cho Trạm Tấu (Yên Bái) từ một địa phương hàng năm Nhà nước phải cấp từ 500 đến 700 tấn gạo cứu đói giáp hạt thì nay hầu như không còn phải lo chuyện đó nữa.
Mô hình sản xuất thử nghiệm giống lúa ĐS1 ở xã Hát Lừu thu được kết quả cao.
|
Sản lượng lương thực của Trạm Tấu hiện đạt khoảng hơn 17.000 tấn/năm và bình quân lương thực đạt trên 500 kg/người. Năm 2011, Trạm Tấu là đơn vị duy nhất được các huyện, thị, thành phố trong tỉnh suy tôn đề nghị tặng thưởng cờ thi đua của Chính phủ vì những thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội...
Khuyến nông viên Trạm Tấu "cầm tay chỉ việc" hướng dẫn đồng bào Mông trồng lúa nước.
Những ngày đầu gian nan
Đã tròn chục năm huyện Trạm Tấu thực hiện đưa cán bộ khuyến nông (KN) về cơ sở. Nhiều khuyến nông viên (KNV) có mặt ở thời điểm ban đầu không sao quên được những gian nan vất vả lúc bấy giờ. Tuy làm việc ở cơ sở nhưng quân số thuộc hợp đồng của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và hoạt động độc lập ở huyện. Tiền lương hợp đồng chẳng đáng là bao lại không được đóng bảo hiểm nên ai cũng cảm thấy tương lai của mình thật là mờ mịt.
Khi xuống cơ sở chủ yếu đi bộ vượt đèo dốc, ngôn ngữ bất đồng vì huyện có tới gần 80% là người Mông. Nhớ nhất cảnh đi về họp dân ở các thôn bản để triển khai nhiệm vụ, KNV có khi phải đi bộ nửa ngày đường mới đến rồi chờ dân đi làm về ăn tối đến chín, mười giờ đêm mới đến họp và họp đến tận một, hai giờ sáng.
Gặp hôm trời mưa coi như cuộc họp bất thành và phải ngủ lại nhà dân với giường chiếu đơn sơ, bụng cồn cào vì dân đói chẳng có gì mời khách. Buồn nhất là chuyện khi họp bà con rất lắng nghe nhưng về nhà lại quên hết mọi việc rồi lại phải tổ chức họp lại hoặc nếu có làm theo lời của KNV thì cũng chỉ làm cốt cho xong việc…Từ những khó khăn đó, không ít người tình nguyện lên đây làm KNV lúc đầu rất hào hứng nhưng rồi không chịu nổi gian khổ đã bỏ về.
Ông Phan Tuấn Ngọc - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Trạm Tấu tâm sự: "Rào cản lớn nhất là tâm lý bà con quen sống đơn giản, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và một phần lệ thuộc vào tự nhiên nên chưa thực sự chí thú làm ăn. Điều đó khiến cho những gì mà anh em KNV vận động đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ… mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình nhưng nhiều người lại coi đó là làm cho Nhà nước".
Bởi thế mới có chuyện khi Nhà nước đầu tư ngô giống, phân bón để làm mô hình, được KNV hướng dẫn cách làm nhưng dân lại mang phân đi bón cho cây khác. Ngô giống không trồng hoặc trồng thì có hốc thả tới mấy chục hạt và trồng mau chi chít…KNV có nhắc nhở thì bà con nói "chi pâu" bằng tiếng Mông, nghĩa là "không biết" nên chẳng thể trao đổi với nhau.
Chẳng cứ gì bà con mà làm thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã cũng không hề đơn giản. Khi KNV bàn với xã về công tác KN thì họ ủng hộ rất cao nhưng bắt tay vào thực tế thì nhiều nơi lại chểnh mảng và nói nhiều thì họ lẳng lặng, xúi giục nhau chây ỳ hoặc tỏ ý không tin tưởng.
Từ những bất cập này mới có chuyện khi huyện quyết tâm thí điểm tăng thêm vụ chiêm xuân trên cánh đồng Tàng Ghênh ở xã Xà Hồ và gia đình Bí thư Đảng ủy, cựu Bí thư Đảng ủy được chọn làm mô hình điểm, tất cả mọi việc từ làm đất, gieo cấy, chăm sóc hầu như đều do KNV làm tất. Đến khi cây lúa sắp được ăn thì Bí thư Đảng uỷ bừa bỏ vì lo không kịp lấy đất cấy vụ mùa. Riêng nhà cựu bí thư được KNV kịp thời vận động giữ lại thì vụ đó thắng lợi.
Từng bước thành công
Công tác KN ở Trạm Tấu chỉ thực sự thay đổi từ năm 2004 khi cơ quan KN thuộc sự quản lý của huyện. Từ sự quản lý này huyện mới có quyền giao nhiệm vụ trực tiếp cho KNV cơ sở. Trong đó, họ phải chịu trách nhiệm với huyện về các chỉ tiêu trong công tác KN; nắm bắt điều kiện thực tế ở địa phương mình phụ trách trồng và nuôi loại cây, con gì cho phù hợp; quy hoạch và lập kế hoạch sản xuất…Hơn nữa, tình trạng chung của cán bộ xã lúc đó trình độ văn hoá thấp, không có chuyên môn nên KNV còn được giao thêm nhiều nhiệm vụ khác, nhất là nhiệm vụ tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền xã về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
Điểm thuận lợi là KNV còn trụ lại và được giao nhiệm vụ ở cơ sở đều là những người tâm huyết với công việc, yên tâm công tác. Từ đó, họ chú ý học tiếng Mông để tạo sự hoà đồng với người dân; chú ý nắm bắt tâm lý của nhân dân và chịu khó bám sát cơ sở. Tất cả cùng suy nghĩ, những nơi trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu, nghèo đói thì ở nơi đó mới cần đến mình.
Nói về những thành tựu phát triển nông lâm nghiệp những năm qua, Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu - ông Vũ Quỳnh Khánh khẳng định: "KNV đã đưa được tiến bộ kỹ thuật đến với đồng bào vùng cao. Họ đã làm thay đổi hẳn nhận thức, tập quán canh tác lạc hậu của đại bộ phận dân số là người Mông và mang lại sự đổi mới đời sống kinh tế, diện mạo nông thôn vùng cao. KNV thực sự là cánh tay nối dài đưa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trở thành hiện thực ở cơ sở". |
Qua đó, đã hình thành được bộ cơ cấu giống lúa rất ưu việt, trong đó có giống lúa ĐSI. Cơ cấu giống ngô đã có bộ giống như: Bai-ô-xit 9698, C919, AG 59 sản xuất ổn định nhiều năm nay và nhiều giống ngô khác đang thể hiện tính thích ứng và hiệu quả cao như B21, NK430, NK66, DK9955, DKC619. Dân vùng cao từ chỗ sống lệ thuộc vào khai thác rừng tự nhiên thì nay đã chú ý đến trồng chè đặc sản hoặc trồng sơn tra, pơ mu xen rừng phòng hộ để khai thác giá trị kinh tế.
Với cách làm bằng cái tâm và tri thức, trước khi KN về xã, cả huyện chỉ có khoảng hơn 200 ha lúa xuân trồng ở xã Hát Lừu và một số xã như Trạm Tấu, Pá Hu; đến nay, nhờ KNV mạnh dạn làm điểm ở các xã nên diện tích lúa xuân đã tăng lên gần 1.000 ha và có đủ cơ sở khẳng định nơi nào chủ động được nước tưới thì nơi đó trồng được lúa xuân. Riêng xã Xà Hồ lúc đầu làm vụ xuân rất khó khăn nhưng nay đã có trên 180 lúa xuân.
Việc phát triển cây ngô trước đây cũng rất khó khăn vì dân không chịu trồng giống ngô mới mà chỉ trồng ngô nếp cũ để ăn nhưng nay mỗi năm cả huyện trồng trên 3.600 ha đều là ngô giống mới năng suất cao và trồng ngô hàng hoá. Cây ngô còn rút ngắn diện tích 1.200 ha lúa nương vốn kém hiệu quả xuống còn 500 ha và hạn chế dân xâm phạm đất rừng đặc dụng để canh tác.
KNV còn tích cực đưa tiến bộ kỹ thuật tác động mạnh vào chăn nuôi gia súc gia cầm nên từ tập quán thả rông trâu, bò thì dân đã trồng hàng trăm ha cỏ voi, cỏ VA06, cỏ Guatemala, cỏ Mắc rạc làm thức ăn chăn nuôi. Mùa đông, người dân vùng cao đã biết tích trữ rơm rạ để bổ sung thức ăn cho trâu, bò và che chắn chuồng trại chống rét...
Nói về những thành tựu phát triển nông lâm nghiệp những năm qua, Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu - ông Vũ Quỳnh Khánh khẳng định: "KNV đã đưa được tiến bộ kỹ thuật đến với đồng bào vùng cao. Họ đã làm thay đổi hẳn nhận thức, tập quán canh tác lạc hậu của đại bộ phận dân số là người Mông và mang lại sự đổi mới đời sống kinh tế, diện mạo nông thôn vùng cao. KNV thực sự là cánh tay nối dài đưa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trở thành hiện thực ở cơ sở".
Nhiều KNV đã thể hiện tinh thần lao động rất đáng trân trọng như Nguyễn Đức Vĩ, Nguyễn Thị Huyền, Trần Thị Phương Lan… quê ở thành phố Yên Bái; Lò Văn Đương, người Thái ở xã Hát Lừu. Đi cùng cán bộ KN về xã mới thấy bao chuyện thật cảm động. KNV Đinh Văn Cường quê ở Trấn Yên có công đưa Tà Xi Láng thành xã có diện tích ngô lớn nhất huyện. Riêng thôn Làng Mảnh có 80 hộ thì có tới 160 ha ngô chủ yếu trồng 2 vụ và trước đây hầu hết là hộ đói thì nay chỉ còn 24.
Anh Cường nói vui: "Trước xuống thôn có khi phải nhịn đói nhưng nay không ở lại ăn cỗ thì dân không cho về". KNV Nguyễn Văn Tuân cũng quê ở thành phố Yên Bái phụ trách xã Bản Mù được các đảng viên bản Mù Cao tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ. Huyện muốn luân chuyển Tuân đến phụ trách ở vùng khác thì dân trong xã không chịu cho đi...
Trạm Tấu đã có nhiều chính sách động viên, giúp đỡ KNV như bố trí những trường hợp có vợ hoặc chồng làm giáo viên về cùng một xã cho thuận lợi công tác cả đôi bên. Xã nào thực hiện tốt các chỉ tiêu sản xuất và KN thì được thưởng rất cao. 11 KNV ở cơ sở đã có 8 người được kết nạp Đảng, một số đang bồi dưỡng phát triển Đảng và được tạo điều kiện đi học nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Người giàu thành tích trong công việc, năng nổ xây dựng địa phương như KNV Hà Sông Thao phụ trách xã Trạm Tấu đã được đề bạt Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện…
Với những chính sách khuyến khích này, chắc chắn hoạt động KN ở Trạm Tấu sẽ còn đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội ở vùng cao.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Gần 70 tuổi đời, hơn 40 năm tuổi Đảng, ông Lập tự hào cả đời mình đã một lòng trung kiên theo Đảng, sắt son với lý tưởng của người chiến sỹ cộng sản...
YBĐT - Dạy nghề, tạo việc làm trong nước và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đây là giải pháp quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm nhằm xoá đói giảm nghèo cho thanh niên từ thành thị đến nông thôn.
YBĐT - Nà Hẩu với tôi, chẳng lạ gì. Nhiều năm trước, tôi đã từng xách dép, đeo máy ảnh, tướt mồ hôi, cứ chân trần vượt dốc Ba Khuy rậm rì cây lá và ngọt nức tiếng chim hót, cứ chân trần lội xuyên rừng già lầy thụt, vào Nà Hẩu. Bây giờ khác xưa rồi!...
YBĐT - Là thôn trung tâm của xã Đại Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái) có đường giao thông thuận lợi, có các điểm trường, trạm y tế, các dịch vụ kinh doanh, hàng hoá và chợ đầu mối..., ấy vậy mà Làng Vầu vẫn nghèo hơn nhiều so với các thôn khác của xã.