Chờ tái định cư “đi dở, ở không xong”

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/9/2012 | 8:42:55 AM

YBĐT - Dù đã 2 năm trôi qua, khu tái định cư của dự án vẫn chỉ nằm trên giấy nên những người dân trong diện thu hồi đất như gia đình anh Thăng vẫn phải ở trong cảnh tạm bợ, không biết khi nào mới có đất tái định cư để ổn định cuộc sống.

Bao giờ hơn 20 hộ dân nằm trong diện di chuyển chỗ ở mới có khu tái định cư như những hộ thuộc diện bố trí nơi ở mới của dự án Bệnh viện Đa khoa 500 giường?
Bao giờ hơn 20 hộ dân nằm trong diện di chuyển chỗ ở mới có khu tái định cư như những hộ thuộc diện bố trí nơi ở mới của dự án Bệnh viện Đa khoa 500 giường?

Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái) có 5 công trình cần giải phóng mặt bằng thu hồi đất, gồm Bệnh viện đa khoa 500 giường, Bệnh viện Lao phổi, Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái, công trình đường tránh ngập và dự án nâng cấp tuyến quốc lộ 32C. Trong đó, công trình Bệnh viện Đa khoa 500 giường, Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái và Bệnh viện Lao phổi đều nằm trên địa bàn thôn 1.

Tuy nhiên, đến thời điểm này hai công trình Trường Cao đẳng Y tế và Bệnh viện Lao phổi vẫn chưa xây dựng khu vực tái định cư (TĐC), chính điều này đã gây rất nhiều khó khăn đến cuộc sống của những người dân trong diện thu hồi nhà cửa của hai dự án trên.

Mòn mỏi đợi nơi ở mới...

Những ngày này, gia đình anh Hà Đình Thăng, 1 trong 12 hộ gia đình phải di chuyển chỗ ở của công trình Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái đang lo lắng, đứng ngồi không yên vì không biết gia đình mình sẽ sinh sống như thế nào trong những ngày tới.

Thực hiện chủ trương xây dựng Bệnh viện Đa khoa 500 giường, Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái và Bệnh viện Lao phổi nên nhà anh và 111 hộ gia đình khác của thôn 1, xã Phúc Lộc đã chấp hành đúng các quy định trong  thu hồi đất phục vụ cho các công trình xây dựng. Gia đình anh cũng đã nhận hơn 600 triệu đồng tiền bồi thường cho gần 20.000m2 diện tích đất ở, đất đồi rừng và đất lúa phải thu hồi phục vụ cho các dự án.

Tuy nhiên vì khu vực bếp, công trình phụ, chuồng trại và vườn ao của gia đình nằm trong diện tích phải giải phóng mặt bằng của dự án Bệnh viện Đa khoa 500 giường còn ngôi nhà ngang lại nằm ở diện tích thu hồi phục vụ xây dựng Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái nên hiện tại cả gia đình anh đang dở khóc dở cười khi dự án Bệnh viện Đa khoa 500 giường yêu cầu gia đình bàn giao mặt bằng cho dự án. Nếu công trình trên tiến hành san gạt đất, thi công mặt bằng trong diện tích thu hồi thì ngôi nhà ngang của gia đình anh bị đất sạt vào là chuyện không tránh khỏi.

Mặc dù nằm trong diện được hỗ trợ TĐC của dự án xây dựng Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái nhưng đến nay dù đã 2 năm trôi qua, khu TĐC của dự án vẫn chỉ nằm trên giấy nên những người dân trong diện thu hồi đất như gia đình anh vẫn phải ở trong cảnh tạm bợ, không biết khi nào mới có đất TĐC để ổn định cuộc sống.

Anh Hà Đình Thăng cho hay: Năm 2010, dự án Bệnh viện Đa khoa 500 giường và dự án Trường Cao đẳng Y tế được triển khai tại thôn 1. Khi thu hồi đất thì chúng tôi là người dân cũng chấp hành giao đất, giao rừng, giao ruộng, giao nhà cho cơ quan quản lý. Đến nay đã sang năm 2012 nhưng vẫn chưa có khu TĐC cho dân chúng tôi ở. Vườn tược, rừng đồi, ao cá, chúng tôi bỏ không vì không biết khi nào chủ đầu tư thu hồi mặt bằng.

Trong khi đó, nhà tôi lại nằm giữa hai dự án nên nếu bây giờ mà dự án Bệnh viện 500 giường san gạt mặt bằng thì thật sự gia đình tôi cũng không biết ở đâu. Cuộc sống của chúng tôi bây giờ thật sự rất khó khăn khi không thể sản xuất gì được mà chỗ ở mới chưa biết bao giờ mới có nên chúng tôi rất mong các cấp chính quyền và chủ đầu tư sớm giải quyết cho chúng tôi - anh Thắng cho biết thêm.

 

Ông Hà Kim Chuông - một trong 12 hộ dân nằm trong diện tái định cư của Dự án Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái đang buồn bã nhìn ao cá mỗi năm cho thu nhập trên 20 triệu đồng bị bỏ không 2 năm nay vì chủ đầu tư chưa thu hồi mặt bằng.

Chia tay gia đình anh Hà Đình Thăng, chúng tôi đến thăm gia đình ông Phùng Xuân Thành. Cũng giống như gia đình anh Thăng, ông Thành cho biết nhà ông cũng đang thấp thỏm không biết bao giờ mới có TĐC để xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống. Gia đình ông bị thu hồi 6.000m2 diện tích đất đồi rừng, ao cá, đất nông nghiệp để phục vụ cho công trình xây dựng Bệnh viện Lao phổi.

Điều đáng nói, dù gia đình ông đã nhận tiền bồi thường nhưng vẫn chưa được chủ đầu tư công trình trên bàn giao nền đất TĐC khiến gia đình ông rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi vườn tược, ao cá, đất lúa thì bỏ hoang không chăn nuôi trồng trọt được vì không biết khi nào phải hoàn trả mặt bằng cho công trình.

“Tái mặt” vì tái định cư

Thôn 1 là thôn có nhiều công trình cần giải phóng mặt bằng thu hồi đất nhất của xã Phúc Lộc nói riêng và thành phố Yên Bái nói chung. Đã có 112 hộ gia đình trên địa bàn thôn 1 bị thu hồi gần 345.000m2 đất ở, đất ruộng và đất lâm nghiệp để phục vụ cho các công trình trên.

Đáng lưu ý là đến nay mới chỉ có dự án Bệnh viện Đa khoa 500 giường là bố trí TĐC cho 8 hộ phải di chuyển nhà ở. Còn lại 22 hộ nằm trong diện TĐC của công trình xây dựng Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái và Bệnh viện Lao phổi vẫn chưa được bố trí khu vực TĐC. Điều này không những gây khó khăn đến cuộc sống của những người dân trong diện thu hồi đất của hai dự án trên mà còn gây ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân sinh sống trong khu TĐC của công trình Bệnh viện Đa khoa 500 giường.

Trong thiết kế đồng bộ toàn diện của khu TĐC trên thì ngay phía sau dãy TĐC của công trình Bệnh viện Đa khoa 500 giường là khu đất phân lô TĐC của công trình Bệnh viện Lao phổi. Nhưng, do đến thời điểm này công trình Bệnh viện Lao phổi vẫn chưa triển khai thi công khu TĐC nên đã xảy ra tình trạng một bên là dãy nhà của khu TĐC và một bên là taluy âm cao từ 10 - 20m thường xuyên sạt lở vào những khi mưa bão gây rạn nứt tường và có nguy cơ sụt lún nhà của một số hộ sinh sống trong khu Bệnh viện Đa khoa 500 giường.

 

Khu vực phía sau của khu tái định cư Bệnh viện Đa khoa 500 giường bị sạt lở sau mỗi trận mưa to do ta luy âm quá cao.

Bao giờ thôn 1 có quỹ đất TĐC?

Gia đình anh Thăng, gia đình ông Thành và 20 hộ gia đình khác của thôn 1, xã Phúc Lộc nằm trong hai dự án trên vẫn đang mòn mỏi chờ đợi được bố trí TĐC trong khi tiền đền bù thì ngày càng cạn do người dân không thể phát triển sản xuất chăn nuôi vì chủ đầu tư dự án có thể thu hồi đất bất cứ lúc nào. Cấp ủy, chính quyền xã, thôn sau khi vận động người dân chấp hành đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước về giải phóng mặt bằng giờ lại tiếp tục lo lắng cho những hộ dân trong diện thu hồi đất của hai dự án xây dựng Bệnh viện Lao phổi và Trường Cao đẳng Y tế vẫn đang chờ quỹ đất TĐC vì không biết bao giờ khu TĐC của hai dự án kia mới được triển khai.

Ông Nguyễn Văn Giáp - Chủ tịch UBND xã Phúc Lộc cho biết: “Người dân trong diện TĐC kiến nghị rất nhiều về địa phương. Đảng ủy, chính quyền xã cũng đã làm việc với các dự án, và có ý kiến với chủ đầu tư đề nghị với tỉnh, thành phố xem xét bố trí quỹ đất TĐC. Xã Phúc Lộc cũng đã làm văn bản kiến nghị lên tỉnh, thành phố và làm việc với chủ đầu tư đề nghị sớm thi công khu tái định cư để các hộ dân trong diện giải tỏa nhanh chóng ổn định cuộc sống”.

Theo quy định trong giải phóng mặt bằng thì các khu TĐC phải xây dựng trước khi thu hồi đất của dân và phải đảm bảo cơ sở hạ tầng đồng bộ đủ điều kiện cho người sử dụng tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Trong phương án tổng thể các dự án trước khi triển khai đều phải xây dựng phương án hỗ trợ TĐC. Song, trên thực tế hiện nay người dân thôn 1 xã Phúc Lộc vẫn đang mỏi mòn đợi TĐC mà mọi việc vẫn cứ dậm chân tại chỗ. Dự án TĐC vẫn đang nằm trên giấy còn chủ đầu tư cũng thực sự chưa biết khi nào mới triển khai thi công.

Theo ông Lương Bá Phú - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái - chủ đầu tư công trình Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái thì “lý do nhân dân thôn 1 xã Phúc Lộc chưa có khu TĐC là do những công trình chưa khởi công sẽ chưa được triển khai theo Nghị định 11 về cắt giảm đầu tư của Chính phủ. Vì thế mặc dù nhân dân thôn 1 đã nhận tiền đền bù cho việc di dời nhưng chưa có TĐC vì tỉnh chưa bố trí kinh phí. Là đơn vị chủ đầu tư, chúng tôi cũng đã có các văn bản báo cáo với UBND tỉnh cùng Sở kế hoạch Đầu tư và làm việc với chính quyền, nhân dân xã Phúc Lộc. Tất cả mọi người đều nắm được cái lý do tại sao chủ đầu tư chưa bố trí TĐC được. Có lẽ trong thời gian ngắn được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh thì việc bố trí TĐC sẽ sớm được triển khai”.

Để đảm bảo công bằng cho những người dân chấp hành đúng chủ trương của Nhà nước về giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư các dự án xây dựng Trường Cao đẳng Y tế và Bệnh viện Lao phổi cần đẩy nhanh quá trình thi công bố trí TĐC để người dân không còn phải mỏi mòn trong nỗi lo âu, chờ đợi. Bởi nếu chủ đầu tư còn chưa giao nền đất cho người trong diện bố trí TĐC thì người  dân thôn 1, xã Phúc Lộc càng không thể biết sự bế tắc sẽ kéo dài bao lâu vì không thể phát triển sản xuất chăn nuôi, đi cũng dở mà ở thì cũng không xong.

Liên Anh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục