Trăm dâu đổ đầu... người chăn nuôi
- Cập nhật: Thứ hai, 10/9/2012 | 2:58:40 PM
YBĐT - Các cụ xưa vẫn nói “Nuôi lợn ăn cơm nằm” nhưng có lẽ giờ đây sau những cơn bão dịch bệnh, sự leo thang của giá thức ăn cùng những biến động của thị trường khiến người chăn nuôi phải đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Dịch bệnh tai xanh khiến người chăn nuôi lao đao.
|
Kẻ khóc, người cười
Theo báo cáo của Chi cục Thú y, dịch bệnh tai xanh ở lợn xảy ra hồi đầu năm đã khiến 5.757 con mắc bệnh, chết 3.423 con, tiêu hủy 3.020 con tương đương 84.168 kg. Cùng với đó, trên 1.600 hộ chăn nuôi, trong đó đa phần là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng bị dịch tai xanh làm cho điêu đứng, ước thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.
Đến bây giờ, mỗi khi nhìn vào dãy chuồng lợn phía sau nhà, ông Đồng Văn Ngọc, thôn Bản Mới, xã Hạnh Sơn (Văn Chấn) vẫn không khỏi ngậm ngùi bởi đợt dịch tai xanh đầu năm đã cướp đi của ông gần 30 con lợn trị giá vài chục triệu đồng. Với vẻ mặt tiếc nuối, ông Ngọc cho biết: “Nguồn thu nhập chính của gia đình tôi là từ chăn nuôi lợn. Thế mà dịch bệnh bỗng ào đến cướp đi toàn bộ vốn liếng của gia đình”.
Không chỉ điêu đứng vì dịch bệnh, theo tính toán của người chăn nuôi, với giá lợn hơi cũng như sự tăng giá của chi phí đầu vào thì việc đầu tư nuôi lợn hiện nay gần như không có lãi.
Trong khi giá lợn hơi tụt dốc thì giá thịt lợn tại các chợ vẫn không hề giảm.
Ông Lê Cao Vy, một trong những hộ chăn nuôi lợn siêu nạc ở xã An Bình (Văn Yên) cho biết: “Tổng chi phí bình quân mỗi con lợn siêu nạc 100kg hết khoảng 3,4 triệu đồng, trong khi giá lợn hơi hiện nay mới chỉ gần 40 nghìn đồng/kg. Nếu tính thêm các chi phí thuốc men, công lao động thì cùng lắm là hòa vốn”.
Một nghịch lý dường như đã tồn tại rất lâu, đó là trong khi người nuôi lợn liên tục phải đối mặt với dịch bệnh, sự leo thang của các loại thức ăn chăn nuôi và những biến động của thị trường thì những thương lái, không mất công sớm hôm chăm sóc, chẳng phải bỏ tiền đầu tư, lại tránh bị thiệt hại do dịch bệnh... vẫn sống “khỏe”, hưởng lợi từ thị trường lợn. Theo ông K, một tiểu thương kinh doanh lợn tại khu vực chợ km6 (thành phố Yên Bái), mỗi con lợn sau khi giết mổ và đến tay người tiêu dùng, thương lái có thể bỏ túi vài trăm nghìn đồng.
Chị Tạ Thị Mai, thôn Thanh Hùng 1 xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái) cho biết: “Lợi dụng khó khăn của người chăn nuôi, thương lái còn thường xuyên thao túng thị trường, làm giá, ép giá mỗi khi có dịch bệnh. Giá thấp, nhiều khi lợn đến thời điểm xuất chuồng nhưng không thể giữ lại. Nếu không, chi phí thức ăn vẫn phải bỏ ra mà lợn thì không tăng trưởng được nữa. Tính ra, còn lỗ hơn khi bán tháo cho thương lái”.
Còn nhớ cách đây hơn 1 năm, khi mà giá lợn hơi tăng đột biến, có thời điểm lên đến 60 nghìn đồng/ kg, người nuôi lợn như gặp thời, gặp vận khi mỗi con lợn xuất chuồng có lãi từ vài trăm đến 1 triệu đồng. Khi đó, giá lợn thịt bị đẩy lên trên 100 nghìn đồng/kg. Thế nhưng liên tiếp trong thời gian gần đây, giá thịt lợn hơi xuất chuồng liên tục giảm, trong khi đó giá bán thịt bán lẻ tại các chợ bán lẻ trên địa bàn vẫn gần như đứng giá.
Theo khảo sát của chúng tôi, giá lợn thịt hiện nay dao động từ 70-100 nghìn đồng/kg tùy vào từng loại thịt, trong khi đó giá lợn hơi lại bị ép xuống thấp chỉ từ 30-36 nghìn đồng/kg. Như vậy, sau khi qua nấc trung gian, giá lợn thịt đã bị thổi lên gấp 2-3 lần giá mua tại chuồng. Hậu quả: người nuôi lợn héo mòn vì thua lỗ, người tiêu dùng phải chịu mua thịt giá cao ngất ngưởng còn các thương lái cứ thản nhiên thu tiền.
Giải pháp nào cho người chăn nuôi ?
Sau những tác động của dịch bệnh, để giúp người dân tái đàn, tỉnh Yên Bái đã thực hiện nhiều giải pháp để khôi phục lại đàn lợn như: hỗ trợ 22 nghìn đồng/kg cho các chủ cơ sở, hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy trong vùng dịch; hỗ trợ 2 triệu đồng/ 1 con lợn nái đối với hộ chăn nuôi có lợn nái bị thiệt hại do dịch tai xanh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã bổ sung kinh phí hỗ trợ xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn nái, lợn thịt với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/cơ sở nuôi lợn nái qui mô 10 con và lợn thịt qui mô từ 50 con trở lên. Cùng với đó là các lớp tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học và các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi…
Với những giải pháp tích cực trên, việc tái đàn, khôi phục chăn nuôi sau dịch bệnh đang có những dấu hiệu tốt, nhiều hộ dân tích cực đăng ký xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, về lâu dài, để chăn nuôi phát triển bền vững thì những người nuôi lợn, đặc biệt là các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ phải nâng cao nhận thức trong việc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi.
Theo đó, mỗi người dân cần phải tuân thủ chặt chẽ các qui định về phòng, chống dịch bệnh từ khi nhập đàn, theo dõi đến khi xuất chuồng. Phải thường xuyên tìm hiểu, tham gia các lớp tập huấn về thú y để có các kiến thức cơ bản về phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi; khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh cần báo ngay cho cán bộ thú y…
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, các hộ dân có thể kết hợp nuôi thêm lợn nái vừa đảm bảo an toàn lại giảm chi phí đầu tư; hạn chế sử dụng lợn giống địa phương và thay thế bằng các loại giống ngoại, giống lai cho hiệu quả cao… Cùng với đó những người chăn nuôi cũng có thể tự liên kết lại với nhau thành các nhóm, hội để dễ dàng quản lý sản xuất, tìm kiếm thị trường và hạn chế những rủi ro từ dịch bệnh cũng như sự bấp bênh của thị trường.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Sạt lở đất đã để lại những hậu quả nghiêm trọng và vùng cao Mù Cang Chải, mặc dù đã vào mùa mưa nhưng tiến độ di dân ra khỏi nơi có nguy cơ sạt lở đất diễn ra khá chậm và người dân tiếp tục sống cùng hiểm họa.
YBĐT - Làm sao đưa bà con trong thôn thoát nghèo luôn là bài toán khó đã được lãnh đạo thôn Khe Lóng 3 và xã xã Mỏ Vàng nhiều lần họp bàn và cuối cùng đi đến thống nhất: lãnh đạo xã cùng thôn đã đến từng nhà vận động bà con khai hoang ruộng nước.
YBĐT - Có nhà để “an cư” rồi, loay hoay để tìm cuộc sống mới là tình trạng chung của người nông dân. Với những hộ mất một phần đất đai, lựa chọn chính vẫn là sản xuất nông lâm nghiệp, còn đối với người mất hết tư liệu sản xuất chủ động chuyển đổi ngành nghề từ làm nông dân sang làm thuê tự do.
YBĐT - Những nỗ lực của đội ngũ khuyến nông viên (KNV) đã giúp cho Trạm Tấu (Yên Bái) từ một địa phương hàng năm Nhà nước phải cấp từ 500 đến 700 tấn gạo cứu đói giáp hạt thì nay hầu như không còn phải lo chuyện đó nữa.