Di dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở đất ở Mù Cang Chải: Khó khăn và giải pháp
- Cập nhật: Thứ tư, 5/9/2012 | 2:56:39 PM
YBĐT - Sạt lở đất đã để lại những hậu quả nghiêm trọng và vùng cao Mù Cang Chải, mặc dù đã vào mùa mưa nhưng tiến độ di dân ra khỏi nơi có nguy cơ sạt lở đất diễn ra khá chậm và người dân tiếp tục sống cùng hiểm họa.
Điểm trường Tà Chí Cao đã được người dân trong thôn, trong xã dựng lên trên nền đất an toàn.
|
Sống cùng hiểm họa
Cũng giống như các bản làng khác ở huyện Mù Cang Chải, những ngôi nhà của đồng bào Mông ở bản Tà Chí Cao của xã Nậm Có cheo leo giữa lưng núi. Đường lên Tà Chí Cao chỉ chừng 2-3 cây số nhưng tiện hơn cho việc cuốc bộ. Hơn nửa giờ ngược núi, chúng tôi cùng mấy anh cán bộ xã cũng lên tới nơi ở của 31 hộ dân.
Ở trên cao, đồng bào phải chọn nơi gần những khe nước để tiện cho sinh hoạt và trồng cấy, thế nên tìm được chỗ đất như thế cũng rất hiếm. Chỗ tập trung nhất của bản có 17 hộ lại đang trong diện phải di dời bởi hiểm họa đang rình rập từ một vết nứt rộng chừng 20 - 30 cm, dài gần 70m ở ngang quả đồi được phát hiện từ năm 2010.
Ngôi nhà gỗ của ông Chang Bla Tồng được dựng lên khá kiên cố cách đây trên chục năm giờ cũng nằm trong số sẽ phải chuyển đi. Đứng dưới trái nhà nhìn lên, ông Tồng lo lắng: "Ở đây sợ lắm, mình cũng sẽ dọn đi thôi, nhưng giờ đang mùa mưa chuyển nhà rất vất vả. Nhà thì nghèo quá mà chuyển nhà cũng phải có ít tiền để chi phí chưa biết lấy ở đâu”.
Không riêng ông Tồng mà trong số 17 hộ có 9 hộ đồng ý sẽ chuyển ngay, nhưng đến cuối tháng 7 mới có 2 hộ và điểm trường tiểu học của thôn chuyển đến nơi an toàn. Những hộ còn lại cho rằng mình còn ở xa nơi nguy cơ sạt lở, có hộ còn tiếc mảnh đất có cây trồng đang cho thu hoạch, nên cứ nấn ná chờ sang mùa khô hoặc có hộ còn chưa có đất để chuyển đến…
Được biết, huyện Mù Cang Chải hiện có 37 hộ với 226 khẩu được yêu cầu di chuyển khẩn cấp ở các xã La Pán Tẩn, Cao Phạ và Nậm Có. Nguy cơ sạt lở đất ở Nậm Có không chỉ đe dọa cuộc sống của các hộ dân ở Tà Chí Cao mà còn đe dọa 12 hộ khác ở Tu San, Thào Xa Chải và Mú Cái Hồ.
Không chỉ dừng lại con số 37 hộ của 3 xã, trên cơ sở báo cáo của các địa phương và qua kiểm tra thực địa, UBND huyện đã liệt kê một danh sách gồm 208 hộ với 1.125 nhân khẩu ở 10 xã trong huyện đều thuộc diện phải di dời khỏi nơi có nguy cơ sạt lở đất.
Trăn trở với những khó khăn
Chúng tôi đã cùng Phó chủ tịch UBND xã Nậm Có - Hàng A Thào đi "tìm đất" cho người dân ở tập trung nhưng rồi chẳng chỗ nào hơn được mảnh đất lúa nương đã qua nhiều năm canh tác.
Ông Thào cho biết: "Xã dự định đưa các hộ về đây vì tiện đường đi lại nhưng chỗ này cũng chỉ có thể bố trí được chục hộ thôi. Đất này đã có chủ nên việc thu hồi làm đất ở cũng phải tính toán, khó khăn nhất là làm sao đồng bào về đây phải có nguồn nước sinh hoạt". Chưa biết phải xử lý nguồn nước thế nào nhưng chí ít cũng còn tìm được mảnh đất để người dân đến cư trú an toàn.
Thật nan giải với một địa bàn có nhiều núi cao, khe sâu, địa hình bị chia cắt mạnh như ở Nậm Có nói riêng, huyện Mù Cang Chải nói chung thì bài toán về đất ở khó có thể giải quyết một sớm một chiều. Nếu đưa người dân vào dọc các khe suối ở cho tiện nguồn nước thì nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất vào mùa mưa là khó tránh khỏi. Còn để có mặt bằng tốt hoặc tiện đi lại thì cần có sự đầu tư rất lớn về vốn và thời gian cho xây dựng các công trình thủy lợi.
Ông Giàng A Của - Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha trăn trở bởi danh sách 23 hộ phải di dời: “Không còn chỗ để ở, chỗ làm nhà được thì đã có chủ rồi. Ở xã tôi muốn có một cái nền nhà thì rẻ cũng phải mất hơn chục triệu đồng nhưng các hộ phải di dời lại có hoàn cảnh quá khó khăn”.
Rõ ràng với tỷ lệ hộ nghèo như ở huyện nghèo nhất cả nước như Mù Cang Chải thì các hộ dân cũng mới chỉ ở mức đủ ăn. Họ hoàn toàn trông chờ vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước, ngay kể cả việc đảm bảo an toàn cho ngôi nhà và tính mạng của mỗi gia đình.
Tháng 3/2012, UBND huyện đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan bố trí kinh phí hỗ trợ cho trên 200 hộ dân theo Quyết định 193/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ nhưng đề nghị đó bao giờ thành hiện thực thì lại là cả một quá trình.
Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai huyện Mù Cang Chải - ông Nguyễn Thành Nho trao đổi: “Với quyết tâm không để người dân nào bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra, UBND huyện đã kịp thời hỗ trợ trên 300 triệu đồng để di dời 37 hộ dân ở ba xã Nậm Có, Cao Phạ và La Pán Tẩn. Huyện Mù Cang Chải đề nghị UBND tỉnh sớm bố trí nguồn kinh phí theo Quyết định 193 kịp thời di chuyển trên 200 hộ đang nằm ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao tránh thiệt hại về người và tài sản của nhân dân” - Đó là sự cố gắng quá lớn rồi. Huyện đã khắc phục tình trạng không thể bố trí khu dân cư mới bằng cách yêu cầu các địa phương vận động bà con chuyển đến ở xen tại các thôn bản khác.
Các hộ dân này sẽ chuyển đi nhanh hơn nếu Nhà nước ứng trước tiền hỗ trợ, chứ không chờ nghiệm thu các ngôi nhà di dời.
Cần có giải pháp mạnh
Chủ trương, giải pháp là thế nhưng mới qua đợt mưa cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua, toàn huyện đã có gần 20 ngôi nhà bị ảnh hưởng do sạt ta luy, trong đó 10 nhà ở Lao Chải và Chế Cu Nha không thể ở được. Ngoài 37 hộ buộc phải di dời, đã phát sinh thêm 25 hộ ở Hồ Bốn, Lao Chải, Púng Luông và La Pán Tẩn và đã có người chết do đất sạt.
Hậu quả đã rõ và với những gì đang diễn ra trong việc di dời dân ở nơi có nguy cơ sạt lở đất đòi hỏi phải thực hiện tích cực hơn nữa, đặc biệt là việc khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính quyền và Nhà nước trong việc phòng chống thiên tai.
Không thể để người dân chờ hết mùa mưa mới di chuyển như ở Nậm Có. Đã đến lúc chính quyền từ huyện đến cơ sở ở Mù Cang Chải phải thực hiện cưỡng chế di dời, tăng cường vận động những hộ dân ở các địa bàn an toàn nhường một phần đất ở để hộ dân ở nơi khác đến cư trú giống như gia đình Giàng A Dình và Thào A Sa ở Tà Chí Cao hiến đất cho lớp học của thôn.
Lãnh đạo các địa phương phải sâu sát hơn để rà soát những nguy cơ mới phát sinh trong mấy trận mưa bão vừa qua, huy động các đoàn thể và cộng đồng dân cư tập trung giúp các hộ nhanh chóng ổn định nơi ở mới. Về hỗ trợ, nên chăng thực hiện việc hỗ trợ trước cho nhân dân để vừa mang tính động viên, vừa để người dân có nguồn chi tiêu, nếu chờ chuyển xong mới nghiệm thu hỗ trợ sẽ không tạo được động lực cho người dân.
Bỏ lại mảnh đất người dân đã quen sống, nhất là ở đó họ đang trồng cấy và đủ ăn là điều không đơn giản. Ở Tà Chí Cao cũng thế, 17 nóc nhà đang định cư thanh bình nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Người dân đã được dùng điện lưới quốc gia, nhiều hộ đã có máy thu hình, có xe máy.
Đường đi khó khăn nhưng cũng có 150 m đường bê tông bằng vốn của Chính phủ, điểm trường tiểu học được dựng lên cách đây hàng chục năm, đã có 2 hộ di dời khỏi mảnh đất hiểm họa đó. Rồi nhà Lý Cáng Khu ở Pú Nhu xã La Pán Tẩn cũng đã chuyển đến nơi an toàn, 4/6 hộ ở Chống Tông Khúa ở Cao Phạ đã đến nơi ở mới. Vì vậy, không có lý do gì để người dân chậm trễ hơn nữa, bởi hậu quả từ hiểm họa sẽ khôn lường dù đã được báo trước và việc khắc phục hậu quả mới là vấn đề nan giải đối với chính quyền và người dân nơi đây.
Quang Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Làm sao đưa bà con trong thôn thoát nghèo luôn là bài toán khó đã được lãnh đạo thôn Khe Lóng 3 và xã xã Mỏ Vàng nhiều lần họp bàn và cuối cùng đi đến thống nhất: lãnh đạo xã cùng thôn đã đến từng nhà vận động bà con khai hoang ruộng nước.
YBĐT - Có nhà để “an cư” rồi, loay hoay để tìm cuộc sống mới là tình trạng chung của người nông dân. Với những hộ mất một phần đất đai, lựa chọn chính vẫn là sản xuất nông lâm nghiệp, còn đối với người mất hết tư liệu sản xuất chủ động chuyển đổi ngành nghề từ làm nông dân sang làm thuê tự do.
YBĐT - Những nỗ lực của đội ngũ khuyến nông viên (KNV) đã giúp cho Trạm Tấu (Yên Bái) từ một địa phương hàng năm Nhà nước phải cấp từ 500 đến 700 tấn gạo cứu đói giáp hạt thì nay hầu như không còn phải lo chuyện đó nữa.
YBĐT - Gần 70 tuổi đời, hơn 40 năm tuổi Đảng, ông Lập tự hào cả đời mình đã một lòng trung kiên theo Đảng, sắt son với lý tưởng của người chiến sỹ cộng sản...