Vượt khó đưa trẻ đến trường

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/12/2012 | 9:33:26 AM

YBĐT - Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015 được ví như luồng gió mới đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở huyện Trạm Tấu. Đến nay, Trạm Tấu đã có 4 đơn vị đạt chuẩn giáo dục mầm non, gồm các: xã Trạm Tấu, Hát Lừu, Bản Công và thị trấn Trạm Tấu.

Học sinh người Mông xã Pá Lau trong giờ học.
Học sinh người Mông xã Pá Lau trong giờ học.

Bởi lẽ, huyện chủ yếu là đồng bào Mông, đời sống kinh tế, xã hội còn rất khó khăn nên việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo ở đây nhiều năm qua luôn gặp trở ngại lớn, một trong những nguyên nhân chính là nhiều trẻ em ở độ tuổi mầm non chưa được ra lớp.

Không ít thầy cô dạy tiểu học ở Trạm Tấu trước đây tâm sự rằng, thiệt thòi lớn nhất là nhiều trẻ em ở vùng này chưa được đến với các lớp học mầm non. Đến khi vào học tiểu học, các em phần thì không thạo tiếng phổ thông, không được làm quen với chữ viết, làm Toán, phần e dè, nhút nhát nên dù có chăm ngoan đến đâu, thầy cô có cố gắng đến mấy thì việc tiếp cận kiến thức của các em vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Khi các em đã không bảo đảm kiến thức thì việc học tiếp từ tiểu học lên các bậc học cao hơn càng gặp trở ngại. Không ít em vì thấy học khó mà chán học, bỏ học. Tình trạng trên khiến việc nâng cao chất lượng giáo dục luôn nan giải.

Kể từ khi có Đề án phát triển giáo dục mầm non, huyện Trạm Tấu đã bắt tay vào thực hiện với tất cả tinh thần vượt khó. Trong đó, hai khó khăn lớn nhất mà huyện phải đối mặt là sự thiếu thốn trầm trọng về cơ sở vật chất trường lớp học và giáo viên. Dẫu vậy, huyện đã tập trung chỉ đạo khắc phục những khó khăn đó bằng việc phát huy cơ sở trường lớp đã có, vận động nhân dân ở những nơi chưa có trường lớp học đóng góp gỗ, công sức, kêu gọi các cơ quan doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ tiền, vật liệu xây dựng nhà lớp học, đồng thời, bố trí học nhờ ở các nhà văn hoá thôn…

Đến nay, Trạm Tấu đã có 13 trường mầm non, 115 nhóm lớp với 2.655 học sinh, trong đó mới có 37 phòng kiên cố, 24 phòng bán kiên cố, còn lại là phòng học tạm, học nhờ. Quan trọng hơn cả là giờ đây người dân đã háo hức đưa con đến trường thay vì thầy cô phải vất vả đi vận động như trước kia. Bởi thế, năm học này, Trường mầm non của xã Bản Mù có chỉ tiêu tuyển sinh 11  lớp với 275 học sinh song số trẻ ra lớp vượt trên 30 cháu. 

Ông Sùng A Khay - một người dân ở xã Bản Mù cũng như bao người Mông khác có con đang học mầm non đều có chung tâm sự: "Có trường mầm non, chúng tôi vui lắm! Chúng tôi được lên nương làm mà không phải mang theo con. Con chúng tôi được cô giáo nuôi rất khoẻ mạnh, sạch sẽ. Chúng nó còn bé mà đã được học chữ, nói và hát được tiếng Kinh. Chúng tôi thương các cô giáo nhiều lắm vì các cô còn sống rất khổ để nuôi dạy con chúng tôi".

Bữa ăn của trẻ mẫu giáo vùng cao ở Trạm Tấu còn rất thiếu thốn.

Cùng với việc giải quyết những khó khăn về cơ sở trường, lớp học, sau 2 năm thực hiện Đề án, những khó khăn về thiếu giáo viên cũng cơ bản được khắc phục nhờ chính sách động viên, thu hút. Nhiều cô giáo từ tận miền xuôi xa xôi cũng lên đây dạy học. Nhiều cô khiến chúng tôi cảm phục bởi tình yêu nghề.

Cô Mùi Thị Lê là người Mường ở tỉnh Sơn La, sang đây dạy học khi vừa lập gia đình chỉ mới được mấy tháng. Rồi khi con nhỏ, phải rồng rắn cả chồng sang chăm con cho vợ lên lớp. Con cai sữa, lại dứt ruột gửi về quê trông nom, nhiều đêm nằm vỗ về những đứa trẻ ở vùng cao lại rớt nước mắt nghĩ về đứa con thơ xa mẹ.

Cô Hà Thị Khiên cũng người Sơn La, năm nay mới 21 tuổi, vẫn quyết tâm đến Tà Xi Láng dạy học dù nhà chỉ có hai chị em. Đêm đêm, Khiên cùng với đồng nghiệp ngủ cùng và trông nom 20 cháu ở bán trú từ 3 đến 5 tuổi. Nhiều đêm vừa chợp mắt thì trời đã sáng, Khiên vẫn lạc quan tâm sự: "Hơi vất vả nhưng nếu không có các em ở lại thì ban đêm các cô cũng buồn lắm!".

Cô Trần Khánh Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Ngọc xã Tà Xi Láng ngày nào cũng vượt núi mấy chục cây số đi về không kể nắng mưa. Cô bảo rằng, Nhà nước chỉ hỗ trợ cho mỗi cháu ăn trưa 120 nghìn đồng/tháng, cha mẹ các em chỉ đóng góp được củi đun, còn thì: "Cô nấu ăn tối thì cô trò cùng ăn!". Trường của Vân có 20 cháu từ 3 đến 5 tuổi ở bán trú tại điểm trường trung tâm và 10 cháu ở điểm trường thôn bản. Thành công nhất của Tà Xi Láng là 100% trẻ từ 3 đến 5 tuổi được ra lớp. Khó nhất là thôn Làng Mảnh có hơn 80 hộ dân nhưng ở trong 7 chòm và đi hết các chòm cũng mất non một ngày leo núi nên thôn mới có tới 2 điểm trường mầm non và có nhiều cháu phải ở bán trú.

Cả huyện Trạm Tấu chỉ có xã Hát Lừu và thị trấn huyện là không có học sinh mầm non bán trú. Vì thế nỗi vất vả chăm nom các cháu ở trường nào cũng giống nhau.  Bù lại, như cô giáo Nguyễn Thu Huyền - Phó hiệu trưởng Trường mầm non xã Pá Hu bảo: "Các cháu được ở tập thể từ bé đều có thể lực tốt, rất chăm ngoan, hình thành được tính độc lập, tự giác, tính kỷ luật và tính tập thể".

Còn thầy Nguyễn Thế Hợp - Hiệu trưởng Trường bán trú Tiểu học, Trung học cơ sở xã Pá Hu rất phấn khởi khẳng định: "Chất lượng học tập của học sinh tiểu học khi các em đã qua học mầm non chắc chắn là đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây chưa có mầm non".  

Huyện Trạm Tấu đang chú trọng đầu tư xây nhà công vụ cho giáo viên.

Trạm Tấu hiện có 4 đơn vị đạt chuẩn giáo dục mầm non, gồm các: xã Trạm Tấu, Hát Lừu, Bản Công và thị trấn Trạm Tấu. Ông Phạm Mạnh Tưởng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: "Các đơn vị đã đạt phổ cập giáo dục mầm non thì tập trung nâng cao chất lượng giáo dục. Địa phương đang phấn đấu 3 đơn vị đạt chuẩn vào năm 2013 gồm Pá Hu, Pá Lau, Phình Hồ và toàn huyện quyết tâm đến năm 2014 sẽ hoàn thành phổ cập mầm non 100%".

Hiện, toàn huyện còn khoảng chục điểm trường chưa có nhà lớp học nhưng theo lãnh đạo huyện, vấn đề này sẽ được giải quyết dứt điểm trong năm 2013 để 100% trẻ trong độ tuổi đều được ra lớp. Đồng thời, tiếp tục huy động mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường lớp học; từng bước giải quyết những khó khăn, thiếu thốn về thiết bị giảng dạy và đồ dùng học tập cho các nhà trường, số giáo viên còn thiếu khoảng hơn chục người cũng sẽ cố gắng sắp xếp cho đủ nhu cầu. Huyện sẽ phát huy tốt hiệu quả của mô hình kho thóc khuyến học đang có ở thị trấn và tất cả các xã, cố gắng vận động nhân dân đóng góp ở mức cao hơn để cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, trẻ mầm non sẽ có được chất lượng dinh dưỡng trong bữa ăn ngày càng tốt hơn.

Với quyết tâm này, chắc chắn Trạm Tấu sẽ trở thành điểm sáng của tinh thần vượt khó trong thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015, cũng sẽ là điểm nhấn quan trọng để Trạm Tấu đạt được kết quả cao hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, xây dựng nguồn lực trí tuệ để phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

 Hoàng Nhâm

Các tin khác
Đối tượng bị lừa đi lao động chủ yếu là thanh niên tuổi đời còn rất trẻ.

YBĐT - Đêm 26/6/2012 trở thành đêm đáng nhớ với người dân thôn 6, xã Tân Đồng. Cả xã đêm ấy gần như không ngủ. Nhà nào không có chồng, con theo xe của chủ môi giới đi làm thuê thì cũng có anh em, họ hàng. Người đi khổ đâu chưa biết, chỉ thấy người ở nhà chạy ngược chạy xuôi, lo đến mất ăn mất ngủ.

Một giờ học của các cháu lớp mầm non 3 đến 5 tuổi ở điểm trường Khe Quyền, xã An Bình.

YBĐT - Năm học 2012 - 2013, ngành học mầm non của huyện Văn Yên vẫn còn 34 phòng học tạm và 84 phòng học nhờ, mượn tại các nhà văn hoá thôn bản, các trường tiểu học, THCS. Sắp hết học kỳ I, toàn huyện còn thiếu 180 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non...

Phó chủ tịch xã Bản Công (Trạm Tấu) Hoàng Minh Thuật (đứng giữa) cùng cán bộ xã kiểm tra diện tích rừng tái sính.

YBĐT - “Điều quan trọng không phải là vị trí ta đang đứng mà chính là hướng ta đang đi”, đó là tâm niệm của các phó chủ tịch xã trẻ công tác tại các xã khó khăn thuộc 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải. >>Gặp mặt 20 đội viên về nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND các xã tại huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu / Cống hiến sức trẻ nơi vùng cao

Nông dân xã Nghĩa Phúc giúp nhau dựng nhà

YBĐT - Nằm kẹp giữa dòng suối Nung và suối Đôi, một xã thuần nông như Nghĩa Phúc luôn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức: ruộng ít, người đông, thiên tai rình rập, điểm xuất phát thấp... Bởi vậy, so với mặt bằng phát triển chung của thị xã Nghĩa Lộ thì Nghĩa Phúc đang là một xã khó khăn nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục