Trăn trở ngành học mầm non Văn Yên
- Cập nhật: Thứ ba, 25/12/2012 | 2:59:09 PM
YBĐT - Năm học 2012 - 2013, ngành học mầm non của huyện Văn Yên vẫn còn 34 phòng học tạm và 84 phòng học nhờ, mượn tại các nhà văn hoá thôn bản, các trường tiểu học, THCS. Sắp hết học kỳ I, toàn huyện còn thiếu 180 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non...
Một giờ học của các cháu lớp mầm non 3 đến 5 tuổi ở điểm trường Khe Quyền, xã An Bình.
|
Thiếu phòng học cho trẻ
Theo chân các cô giáo Trường Mầm non xã An Bình đến điểm trường thôn Khe Trang, Khe Rồng vào một buổi sáng mùa đông chúng tôi thực sự thấu hiểu nỗi vất vả của cô và trò nơi đây. Cơn mưa dầm làm đường đến lớp của cô và trò thêm khó khăn.
Mái nhà chung - lớp ghép mầm non từ 3 - 5 tuổi của cô giáo Trịnh Thị Minh Nguyệt tại điểm trường Khe Trang tập trung học sinh của 4 thôn, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Dao, phải đi xa 4 - 5 km. Nhà văn hoá thôn nhiều năm nay được mượn làm phòng học cho 2 lớp ghép, cơ sở vật chất đã xuống cấp không được đầu tư, nên cô Nguyệt dạy ca sáng, còn cô Hằng dạy ca chiều.
Cũng vì mượn nên khi nào thôn họp là các cháu phải nghỉ học. Hơn nữa, đồ dùng trang trí thường bị mất, trang thiết bị dạy học không được trang bị đầy đủ theo quy định. Cô giáo Huỳnh Xuân Thuỷ - Hiệu trưởng Trường Mầm non An Bình cho biết: Hiện nay nhà trường còn 4 phòng học phải mượn hội trường thôn bản và điểm lẻ của trường tiểu học.
Bà Nông Thị Minh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên:
Huyện đã tập trung đầu tư cho bậc học mầm non. Riêng trong năm 2012, đã huy động gần 1 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nguồn ngân sách địa phương xây dựng mới 16 phòng học. Thời gian tới, Văn Yên tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non. Đề nghị được bổ sung biên chế giáo viên và có chế độ thu hút giáo viên mầm non để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ngành học này. |
Hàng ngày các cô giáo vẫn phải ôm đồm đồ dùng dạy học đến các điểm nhờ để dạy trẻ. Chất lượng giáo dục rõ ràng là ảnh hưởng, hoạt động của thôn bản nhiều khi lại trùng với hoạt động của nhà trường gây khó khăn cho việc dạy và học. Đó là chưa nói đến việc cơ sở vật chất của các nhà văn hoá không đảm bảo yêu cầu.
Không chỉ ở Trường Mầm non An Bình, hầu hết các trường mầm non trên địa bàn huyện Văn Yên đều thiếu phòng học, nhất là tại các xã vùng 3 như: Lang Thíp hiện thiếu 6 phòng học, Lâm Giang thiếu 6 phòng học, Dụ Thượng thiếu 5 phòng học…
Theo Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo Văn Yên Hà Thị Liên, toàn huyện có 163 phòng học mầm non, trong đó, kiên cố 75 phòng (46%), bán kiên cố 56 phòng (34%), nhà tạm 32 phòng (19,6%); 36,5% số nhóm lớp có đủ trang thiết bị tối thiểu, 10,7% số trường có các bộ đồ chơi, phần mềm đồ chơi ứng dụng công nghệ thông tin. Toàn huyện đến nay vẫn còn 84 phòng học nhờ, mượn tại các nhà văn hoá thôn bản, các trường tiểu học, THCS.
Do cơ sở vật chất, trường lớp còn thiếu nên tại nhiều điểm trường lẻ nhà trường vẫn bố trí ghép các cháu từ 3 - 5 tuổi chung một lớp. Điều này gây khó khăn cho giáo viên vì nhận thức của trẻ khác lứa tuổi không giống nhau, cách thức sinh hoạt, ăn uống cũng khác nhau nhiều.
Một giờ học của cô và trò tại nhà văn hóa thôn Vực Bát, xã Phong Dụ Hạ.
Mặt khác, dễ nảy sinh và rất khó kiểm soát trẻ lớn tuổi bắt nạt trẻ nhỏ tuổi. Do thiếu sân chơi nên không có chỗ cho trẻ tập thể dục, hoạt động ngoài trời, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần của trẻ. Bên cạnh thiếu lớp học, các điều kiện khác như việc tổ chức nấu ăn trưa tại lớp ở nhiều điểm trường không thực hiện được, gây ảnh hưởng lớn đến việc huy động trẻ ra lớp.
Ở các xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp mới đạt 73% tổng số học sinh mẫu giáo toàn huyện. Năm học 2012-2013, ngành học mầm non của huyện Văn Yên có 28 trường độc lập và 2 trường gắn với trường tiểu học, trung học cơ sở với 281 nhóm lớp với 7.343 cháu. So với năm học trước Văn Yên tăng 16 nhóm lớp và tăng 599 trẻ đến trường.
Đến thiếu giáo viên
Việc thiếu giáo viên ở Văn Yên cũng đang là vấn đề cần được quan tâm. Hiện tại huyện còn thiếu 180 cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên mầm non. Tại điểm lẻ lớp mầm non đang học nhờ tại nhà văn hoá thôn Khe Quyền, xã Đông An. 8 giờ sáng một mình cô giáo Nguyễn Mai Linh đang dạy 25 trẻ từ 3 - 5 tuổi với các bài soạn giảng phù hợp với lứa tuổi các cháu.
Nhà văn hóa thôn 8, xã Lâm Giang là lớp học của gần 30 trẻ từ 3 - 5 tuổi.
Chăm sóc, dạy trẻ cả ngày, sáng phải đến lớp sớm đón trẻ, chiều 5 giờ mới trả trẻ xong. Vì là giáo viên hợp đồng ngắn hạn nên cô được trả lương 1.050.000 đồng/tháng, ngoài ra không có phụ cấp gì khác. Cô Linh chia xẻ: Buổi sáng thường thì 7 giờ đón trẻ nhưng em phải đến sớm hơn để vệ sinh lớp, buổi chiều bắt đầu trả từ 4 giờ trở đi nhưng nhiều lúc phụ huynh đi làm chưa về, cô và trò phải ngồi chờ đến tối mịt.
Chế độ của giáo viên hợp đồng thấp, áp lực công việc lại lớn bởi ngoài giảng dạy cho trẻ nhận thức, múa hát em còn phải chăm sóc cả trẻ nữa. Trẻ vốn rất hiếu động nên việc đảm bảo an toàn chẳng dễ chút nào. Được biết, Trường Mầm non Đông An được thành lập đã 8 năm nhưng từ khi thành lập đến nay, nhà trường luôn trong tình trạng thiếu giáo viên.
Ngoài 5 giáo viên trong biên chế, trường phải hợp đồng với 12 giáo viên nữa mới đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Bình quân mỗi năm học nhà trường thiếu từ 5 - 6 giáo viên. Năm học 2012 - 2013, trường có 275 cháu, tăng 3 nhóm lớp nhưng vì không đủ giáo viên nên 10 lớp học mầm non đều chỉ có 1 giáo viên/lớp.
Trao đổi với một số giáo viên các lớp mầm non ở Khe Rồng, Khe Trang, Khe Quyền, các cô đều bày tỏ sự lo lắng khi số lượng giáo viên ít mà số trẻ trong lớp lại đông. Việc đứng lớp một mình trong thời gian dài gây áp lực cho giáo viên, ảnh hưởng tới sức khoẻ của họ.
Để sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, năm 2011, được sự đồng ý của UBND tỉnh, huyện đã phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên mầm non cho trên 70 giáo sinh đã ra trường nhưng do ngành giáo dục - đào tạo và UBND tỉnh vẫn chưa có văn bản chính thức nào về việc cho ký hợp đồng giáo viên mầm non năm học 2012 - 2013 nên số giáo viên này phải “chờ đợi” trong khi các trường mầm non đang rất cần được bổ sung giáo viên.
Sau 2 năm triển khai Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2011 - 2015, ngành giáo dục và đào tạo Văn Yên đang gặp những khó khăn không nhỏ. Hầu hết các trường đều thiếu phòng học, phòng chức năng, công trình vệ sinh, bếp ăn một chiều, công trình nước.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên còn nhiều bất cập, chưa thực sự đáp ứng với nhu cầu phát triển trong huyện. Giáo viên thiếu về số lượng, chất lượng không đồng đều, tỷ lệ giáo viên mầm non biết tiếng dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn còn thấp, giáo viên trong biên chế tuổi đời cao nên việc tiếp cận ứng dụng chương trình giáo dục mầm non mới và ứng dụng công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế; số trẻ mẫu giáo được tổ chức ăn tại đạt thấp, số trẻ 5 tuổi học chương trình giáo dục mầm non mới chưa nhiều do thiếu giáo viên, thiếu phòng học.
Để giải bài toán cơ sở vật chất, giáo viên mầm non ở Văn Yên không chỉ cần sự đầu tư, hỗ trợ chính sách kịp thời, đồng bộ của Nhà nước, của tỉnh mà còn cần sự quan tâm của toàn xã hội. Mong rằng những khó khăn của bậc học mầm non Văn Yên sẽ sớm được cải thiện.
Quỳnh nga
Các tin khác
YBĐT - “Điều quan trọng không phải là vị trí ta đang đứng mà chính là hướng ta đang đi”, đó là tâm niệm của các phó chủ tịch xã trẻ công tác tại các xã khó khăn thuộc 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải. >>Gặp mặt 20 đội viên về nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND các xã tại huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu / Cống hiến sức trẻ nơi vùng cao
YBĐT - Nằm kẹp giữa dòng suối Nung và suối Đôi, một xã thuần nông như Nghĩa Phúc luôn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức: ruộng ít, người đông, thiên tai rình rập, điểm xuất phát thấp... Bởi vậy, so với mặt bằng phát triển chung của thị xã Nghĩa Lộ thì Nghĩa Phúc đang là một xã khó khăn nhất.
YBĐT - Vốn là những con người cần cù lao động nên mùa nào việc nấy họ làm chẳng ngơi tay, bõ công trồng cấy, đổi lại bà con đã có cuộc sống no đủ, bộ mặt nông dân, nông nghiệp, nông thôn ở Trấn Yên đã có nhiều khởi sắc.
YBĐT - Trong khi bao đứa trẻ được sống trong vòng tay yêu thương, vỗ về, ôm ấp chăm lo của cha mẹ, từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc học hành thì ở đâu đó trong cuộc đời này vẫn còn những số phận, những mảnh đời thật éo le, bất hạnh nhưng đầy nghị lực vươn lên, thắp lên tia hy vọng từng ngày về một cuộc sống mới.