Trăn trở với huyện nghèo

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/12/2012 | 9:13:56 AM

YBĐT - “Điều quan trọng không phải là vị trí ta đang đứng mà chính là hướng ta đang đi”, đó là tâm niệm của các phó chủ tịch xã trẻ công tác tại các xã khó khăn thuộc 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải. >>Gặp mặt 20 đội viên về nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND các xã tại huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu / Cống hiến sức trẻ nơi vùng cao

Phó chủ tịch xã Bản Công (Trạm Tấu) Hoàng Minh Thuật (đứng giữa) cùng cán bộ xã kiểm tra diện tích rừng tái sính.
Phó chủ tịch xã Bản Công (Trạm Tấu) Hoàng Minh Thuật (đứng giữa) cùng cán bộ xã kiểm tra diện tích rừng tái sính.

Tôi cứ "lăn tăn" mãi về chuyện 20 trí thức trẻ tình nguyện về làm phó chủ tịch (PCT) UBND các xã thuộc 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải (2 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước). Rồi tôi tự hỏi, họ đều còn rất trẻ như vậy (người nhiều tuổi nhất sinh năm 1983, ít tuổi nhất sinh năm 1989), vốn sống còn ít ỏi lắm mà lại gánh trên vai trọng trách "đánh thức tiềm năng, phát huy thế mạnh, vực dậy cả một hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội", liệu họ có làm gì được gì cho vùng cao không? Rồi câu hỏi ấy trở thành nỗi niềm trăn trở, thôi thúc tôi quyết tâm tìm kiếm để thấu hiểu: Họ là ai? Họ làm gì? họ đã, đang và sẽ làm như thế nào?...

Sức trẻ cống hiến

Làn da chuyển màu đồng rắn rỏi, lối trò chuyện cởi mở, bước chân như sải rộng hơn và đôi mắt luôn ngời sáng, ánh lên niềm tin kiên định... đó là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp lại các trí thức trẻ sau hơn 8 tháng về địa phương đảm nhiệm trọng trách PCT UBND xã... Họ đều đã tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác nhau (kinh tế, sư phạm, nông lâm, kỹ thuật...), vài người có thâm niên công tác một số năm, hàng tháng nhận tiền lương cả chục triệu đồng nhưng điều đó chưa làm các trí thức trẻ hài lòng.

Đơn giản, những thanh niên giàu nhiệt huyết này muốn được thử sức mình, sống và cống hiến nhiều hơn. Giờ đây, khi đã trở thành PCT UBND xã, đối diện với không ít khó khăn, họ vẫn vững tin vào sự lựa chọn của mình.

Đối với nhiều cán bộ trẻ đang công tác tại xã Làng Nhì (Trạm Tấu), con đường đến thôn Háng Đay chính là “liều thuốc” thử ý chí khắc nghiệt.

Với đoạn đường gần chục km, khách bộ hành phải hì hục trèo đèo, leo dốc. Người can đảm nhất cũng lạnh gáy khi đi giữa những lối mòn một bên sâu hun hút vực thẳm, một bên là vách đá dựng đứng, với cơn mưa rừng não nề... Vậy mà mới về xã Làng Nhì công tác, chàng trai Lò Văn Khởi (sinh năm 1987) đã tất tả đến với người dân thôn Háng Đay để góp công xây dựng điểm trường lẻ của Trường Mầm non Bình Minh đặt tại thôn... Nhà ở xã Hát Lừu cùng huyện, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp Hưng Yên, xác định gắn bó với quê hương Trạm Tấu, Lò Văn Khởi quyết định đăng ký tình nguyện về vùng cao theo dự án về làm PCT xã...

Dẫn chúng tôi trên đường vượt dốc vào thôn, lau vội giọt mồ hôi lăn dài trên má, Khởi chia sẻ: “Thôn Háng Đay nằm xa trung tâm xã. Mình phải đến tận nơi tìm hiểu cuộc sống bà con, từ đó mới có thể giúp người dân một cách thiết thực”.

Ngoài việc xây trường, đảm nhận vai trò phụ trách lĩnh vực văn hoá, xã hội, Khởi còn góp nhiều công sức trong việc thành lập đoàn kiểm tra rà soát diện tích tái trồng cây thuốc phiện; vận động bà con nhân dân canh tác, trồng cây lương thực vụ 3; thực hiện hương ước, quy ước trong cưới hỏi, ma chay và xây dựng nếp sống văn hoá ở khu dân cư; vận động, hướng dẫn người dân xây dựng các dự án chăn nuôi mô hình nhỏ, nuôi các loại gia súc, gia cầm truyền thống như gà chân đen, lợn địa phương... nhằm cung cấp nguồn thức ăn tại chỗ và một phần trở thành hàng hoá bán ra bên ngoài...

 

Thời gian làm việc nhà ít ỏi của Lò Văn Khởi kể từ khi nhận công tác ở xã Làng Nhì.

Hơn 8 tháng nay, trong vai trò PCT UBND xã, đôi chân anh trí thức trẻ mới về công tác tại xã Bản Công (Trạm Tấu) Hoàng Minh Thuật đã băng bổ khắp nẻo đường rừng. Quê mãi tận xã Kiên Thành (Trấn Yên), đã có vợ và 2 con kháu khỉnh nhưng với quyết tâm "phải làm được cái gì đó giúp đồng bào vùng cao", Thuật đã tình nguyện lên đây công tác. Xa gia đình với những đêm trằn trọc khó ngủ vì điều kiện khí hậu thay đổi, Thuật vẫn kiên định với lựa chọn của mình.

Gác lại nỗi âu lo về nơi ăn ở, điều kiện làm việc thiếu thốn, khối lượng công việc nặng nề, hàng ngày, Thuật đến từng thôn bản để “mục sở thị” cuộc sống người dân. Anh tham gia tích cực vào chương trình xóa nhà dột nát cho hộ nghèo ở Bản Công theo Quyết định số 167 của UBND tỉnh. Mới từ tháng 3 đến nay mà đã có 3 nhà hoàn thành, được bàn giao cho người dân sử dụng, 4 nhà nữa đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, sắp sửa khánh thành trước dịp tết Nguyên đán...

Theo Thuật thì khó khăn lớn nhất đối với anh khi lên công tác nơi đây không phải là điều kiện ăn ở, đi lại mà chính là việc làm quen với phong tục, tập quán của đồng bào. Vốn là người dân tộc Tày, lại lên công tác tại cơ sở có đại đa số là người Mông, cản trở lớn nhất trong quá trình công tác là bất đồng ngôn ngữ khi giao tiếp.

Thuật tâm sự: "Lúc mới đầu em cũng hơi sợ, sợ vì nghe mà không hiểu người khác nói những gì, có gì không đồng ý với mình hay không để mà điều chỉnh. Sau rồi qua tiếp xúc hàng ngày, gần gũi chia sẻ với bà con, được sự giúp đỡ của các cán bộ khác trong xã, em cũng làm quen và dần dần học giao tiếp bằng tiếng địa phương. Tuy chưa được nhiều nhưng em sẽ ngày càng cố gắng để có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao".

Với Thuật, việc "nằm bản" vài ngày để cùng người dân gieo trồng, sản xuất lương thực là chuyện thường. Có những bản xa như Tôn Sán Trá phải đi bộ 12km đường rừng núi mới đến nơi, khi nghe nhắc đến PCT Thuật, bà con đều tươi cười hồ hởi như đã thân thiết từ lâu lắm...

Trong tiềm thức người dân, lãnh đạo xã thường là những người lớn tuổi, tiếng nói có trọng lượng. Thế nên, khi thấy những trí thức trẻ về địa phương đảm nhiệm trọng trách PCT UBND xã, một số người cũng tỏ ra nghi ngại, nhất là lại đối với một nữ cán bộ.

Chị Điền Thị Say (sinh năm 1984) - một trong hai bóng hồng hiếm hoi đợt này về làm PCT công tác tại các xã thuộc huyện Mù Cang Chải, giờ nhận công tác tại xã Púng Luông chia sẻ: “Trước lúc về đây, mình đã chuẩn bị tinh thần chịu khó, chịu khổ. Nhưng bắt tay vào công việc mới thấy những gì mình tiên liệu chỉ mới là phần rất nhỏ. Mình bắt đầu làm quen với việc vạch rừng tìm đến dân, xắn quần cày ruộng cùng bà con, ngày đêm vận động mọi người thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước... Càng nếm trải vất vả, mình càng thương người dân và nhắc nhủ bản thân nỗ lực nhiều hơn nữa”.

Là người dân tộc Giáy, sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở xã Gia Hội (Văn Chấn), việc đồng áng không còn lạ lẫm gì với Say. Nhưng tập quán canh tác và thói quen sinh hoạt của đồng bào người Mông ở Púng Luông có nhiều cái rất khác khi ở nhà, cộng với bất đồng ngôn ngữ và một phần ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt vùng cao nên phải mất một thời gian Say mới làm quen được với công việc.

Nhớ lại những ngày đầu lên nhận công tác, cô PCT phụ trách nông lâm xã Púng Luông tươi cười nói: "Mới đầu nghe nói được nhận công tác đúng với chuyên môn mình đã theo học (Say tốt nghiệp chuyên ngành nông lâm kết hợp của Đại học Thái Nguyên - PV) thì thấy vui lắm. Nhưng bắt tay vào làm mới thấy mình còn thiếu nhiều kinh nghiệm thực tế.

May được các đồng chí cán bộ khác và bà con nhân dân gần gũi giúp đỡ, việc gì chưa hiểu thì hỏi, chưa biết thì nghiên cứu nên cũng dần làm quen, không còn sợ khó nữa". Giờ đây PCT UBND xã Điền Thị Say đã trở nên thân thuộc với bà con nhân dân, những cánh rừng, từng thớt ruộng Púng Luông đã in dấu chân cô trí thức trẻ tình nguyện lên với vùng cao.

Say đã chủ động phối hợp với các đơn vị cấp huyện tổ chức được 2 lớp tập huấn về chế biến, bảo quản nông - lâm sản và chăn nuôi cho bà con nhân dân trong xã; vận động bà con canh tác vụ đông, hướng dẫn người dân cách dự trữ rơm rạ để vào vụ mùa; tuyên truyền về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng mùa hanh khô cho người dân...

Khi chúng tôi hỏi đến chuyện gia đình, Say cười rất tươi: "Mình có bạn trai rồi, 2 bên gia đình cũng vừa tổ chức lễ ăn hỏi, chuẩn bị ngày cưới. Tuy xa nhà, xa người thân nhưng điểm tựa của mình là luôn nhận được sự ủng hộ hết mình từ gia đình, bạn bè. Vì thế, không gì có thể cản bước mình, mình sẽ tiếp tục tình nguyện cống hiến công sức cho vùng cao, hy vọng mang đến cho nơi đây những điều tốt đẹp nhất".

Tâm huyết cùng “quê mới”

 

Những trí thức trẻ tình nguyện làm phó chủ tịch xã nghèo thường xuyên đến các bản làng xa xôi tìm hiểu thực tế cuộc sống người dân.

“Điều quan trọng không phải là vị trí ta đang đứng mà chính là hướng ta đang đi”, đó là tâm niệm của các PCT xã trẻ công tác tại các xã khó khăn thuộc 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Ngay từ khi nộp đơn tình nguyện, họ đã không đặt nặng vấn đề quan quyền, thay vào đó, ai cũng sục sôi quyết tâm cống hiến. Đối với các bạn trẻ, mỗi ngày trôi qua đúng nghĩa là một ngày tất bật. Dẫu nếm trải nhiều vất vả, gương mặt họ vẫn ánh lên niềm say mê. “Trước khi đi ngủ, mình thường tự hỏi, hôm nay bản thân đã làm gì có ích cho người dân? Nếu ngày nào câu trả lời để ngỏ, mình áy náy không yên” - anh Tô Văn Học, PCT xã Cao Phạ (Mù Cang Chải) bảo vậy.

Về phần mình, sự say mê công việc của anh Học thể hiện bằng hành động giản dị: “Mỗi ngày, mình đều vạch ra trong đầu kế hoạch hôm nay phải làm gì, công việc ấy cần thiết đến mức nào. Bên cạnh đó, mình luôn dành thời gian để đến thăm hỏi tình hình, động viên người dân”. Có thể nói sự ý thức ấy đã phần nào giúp người dân tin tưởng hơn vào năng lực của các trí thức trẻ.

Từ khi đặt chân đến miền quê mới, họ đã xác định: “Có gần dân, tận tụy với dân thì dân mới tin yêu”. Hơn ai hết, các PCT xã trẻ hiểu không thể làm người dân tin tưởng thông qua lời nói suông. Vì vậy, họ đã biến ý tưởng thành hành động cụ thể. Trạm Tấu và Mù Cang Chải là 2 trong số 62 huyện nghèo của cả nước, địa bàn các trí thức trẻ về công tác đều là các xã khó khăn của huyện. Vì vậy, các PCT UBND xã đều chung quyết tâm giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Hiện họ đang chung tay xây dựng đề án nông thôn mới với mong muốn thay đổi diện mạo quê hương. Bên cạnh đó, việc khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương cũng được các PCT xã đặc biệt quan tâm. Đặc biệt hơn, nhiều vấn đề khác cần đặt ra như giữ gìn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, bảo vệ an ninh - trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, vận động người dân sinh đẻ có kế hoạch; đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài... cũng đã được các PCT xã đặc biệt lưu tâm. Tất cả họ - những trí thức trẻ tình nguyện đang cùng góp sức làm nên diện mạo mới cho các cơ sở vùng cao còn nhiều gian khó...

Đàm Đức Đông - PCT xã Hồ Bốn (Mù Cang Chải) khẳng định: "Tôi và những người như chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình, mang nhiệt tình và tâm huyết ra xây dựng, cống hiến cho miền quê mới ngày càng giàu đẹp, kinh tế - xã hội phát triển bền vững"...

 Vĩ thanh

Chia tay trong cái lạnh se se của núi rừng, tôi đề cập đến câu hỏi vốn đặt nặng trong tâm trí mình từ khi bắt đầu cuộc hành trình tìm hiểu về họ: “Liệu các bạn đã nghĩ đến chuyện mình sẽ làm gì sau 5 năm nữa, khi hết nhiệm vụ tăng cường? Biết đâu các bạn không còn là PCT UBND xã. Và biết đâu khi đó các bạn phải tay trắng ra đi?”. Trái với sự ái ngại của tôi, các trí thức trẻ vẫn nở nụ cười vui vẻ: “Từ khi nộp hồ sơ tình nguyện, chúng mình đã nghĩ đến điều đó. Nhưng anh em không để nỗi trăn trở làm sao nhãng công việc. Hôm nay và ngày mai, chúng mình chỉ nghĩ đến việc cống hiến, xung kích, tình nguyện nhiều hơn” – anh Hà Chánh Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Pá Hu (Trạm Tấu) khẳng định.

Tôi chắc rằng, anh Thảo và các PCT xã trẻ khác không nói suông; cũng chắc rằng họ sẽ được  thưởng xứng đáng với những gì đã, đang và sẽ tiếp tục cống hiến...

Thiên Cầm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục